Cuộc sống là trường đấu tranh…
Là Bồ Tát, từ bờ bên kia trở lại cõi người, bạn không nên lành như Bụt, không phải động thủ kiểu vũ phu, càng không thái độ khinh thường bỏ qua như A-la-hán – bạn tùy cơ mà phương tiện thiện xảo giúp đời, cứu người.
Nhập cuộc cộng đồng, tôi đã học lỏm được chữ này từ Đạo Phật.
Covid-19 oải quá, bắt chước Nietszche: “và tôi kể chuyện đời tôi cho chính tôi nghe”. Chuyện cộng đồng đã kể nhiều, nay xin lược qua vài đụng độ nhỏ lẻ tiêu biểu [đã từng chi tiết], biết đâu anh chị em rút được bài học nào đó hầu giảm bớt căng thẳng thời đại dịch, để có thể NGỒI LẠI nói chuyện với nhau.
Tuổi 15 đắc đạo Cham, tôi cần qua lò luyện tội thêm 15 năm nữa, mới chín. Từ đó tôi khác. Chớ tôi thấy các bạn Cham lớn cồ rồi cứ một ngón mà xài: Cố chứng minh mình đúng, ai không nghe thì chưởi, chưởi không lại thì block.
Nói nào ngay, không phải tôi chưa từng biết bạo động.
Một bận tôi đã ra một cú thoi sơn theo nghĩa đen hẳn hoi, rồi trở lại xin lỗi sinh linh ấy. Đó là năm tôi 29 tuổi, sau đó thì không. Nhập cuộc chữ nghĩa, phương tiện phải là con chữ.
Với PP-Văn Ngọc Sáng, tôi chơi một chùy chữ đúng nghĩa. Nặng đến nỗi Xuan Bao cho chưa hề thấy cei Sara giận dữ thế. Tôi nói đó là cơn giận của Achille. Một chùy đủ khiến nhà này liểng xiểng đến giờ vẫn còn chưa hoàn hồn, mãi ăn nói quàng xiên với bà con.
Còn muốn khoa học thì tôi cũng khoa học như ai. Vụ Tiến sĩ Đại học Paris VII Nguyễn Văn Huy là một. Non chục trang, tôi chỉ ra từng điểm ông suy bừa, phán ẩu về Cham khiến ổng tắt đài.
Còn thì tôi nhẹ nhàng…
Nhà thơ Trần Mạnh Hảo, tôi chơi bài đố vui có thưởng. Đố anh tìm ra một câu thậm chí một chữ tôi ca tụng Nguyễn Quang Thiều để được ẩy cho cái ghế Chủ tịch Hội đồng Thơ, cho điểm 10 luôn. Cuối cùng anh không được điểm nào.
Tương tự, ông anh Addul Karim, khi anh hăng dái quá, tôi đùa: Thằng em siêu nặng, ông anh hạng ruồi mà cứ đòi đấu, nhỡ hôm nào thằng em nổi hứng nhảy lên đàì giập ông anh mình giẹp lép, bà con cười cho cả hai. Khi đó anh mới thôi.
Trầm Ngọc Lan từng là bạn thơ, tôi dịu dàng đặt câu hỏi: Bạn kêu tôi lên tiếng này nọ là vụ lợi. Ừ, cứ cho là vậy. Thế đồng nghiệp bị oan, bạn im lặng; đồng hương bị nạn, bạn nín thinh; đồng tộc bị hiếp, bạn ngoảnh mặt, vậy bạn là cái gì đây?
Nhà thơ Đỗ Hoàng thì khác, tôi mới sơ ý “giơ chân hơi cao” mà đã chạy mất dép.
Đại khái là vậy, còn cánh đàn em, đàn con cháu nóng vội nếu có nhỡ lời, tôi ôn tồn giải minh, đính chính là xong. Quá lắm thì giả đò như không có gì xảy ra ở đó, thì sóng yên biển lặng.
Ấy mới gọi là phương tiện thiện xảo.