14-15.
Dự án KHỦNG
Ngày 24-10-2015, UBND tỉnh Ninh Thuận ký hợp tác đầu tư Dự án hạ tầng Khu công nghiệp & Khu liên hợp cán thép Hoa Sen Cà Ná, công suất từ 6-12 triệu tấn, đôn lên thành 16 triệu tấn.
Điều kiện KHỦNG
Ninh Thuận đã ký cam kết giao toàn bộ 1.500 ha mặt bằng sạch, tức nhà nước chi toàn bộ tiền giải phóng mặt bằng, hạ tầng điện, nước…
Ưu ái KHỦNG
“Ninh Thuận miễn phí toàn bộ tiền thuê đất trong 70 năm”, miễn thuế thu nhập 4 năm, thuế ưu đãi 9 năm tiếp theo là 5%…”
THÔNG MINH khủng
Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen:
“Vị trí đặt dự án được đánh giá là tốt nhất để làm thép trên thế giới hiện nay”… “ngu gì không làm, ngu gì không đầu tư”.
THÔNG MINH khủng 02
THIẾT BỊ ư? – “Trung Quốc hiện có quá nhiều, quá rẻ về vật liệu cơ bản để chế tạo thiết bị. 90% dự án thép thế giới đều dùng của Trung Quốc chế tạo. Còn nếu nhập từ châu Âu thì làm gì có lời”.
NGU khủng
DƯ LUẬN ư? Ông Vũ khẳng định: “những gì dư luận thể hiện trong thời gian, có không ít trong đó chỉ muốn ném đá, thọc bánh xe, đố kỵ với HSG”.
… NGUY khủng
Chuyên gia cảnh báo (Phạm Chí Cường, chủ tịch Hội Khoa Học Kỹ Thuật Đúc – Luyện Kim Việt Nam, nguyên Chủ Tịch Hiệp Hội Thép Việt Nam):
– xu thế chung của cả khu vực và thế giới là thép đang DƯ THỪA
– cam kết bảo vệ môi trường, tập đoàn Hoa Sen không thể trông cậy vào lợi nhuận từ thép do nhà máy sản xuất, mà ở CÁI KHÁC.
– Đó là gì? Siêu dự án này đi theo mô hình CHIẾM ĐẤT VỚI GIÁ RẺ, sau đó làm gì thì làm…
Tôi nghĩ về chính trị-15. TÔI, ÔNG TÀU ĐIẾC
Các tút “Tôi nghĩ về chính trị” là bản nháp cho chương 11 cuốn “Tự truyện” đang viết của tôi. Tôi không rành nhiều chính trị, nên không phản biện, mà chỉ ghi cảm nhận. Dùng chữ “nghĩ về” là vậy.
Qua 14 tút (vài bài đã đăng cách nay không lâu, nên tôi không post lại), có bạn FB còm kêu tôi viết “hiền” quá chả “si-nhê”, vài bạn khác ngược lại, chat rằng “lúc này ngôn từ cei Sara hơi nặng”.
Không lạ, đó là từ góc nhìn của mỗi người. Riêng tôi một sinh linh hiếu hòa, mục đích viết là hướng đối thoại, chứ không đối kháng hay đối đầu.
Với tư cách nhà văn, tôi không né tránh, mà phân tích tới cùng sự thể mình quan tâm, và hiểu. Còn lại, tạm “cho vào ngoặc”, như một dụng ngữ của Husserl.
Khi con tàu đắm, lũ chuột bỏ chạy. Không ai rỗi hơi đi kêu ca những con chuột, bổn phận của chúng là tìm cách thoát thân. Loài người khác lũ chuột thì rõ rồi, thế mà không ít kẻ đã bỏ chạy, khi bạn bè gặp nạn. Tôi chả dũng cảm gì, dát chẳng thua kém ai, song tôi hiếm khi bỏ chạy. Gặp tình thế kiểu này, tôi giữ thái độ mà bà con Cham kêu là: “Yau ông Lo tangoh!” – Như ông Tàu điếc, không hay không biết.
Chuyện nhóm Mở Miệng bị nạn đầu thế kỉ XX. Sài Gòn mênh mông, không hiểu có bạn văn nghệ sĩ nào ở lại không, tôi thì biết có lắm kẻ từng chơi thân với các bạn ấy bỏ chạy. Rất tội, vì không đáng. Tôi đã hành xử như ông Tàu điếc, càng gần gũi với các bạn trẻ hơn.
Hồi 1977, anh Trăng, anh bạn hơn tôi dăm tuổi – gia đình Fulro – bị tù, tù oan đến nỗi anh hai bận cắt gân cổ tay muốn chết mà không thể chết. Hầu như tất cả bạn bè anh xa lánh, có mỗi tôi ở lại. Và luôn bên cạnh anh, còn gửi quà thăm anh trong tù nữa. Thời buổi ấy, làm thế liên lụy như chơi, nhưng tôi là ông Tàu điếc, vô tư.
Năm 1978, mấy bạn học tôi vượt biên hụt bị tù, tất tần tật chạy thoát thân, tôi lại là kẻ thường xuyên đến với gia đình các bạn ấy, như không có gì nghiêm trọng xảy ra.
Vụ án Kiều Minh Vũ ở Cwah Patih năm 2006, mỗi tôi với thầy Nguyễn Văn Tỷ lên tiếng và bám sát sự vụ, mong góp tiếng nói mình làm nguôi sức nóng muốn đổ vỡ. Mãi khi ra tòa, tôi mới ngưng, bởi đến đây, tôi không thể làm gì hơn, làm gì khác.
Gần hơn, vụ “thanh niên Cham tự thiêu” ở Biên Hòa năm 2013, gia đình cháu vào gặp tôi tại Sài Gòn, ba bận tôi hướng dẫn các anh làm này nọ. Tôi hỏi:
– Sao không gặp các vị cán bộ Cham, các anh lắc đầu.
– Sao không tìm gặp các trí thức lớn Cham, họ cũng lắc đầu.
Lắc đầu cũng phải. Bởi sau đó, qua giới thiệu của tôi, bà con cũng mò đến, và các anh ấy đều… bận. Tôi dõi theo vụ này cho đến khi nạn nhân chết. Bản thân tôi có đủ thứ hạn chế, đành bất lực. Cũng may, tôi chưa một lần bị vạ.
Vụ Ghur Bà-ni 2012 cũng thế, tôi đã như ông ‘Lo tangoh’ dấn sâu vào đến nỗi Trà Vigia phải kêu: Sara có phải Bà-ni đâu, khi không ách giữa đàng mang vào cổ. Tôi nói chống chế, bổn phận của trí thức là tìm lấy ách giữa đàng mà mang.
Xã hội Cham đang sở hữu đủ hạn chế, ở đó việc thiếu nhà báo độc lập là một, nên đã và còn phải chịu bao thua thiệt. Tôi chỉ là nhà văn, có thua thì chẳng lạ. Tôi biết làm thế mình chả giải quyết được gì, nhưng dẫu sao – giữa bể khổ mênh mông này – hành vi đó cũng an ủi phần nào vài tâm hồn đau khổ cư trú bên lề cuộc đời.
Không vỗ ngực – không tranh hơn
không trốn chạy trước phận đời thất bát
câu thơ buồn
có mặt nơi khổ đau có mặt…
(thơ Inrasara)