Giai đoạn chủ hộ. KẾT THÚC MỘT “TRIỀU ĐẠI” CHĂNG?

[thương tặng các con tôi]

Tôi không sợ nghèo, bởi tôi từng rất nghèo.

Tôi không còn giàu, vì tôi không muốn… giàu.

Câu hỏi lớn ở đây là, đâu là KẺ KẾ NGHIỆP?

2005 chúng tôi ở Quận-4, kinh doanh đang ở đỉnh. Ngó qua ngó lại, 4 đứa từ Haly, J’Prang, Jaka cho chí Jaya không ai được Bà Trời ban cho ý hướng quản lí. Nhà có mỗi Út Jakha, nhưng hắn mới lớp Chín. Chuẩn bị buông Cty, tôi bàn với Hani:

– Đừng làm. Giám đốc là KHÔNG ĐƯỢC QUYỀN LÀM! Mỗi tuần mẹ nó cứ ra trung tâm Quận-1 dạo cho anh 2-3 lần đi. Cà-phê và dạo chơi thôi.

Bà xã vâng, và làm theo, 2-3 lần rồi nghỉ. Lại tiếp tục ngồi… làm. Hani bỏ rơi năng khiếu trời cho của mình là giao thiệp tiếp cận thị trường, để đi làm thứ mà bất kì sinh linh tkhông học nào cũng làm được.

– Cty đi xuống là bởi nguyên do đó, – tôi nói.

Năm 2007, từ Quận-4 về lại Tân Phú, năm 2010 tôi mở hội nghị gia đình, sơ kết:

5 năm, nhà ta mất: 1 lô hơn sào đất ruộng ở quê, và vốn liếng từ chữ nghĩa cei tích cóp cho “tái sản xuất mở rộng” chữ nghĩa đủ mua căn nhà ở Phú Mỹ Hưng khi ấy.

Tôi giảng bài thêm…

1. Ta thất bại, bởi ta không có phát kiến mới về cách làm, cách bán, không có những ĐẦU TIÊN nữa. Trước đây, ta luôn đi trước thiên hạ 5-10 năm, nay khi bà con đuổi kịp, ta chững lại. Trong kinh doanh, đứng, có nghĩa là lùi.

Thế kỉ XXI, không biết bán hàng trên mạng, là tiêu.

Làm gì? Nếu không hậu hiện đại được nữa, thì trở lại thì CỔ ĐIỂN. Sản xuất ít, tinh, và bán giá cao như dì Phú Thị Mở ở quê ngày trước. Nhà ta còn ưu thế nhiều lần hơn…

Bà xã lần nữa nói vâng, chuyển giao toàn bộ máy móc, hàng hóa cho Minh Hiền Thành. Tôi mừng như tìm lại được hơi thở [cho Cty], tuy nhiên nỗi ấy kéo dài chưa đầy nửa năm thì tắt. Hani thu hồi lại tất, và quyết làm ăn như… xưa.

2. Chưa chịu thua, năm 2010…

– Ta làm vầy mẹ nó nhé. Nhà ta đủ điều kiện vật chất và con người làm nên một TRUNG TÂM VĂN HÓA CHAM.

[1] Cty Inrahani là trung tâm thổ cẩm: Sài Gòn và Chakleng;

[2] Inrasara là trung tâm chữ nghĩa: văn hóa Cham lẫn văn chương Việt;

[3] Jaka phụ trách Nhà sách Cộng đồng ở quê, dựng Nhà Trưng bày Sài Gòn thuyết trình về văn hóa Cham (Jaka đã xong, rất đẹp).

Tôi liên hệ với Cà-phê Trung Nguyên và tạp chí Tia Sáng làm Không gian Văn hóa Cham tại Hà Nội. Nửa tháng, tại chốn ngon nhất thủ đô.

– Sau cuộc này, – tôi nói – ta khởi sự lại không muộn. Mẹ nó ngoài ngồi văn phòng tiếp khách cao cấp, chuẩn bị bài vở thuyết trình về thổ cẩm, còn lại theo anh đi các nơi làm… phu nhân.

Bà xã vâng lần ba. Ra Hà Nội, 3 thùng hàng tuyển riêng dành cho trưng bày – tôi lệnh không được quyền bán, ngoài ra được phép tất. Bà xã hứa, rồi thất hứa: Ham giá cao, xổ ra bán, để khi về đến Sài Gòn, tanh bành cả ba thùng. Đến Tổng Lãnh sự Brasil định hợp đồng “nhân điển hình” cái không gian nổi tiếng ấy, tôi đành nói không.

3. Năm 2015, tôi mở đại hội gia đình làm tổng kết:

5 năm ta mất thêm: 7 lô đất ở Bình Tân!

Làm gì? Út đã ra trường, bà xã hứa chuyển giao Cty cho, rồi cả ba lần thất hứa. Út chuyển hướng làm ăn. Một chuyển hướng như hồi chuông khai tử Cty.

Ngoảnh lại…

Phần tôi thì miễn, so với xung quanh, thành công lớn – nghiên cứu lẫn sáng tạo, từ phê bình đến diễn thuyết, từ cá nhân cho chí cộng đồng…

Về Cty, tiếng rền vang, với trăm bài báo, phim ảnh trong và ngoài nước về nó, hội nghị với triển lãm cấp khu vực hay quốc tế cũng không chừa;

Nhà Trưng bày Văn hóa Cham tại Chakleng với Tủ sách cho Cộng đồng chưa chi cũng nức tiếng với vô số khách ghé tham quan học tập…

Để hôm nay…

Một triều đại INRA kéo dài 30 năm kết thúc chăng?!

P.S.

Vẫn còn cơ hội và phương cách phục hưng nó, nhưng ai đủ tài năng, bản lĩnh và độ lì để làm người tiên phuông?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *