(Chuyên đề Hôn nhân ngoại tộc)
* Chế Vỹ Tân – Inrasara & nghiên cứu sinh Thanh Lê tại tư gia của ông, Phước Nhơn – Ninh Thuận 2011.
Trong cuộc đời, người ta thường chia thời gian sống làm hai giai đoạn: Giai đoạn sống dưới sự che chở, đùm bọc của cha mẹ và giai đoạn của cuộc sống vợ chồng. Lúc còn ở tuổi học trò, mọi việc đều dựa dẫm vào cha mẹ nên anh chàng/ cô nàng chưa hiểu thấu đáo “TRÁCH NHIỆM” là gì. Nhưng khi rời khỏi tổ ấm gia đình để sống cuộc đời tự lập thì anh chàng/ cô nàng mới hiểu rõ hai chữ trách nhiệm để bon chen với đời, cọ sát với thực tế đầy “khó khăn – gian khổ” và lúc đó mới sáng mắt ra…
Tiếc thay, khi phải bước chân vào con đường vạn nẻo ấy, anh chàng/ cô nàng thuộc hệ xã hội khác nhau (mẫu hệ và phụ hệ) lại phải xây dựng tổ ấm với nhau, nên đã và sẽ gặp những khó khăn chồng chất trong nhiều hoàn cảnh éo le và bi thảm của cuộc đời. Tôi đã gặp nhiều hiện tượng cô gái Chăm (mẫu hệ) lấy chồng Kinh và cả vợ lẫn chồng đều sống một cuộc sống gượng ép, hoàn toàn thiếu hạnh phúc. Rất đáng tiếc là đôi bạn trẻ này thường không hiểu được việc gì sẽ phải xảy ra trong cuộc sống của mình dù là việc nhỏ nhất, như con cái sau này sẽ theo mẫu hệ (về ở với dòng họ mẹ và phụng thờ bên mẹ) hay theo phụ hệ (về ở với tộc họ người cha)! Những bức xúc ban đầu ấy đối với hai vợ chồng trẻ cũng là bức xúc của những người cầm bút mà họ tự cho mình có trách nhiệm cảnh báo những vấn đề thực tiễn sẽ xảy ra trên cơ sở những hiểu biết và kinh nghiệm của bản thân mình nhằm mang lại niềm hạnh phúc cho hôn nhân và sự bình yên cho xã hội.
Bản thân tôi cũng như bao nhiều người cao tuổi khác, có những ưu tư trăn trở mông lung đối với các cuộc hôn nhân đặc biệt như đã đề cập trên đây hoàn toàn không đượm một tí sắc màu “kỳ thị” nào, hiểu cả hai chiều. Viết và phân tích đề tài này, tôi thật tình mong muốn tuổi trẻ hiểu biết thêm một phần nào về việc quan trọng quyết định cả tương lai của cuộc sống mà mình sắp phải trải qua. Tôi xin mạn phép đặt lại vấn đề cụ thể như dưới đây.
1/ Hiện tượng cô gái Chăm lấy chồng Việt hay Tàu:
– Sự hiểu biết của một cô gái Chăm xung quanh sự việc phải lấy chồng khác hệ hoàn toàn không rõ ràng, nghĩa là không am hiểu tí gì về thực tế. Hầu hết các cô gái này (và kể cả cha mẹ của họ) đều nghĩ rằng bước đầu là phải theo chồng, không phải để sống như một nàng dâu với gia đình chồng một cách vĩnh viễn mà chỉ là đến sống với chồng một thời gian ngắn rồi lại trở về với gia đình mình. Hơn nữa cô gái Chăm và cha mẹ thường đặt vấn đề khá cụ thể: “người Chăm tôi có phong tục tập quán hơi khác người Việt. Theo tục lệ mẫu hệ thì con gái phải có bổn phận thờ cúng ông bà, phụng thờ tổ tiên, nghĩa là con gái phải cưới chồng chứ không theo chồng được. Anh/ con nghĩ như thế nào?” Thông thường thì chàng trai vẫn trả lời “xuôi chèo, êm mái” cho được việc (vì đang yêu nhau say đắm mà) và nói cho thật công bằng, người con gái Chăm hỏi như thế cũng chỉ để mà hỏi nhằm tìm hiểu ý kiến “bên đó”, chứ hoàn toàn không hiểu được sâu sắc về tâm lý và thực tế câu trả lời hời hợt trên đây. Tất cả sự oái oăm của cuộc sống tương lai bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết và thiếu suy nghĩ chín chắn này!
– Đường đời vạn nẻo… Khi cô gái Chăm, đặc biệt là cô gái nông dân ít học, phải bôn ba chốn phồn hoa đô thị đầy cám dỗ và cạm bẫy, phải làm đủ nghề để sống thì sớm muộn cũng sẽ bị… sẩy chân! Cô gái trẻ một khi đã biết yêu thì không còn sáng suốt, cứ nhắm mắt đưa chân, “núi cao cũng trèo, sông sâu cũng lội, vạn đèo cũng qua”… Cô ta nào hay biết gì về trăm ngàn khó khăn đang chờ đợi cô ta: phong tục tập quán người Kinh cũng như người Hoa rất phức tạp, con gái đã về nhà chồng thì chỉ biết làm bổn phận và trách nhiệm đối với gia đình chồng, phải tuyệt đối vâng lời, nhập gia tùy tục và kể cả khi già yếu chết đi cũng phải được chôn cất cùng thổ mộ nhà chồng (chứ không được đưa xác về chôn bên tộc họ mình). Chắc cô gái Chăm không bao giờ hiểu những bài học sơ đẳng này của nhà chồng: nếu muốn về quê nhà thăm cha mẹ mình thì phải xin phép cha mẹ chồng và phải được chồng dẫn đi mới “phải đạo”. Có người bạn kể với tôi rằng có một cô dâu (người Việt) đã được chồng cho phép về thăm nhà nhưng không qua ý kiến của cha mẹ chồng, đã bị đuổi khỏi nhà vĩnh viễn. Khi anh bạn tôi hỏi lại cô dâu này tại sao không xin lỗi để được tha thứ thì cô dâu trả lời: “Người ta đã không thương mình nữa thì có quyền đuổi mình đi, nếu chồng không chấp nhận theo mình thì mình cũng chịu!”. Cô gái Chăm cũng không bao giờ hiểu nổi những thiệt thòi “bất ngờ” của phận làm dâu, như: tên mình cũng phải thay đổi thay vì tên “Tuyết” các bạn bè đều gọi theo tên chồng là “chị Thông”, “chị Quang” chảng hạn. Mỗi dân tộc có văn hóa, bản sắc riêng, một cô gái Chăm dù là có học cũng không thể nào tuân thủ được hoàn toàn và suôn sẻ các tập quán, tập tục của nhà chồng, từ cách ngồi ăn, gắp miếng ăn, chào hỏi khách, chăm nom cha mẹ và các cháu nhỏ, nấu nướng theo khẩu vị và văn hóa người Kinh… Cô dâu Chăm sẽ cảm thấy rất xa lạ và bơ vơ trong gia đình phụ hệ của người Kinh vì đã quen sống nhởn nhơ, thoải mái đầy tự tin chủ động và quyền hạn của một con gái mẫu hệ Chăm, luôn ở bên cạnh cha mẹ mình. Nhưng nay…
– Tiến thoái lưỡng nan… Một khi đã đưa chân lên rồi thì cứ thế mà bước, tới đâu hay đấy, hoàn toàn phó thác cho số phận. Tôi được trực tiếp nghe một số câu chuyện xung quanh “phận làm dâu” thật bi thảm trong gia đình phụ hệ mà lấy làm áy náy, trăn trở. Một cô gái ở làng T.H. kể với tôi rằng cô ta là công nhân, đã làm chung công việc với một chàng trai gốc Gò Công, đã yêu nhau và lấy nhau. Nhưng khi có một đứa con rồi, hai người mới về quê chồng sinh sống, cô ta thật sự ngỡ ngàng vì gia đình chồng quá nghèo không có nhà riêng cố định. Hai ông bà làm nghề chăn vịt, chỉ ăn ở trong một chòi tạm bợ bên bờ sông , nay đây mai đó, cứ theo chân bày vịt đồng mà chuyển! Sống được một thời gian, những người xung quanh mới gợi ý cho cô ta là nên trốn về quê mẹ ở, vì chắc chắn cô không quen với lối sống tạm bợ và khốn khổ này. Cô nàng nghe theo, nhận 200 ngàn đồng tiền bà con biếu xén để đi xe đò về. Nhưng số phận không mỉm cười với cô ta… Một tháng sau người chồng tìm được nhà trong lúc cô ta lại vắng mặt, nên tự tiện bồng đứa con đi (cũng có thể nói là cướp đi). Thế là bà mẹ trẻ đau khổ này phải trở về với chồng (vì không nỡ xa con) để phải tiếp tục sống một cuộc đời sông nước bất hạnh hoàn toàn xa lạ với bản sắc dân tộc mình!
Một câu chuyện khác đã xảy ra trong thôn N.Q. với bà Thành Thị Phen. Trong công cuộc mưu sinh, bà đã quen với một thanh niên Kinh và lấy nhau, đến nay đã được bốn mặt con. Trước đây sống nơi quê vợ, khi có ba đứa con rồi thì chuyển đến lập nghiệp ở Tây Nguyên. Đã có 4 mặt con, thế mà vẫn gặp nhiều “rắc rối cuộc đời”… Sống độc lập với gia đình vợ, người chồng tự nhiên thấy cần củng cố lại “vị trí” của mình bằng cách tự khẳng định vị thế “phụ hệ” vốn có. Anh ta bắt buộc vợ con sống theo nếp sống của người Kinh: từ việc nấu nướng, ăn uống, giải trí, sinh hoạt gia đình phải theo qui cũ mới, rất xa lạ với người Chăm. Từ đó, 2 – 3 năm vợ con mới được về thăm quê nhà một lần nhưng phải cùng đi với chồng.
Hai đứa con lớn đến tuổi lập gia đình, cũng chỉ phải lấy người Kinh, chứ không được lấy người Chăm! Lại đành phải buông trôi theo số phận…
Một câu chuyện khác nữa: Bà Quảng Thị Ao, gốc làng B.K. đã tốt nghiệp bác sĩ. Bà đã phải duyên cùng một giáo viên cấp 3 người Kinh và đã có 3 mặt con. Bà than phiền với tôi là bà sống nhưng không hiểu “hạnh phúc” là gì? Bà là người có học nhưng vì lấy chồng Việt (người miền Bắc) nên mọi việc phải làm theo gia phong bên chồng nên rất mất chủ quyền và cảm thấy đơn côi giữa cảnh chồng con đùm đề quấn quýt. Theo bà, tủi nhục lớn nhất mà bà phải chịu đựng là không được dạy con nói tiếng Chăm! Bà phải tự xóa bỏ tất cả bản sắc văn hóa dân tộc mình để sống theo văn hóa mới của chồng. Bà ta cũng cảm thấy không chủ động được trong việc thăm viếng quê mẹ, chăm sóc cha mẹ mình và luôn cố gắng “tự giáo dục” để quên mình là người dân tộc Chăm (vì nhiều lý do) để có thể sống trọn vẹn cho chồng con. Bà còn tiết lộ là bà rất bâng khuâng sau khi chết đi, thể xác mình có được trở về với ông bà tổ tiên để nằm bên cạnh bà mẹ yêu quý của mình không (theo tục lệ người Chăm). Dĩ nhiên, bà đã gợi chuyện xa gần để biết ý chồng về vấn đề đó, nhưng ý chồng con là mong muốn “cùng sống, cùng chết bên nhau”. Bà rất ái ngại vì bà có biết trường hợp bạn bà cùng cảnh ngộ, lúc mãn phần đã phải nằm lại bên tổ tiên nhà chồng, sau khi hai gia đình phải tranh chấp nhau nảy lửa! Nói xong bà thở dài, đôi mắt ngấn lệ…
– Tội nghiệp cho kẻ thiếu hiểu biết: Tôi biết một gia đình ở thôn N.H. có con gái lấy chồng Việt. Cha mẹ của gia đình này (cũng như bao nhiêu người khác) rất thiếu hiểu biết về cuộc hôn nhân đặc biệt này, nên không những không đòi hỏi một đồng xu nào về cái gọi là “của thách cưới” mà lại có suy nghĩ nông cạn (nếu không nói là khờ dại) là phải tổ chức đám cưới nhằm mục đích công bố cho thiên hạ biết là “con gái mình đã cười chồng về”. Ông bà chịu mọi chi phí của đám cưới, kể cả xe cộ chuyên chở họ đàn trai về nhà đàn gái, tốn kém hơn hai lượng vàng nhưng luôn rạng rỡ và đầy hãnh diện. Tương lai sẽ như thế nào, chắc mọi người cũng đoán được! Đáng thương thay cho người dân tộc thiểu số thiếu hiểu biết về cuộc sống hôm nay nên phải rước lấy “thiệt thòi kép”.
2/ Hiện tượng chàng trai Chăm lấy cô gái Việt:
Trường hợp con trai Chăm lấy vợ Kinh thì nhẹ nhàng hơn nhiều so với trường hợp con gái phải “xuất giá tòng phu”. Chúng ta phải phân biệt rõ hai vấn đề và hai quan điểm: con gái Chăm đi lấy chồng Kinh có nghĩa là đi luôn, lắm lúc mất cả thân xác và con cháu sẽ là Ngoại. Còn con trai Chăm vốn đã là ngoại, nay đi lấy vợ Kinh thì: một, cũng là NGOẠI (nếu ta không chịu nhìn xa), hai sẽ là NỘI, nếu chúng ta có thái độ chấp nhận và thay đổi cách nhìn.
– Ngựa quen đường củ, con trai Chăm nếu phải lấy vợ Kinh hoặc Hoa thì cũng mang nặng định kiến “con trai phải về nhà vợ”. Vì thế cho nên rất ít người chịu cưới hỏi đàng hoàng, nghĩa là phải làm Lễ cưới hẳn hoi, chứ không chỉ mở tiệc đải đằng bè bạn để gọi là có “tuyên hôn”. Chuyện này có những nguyên nhân của nó:
+ Một là: do quen lề lối mẫu hệ của mình (định kiến).
+ Hai là: do vấn đề tài chính không thể trang trải thật bài bản cho lễ cưới hỏi (kể cả của thách cưới).
+ Ba là: nếu cưới về thì cha mẹ và bà con Chăm chỉ nhìn bằng nửa con mắt (cũng là thành kiến: người không ra gì mới phải lấy vợ ngoài dân tộc).
Chính vì vậy mà con trai Chăm thường chọn con đường “ở rể” hoặc tự đưa nhau ra lập nghiệp riêng, không làm phiền bên vợ cũng như bên mình. Dĩ nhiên, chọn con đường này đôi vợ chồng sẽ gặp một sự rắc rối có thể nói là oái oăm trong tương lai: Các con không biết NỘI mình là ai? Ông bà bên Cha hay bên Mẹ? Trong thực tế cả hai phía không ai công nhận một cách chính thức mấy đứa cháu là CHÁU NỘI của mình, mà cả đôi bên đều xem đó là cháu ngoại. Dĩ nhiên sự việc như thế là bất đắc dĩ, không ai cho đó là tốt đẹp hay vinh hạnh gì!
– Tư tưởng đẻ ra hành động. Ta đã nghĩ “con trai là ngoại” thì các cháu sau này sẽ là cháu ngoại. Tại sao ta không thay đổi tư duy mà cho rằng: Con trai mình đã cưới vợ về, người vợ thuộc phụ hệ, nghĩa là sẵn sàng chấp nhận sống và chết chôn cất cùng thổ mộ với mình như con gái trong gia đình mình thì “con trai đã trở thành NỘI” có được không? Từ đó, khi ta đã thay đổi cách suy nghĩ rồi thì mọi việc sẽ trở thành đơn giản: Con trai là nội thì sẽ được đối xử công bằng như các con gái của mình, và các cháu sẽ hưởng các chế độ tôn giáo – tin ngưỡng cũng như của cải giống hệt như các cháu nội khác.
– Không khéo sẽ mất cả chì lẫn chài: Lối suy nghĩ của người Chăm xưa nay là con gái phải MẪU HỆ, nghĩa là con gái là nội, con trai là ngoại, bất di bất dịch như thế. Nhưng hoàn cảnh đã thay đổi, con gái đã theo chồng người Kinh đi thì nó đâu còn là nội nữa? Nay con trai đã cưới vợ Kinh về mà không được công nhận là nội thì còn ai “nội” nữa, nếu gia đình này chỉ có 2 đứa con trai và gái? Suy nghĩ cho rộng ra, xã hội Chăm đang và sẽ sống hòa đồng với cộng đồng dân tộc Kinh (và các dân tộc khác), không thể nào khác đi được. Vậy, dù muốn hay không, con gái Chăm đã lấy chông Kinh và đi theo chồng thì phải có cách bù đắp lại là con trai Chăm lấy vợ Kinh thì phải cưới vợ về và phải được chấp nhận là nội. Làm khác đi sẽ mất cả chì lẫn chài. Vấn đề xã hội hôm nay là như thế đó.
3/ Kết luận:
Qua phân tích trên, chúng ta nhận thấy là vấn đề hôn nhân thật hệ trọng trong đời người. Hôn nhân thành công sẽ mang lại hạnh phúc bền lâu cho cuộc sống, ngược lại hôn nhân thất bại sẽ đưa con người xuống địa ngục trần gian, nghĩa là tương lai sẽ chỉ là một màu xám xịt… Như thế, chúng ta phải tính toán thật bình tĩnh và kỹ càng để không bao giờ phải bị động dẫn đến những kịch bản bi hài thê thảm trong cuộc sống. Sự việc trên đưa chúng ta đến những kết luận sau đây:
– Một là: Phải tiên liệu được tất cả những gì sẽ xảy ra trong một cuộc hôn nhân khác hệ để sau này không có gì khiến ta phải hối tiếc.
– Hai là: Khi con gái đã thuận theo chồng người Kinh thì cha mẹ (và con gái) phải hiểu thật rõ ràng (chứ không được mơ hồ) là sẽ đi luôn, sẽ trở thành cô dâu người Kinh và lúc mãn phần sẽ được chôn cất cùng tộc họ người chồng. Không nên tin tưởng ở cuộc hợp đồng… giấy hay miệng!
– Ba là: Nên có suy nghĩ rộng rãi với con trai, một khi đã chấp nhận lấy vợ người Kinh thì phải cưới hỏi đàng hoàng và có cuộc sống theo nề nếp của mẫu hệ. Cô con dâu sẽ cùng sống trong gia đình hay sống tự lập, và khi già yếu mất đi thì phải chấp nhận được chôn cất trong thổ mộ của tộc họ mình. Các con cháu thế hệ kế tiếp sẽ là NỘI. “Muốn thay đổi số phận thì phải thay đổi tư duy” nhà văn Wheeler đã nói thế.
– Bốn là: Những ý kiến được phân tích trong vấn đề hôn nhân này không phải là tuyệt đối, nghĩa là có một vài trường hợp các nữ trí thức Chăm lấy chồng Việt (trí thức) đã hưởng được niềm hạnh phúc chan hòa… Ngược lại, dựa trên kinh nghiệm của cuộc sống, rất ít chàng trai hưởng được hạnh phúc bền lâu bên cạnh vợ Kinh. Khi tuổi xế chiều, “ông cụ” lại phải khăn gói trở về cố hương, đại đa số là như thế và chưa thấy lời giải rõ ràng, cụ thể. Còn việc hôn nhân giữa cô gái Chăm và một thanh niên cùng hệ (như dân tộc Raglai chẳng hạn) thì không có gì trầm trọng đáng bàn.
– Năm là: Sự phân tích trên đây không áp dụng được với người chồng nước ngoài (hoặc các đại gia) vì như chúng ta đã từng chứng kiến, “đa kim ngân phá luật lệ”, nghĩa là vật chất lắm khi là chiếc đủa thần mầu nhiệm trong hôn nhân, xoay chuyển được mọi tình thế. Sự kiện đã xảy ra ở Hữu Đức và Văn Lâm (huyện An Phước) đã chứng minh điều đó.
Với tư cách là người cao tuổi và là người cầm bút, tôi cảm thây có trách nhiệm phải cảnh báo cho thế hệ trẻ (Chăm cũng như các dân tộc khác) những gì mà họ cần phải biết để tránh được những hậu quả đáng tiếc, do thiếu thông tin hay kiến thức cần thiết.
Tác giả sẵn sàng chấp nhận thảo luận với các độc giả và sẽ chân thành cảm tạ những lời góp ý xây dựng.
Ngày 08 tháng 5 năm 2012
C.V.T
Email: chevy352000@yahoo.com; ĐT: 068-3871669 – DĐ: 01254561973
Thầy NVT viết với nhiều tâm huyết đáng quý, theo vài bạn đọc bình luận ở bên lề thì thấy vấn đề thầy đặt ra chỉ thích hợp với thế kỷ trước. Bây giờ không ai đặt ra vấn đề ngoại hay nội nữa, mà là chuyện khác, rộng hơn. Ngoại nội thì có tính cách gia đình thôi, con dân tộc mới quan trọng. Ví dụ bài đối thoại của Chay Mala nói đến NHẬN hay không cộng đồng mình, con cái có còn NÓI tiếng mẹ đẻ nữa không? Hay quan trọng nhất, có đấu tranh cho lợi ích của cộng đồng bên thiểu số hay không?
Góp ý mạo muội với thầy vài chỗ như thế. Kính.
Tôi đã đọc hầu hết các bài viết của Thầy trên diễn đàn Viyaja và đánh giá rất cao. Tất cả các bài viết sâu sát thực tế, phản ánh chính xác và có tính xây dưng cao những chuyển biến cuộc sống xã hội Chăm đương thời. Ông bà xưa có câu: “thương cho roi cho vot”. mặc dù có những phản ứng trái chiều về bài viết của Thầy, nhưng riêng bản thân tôi đồng cảm và ủng hộ. Một người biết đau thương và có trách nhiệm với dân tộc thì không chỉ bên vực nói những điều tốt mà phải thẳng thắn phê bình những cái chưa tốt để cùng tiến bộ
Hầu như người Chăm đồng cảm với tôi một điều rằng: Thầy Tỷ là một trí thức Chăm chân chính, Thầy là một người cha, môt người đàn anh đi trước soi đường mở lối gần gủi và sát cánh với đời sống văn hóa xả hội Chăm hiện tại
Tôi luôn mong Thầy sống thọ, sống vui khỏe đễ góp thêm công sức cho sự phát triể xã hội Chăm