[hay. Tháp Chàm, Cham, Việt & tượng đài thế giới hiện đại]
Triều đại đổ, triều đại khác lên, suốt dòng lịch sử Việt Nam bao nhiêu công trình trước đó bị phá, dường chưa có thông kê cụ thể. Riêng Cham, tại sao không phá đền tháp triều đại trước?
Là câu hỏi tôi đặt ra và lí giải đăng web Inrasara.com, ngày 27-5-2018. Nay thử phân tích sâu hơn.
1. Tinh thần Shiva: Phá hủy để sáng tạo, phá hủy và sáng tạo, phá hủy là sáng tạo.
Cham đã làm hệt! Kiến trúc Cham, cứ nhìn 7 phong cách lớn cũng đủ thấy, Cham đã thâu thái và sáng tạo như thế nào. Cham không ngại ảnh hưởng, không ngán lai căn. Mấy vụ lẻ tẻ kia chả nhằm nhò gì, khi ta đã xuất chúng! Ta biến chúng thành của ta.
Ta phá hủy để sáng tạo. Vậy phá hủy có phải là phá rồi hủy không?
– Chỉ có ngốc mới hiểu thế. Sinh linh Cham hiện nay xa rời tư tưởng truyền thống, nên còn tồn đọng không ít kẻ ngốc.
Không khác lịch sử dân tộc khác, các triều đại Champa với đủ đầy thăng trầm thù nghịch, tuyệt đối họ không phá hủy kiến trúc tháp đền của triều đại đi trước. Cùng lắm Cham nghĩ ra huyền thoại để không phải thờ phụng, như đã ứng xử với Ba Tháp, chứ không phá nát nó. Không lạ sao?
2. Có ba nguyên do chính, và nhiều nữa…
Tháp Chàm là kiến trúc tôn giáo, đồng thời là một tác phẩm nghệ thuật. Bạn không ưa tôn giáo kia, nhưng bạn yêu cái đẹp.
Dựng tháp ‘ikak Kalan’ – từ giới tăng lữ đến vua chúa, từ hàng quý tộc đến quần chúng đồng lòng. Như tháp Pô Klong Girai do Chế Mân dựng, các đại gia đình giàu có đóng góp của cải [nội dung văn bia trước cửa tháp], quần chúng xếp hàng chuyền tay từng viên gạch từ dưới đồng bằng lên Đồi Trầu. Tất cả háo hức mong đợi tháp hiển linh!
Xong tháp, một năm bốn lần sinh linh Cham lên tháp cúng tế. Mấy triều đại thay đổi thây kệ, tháp vẫn còn nguyên vẹn cho Cham chiêm bái.
Cả khi tôn giáo khác đến, như Islam vào Champa, Cham vẫn biết biến bộ phận người đồng tộc khác đạo ấy thờ phụng tháp. Tại sao?
Tháp mang tên vua, anh hùng có công với đất nước. Vua, anh hùng là chung, chứ không riêng một tôn giáo nào. Thì làm gì có chuyện phá hủy tháp?!
Pô Mưh Taha là Muslim, chàng rể ông là vua Pô Rômê được Cham dựng tháp thờ phụng, trên ngọn đồi mang tên Pô Rômê ấy, ghur ‘mộ’ hoàng hậu con Mưh Taha nằm ở đó. Cham Bà-ni [từ hóa giải và hòa giải Islam mà thành] không thờ ông, thì còn thờ ai. Mà đâu chỉ Pô Rômê, cả Pô Inư Nưgar, Pô Klong Girai, Pô Xah Inư…
Mà đâu chỉ Cham, ngay cả với người Việt, tháp Chàm cũng biết làm cho sinh linh khác tộc này ngán mình, bảo vệ và thờ phụng mình. Vô số câu chuyện vừa hư vừa thực về cộng đồng Việt xung quanh tháp, đủ thấy sự oai linh của tháp.
3. Các tượng đài hiện đại, thì sao?
Khắp thế giới, vô số tượng đài được dựng lên và bị kéo đổ chỉ sau đêm giông bão. Thử đặt vài câu hỏi qua lăng kính tháp Chàm:
– Nó có là biểu tượng tối thượng không, hay chỉ là thứ áp đặt?
– Chính quyền [trước đó và] đương thời có toàn tâm toàn ý không, hay chỉ lợi dụng hình tượng?
– Giới tinh hoa như trí thức và nhà giàu… có ủng hộ?
– Quần chúng nhân dân có đồng lòng không?
Không đáp ứng được 4 câu hỏi đó, bất cứ tượng đài nào đều bị kéo đổ, khi triều đại khác lên. Mà triều đại nào bất kì có đời thuở nào là muôn năm, là vạn tuế!