[‘Nhắc lại lời kẻ khác khen mình là lối tự khen tệ nhất’ – Ainsi parlait Inrasara!]
Sau buối thuyết tại Trường chuyên Phan Bội Châu, lên status, một bạn trẻ share và bình ‘thầy Sara nói siu hay’. Thế nào là hay?
Tự kiểm: Tôi không ý đồ nói hay, và chưa bao giờ nói hay, từ giọng cho đến diễn. Được cái, buổi nói chuyện của tôi không ai bỏ đi… tiểu.
Nhớ, năm xưa ở buổi nọ, khi một nữ sinh viên kêu nghe Sara rất chán, tôi tuyên nguyên văn thế thì bị cô nàng dỗi:
– Người ta không mắc đái, thì làm gì có chuyện đi ra ngoài.
– Ở các hội thảo Hội Nhà văn, luôn có 1/3 đại biểu bỏ ra ngoài, đâu phải tất cả đều… mắc đái, – tôi đáp.
– Thôi đi, cãi với thầy Sara không lại đâu! – Giọng một bạn trẻ khác.
Cũng làm nên một giai thoại vui.
Dẫu sao cuộc người chả có gì tuyệt đối. Ở đó, từng có ba nhà bỏ ra ngoài.
Một ở Hội VHNT Hải Phòng cận Tết 2006, khi tôi cho bài thơ “Khóc Văn Cao” của Bùi Chát là bài thơ hay, thậm chí bài thơ lớn nhất trong năm, anh đùng đùng bỏ hội trường. Đợi anh đi vào, tôi mới lí giải tại sao thế. Anh không chịu, quyết giữ bộ mặt chầm vầm suốt buổi.
Rút kinh nghiệm, ở Trại Sáng tác Vũng Tàu khi nhà thơ Lê Văn Ngân, hay ở Hội VHNT Quảng Bình vừa qua, một nhà văn thế hệ trước có lẽ chịu không nổi, bỏ ra ngoài, tôi để cho họ tự do. Ai không nghe Sara thuyết, thiệt thòi nấy chịu.
Tôi thuyết ‘siu hay’ thế, có nguyên do chánh đáng cả.
Từ 2002, sau khi giao hẳn Cty cho bà xã, viết hàng chữ to đùng dán tường: TÔI KHÔNG ĐƯỢC QUYỀN LÀM RA TIỀN, từ đó tôi suốt ngày nghĩ, viết, nói về mọi thứ, ngoài trừ chuyện kiếm tiền.
Một nhân vật nông dân trong tiểu thuyết Chân Dung Cát (2006), mỗi ngày nghĩ ra một ý mới, rồi nghỉ. Tôi cũng hệt: Không [chủ trương] nói hay, mà khác, lạ, mới. Non 7 năm qua, bình quân mỗi ngày đăng một Status mới nhật nhật tân hựu nhật tân. Luôn khác, và lạ. Có thể nó không mới, không hay, nhưng nó phải khác, lạ.
Thế nên, ai bỏ đi tiểu, thiệt đã đành, chớ sinh linh ghét Sara mà không đọc ông ta, lại là thiệt thòi lớn.