Tôi-110. THÀNH CÔNG

Thành công không mang nghĩa đạt thành tích nào đó, mà là bạn làm được điều gì đó có ý nghĩa.

11 tuổi, 3 tháng Hè đạp xe qua nhiều palei Cham bán cà-rem, đã dạy tôi tinh thần tự lập, sự quyết tâm và biết đến mùi vị thành công… đầu tiên!

Tôi vốn là kẻ mơ mộng. Dù hiện vẫn còn mơ mộng, nhưng trước đó: mơ mộng hão. Từ 34 tuổi, mở quán tạp hóa ở quê, tôi thôi mơ theo mây, mà bám mặt đất. Mở màn cho công cuộc, tôi vào Sài Gòn ôm về cả đống sách dạy làm giàu, đọc tóm lược, làm nên cuốn CON ĐƯỜNG THÀNH CÔNG [đã kể].

Vận dụng nó, tôi thành công. Tút này tóm lược cực ngắn bản thảo kia. Các bạn đọc, nghiền ngẫm, và vào cuộc để cùng… thành công, nhé.

[1] HÃY BIẾT DÁM

– 20 tuổi, ý thức sâu thẳm bản thân, tôi bỏ Đại học, để… HỌC.

Học bằng đọc, đọc kinh khủng. Đọc đủ loại, sách chứ không phải báo. Đọc, bất kì đâu. Sau buổi cày, dưới ánh đèn leo lét, hay giữa giờ làm việc tay chân…

– Học để DẪN ĐẦU. Tôi là kẻ dám đi đầu, đi đầu để dẫn đầu. Và dám nhận trách nhiệm.

Ở đâu, và bất cứ công việc gì. Từ phong trào thanh niên quê nhà, mở lớp dạy chữ Cham, biên soạn Từ điển ở Đại học hay lên tiếng các vấn đề xã hội, vân vân.

– NGHĨ LỚN, để làm lớn.

Đưa bản thảo Văn học Cham khái luận cho Trung tâm in, thầy BKT nói: Nên lấy tên “Bước đầu tìm hiểu văn học Cham” có lẽ hay hơn, Trạm à. Tôi nói: không. Và ngay năm đó, tôi đã ra bộ Văn học Cham oách phải biết.

– Làm KHÁC, và mới. Thổ cẩm Cham, khi bà con làm hàng mang lên Tây Nguyên, chúng tôi mở quầy ở Sài Gòn; khi Cham còn bán hàng thô, chúng tôi đã chế biến ra nhiều mẫu mã khác nhau; khi chị em mãi lách cách với khung thủ công, chúng tôi đã lên bán công nghiệp; rồi khi hàng Chakleng tràn vào thành phố, thổ cẩm Inrahani đã ra thế giới…

[2] BIẾT THÀNH CÔNG

– Muốn thành công, chớ nghĩ đến chữ THẤT BẠI.

Ra đặc san Tagalau, quý thầy ngăn, tôi: không. Mở quán tạp hóa tại Chakleng, bạn bè can, tôi: không. Tôi làm, và tôi đã làm được.

– Muốn thành công, cần HIỂU CÔNG VIỆC.

Muốn hiểu, phải nghiên cứu. Tôi có tiểu luận: “Làm thơ cũng phải nghiên cứu”! Câu cá: nghiên cứu, chích heo: nghiên cứu, mở quán tạp hóa: nghiên cứu, thuyết trình: nghiên cứu…

– Bắt tay vào LÀM NGAY, chớ trì hoãn. Và làm TỚI CÙNG.

Tới cùng, tôi khoái nhất chữ này. Làm nửa chừng rồi bỏ dở, không nói gì hơn một tâm hồn bạc nhược. “Hoàn thành tốt hơn hoàn hảo”, ai nói câu đó? Cứ hoàn thành đã, chỉnh sửa hoàn hảo sau.

Tập thơ Lễ Tẩy trần tháng Tư, tại Trại Sáng tác Vũng Tàu 2002, thay vì bù khú bạn bè, tôi đóng cửa làm một hơi trong 21 ngày. Tiểu thuyết Tcherfunith, tôi viết liên tục trong 12 ngày tại Trại Sáng tác Tuy Hòa.

– Luôn tiến về phía trước. Không ngưng nghỉ, cả khi bạn đang ở trên đỉnh cao!

– Tôi chỉ làm những gì MÌNH THÍCH. Sau đó, thích những gì mình làm. Làm và vui. “Chớ làm con ngựa kéo xe” – Henri Miller.

[3] “EM TẬP TÁNH TỐT”

Chương trình Tiểu học thập niên 1960, có sách giáo khoa mang tên đó. Sau 1975, loài này tiệt chủng. Để rồi trẻ con dưới mái trường XHCN hết cơ hội tập tánh tốt. Uổng không? Đâu là thói quen tốt của tôi?

– Thể dục buổi sáng, võ buổi chiều và yoga tối – chưa bao giờ rời bỏ tôi. “Hãy biến thân thể bạn thành cỗ xe tốt nhất để chở linh hồn bạn vượt qua biển đời” – Vivekananda!

– Tuyệt không than thở, phàn nàn. Lại Vivekananda: “Hãy là đàn ông, hãy đứng thẳng dậy và đổ lỗi vào đầu mình”. Chường bộ mặt nhăn nhó, sầu não ra chợ đời, là điều tối kị với tôi.

– Lập danh sách cho mục tiêu. Đúng giờ, giữ lời hứa, và “biết cách nói không”.

– Ghi chép, cái gì cũng phải ghi chép. Nguyễn Hiến Lê: “Kí tính tốt nhất không bằng nét mực mờ nhất”.

– Tự hào về thành công của mình, dám khoe mình. Tại sao không?

– Có tinh thần phụng sự. Tiết kiệm, làm nhiều tiêu ít. Có tiền để giúp người, giúp đời.

[4] TÔI ĐÃ LÀM GÌ CÓ Ý NGHĨA?

Trả lời câu hỏi của bạn trẻ, tôi không kê khai tác phẩm với giải thưởng hay thành tích lớn bé chi chi, mà những gì tôi thích bên cạnh nó mang ý nghĩa nào đó với xung quanh. Tạm kê 7 món:

Về Cham…

– Cho ra bộ Văn học Cham, tôi chỉ là nhà nghiên cứu, còn quảng bá nó ra cho thế giới thấy Cham có nền văn học bề thế, mới là ý nghĩa – tôi là người đầu tiên làm điều đó;

– Sáng lập đặc san Tagalau cho Cham, điều chưa Dân tộc thiểu số VN nào làm được;

– “Đi tìm sinh lộ cho Cham Ahiêr Awal”, gợi mở nghiên cứu Hải sử & văn hóa biển Cham, là đề tài mang tính phát hiện;

– Xây dựng Nhà Trưng bày Văn hóa Cham ở quê nhà, lập Cty Thổ cẩm Cham – đầu tiên cùng nhiều cải cách quan trọng.

– Lên tiếng hiệu quả về mọi vấn đề cộng đồng…

Về văn học…

– Chủ trì Bàn tròn Văn chương và Cà-phê thứ Bảy Văn học động cập nhiều chủ đề nóng; xiển dương và diễn giải sáng tác hậu hiện đại Việt, làm cho hậu hiện đại trở nên quen thuộc ở Việt Nam;

– Khởi động phê bình mới: Phê bình Lập biên bản, qua đó giải trung tâm văn chương Việt đương đại, nhấn về phần ngoại vi, góp phần làm giàu nền văn học đa dân tộc Việt Nam.

Kết. Như là PHÁP THÍ…

Đây là các bài học của tôi được tinh gọn. Trăm người đọc, hi vọng có 50 người lưu ý; từ một nửa này sẽ nẩy ra mươi người ứng dụng. Cuối cùng: 1-2 kẻ thành công, là đủ vui rồi.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *