URANG CHAM 13. NGUYỄN VĂN TỶ

NguyenVanTy2008
Tên khai sinh: Nguyễn Văn Tỷ; bút hiệu: Chế Vỹ Tân, Trà La Ding, Jaya Yutcham.
Nguyễn Văn Tỷ sinh năm 1935 tại Phước Nhơn, Xuân Hải, Ninh Hải, Ninh Thuận.
Năm 1941, học tiểu học ở Phước Nhơn. Do trường lớp lúc đó thiếu, lớp Ba và lớp Nhì phải qua Văn Lâm học. Đến lớp Nhất lại về Phan Rang học chương trình lớp Nhất Pháp – Việt. Năm 1949 lấy bằng Primaire. Sau đó ra Nha Trang học lớp Nhất Tiểu học chương trình Pháp.
Năm 1950 – 1958: học Trung học Lycée Yersin Dalat tốt nghiệp Tú tài toàn Pháp, Ban triết lý – văn chương năm 1958. Năm 1959, học Đại học Sư phạm Đà Lạt, ở đây ông giữ vài giám thị nội trú Lycée Yersin Dalat; tốt nghiệp Đại học Sư phạm Ban Pháp văn Đà Lạt năm 1963.
Năm 1963 – 1967: Giáo viên cấp 3 Trường Trung học Ban Mê Thuộc, Darlak; năm 1967 – 1970: Giáo viên cấp 3 Trường Trung học Duy Tân, Phan Rang; từ 1970 – 1975: Hiệu trưởng Trường trung học Pô-Klong Phan Rang, Ninh Thuận.
Đất nước thống nhất, ông làm cán bộ Sở Giáo dục tỉnh Thuận Lâm và Thuận Hải. Từ 1976 – 1983: Hiệu trưởng Trường BTVH Cán bộ Thanh niên dân tộc Chăm Thuận Hải. (Đồng thời ủy viên hội đồng nhân dân tỉnh Thuận Hải 1977 – 1981). Năm 1983 – 2000: Trưởng Ban Biên soạn sách chữ Chăm Thuận Hải và Ninh Thuận, tham gia viết sách giáo khoa tiếng Chăm.
Hiện ông đang sống tại quê nhà.
NguyenVanTy.2
Lược qua tiểu sử, chắc chắn Nguyễn Văn Tỷ là trí thức khoa bảng Tây học được đào tạo rất căn bản. Ra trường, ông vào nghề cũng rất căn bản, dạy môn mình được đào tạo và làm những việc mình yêu thích. Thời gian dài làm hiệu trưởng Trường Trung học Pô-Klong và Trưởng Ban Biên soạn sách chữ Chăm cho ông nhiều kinh nghiệm và kiến thức về xã hội Cham thời hiện đại. Thế nhưng có thể nói, điều ông gây ấn tượng mạnh với tôi, chính là tinh thần [cạnh đó là hành động] phản biện xã hội có một không hai của ông.
Đương chức Hiệu trưởng Trường nội trú Cham, mà dám đuổi Tỉnh trưởng ra khỏi văn phòng, phải nói chỉ ông Tỷ mới dám làm. Tôi có cần kể thêm thành tích “dũng cảm” của ông không? Về vụ ông trình bày thẳng thắn với cán bộ Trung ương về việc Viện trưởng Viện Kiểm sát Ninh Thuận cáo giác ông làm Fulro. Đấu tranh về vụ Kiều Minh Vũ (2006), về Ghur Bini (2014) và nhiều vấn đề lớn nhỏ khác.

Tôi với ông Nguyễn Văn Tỷ quá biết nhau. Từ ông dạy Pháp văn tôi lớp Đệ Thất cho đến khi ông chức Hiệu trưởng, từ tôi chơi với Đạt em út ông cho đến thời tôi nhân viên ông tại Ban Biên soạn, cả khi ông cùng đám học trò chúng tôi nai lưng gồng gánh Tagalau nữa. Cho đến tận bây giờ.
Năm 1982, nhân vụ cuốn Fulro? [tái bản đổi tên thành Fulro, tập đoàn tội phạm] của Ngôn Vĩnh đang xôn xao dư luận, chúng tôi bàn nhau viết thư giải trình, để phản bác lại nhiều sai lầm của nhà văn công an này. Thư riêng ông và riêng tôi, từ góc nhìn khác nhau. Và thảo bức thư chung lấy chữ kí của mươi nhân sĩ nữa. Về Nhà vãng lai sắc tộc, về Trường Pô-Klong không phải Mỹ mà do Cham góp tiền làm, về Trung tâm Văn hóa Chàm, ngoài công lao Cha Moussay còn có công sức bà con Cham. Thư xong, chúng tôi cho học sinh chép nhân bản gởi đi các nơi có thẩm quyền. Chuyện buồn cười, có vị kí chưa ráo mực đã vội chạy xin rút lại chữ kí.
– Không sao đâu bác à, sự thật mà, – tôi nói: – Chính phủ rất cần nghe sự thật, nếu ta thật lòng.
Thời bao cấp, không sợ mới lạ.
Thêm vụ nữa, khi cuốn Mấy vấn đề lí luận và thực tiễn… do Phan Hữu Dật chủ biên gồm hăm ba vị khoa bảng viết về Cham, có vài chi tiết sai sự thật tác hại đến cộng đồng, ngày 30-9-2002 ông cùng non hai chục trí thức Cham viết đơn thư dài trình lên cấp trên giãi bày vấn đề. Ông nói:
– Miễn cho Sara đi, Sara còn nhiều chuyện khác, cần làm hơn.
Vậy mà con người đó dăm năm sau thôi bị vài Cham tố cáo rằng đã bôi nhọ văn hóa dân tộc do bài bài xã luận “Thực trạng của xã hội Chăm, một vài giải pháp chính” đăng Tagalau 4. Thường trực ưu tư về sinh mệnh dân tộc và văn hóa dân tộc, có thể sai về nhận định, nhưng ông là con người chính trực. Tham gia nhiệt tình vào Tagalau từ khi tuyển tập này còn trứng nước. Không số nào ông không có bài cộm, nêu vấn đề nóng hôi hổi của xã hội Cham hiện đại.
Cứ tưởng con người như thế luôn tìm đối đầu với mấy món căng thẳng, nhưng chớ có đùa. Hiếm Cham nào yêu và mê mệt cái đẹp như ông. Cái đẹp của hoa lá. Pô-Klong, nếu thầy Bá là người đặt nền móng, thầy Sang tôn tạo nó bằng kế hoạch lên dãy lầu qua hơn chục tối lưu diễn văn nghệ các làng Cham, thì chính ông Tỷ là người làm đẹp nó. Cây, cả trăm cây, hàng hàng lớp lớp oằn mình mà trồi lên chống chọi nắng nhiệt đới; hoa, chục loại hoa vắt mình mà nở trong hanh gió và lũ cát Phan Rang. Nhưng rồi, hai năm sau đất nước nhập một thôi, khi Pô-Klong hết còn ông coi sóc, chúng dần cắt khẩu đến không còn một mống!

Ông là một trí thức dấn thân đúng nghĩa. Cạnh đó ông cũng có tâm hồn thơ bay bổng. Thử đọc đoạn thơ trong bài thơ dài nổi tiếng của ông: “Su-on Bhum Cam” (bút danh Jaya Yutcham, Inrasara chuyển ngữ):
Bier harei dauk ngauk bbwơn jwa
Maung hala kayuw jruh pahwai paha tian drei
Jrưng trun jalan atah bhum palei
Blum lơy hu thuw tian drei harit harau
Raung hatai brai phik tian harau
Prưn ba yava thwak yam nau ke jiơng
Ngồi trên đồi vắng chiều nay
Nhìn cây trút lá lòng này sầu dâng
Trông về cố quận xa xăm
Buồn kia có hiểu cho chăng hỡi người
Xót đau ruột rối bời bời
Tơ lòng vương mãi khôn dời bước đi…

Đó là những năm thời tuổi trẻ, vào đời, ông nghĩ khác: cần đối mặt cuộc đời trực diện hơn. Hãy nghe ông tâm sự về những ước mơ, hoài bão của mình:

“Suốt cuộc đời, tôi luôn luôn ấp ủ những ước mơ, hoài bão cho bản thân cũng như cho xã hội của mình. Hôm nay, trước tuổi “gần đất xa trời”, đọng lại trong tâm khảm của tôi những ước mơ đã thực hiện được và chưa thực hiện được, cũng như sự mong ước không bao giờ với tới nỗi trong cuộc đời của mình. Đấy là cả sự vui buồn trong cuộc đời tôi…
1. Một quyển sách nhỏ về giáo dục và về văn hóa Chăm:
– Ngay trong tuổi tiểu học, tôi đã ước mơ trở thành một giáo viên hay là cán bộ quản lý giáo dục để có thể gần gũi tuổi trẻ và dạy bảo chúng một cách thân tình như một người cha trong gia đình. Hôm nay, tôi đã toại nguyện phần nào vì đã hiến dâng trọn đời mình cho nền giáo dục nước nhà và đã viết được một quyển sách nhỏ về giáo dục theo quan điểm và lý tưởng giáo dục của mình.
– Tôi yêu quý dân tộc Chăm của tôi và mong ước viết được một quyển sách để trình bày những kiến thức sơ đẳng nhất về văn hóa Chăm mà tuổi trẻ Chăm phải nắm được. Tôi cho đây là một góc ước mơ đã hoàn thành.

2. Sách về tôn giáo Bà-ni: “Tôn giáo Bà-ni đi về đâu?”
Tôi quan niệm và tin tưởng một cách mãnh liệt là tôn giáo Bà-ni, nếu được chuẩn hóa và lãnh đạo tốt sẽ là điểm tựa vững chắc cho xã hội Chăm Bà-ni phát triển, tiến bộ một cách tuyệt diệu! Tôi lấy làm vui mừng đã hoàn tất quyển sách nhỏ này trong niềm hy vọng mông lung của tuổi già, cũng như trong sự bức xúc lo âu trước sự thờ ơ của tuổi trẻ đối với sự trì trệ chậm tiến của xã hội Chăm…

3. Sách “Hồi ký của một trí thức Chăm” không hoàn thành…
Do hoàn cảnh dân tộc, tôi đã được đẩy vào cuộc sống xã hội rất sớm với các bậc đàn anh trong nhóm “Hội Bảo trợ học sinh Chàm nghèo” khi còn là học sinh lớp Nhất (1947). Nay vào tuổi 82, tôi vẫn tiếp tục hòa nhập và chia sẻ ngọt bùi, đắng cay với cộng đồng dân tộc tôi. Tôi có một hoài bão là ghi lại trong một cuốn sách Hồi Ký những kinh nghiệm buồn vui rất đa dạng của xã hội bất hạnh của mình, nhưng lại không thành… Lý do đơn giản là vào tuổi già, đôi mắt tôi trở nên yếu kém hẳn, không cho phép tôi hoàn thành cuốn sách 400 trang ấy được. Rất tiếc, tôi gần như là người Chăm duy nhất nắm được nhiều bí ẩn của cộng đồng dân tộc mình như sự chia rẽ giữa người Chăm Ahiêr và Aval của nửa cuối thế kỷ XX, chẳng hạn hay nhiều uẩn khúc trong lịch sử hiện đại của dân tộc Chăm…

4. Ước mơ một nền giáo dục hoàn chỉnh…
Một ước mơ lớn của tôi (nhưng nằm ngoài vòng tay với) là nước nhà có “một nền giáo dục hoàn chỉnh” để làm nền tảng và đòn bẩy cho đất nước đi lên. Tôi tin một cách mãnh liệt là một nền giáo dục hoàn chỉnh sẽ đem lại tất cả sự tốt đẹp cho cuộc đời này, trong đó có dân tộc Chăm, cụ thể là:
– Sự giao tiếp tuyệt diệu giữa người và người cũng như giữa cộng đồng đa số và cộng đồng thiểu số.
– Trẻ kính trọng già, trò kính trọng thầy.
– Mọi người sẽ hoàn thành xuất sắc bổn phận của bản thân, cũng như nhiệm vụ do cộng đồng hay cấp trên giao phó.
– Mọi người đều hết lòng thương yêu nhau, mình vì mọi người, lá lành đùm lá rách…
– Con người sẽ trở nên “tử tế” một cách tự nhiên, không còn sự chèn ép, áp bức nhau hay tham ô tham nhũng vô tội vạ như hiện nay…
– Tất cả trí thức đều một lòng vì dân vì nước…
Xã hội tuyệt vời như thế chỉ có được khi nền giáo dục của đất nước hoàn chỉnh thật sự. Lebut đã nói: “Ai làm chủ giáo dục thì có thể thay đổi bộ mặt thế giới.”

