Tôi-109. LÀM GIÀU

Năm 2017, tôi có serie mươi bài: “Cham vẫn có thể làm giàu”, sau đó lặp lại, mở rộng thêm. Vậy mà chả có Cham nào tin nghe, làm theo. Và ta vẫn cứ nghèo.

Khởi đầu, từ tâm thế nào?

Yêu người giỏi, thích kẻ thành công. Thành và giỏi bằng chính khả năng mình, chứ không phải ăn của dân, bòn rút của đất nước. Như ông Inrasara ấy! Ai thấy tôi đố kị với kẻ giỏi hơn mình, là… giàu! Ngược lại, ngay từ tuổi hiểu biết, nghe tiếng ai giỏi là tôi tìm đến, học và hỏi.

Làm giàu, từ đâu? Từ rời bỏ tâm tính đố kị, nghĩ điều gì khác với tinh thần chuyên làm công ăn lương [chú ý không có ý phân biệt đối xử]. Đố kị chỉ chuốc về cơn đau tim, còn chuyên làm công ăn lương muôn đời bạn giậm chân tại chỗ, không nhích lên được.

[1] Làm giàu từ bàn tay trắng, hoặc từ đồng vốn rất ít.

Đại dịch Covid-19, tôi nhìn thấy ở nông thôn cách làm giàu, mang bày cho ba bạn trẻ. Lạ, cả ba đều kêu thiếu vốn. Tôi kể chuyện mình qua nhiều ngón nghề khác nhau:

Năm 1984, lập gia đình theo vợ về Cok, tay trắng, tôi bắt đầu từ mảnh đất cằn 1,5 sào bỏ hoang. Qua nửa năm cật lực, tôi thừa gạo thóc, rau quả, trứng gà, thịt vịt cho nhà 5 miệng ăn.

Năm 1991, với mỗi chỉ vàng sắm cassette nhỏ, tôi thầu cửa hàng HTX, xuống Phan Rang tìm mối hàng hóa đủ loại nhận kí gửi. Để chưa đầy hai năm, tôi mua nguyên lô đất, dựng quán tạp hóa tầm cỡ, còn thừa vốn vào sống Sài Gòn.

Năm 1993, Thương xá TAX, tôi sang lô nhí 1,2x2m bán thổ cẩm, rồi sau ba năm mở rộng gấp 7 lần, là chuyện khó tưởng tượng với Cham lần đầu có mặt ngay trung tâm kinh tế lớn nhất nước.

Mà đâu mỗi kinh doanh buôn bán, nghiên cứu cũng hệt. Trong tay không mảnh tư liệu, tôi lang thang vào các palei Cham sưu tầm, để sau 24 năm dựng nên lâu đài Văn học Cham đồ sộ! Và nhiều thứ khác nữa. Tại sao cứ phải có vốn mới bắt đầu! Tại sao không thể…

“Bắt đầu từ bàn chân trần trắng, từ con số không

Bắt đầu từ con số âm – có lẽ” (Tháp nắng, 1996)

[2] Muốn giàu [hay giỏi], bạn không thể không trả giá.

“Em tập thói quen tốt”: dậy sớm, bỏ tật lười thể dục. Nàng – cắt đuôi tính tùy thích [thay vì mua cái váy 200k bạn nên chọn chiếc 70k], chàng – dám đứng dậy rời khỏi bàn nhậu, dành thì giờ tán gẫu cho đọc sách.

Trả giá, bạn còn tìm thấy niềm vui trong đó.

Nhà quê thiếu thốn đủ điều, muốn có kiến thức, tôi phủi bỏ Đại học, về quê cày thuê để mỗi tháng đón xe đò vào Sài Gòn ôm đống sách về, đọc. Chớ gì tôi cứ bám giảng đường để sau 4 năm ra làm giáo viên cấp III, thì làm gì Cham có một Inrasara!

[3] Đừng khất. Bắt đầu ngay bây giờ đi. Và tới cùng.

Xong Tiểu học, để có tiền mua sách vở, tôi bán cà-rem. Các bạn bỏ dở chừng, tôi: chơi cho đến hết mùa hè. Đất nước trường kì ăn độn, muốn có gạo trắng cho cả nhà ăn, tôi làm hàng xáo. Mùa bấc gió Phan Rang như phan[g], từ Chakleng qua Phan Rang 10km, khúc nào đạp xe cọc cạch không thấu, tôi đẩy cả tạ gạo đi – về, kiếm chênh lệch.

[4] Và vận dụng “triết lí tiền lẻ” [xem tiểu thuyết Chân dung Cát-2006].

Chàng trai nọ chịu khó hết biết, vay nóng 100k [thập niên 1990 lãi 10% mỗi ngày] cho vợ bán hàng xén. Ngày kiếm được 30k, tối về nộp cho bà chủ 10k, 20k chi tiêu. Tạm qua ngày. Tôi hỏi:

– Nhỡ bé ở nhà nóng sốt thì sao? Im lặng, tôi tiếp:

– Cháu muốn dứt cái nợ đời kia không?

– Làm sao được chú?

– Như vầy nhé. Có 20k, chịu nhịn xíu, cháu tiêu 16,5k thôi, chừa lại 3,5k. Thử làm con toán 3,5k x 30 ngày, cuối tháng = 105k, cả nhà hết “nóng sốt” rồi còn gì.

Vậy thôi mà không nghĩ ra. Làm ăn, xem thường tiền lẻ, là toi đời.

Muốn không toi sớm cũng nhớ câu này của tỉ phú Hàn Kim Woo Choong: “Khi bạn làm được 2.000đô mà đã tiêu mất 1.000đô, là bạn có chuyện rồi”.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *