Làm ăn, giàu thì không dám nói, chớ để thoải mái – dễ ợt!
Miễn là ta biết Mở đường, dám Phiêu lưu, và Tới cùng.
Ba giai đoạn đầu đời người: [1] Tuổi 15-25: dưới chơn thầy; [2] 25-55: sắm vai chủ hộ; [3] 55-65: đi vào “rừng”… Tuổi 25-55: có 3 giai đoạn nhỏ: Lò luyện tội đời, Nhà kinh doanh, và Con người chữ nghĩa. Xin kể 2 khoảng đầu của giai đoạn [2] trước.
1. Từ 1982, 25 tuổi, vào Ban Biên soạn sách chữ Chăm cũng là năm tôi lấy vợ, đích thị đặt bước chân đầu tiên vào Lò luyện tội cuộc đời.
Theo vợ qua Hiếu Lễ, mỗi sáng đạp xe xuống Phan Rang, 4 giờ rưỡi chiều về, là lao vào… cuốc. Lấy vợ, vô sản toàn phần, ông via chỉ cho tôi lô đất cà giang 1,4 sào bỏ hoang phía nam sân bóng làng đang bỏ hoang, tôi dựng chòi cho gia đình 5 miệng ăn, và bắt đầu… cày. 9 giờ lên giường, 4 giờ dậy cuốc tiếp, để 7 giờ đạp xe xuống cơ quan.
Như thần, chưa đầy nửa năm, tôi biến mảnh đất bỏ đi ấy thành vườn tược xanh tươi. Rồi chỉ một năm sau, để tránh phiền hà không đáng, tôi bán tháo nó, bỏ luôn hai sào ruộng HTX cấp phát, kéo bầy đàn thê tử xuống Chakleng.
Lại bắt đầu từ mảnh đất hoang với căn nhà cũ bỏ hoang.
Tôi làm mọi nghề cần thiết để sống. Nguyên tắc của tôi: Sồng ở nhà quê, chớ làm nông; nếu thích nghề nông, chớ có làm ruộng.
Thời buổi ấy: 1982-1991, đói khát tràn lan ngoài kia, riêng vợ con tôi chưa một ngày ăn độn, còn thịt gà, vịt, cá trê sông thì thừa mứa. Mẹ gà tôi nuôi mỗi ngày cho cái trứng cồ đến Jaka Năng Tuệ Phú còn chê, huống hồ. Tôi nói với Haly và J’Prang:
– Hai đứa học đi, rớt hai bận Đại học, cei mới cho học nghề.
Thuở đó, tôi làm ăn trăm phần là dụng SỨC.
2. Từ 1992-2002, 35-45 tuổi, tôi là nhà kinh doanh thứ thiệt.
Sau Tết 1990, lần đầu tiên bà xã lôi tôi vào cuộc mua bán phiêu lưu: Xuống miền Tây, là chuyện chưa sinh linh Cham nào làm. Lâu nay bà con Chakleng cứ lên Tây Nguyên “đi Chru”, mà “Buôn mọi lõi xương” là chuyện thường ngày. Chúng tôi làm ngược lại, và đây là “đầu tiên”.
Nhận thổ cẩm từ quê, chở vào Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau bán. Thêm, đùm đuề cả gia đình theo. Lại bán cho dân Miên. Ngốc thế chứ! Bà con Miên thích thì có thích, mua lại mua chịu, đến kì không tiền trả, sang cho chúng tôi bầy heo con. Thế là hai vợ chồng thành lái buôn heo mỗi sáng lên chiếc ghe nhỏ vượt Hậu Giang mênh mông nước qua Kế Sách – Sóc Trăng, bán.
Chưa trọn năm, ba cây vàng bán nhà cha mẹ để lại ở quê tiêu biến. Về, hoàn tay trắng. Tôi mới rút bài học: Thổ cẩm là hàng mĩ nghệ, chỉ có thể bán cho dân giàu, càng giàu càng tốt.
Hani sang quầy Thương xá TAX, “cửa hàng” đầu tiên của Cham ngay trung tâm Sài Gòn. Ban đầu nó vỏn vẹn 1x2m trông tội hết chỗ nói. Nhưng rồi chỉ qua năm, nó nở ra đến 3x8m, và hơn thế!
Thổ cẩm Cham Inrahani lên như diều gặp gió.
Hoa văn cổ được cách điệu, lối phối màu đầy sáng tạo, 2-300 mẫu mã đẹp mắt được chế tác, các mối hàng đứng xếp hàng… chờ. Giá từ gấp rưỡi trở lên. Tây Âu gấp ba, còn Nhật gấp chục lần giá thành. Không phất mới lạ.
Chúng tôi mở đại lí khắp tỉnh thành, hàng hóa Cty Inrahani xuất đi Nhật, các nước Tây Âu, tạo tiếng vang, và lớn mạnh.
3. Dẫu sao tôi muôn năm vẫn không chừa cá biệt!
Sài Gòn, tôi cứ xe đạp cà tàng mà gò mình đạp. Tân Phú qua Đại học Tổng hợp 15km, đi về mất 30km, thêm đèo bà xã 60kg, mà bả lại tham ôm vào lòng 10kg, kêu tôi chất trước ghi-đông 10kg nữa, và không thể không kể luôn cu tài, vị chi = 137kg! Suốt ba năm như thế.
Mà chỉ thế thôi đâu, trưa tôi còn chạy qua TAX đèo bà xã vài vòng bỏ mối nữa.
Tiền thừa sức sắm 20 cái Dream, vậy mà tôi vẫn lấy sức mà đạp. Chơi kiểu ấy, có đánh chết cũng không nghèo!
Chuyện vui.
Cuốn Văn học Cham Khái luận ra lò 1995, lúc đó Po Dharma đang khách sạn Phạm Ngũ Lão, tôi đạp xe qua biếu anh. Muộn mất mươi phút khiến dân Tây chờ, anh kêu:
– Sao không sắm cái Honda mà đi?
Có lối mươi “trí thức” Cham ở đó. Anh Thành Phần cười cười:
– Biết đâu có xe ngon rồi thì không viết được sách…