*
Có thể nói, ở cuối cuộc đời, phần nào đó ước mơ ông được hiện thực, ít ra cũng là về mặt lý thuyết, qua hai tác phẩm đã in: Giáo dục toàn diện và sự phát triển xã hội, NXB Thanh niên, 2009, và Đời sống Văn hóa – xã hội người Chăm Việt Nam, NXB Văn học, 2010.

Phụ lục
Inrasara
LỜI GIỚI THIỆU
Đời sống Văn hóa – xã hội người Chăm Việt Nam, NXB Văn học, 2010

Có người “lập thuyết” trước sau đó hành động. Ngược lại có người hành động trước, rồi nhìn ngoảnh lại, tổng hợp và khái quát thành “thuyết”. Nguyễn Văn Tỷ thuộc nhóm thứ hai. Khía cạnh này, ông là người luôn đứng đầu sóng ngọn gió của thời cuộc Cham: giáo dục, chính trị – xã hội, phong tục – tập quán… dẫu bị khuôn định trong chưa tới ba mươi palei ở hai tỉnh là Ninh Thuận và Bình Thuận, nhưng luôn sôi động và nhiều biến động. Là kẻ nhập cuộc, mức độ nào đó, ông vừa là tác nhân đồng thời chịu cho nó tác động.
Sau thời phong kiến, Nguyễn Văn Tỷ thuộc thế hệ trí thức Tây học đầu tiên. Đầu tiên và thuộc loại hàng đầu. Hiệu trưởng Trường Trung học Pô-Klong, trường trung học duy nhất dành riêng cho con em dân tộc Cham tỉnh Ninh Thuận trước năm 1975, sau khi đất nước thống nhất là Trường dân tộc nội trú Tỉnh; Ủy viên Hội đồng Nhân dân tỉnh Ninh Thuận; Trưởng Ban Biên soạn sách chữ Chăm tỉnh Ninh Thuận…

Được trang bị kiến thức Tây học rất nền tảng, ông là người vừa trong cuộc vừa như đứng bên ngoài nhìn về cộng đồng từ đó mình khôn lớn. Thường thì ưu thế của bộ phận con người này là phản biện xã hội. “Thực trạng tôn giáo Chăm Bà-ni”, “Suy nghĩ tản mạn về nếp sống văn hóa Chăm “, “Phát triển kinh tế vùng Chăm”, các bức “Thư gởi con”, và nhất là tiểu luận “Thực trạng xã hội Chăm, một số giải pháp chính”ghi nhận các phản biện vừa toàn diện vừa sâu sắc và đầy tính xây dựng của ông. Phản biện này đã được đón nhận nhiệt tình bên cạnh gặp phải các ý kiến đối nghịch. Là điều không thể tránh trong một xã hội đang chuyển hướng mạnh mẽ như xã hội Cham mươi năm qua. Điều quan trọng là ông đã bình tĩnh đón nhận nó với tinh thần cầu thị đáng trân trọng (“Xung quanh ý kiến trao đổi về bài “Thực trạng xã hội Chăm, một số giải pháp chính”, Tagalau 5).
Bên cạnh con người phản biện xã hội, Nguyễn Văn Tỷ còn là người tìm hiểu văn hóa dân tộc. Tìm hiểu như một trí thức chứ không là một nhà chuyên môn thuần túy, nên ông có vốn hiểu biết khá bao quát. Các bài nghiên cứu về các địa danh Việt gốc Cham, về “họ”của người Cham, các nét đặc trưng văn hóa Cham, lịch sử tôn giáo Cham… của ông đăng trên Tuyển tập Tagalau là rất cần thiết trong việc phổ cập kiến thức văn hóa dân tộc trong cộng đồng. Đó cũng là một hành động trí thức: góp phần khiêm tốn để bảo tồn nét đẹp truyền thống của văn hóa dân tộc.
Thể cách nào, Nguyễn Văn Tỷ vẫn là một trí thức chân chính. Một trí thức trong hành trình đi sâu vào văn hóa dân tộc để tìm nguồn cội, đồng thời mang hoài vọng mở hướng đi khả dĩ cho đời sống của cộng đồng. Bằng lời nói, việc làm cho đến trang viết. Các trang viết trong Đời sống Văn hóa – Xã hội người Chăm Việt Nam ghi nhận một góc hành trình đầy ưu tư đó của ông. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu tập sách này đến tay người đọc.

Sài Gòn, tháng Tư năm 2010.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *