Tôi, nhà kinh doanh. Nguyên tắc-4. CÓ GAN LÀM GIÀU

[Hay: Mở đường, dám phiêu lưu, và tới cùng]

1. Tháng 8-1992, tôi nhận giấy mời vào Sài Gòn soạn từ điển.

Thường người đời chuộng ổn định, khi ấy Tạp hóa Haly’s đang ăn nên làm ra, tôi đã cắt cái rụp: Đi!

Đi, để sau lưng mình, nó lao xuống dốc không phanh. Dù bà xã vẫn ở lại, hay dù sau đó Diễm từ Cok được mời qua thủ Cà-phê Diễm, hay sau nữa là Cà-phê Sách, nó vẫn cứ không chịu dừng lại. Tại sao?

– Chả có gì khỏ hiểu, – tôi nói. – Mặt bằng đó, hàng hóa và bạn hàng còn nguyên vẹn đó, câu chuyện ở đây là con người. Ta làm gì với nó?

Không chịu thua…

Năm 2009, Chakleng tôi lên đời thành Làng Nghề Thổ Cẩm Mỹ Nghiệp, hứa hẹn tấp nập khách trong ngoài, bà xã đòi nâng cấp khu nhà ở quê đón cơ hội, cơ hội vàng. Dù ừ, nhưng tôi nghĩ khác: Nâng cấp để làm đẹp bộ mặt làng, chớ buôn bán chớ mong.

NHÀ TRƯNG BÀY VĂN HÓA CHAM INRAHANI ra đời, phục vụ miễn phí, là vậy. Từ nguyên tắc “chỉ buôn bán với người giàu”, tôi rút ra bài học: Tiền thu từ phố về quê tiêu, chớ khờ mà làm ngược lại.

Tạp hóa chuyển cho Mò Diễn, mấy năm đầu còn cầm cự, sau đó thì đứng, và làm cuộc đi xuống. Hỏi tại sao?

– Quán làng người ta mở nhiều quá! – Mò trả lời không cần nghĩ, như là lẽ đương nhiên.

– Sai to. – Tôi nói – Dân số đông, người làng giàu, quán mở nhiều chính là cơ hội. “Buôn có bạn, bán có phường”. Môi trường kinh doanh mới đòi hỏi lối làm mới. Vấn đề là bạn có chịu thay đổi cách nghĩ không?

2. Mở đường, dám phiêu lưu, và tới cùng. NÓi theo dân gian: CÓ GAN(*)

Làm bất cứ chuyện gì, muốn thành công cũng cần đến nó.

Năm đầu vào Trung học, để có tiền mua sách vở, tôi bán cà-rem. Là chuyện khối bạn học biết và làm – nửa chừng. Mỗi tôi phiêu lưu qua nhiều làng khác, và suốt ba tháng hè, nghĩa là tới cùng.

Để có nhiều sách đọc, tôi bỏ ngang xương giảng đường, về quê cày thuê. Là điều hiếm ai dám làm thời buổi ấy. Cả năm cày thuê, để ôm về nửa vạn cuốn sách “phản động và đồi trụy”, mặc sức mà đọc.

Không có tài liệu văn học Cham để nghiên cứu, tôi lang thang qua các palei Cham, nghe tin nhà nào có ‘ciêt’ sách là mò vào, mượn chép.

Vân vân thứ.

3. Luôn đi trước thiên hạ vài bước. Khi dân Chakleng còn phiêu giạt các nơi bán hàng thô, Cở sở Thổ cẩm Inrahani đã chế tác chúng thành hàng hóa với nhiều mẫu mã hợp thị hiếu khách hàng.

Muốn tiêu thụ nhanh, thì cần có nơi thuận lợi để bán. Cửa hàng thổ cẩm đầu tiên xuất hiện ở TAX là vậy. Không dừng ở đó, hàng loạt Đại lí thổ cẩm Cham của Inrahani có mặt ở các thành phố lớn.

Công ty TNHH Thổ cẩm Cham đầu tiên là của Inrahani. Tiếp đến là huy hiệu “Bàn Tay Vàng” đầu tiên cho bà chủ, và 4 Huy chương vàng đầu tiên dành cho sản phẩm của Cty.

Hoa văn thổ cẩm Cham phong phú nhưng đã thất lạc nhiều. Inrahani đã phải cậy đến bạn bè Pháp photocopy màu từ Bảo tàng bên kia đại dương gửi về, để nghiên cứu.

Thổ cẩm vừa là nét đẹp văn hóa truyền thống đồng thời là mặt hàng kinh doanh, cho nên muốn có cái mới để níu chân khách, vấn đề cải tiến kĩ thuật cần được đặt ra: Inrahani lần đầu tiên chuyển hoa văn từ khung dệt Jih Dalah sang khung dệt Khan Aban; đây gần như là cuộc cách mạng kĩ thuật ít ai nhận ra. Sau đó là nâng cấp khung dệt thủ công thành khung bán công nghiệp, hiện đang thành đại trà trong palei; ở đó thổ cẩm Cham vẫn giữ nét đẹp truyền thống, nhưng sản xuất nhanh hơn và nhất là, chuẩn hơn.

Kết hợp làm Thời trang Thổ cẩm với Minh Hạnh, sau đó là những chuyến đi Tây Âu, Nhật, và… hơn mươi nước khác. Có thể nói, Thổ cẩm Cham đã có thương hiệu trên trường “quốc tế” qua những chuyến mang chuông đấm xứ người này.

– Mẹ nó biết mình đã góp công gì cho thổ cẩm Cham không? – Một hôm tôi hỏi.

Hani suy nghĩ hồi lâu, để rồi kê ra mấy thứ… lạc đề.

– Mẹ nó làm, mà không biết mình đã làm gì!

Tôi liệt kê mấy ĐẦU TIÊN, những “đầu tiên” đẩy nhanh sự lớn mạnh của Cty Inrahani, qua đó thúc đẩy thổ cẩm Cham phát triển.

Từ năm 2002, khi tôi từ bỏ cuộc chơi tiền bạc, và nhất là khi bà xã đã tuổi hưu, Cty Inrahani chững lại. Tại sao? Đơn giản, không có gì mới thêm ở đó, và Inrahani không còn đi những bước đầu tiên nào nữa.

Kinh doanh không phải không cần đến tưởng tượng sáng tạo!

______

(*) Thành lập Cơ sở thổ cẩm Cham ở Chakleng đầu năm 1992, Hani và tôi đã cậy nhờ rất nhiều ở khoản tiêu thụ của Cửa hàng Mai tại Sài Gòn. Chúng tôi dệt vải thô, mang vào Sài Gòn cho họ chế tác và bán. Đến tháng 8-1992 tôi vào Đại học Tổng hợp làm việc, Hani vẫn ở quê tiếp tục điều hành cơ sở.

Hai năm đời trôi xuôi…

Đến giữa năm 1993, Cửa hàng đặt hàng lớn. Hani vẫn đáp ứng kịp thời cho họ, phiền nỗi, họ nhận chưa tới một nửa lượng hàng, còn lại bị loại bỏ do chất lượng kém. Kém – đúng quá! Bởi đây là hàng dệt tay, mỏng dày to nhỏ khó đều một mái. Một tám một mười là ngon rồi. Hani năn nỉ tới đâu nhân viên cửa hàng cũng chỉ cảm thông được 10%. Đống còn lại mang đi đâu? – Không đâu cả!

Vốn liếng mươi cây vàng khi ấy với chúng tôi là cả gia sản, họ còn dọa Hani là sẽ về Chakleng tìm nhà cung ứng khác, mới ớn! Nguy cơ sập tiệm sờ sờ trước mắt.

Thế là tôi vào cuộc. Tôi viết cho Mai bức thư 2 trang A4 với tư cách một trí thức, chứ không như bên chịu thua thiệt. Phân tích đâu ra đấy, còn bày họ sử dụng đống hàng hỏng để làm ra các món nhỏ nữa; cạnh đó, tôi phân tích tâm tính Cham để cảnh giác họ về lối làm ăn của bà con nhà quê. Họ vẫn một hai không chịu.

Tôi quyết, dứt tình, và tự lập. Hani ngần ngừ.

Rốt cùng, chúng tôi tận dụng hàng thải kia để chế tác balô, áo gilê; miếng nhỏ hơn thì làm ra: ví, túi xách… rồi thuê góc nhỏ Thương xá TAX, bán lẻ. Từ đó chúng tôi thắng to. Công ty TNHH Dệt may Thổ cẩm Inrahani khởi động từ thời điểm chuyển hướng liều lĩnh mang tính quyết định đó.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *