Hành trình Cham-5. TAGALAU, VƯỢT CẠN & SỐNG SÓT

[“Biết một là biết tất cả”]

Đẻ ra cái gì đó [đứa con, tác phẩm, tạp chí…] không gì dễ hơn, nuôi sống nó mới khó; nuôi sống khó một, khó trăm lần hơn khi cưu mang nó vượt qua mưa gió nỗi đời. Tagalau: Ra đời, trưởng thành & sống sót qua mấy khổ nạn đời.

Thế nào? Và tại sao?

Đơn giản: TÔI YÊU NÓ. Yêu thế nào? Câu trả lời: Yêu say đắm, yêu miệt mài, yêu vô điều kiện. Mọi thứ còn lại đến sau…

Tagalau, tôi đã kể, và kể nhiều lần. Ba bài quan trọng nhất: “Tagalau, 7 năm nhọc nhằn và kiêu hãnh” đăng Tienve, “Hành trình 10 năm Tagalau” đăng Inrasara,com, và “Câu chuyện Tagalau” (Tagalau-20, 2016).

Bởi sự thể nằm trong hệ thống, nay kể tóm, vừa như một bài học kinh nghiệm.

DỌN ĐƯỜNG

Chuẩn bị cho Tagalau, từ 1996 tôi thử nghiệm cây bút Cham suốt ba năm, ở tạp chí Văn nghệ Dân tộc & Miền núi thuộc Hội Nhà văn Việt Nam, Văn nghệ Bình Thuận, và Văn hóa Dân tộc. Tại đây, để gây phong trào, ngoài tên Inrasara, tôi kí ba bút danh khác: Sar, Chế Trầm Sar, Xuân Hải. 

Biết Cham viết được, chịu mua và đọc [Quang Cẩn phát hành tốt], tôi nghĩ, thế là ổn. Năm 1998, ra Hà Nội thẩm định sách giáo khoa dân tộc BBS, tôi mang chuyện xuất bản tuyển tập Tagalau bàn với quý thầy: Nguyễn Văn Tỷ, Thành Phú Bá, quý thầy lưỡng lự: Khó đấy, Sara cẩn thận. Về quê có người còn hù, qua hai kì thì tắt thôi.

Dẫu sao tôi đã yêu, và đã quyết. Để Tagalau ra đời đúng hẹn: Katê 2000. 

ĐỐI NHÂN

Phát hiện “nhân tài” trong Cham thì dễ, làm sao để các “thiên tài” đầy cá tính ấy ngồi chung chiếu, mới khó. Tôi giải quyết vấn nạn này bằng cách không… họp. Qua 15 kì Tagalau, tôi chỉ nhóm hai lần: Lần nhất ra mắt Tagalau-1 tại Chakleng, lần hai: “Kỉ niệm 10 năm Hành trình Tagalau” tại Nhà Trưng bày Văn hóa Cham Inrahani, cũng nơi đó. Còn lại, tôi “họp” từng người một.

Ngoài vài cây bút đinh: Nguyễn Văn Tỷ, Trà Vigia (tiếng Việt), Jaya Hamu Tanran, Phú Đạm (tiếng Cham), tôi mời tất tần tật Cham tham gia. Tôi cuốn cả các tác giả ngoài Cham: Việt lẫn dân tộc thiểu số khác vào cuộc nữa. Lạ, là ba vị tiến sĩ Cham né Tagalau, dù tôi mấy bận chịu khó rủ rê.

XỬ THẾ, vượt qua khủng hoảng

Tại nhà thầy Lưu Quang Sang ở Tân Phú, Thành Phần chống Tagalau dữ, tôi không chút giận. Champaka viết bài phê tôi rất tệ, tôi không một lần dùng Tagalau phản bác. “Chiến trường Akhar thrah”, tôi quyết cho Tagalau đứng ngoài cuộc. Vài bài viết dù trái ý chủ biên, tôi vẫn đăng Tagalau mà không nhờ đến “ghi chú cần thiết”.

Bốn điển hình

[tiên tiến]

để thấy rằng, Tagalau luôn bình tĩnh và chủ hòa ở mọi tình thế, hoàn cảnh.

Với cơ quan xuất bản, ba lần: “Mỹ Sơn đường về” của Trà Vigia (Tagalau-2), “Thực trạng xã hội Chăm…” của Nguyễn Văn Tỷ (Tagalau-4), và “Văn học Champa đang ở đâu?” của Nguyễn Phạm Hùng (Tagalau-8) làm cho Tagalau xiếng liếng suýt bị chìm. Nhưng không.  

Ở đó, ba bận tôi đủ hiểu biết, chịu chơi và thừa độ lì để đưa Tagalau vượt qua khủng hoảng chết người này. Oanh liệt!

QUẢN VIỆC

Cứ tưởng tượng các tác giả Cham viết tay, gửi bài từ quê, ở đó đa phần là cây bút mới hay nhập cuộc lại, đủ thấy chữ nghĩa họ thế nào rồi. Tôi phải mò đọc, đánh máy, in ra giấy, gửi về… Hai lên ba xuống mới xong cái bản thảo. Rồi khi bản thảo được trên soi, còn đóng tập gửi ra lần nữa để bà con “duyệt” mới ổn.

Chạy giấy phép, sửa bản bông và in ấn cũng mình tôi bao quát. Xong còn lo gửi tận tay cộng tác viên lẫn “đại lí” phát hành. Còn thu hồi vốn được hay không, tính sau.

Hãy nghĩ, 14 năm tôi chưa làm buồn lòng bất kì tác giả nào, hàng trăm mạng chớ chẳng ít! Sách ra lò, chạy ngay ra bưu điện gửi, rồi thư hỏi thăm. Sau đó các thông tin liên quan

[số lượng in, phần mỗi tác giả, mạnh thường quân, nhuận bút nếu có, công việc
kế toán…]

đều CÔNG KHAI ra giấy qua hình thức “Thư Tagalau”, rồi đưa lên Inrasara.com.

Tất cả, từ A đến Z. Hết ý kiến!

& SỐNG SÓT

Làm tạp chí, tiền bạc tưởng khó lại dễ ợt. Mỗi kì tôi lỗ có khi đến 8 triệu [tương đương cây vàng] nhưng không sao. Thời gian ấy, tôi “đại gia”, nên chả ngán. Tôi không kêu gọi hỗ trợ, ai có lòng thì cho, là thế.

Mãi Tagalau-7, khi nữ sĩ Chế Mỹ Lan, sau đó là anh Ysa Cosiem, các mạnh thường quân góp tay vỗ vào, đặc san đã có thế đứng vững chãi. Giữa đời, và trong lòng người.

Nhớ, để ra được Tagalau-3, định mệnh chơi khăm tôi đủ đường. Sự cố “Mỹ Sơn đường về” khiến Tagalau bị ách trước mọi cửa nhà xuất bản. Bà con nghe tin thương tình góp vốn vào, xui rủi sao ấy – đi Đà Nẵng về, tôi bị tài xế taxi xơi tái nguyên Samsonite trọn gói chứa mọi thứ ở trỏng.

Tiếp tục chương trình rủi: Để có giấy phép, tôi vừa chi cho đầu nậu [5 triệu đồng] vừa “vay” nợ chạy in. Đã thôi đâu, sách ra lò sáng gửi nhanh về quê cho kịp Katê thì ngay trưa hôm ấy, nhà xuất bản kêu: “Phải có CHỦ BIÊN, chứ không chơi bài ‘chịu trách nhiệm bản thảo’ như cũ được”. Thế là tôi hú xe quành lại, thu hồi, xé và in trang khác dán vào: “Chủ biên: Inrasara” mới yên!

Qua ải này, tôi tin chắc Tagalau sẽ sống sót. Và mãi sống!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *