BẢN HOAN CA ĐƯA TIỄN

[hay: Lễ Ba Talaang Tamư Kut Gaup Gađak]

Lời mở. Tôi hiếm khi phê Cham, và mỗi bận “trao đổi” là mỗi lần buồn thấu ruột. Lẽ ra sau đại lễ Gaup Gađak tiễn đưa ông bà về nguồn, tôi đừng nên thế. Nhưng rồi chuyện chẳng đặng đừng. Thôi thì sớm đăng “bản hoan ca” này để an ủi mình vậy.

Năm mới, mong bà con, anh chị em tốt lành! 

Sara

*

Đại lễ Nhập Kut Gaup Gađak khởi động vào sáng 17-01-2020, kết thúc vào ngọ trưa 22-01-2020. Sáu ngày, Đại lễ đi từ bất ngờ thú vị này sang bất ngờ thú vị khác.

Bất ngờ từ bảo lưu truyền thống đến cải cách sáng tạo, bất ngờ tính tổ chức mà vẫn đầy tràn ngẫu hứng, đoàn kết và không thiếu ý thức trách nhiệm. Những bất ngờ khiến bao nhiêu vị khách khó tính nhất cũng trầm trồ thán phục! 

Ngay cá nhân tôi là đứa con của chính Gaup Gađak cũng phải nghiêng mình.

Bởi tôi biết như ban ngày về con đường gập ghềnh với bạt ngàn nhiêu khê từ khởi đầu chuẩn bị cho đến ngày Đại lễ lần ba tôi được chứng kiến trong đời. 

Hãy tưởng tượng non nửa thế kỉ trước, 1971, Kut Gaup Gađak nằm khuất giữa xung quanh dãy xương rồng âm u, bí mật đầy dọa nạt. Ở đó 88 tinh cốt ‘talaang’ đứa con Gaup Gađak được các Halau janưng cặm cụi phân loại, sắp xếp chờ giờ phút vào cửa vĩnh hằng. Vài ngọn đèn dầu và ánh nến le lói dưới bầu trời không trăng. Tiếng xào xạc của lá cây qua các đợt gió bấc lạnh buốt hòa với tiếng Kanhi não nuột.

Lễ diễn ra kín đáo và lặng lẽ, khiêm cung. Vài tiếng khóc than từ khu Kut Lihin nấc đứt quãng vangvào màn đêm yên ắng. Một tiếng quát lấy lệ “im đi nào” có làm giảm bớt âm thanh buồn não kia đôi chút, nhưng không khiến nó tắt hẳn.

Một đại lễ không màu áo mới, không tiếng cười khúc khích của các cô gái đến khoe dáng, không cả tiếng reo vui ngây thơ của đám trẻ con. Thương không?!

Thời gian vụt đi, quá độ một mùa lễ năm 1993, Đại lễ Gaup Gađak năm 2020 đã khác: Kut Gaup Gađak hoàn toàn thay da đổi thịt. Hiện đại mà vẫn truyền thống.     

Hiện đại từ cuộc cải cách bởi Pô Adhya Hán Bằng, bằng tinh thần tiến bộ hiếm có. Trước tiên, rào xương rồng Kut Gađak được thay bằng tường thành thanh lịch nhưng chắc chắn, bóng râm cây Gađak cổ thụ được thay bằng Thaang Kut mái vòm hình tháp lửa đặc trưng che mưa nắng cho tổ tiên. Một Kut khang trang và sạch sẽ, là ấn tượng đầu tiên với khách thập phương đến Chakleng.

Không dừng ở đó, Pô Adhya còn làm cuộc cải cách lớn: Chuyển phần ‘talaang lihin’ về khu vực Kut chính, ở đó sự phân biệt chỉ bằng tấm gỗ chắn mang tính tượng trưng, là chuyện trước đó chưa Cham nào nghĩ đến, nói chi làm. Chắc chắn, đây là cuộc cách mạng về nhận thức trong cộng đồng Cham Ahiêr.

Cách mạng nhân văn này vừa giải quyết vấn đề tâm linh, bên cạnh giải tỏa uẩn khúc về tình cảm cho người ruột thịt ở lại. Tiếng khóc oán than không còn nữa, ở hôm nay, và từ nay!

Cách mạng còn được thế hệ thứ ba đẩy tới, bằng mở rộng phạm trù ‘talaang siam’ công khai (tiêu chí nhập Kut chính), bên cạnh Gaup Gađak còn dựng lên Thaang Paywa (nhà gửi) cho những tinh cốt ‘uraang parat’ (người dưng) tạm trú đợi ngày qua ‘nhà mẹ’, chứ không phải giấu mình dưới gốc cây ngoài rừng vừa buồn tủi vừa nguy cơ thất lạc.  Điều đặc biệt lần này có cả việc vinh danh các linh hồn Uraang parat ngay trong lễ tiễn đưa đầy xúc động tại Kut trước sự chứng kiến của hàng ngàn người có mặt trong buổi lễ. Một sự vinh danh hiếm có mà tộc họ Gađak không thể quên!

Nếu cải cách của thế hệ trước của Gaup Gađak đã nhân rộng ở các Kut Chakleng, cà lan sang các palei Cham Ahiêr khác, thì cải cách của thế hệ này có sức lan tỏa rộng hơn, là điều chắc chắn.

Ba ngày chính của Đại lễ: Ngày đầu ‘talaang’ về nhà, ngày thứ hai về Kut, và buổi cuối “Tiễn ông bà mới về với ông bà cũ”, là ba ngày tràn niềm hân hoan thành kính. Nhất là tối ‘ba talaang tamư Kut’ (đưa tinh cốt vào Kut) và buổi ‘talabat’ (nằm rạp lạy ông bà) cuối cùng, chỉ có tiếng hát và điệu múa, bao cặp mắt với cái nhìn trìu mến và ấm cúng, những tiếng cười tươi rói dưới ánh điện màu khu vực Kut Gađak trong không gian xán lạn nhiều hứa hẹn của đất Chakleng.

Qua lời giới thiệu rất nhiệt và đẫm chất Cham của MC Phú Năng Lành, chú Đạt Chữ lược thuật lịch sử hình thành Kut và trình bày hai ‘ariya’tự biên;

anh Quảng Đại Thính điểm qua lịch sử tìm thấy cội nguồn của ‘mông’ (chi họ) bà Njôi, bà Njau và thông điệp cho “mông” thất lạc ở thế kỉ trước, chưa có cơ duyên về lại đất mẹ, đã tạo lập một “Thaang Kut’ riêng lấy tên KUT ÔNG KADHAR tại Vĩnh Thuận (thực sự  KUT ÔNG KADHAR chính là thành viên của Gaup Gađak)… để sau này, con cháu hai  KUT nhận rõ nhau hơn khi đến tuổi cập kê;

cuối cùng anh Dương Tấn Ngọc nêu bật các điểm mới mà Gaup thực hiện được ở kì Đại lễ này.

Câu hỏi: Kut Gaup Gađak có từ đâu, và bao giờ? Trích phát biểu ngắn của Inrasara:

Ông Bbrao biệt danh là Ông Atah Takai – Pajeh Kakah Ikan (dòng Vảy Cá), sinh khoảng 1860, là anh cả của bà Blung và bà Phước ở palei Tabang Thành Ý. Ông nổi tiếng tài phép hơn người, có thể buộc mưa ‘ikak hajan’, đi trên mặt nước, bị trói chặt mà vẫn tự tháo cùm thoát.

Lớn lên ông qua làng Chakleng tìm vợ, phải là người nữ vừa xinh vừa đảm. Tại đây, ông lấy bà Kơt Ug là chị ruột bà Kơt Et.Và chính ông đã dựng Kut Gađak vào khoảng thập niên 1890. Khi ấy sau cuộc đại khủng hoảng thời Minh Mạng, Kut Cham gần như điêu hết, Cham đã phải dựng lại. Kut Gađak có mặt từ đó.

Nếu nghĩa trang dân tộc có truyền thống địa táng chiếm diện tích đất người sống quá lớn để sau đó phải chịu giải tỏa và cải táng; hoặc dù cùng hỏa táng, nếu Ấn Độ mang nguyên phần tro cốt người quá cố gửi sông Hằng nghe hư vô quá, Cham lại khác.

Kut Ahiêr chiếm chưa tới một sào đất vẫn mang chứa cả ngàn, vạn hay thậm chí cả triệu linh hồn mà không chật chội. Tất cả đứa con dòng họ mẹ chung nằm vô danhtrong Kut, để con cháu chắt chít chút và ngàn thế hệ đến sau thờ phụng. Không tuyệt sao!

Kut Cham Ahiêr chỉ có thể điêu, khi người nữ cuối cùng của dòng họ không còn. Khi đó Kut mới thành Kut hoang ‘Kut bhao’.

Nhưng làm sao Kut Gađak có thể ‘bhao’, khi Chakleng còn đó, khi tinh thần hiện đại mà truyền thống của đứa con Gaup Gađak còn đó?

BHUM CHAKLENG THROONG KAĐOONG MƯKAL LAK

GAUP GAĐAK CAK RÔK RIBAU THUN

Đại lễ nhập Kut còn ẩn chứa những huyền bí mà Muk Pajau luôn thể hiện trong ngày cuối cùng. Người đã thay mặt tổ tiên để phán cho con cháu ghi nhớ, rằng: “Thang Kut siam, anưưk taco mưthrum tabbaang, jag karag; muuk kei dui mai patom gaup, mưraat dook ghơh ghaang; gul patom; muuk kei ôn tabôn; tadhau thug siam, kajap karô, Pô pajiơng!…”

Likau đwa apakaal:

– Ban Tổ chức Đại lễ, và Ban hậu cần;

– Anh chị em và các cháu văn nghệ tùy hứng đã trình diễn một đêm văn nghệ không thể quên;

– Các nhà báo, đài, cùng nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp hay nghiệp dư;

– Đại diện các Gaup trong palei Chakleng, các vị khách quý;

– Họ ‘urang parat’, họ ‘likei’ cùng con cháu nội, ngoại;

– Cám ơn toàn thế đứa con Gaup Gađak thuộc nhiều thế hệ;

Tất cả đã làm nên thành công ngoài mong đợi của Đại Lễ Ba Talaang Tamư Kut của Gaup Gađak ở đầu thiên kỉ này.

Tổ chức đại lễ trong cộng đồng Cham vô vàn phức tạp, thế nên đại lễ Gaup Gađak không khỏi tránh bao nỗi cá biệt. Như sinh linh kia có ‘talaang’ bố, sinh linh nữa có anh họ và cả cháu ruột ‘về’, vậy mà không chịu dời nửa bước chân vào Kut đưa tiễn. Hỏi có lạ không? Nữa, có bà kia không chấp hành nghiêm quy ước, đã mặc áo tùy tiện, đã bị ‘ông bà’ đuổi xuống phần đất linh thiêng nhất của Kut.

Có thể nói, đó cũng là cách điểm xuyết cho Đại lễ Gaup Gađak them phần sinh động.

Likau đwa apakaal abih drei!

Kajap karô, Pô pajiơng!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *