5.000 Từ vựng Việt – Chăm: Thử bàn về cách chọn từ

1. Vốn từ vựng căn bản

Rút từ ba nguồn:

Từ điển Việt – Chăm, NXB Khoa học Xã hội, 1996.

Từ điển này lấy toàn bộ từ vựng từ Từ điển Chăm – Việt, NXB Khoa học Xã hội, 1995. Ưu điểm: tương đối chuẩn, ít có chữ “sáng tạo”, ngoài số lượng từ của Ban Biên soạn sách chữ Chăm.

Từ điển Việt – Chăm, NXB Giáo dục, 2004

Lượng từ vựng có sẵn do NXB Giáo dục cung cấp, nên buộc người biên soạn “dịch” để đáp ứng nhu cầu phía bên tiếng Việt. Số lượng từ này chiếm khoảng 500 từ.

– “1.400 từ Việt – Chăm – Anh” trong Tự học tiếng Chăm, NXB Văn hóa Dân tộc, 2003.

 

2. Loại bỏ

– Số lượng từ do Inrasara “dịch”, và từ của BBSSCC “sáng tạo” nhưng chưa thông dụng.

– Số lượng chữ có tần số xuất hiện ít trong đời sống hằng ngày.

– Các từ chuyên ngành.

 

3. Vay mượn thế nào?

Đây là vấn đề nan giải nhất của 5.000 Từ vựng Việt – Chăm. Tại sao?

Các từ có tần số xuất hiện cao, nhưng không có trong vốn từ vựng Chăm cũ. Ví dụ: chính trị, kinh tế, tự do,…

Nếu không “dịch”, ta phải vay mượn. Mượn tiếng Anh như Malaysia được không? – Không thể, bởi đây là ấn phẩm dành cho giới bình dân Chăm. Họ đang nói tiếng Việt, làm sao mượn tiếng Việt mà vẫn đặc trưng Chăm?

 

Cách đây hơn trăm năm, người Chăm cũng đã biết cách phiên âm:

TR = KL. Ví dụ: trùm = klum; trưởng = klơng; trấn thủ = klơn thu

V = BI. Ví dụ: vở – biơk, biở; võ = biok, biỏ; vọc = biọc

 

Về dấu trong tiếng Việt cũng vậy, Chăm có thể mượn rồi bỏ mất dấu, cũng không sao cả.

Ví dụ: trại = klai; xã hội = xa hôi; cộng hòa = kong hoa,…

 

Xin mời quý mik wa adei xa-ai góp thêm ý kiến.

47 thoughts on “5.000 Từ vựng Việt – Chăm: Thử bàn về cách chọn từ

  1. Theo như nguồn Wa Sara vừa nêu nếu như giới bình dân ứng dụng các từ điển thông dung này tốt thì hay biết mấy, nhưng một số phiên âm theo tiếng Việt thì hầu hết nhiều sinh viên Chăm sử dụng hơn, rất tiện xài. Kaka thấy một số từ điển cũ có nhiều cái mới nên Wa Sara lấy ra xài cho tiện,mới đây nhiều từ mới Sara có thể đưa vào cũng được, mượn các “từ” của tiếng Việt bỏ dấu rồi dùng rất hay, nhiều cái Wa nên bổ sung thêm…

  2. Các ban Chăm mến,
    Về việc xây dựng Từ Vựng Việt-Chăm, cơ bản tôi đồng ý với Sara. Chỉ xin đưa vài đề nghị nhỏ sau đây:
    1- bỏ tất cả các từ “SÁNG CHẾ” hoặc “DỊCH THUẬT” bất cứ từ nguồn nào để tránh cho người Cham phải học lại ngữ nghĩa của các từ đó. Vả lại chắc gì người ta chấp nhận các từ đó.
    2- Tốt nhất là nên vây mượn thẳng tiếng Việt rồi chuyển âm sang tiếng Chăm, như vậy tiện cho những người biết tiếng Việt muốn học tiếng Chăm, qua đó tránh khỏi phải tranh luận lôi thôi.
    3-Chọn cách phiên âm đơn giản nhất làm sao cho người biết tiếng Việt đọc dễ dàng.
    Chúc các bạn nhiều sức khỏe để cùng Sara hoàn thành sớm công trình nói trên
    Tiện đây, mến chúc các bạn một mùa Giáng Sinh vui vẻ và một năm mới thành đạt.
    Thân ái.

  3. Hi, tong abih gap! Tuei saong lak mâk sanưng mbôh lac gruk mâk pa-ndâr bôh panuic nagârlingiu nân meyâu ka bôh panuic Ingris ngan Melayu nan mbôh min nyu dok siam dan glup biyai ngan ngap lang-terjamah walaupun nyu dok hasit-srak ke-ndah ke-ndaing ka urang mâk pa-ndâr yau ka serasam-gam. Sabab habâr wek, gap-gap mada sanâng mâk ha-o? Sabab yâh panuic Cham hu barêh trak, barêh glaong, barêh bia atau barêh njuel drâh panuic yuan ô!…

  4. Tui vô tình quá, ko tham gia bàn chuyện lớn từ lâu. Tui hoan hô bác INRA làm việc này. Thứ nhất, bác có kinh nghiệm (soạn chung 3 cuốn Tự điển – rút kinh nghiệm từ nhiều cái đúng và ít cái sai trước đó của mình, rồi biên soạn). Thứ hai, là chuyên gia (thật) về tiếng Chăm và soạn Tự điển, nên bác INRA biết làm thế nào…

    Nhưng tui thấy mọi người bàn có 2 ý rất đáng chú ý:
    1- Tiếng Chăm khác hệ tiếng Việt, thì làm sao? Ý này có thể giải quyết được, là ông bà Chăm sống chung với người Việt, đã mượn tiếng của họ từ lâu rồi. Trong thơ cũng đã có, trong đời sống hôm nay nghe nói tới 50-60%. Soạn Từ vựng này (tập đầu, nghe bác INRA nói như vậy) là cho người Chăm ở Chăm Đông. Vậy là không thể ko dùng tiếng Việt.
    Với xu thế này, muốn bẻ ngoặt lại dòng chảy lịch sử là điều ko có thể!

    2- Nhưng theo tui, thế hệ trẻ ko ai nói KLƠNG nữa, mà nói TRƯỞNG, ko ai nói KLUC nữa, mà là nói TRỤC,…
    Vậy thì sao? Bắt họ nói như ông bà thời cách nay 60 năm được ko?
    Lại ko ai bẻ ngoặt được lịch sử!
    Tui lúng túng quá bác INRA ơi, bà con ơi!!!

    Kính.

  5. Tôi không giỏi vụ này, nhưng cũng xin tạm góp ý vào công việc rất ý nghĩa của nhà thơ. Tôi nghĩ nên làm luôn cả tiếng Chăm Châu Đốc – Tây Ninh vào 1 cuốn cho tiện. Theo chỗ tôi hỏi và biết thì không có nhiều khác biệt lắm đâu. Làm vậy để 2 miền có thể nói hiểu nhau được. Tôi nghĩ nhà thơ cũng biết kha khá tiếng Chăm Tây. Hay nhà thơ tìm 1 người giỏi tiếng vùng này để kết hợp. OK?

  6. @isutrajayanaim : halin setuju saong komen saai mayai. ngap yau nan jieng siam. Yah lac khing kan-ndung sa kitap 5000 punuec Cam dan hu bahasa Cam Cau-nok yau saai @Trần Sáng hu lac. Tapi khing ngap tuei cara ni ( tamâ sap Yuen) jieng o hu. Asbab ngap brei khuk bahasa dan masyarakat oh taduel.Yau nan kitap jieng ta-saoh sia dan o hu manafa’at, Wassalam!

  7. Lâu nay tôi ít đồng ý với cách nói của bạn Trần sáng, hôm ni bỗng dưng tôi nổi hứng nhất trí cao với bạn ấy. Làm 1 cuốn duy nhất thôi. Trước hết là tiếng Việt rồi tiếng Chăm Đông in nghiêng sau đó là tiếng Chăm Tây in đứng, để dễ phân biệt.
    Để 2 vùng miền này nếu ai thích thì đọc và hiểu nhau. Rất chí lí!
    Cảm ơn bạn Trần Sáng nhé. Nhà thơ Inrasara nên nghe ý kiến bạn này.
    Ai tình nguyện là người Chăm Tây nào?

  8. Tôi cũng hoan hô kế hoạch này. Nó thực tế như chuyện ăn uống vậy.
    Ra càng sớm càng tốt nhà thơ nhé.

  9. Niếu theo cách thức đưa tiếng Việt vào phát âm theo kiểu Chăm để bổ sung từ. Chắc hẳn sẽ ko được sự đồng thuận và đón nhận từ cộng đồng Chăm Tây (và chắc hẳn từ Chăm Đông cũng sẽ có những ý kiến trái chiều). Lâu nay họ cố giữ và giảm đến mức có thể lượng tiếng Việt trong văn nói ( khi nói tiêng Chăm). Và tuyệt nhiên ko có (hay nếu có thì chỉ là những từ chú thích nghĩa thêm vào) trong văn viết. Vì vậy nếu tác giả có ý làm cuốn sách này với mục tiêu chung cho xã hội Chăm (Đông – Tây) thì kính mong xem xét lại!
    Thuk siam!

  10. Theo tôi hiểu, nhà thơ chỉ dùng từ THỬ BÀN. Nhà thơ thấy có nhiều cách trong đó có cách mượn tiếng Việt như ông bà ta xưa (không phải “chú thích” như Putra nói đâu, mà trong thơ cổ hẳn hoi, tôi còn biết có 1 tập thơ viết vào năm 1940 ở Phan Rí có đến 1/3 là từ tiếng Việt mà ng ta gọi là thơ Canh Cụ). Nhà thơ đề nghị BÀN. Theo tôi hiểu là chưa QUYẾT.
    Còn tôi có THỬ BÀN với nhà thơ là thế hệ này ko ai nói KLƠNG, KLUM nữa, vậy phải làm sao???
    Ý thư hai là Putra đừng nghĩ “giùm” cho Chăm Đông mà “chắc hẳn” hay ko chắc hẳn.
    Nhưng ý kiến của Putra là rất trách nhiệm. Bà con bàn vào nhiều đi.
    Thuk siam.

  11. Người Chăm mình ngày xưa có dùng KL tương đương âm TR bên tiếng Việt, rất xưa, ko biết ai trước ai sau. Sau này người Chăm mình cũng dùng lại 2 âm tương đương đó, nhưng chắc chắc là Việt trước rồi: TRỤC = KLUC, TRƯỞNG = KLƠNG.
    Rất xưa và gần đây, cả 2 đều lỗi thời.
    Hiện tại ta phải làm khác đi. Tôi có 2 cách:
    1- Là ấn phẩm cho giới chung (cả bình dân ít học và bình dân học cao) nên cần từ vựng rất thông dụng.
    2- Nhưng cho dù vậy, họ cũng nên CỐ GẮNG, do đó cũng cần có từ vựng Chăm ít dùng vào, và họ phải học thuộc chúng. Chứ đừng chiều họ quá, thành tiếng Chăm mất hết.
    Thân mến

  12. @Jabeh : salam bạn!
    – Thứ nhất tôi hiểu ý “Thử Bàn” của bác Sara, nên mới đóng góp ý kiến. Còn nếu đã quyết định thì đóng góp làm gì nữa
    -Thứ hai: ý nói trong văn viết, chỉ dùng tiếng Việt để giải từ cho hiểu và tuyệt nhiên ko sử dụng nó như một từ vựng trong văn bản. Là nói đến các văn bản của người Chăm Tây. Chứ Chăm Đông thật sự tôi ko biết, nên ko dám lạm bàn sang.
    Vì ngay từ đầu tôi có thấy bác Sara có nhã ý muốn làm 1 cuốn chung cho Đông- Tây nên tôi góp ý. Nếu làm cho Chăm Đông thôi thì tôi ko dám nói lên ý kiến ( bởi chỉ mới học tiếng Chăm Đông và hiểu sơ sơ khi người ta nói chuyện thôi)

  13. Và cũng chỉ xin nói chút quan điểm của mình. Nếu theo cách thức mang tiếng Việt vào tiếng Chăm ( mặc dù đã chuẩn âm Chăm Hóa). Và hiển nhiên sẽ có 1 cộng đồng người hưởng ứng và vận dụng nó ra ngoài xã hội và trở thành ngôn ngữ sống( ví dụ Chăm Thuận hải). Và tất nhiên cũng có nhóm người không theo và vận dụng theo một cách khác( Chăm Châu đốc, Campuchia, Mã Lai…). Vô hình chung sẽ tạo thành những hướng phát triển khác nhau giữa tiếng Chăm ở các vùng miền. Thời gian sẽ làm cho nó càng khác xa nhau. Con cháu đời sau có còn hiểu được nhau trong giao tiếp? mặc dù họ đang nói tiếng Chăm. Vì vậy , có nên chăng khi đề xướng hướng phát triển tiếng mẹ đẻ của mình với sự nhất trí của toàn cộng đồng, góp phần làm xích lại tiếng Chăm ở các vùng miền?

  14. Đồng ý với Putrachampa!
    Tôi đề nghị như vầy:
    tiếng Việt – tiếng Chăm chuyển tự (đậm) – tiếng Chăm Đ (nghiêng) – tiếng Chăm Tây (đứng)
    – xin lỗi likuw ơmpun likau ămpun likau (?)
    – cảm ơn đwa karun đoa karun, đoa ơn đoa k’un
    – văn hóa ilimo ilimô, vanhoaak ilimô

    Các bạn thấy thế nào?

  15. Xin góp ý thêm cho rõ về công trình hình thành tập Từ Vựng Chăm-Việt :
    – Triệt để sử dụng toàn bộ các từ Chăm đã được chấp nhận, chẳng hạn như ĐOA KARUN, ƠMPUN, ILIMÔ, AGAMA, v.v…
    – Chỉ vay mượn Tiếng Việt khi nào Tiếng Chăm không có từ đó, chăeng hạn các từ phổ thông hiện đại hoặc các từ khoa học phổ thông. Như vậy, chúng ta chỉ làm giàu cho Tiếng Chăm thôi, tiếng Chăm cơ bản vẫn còn nguyên đó.
    – Thực hiện một tập duy nhất cho Chăm Đ và Chăm T, thấy cũng tiện, na ná như bạn Jalo Jalai đề nghị
    – Đối với người sử dụng thành quả tương lai này, sẽ không khó khăn gi, chỉ cần cố gắng mộ chút là được: Ví dụ TRƯỞNG ta đọc KLƠNG, hoặc TRỤC ta dọc KLUK, có khó khăn gì, phải không các bạn? Thà cố gắng một chút còn hơn nói tiếng Chăm mà phải độn quá nhiều từ Việt khiến cho ta cảm thấy xấu hổ.
    Nói tóm lại, làm việc theo chiều hướng này sẽ có lợi cho tất cả người Chăm của các Vùng Miền.
    Nào,chúng ta bắt đậu đi!
    Thân ái chúc các bạn MỘT NĂM MỚI THẮNG LỢI!

  16. Sắp sang năm mới xã hội Chàm ta có nhiều tín hiệu đáng mừng.
    Từ vựng Việt – Chăm có nhiều người ủng hộ và góp ý kiến. Đây là chuyện rất mới. Mới vì ta bàn nhau để xây dựng.
    Hay nhứt là thế hệ cả trẻ lẫn lớn tuổi. Trẻ như Putra (?) và lớn tuổi như thầy Sang. Rất rất vui!!!
    Bản thân tôi nhận thấy lâu nay khi có vấn đề không đồng tình là chúng ta cãi cọ nhau, cãi rất hăng đến cho mất lòng luôn. Còn ở chuyện này thì khác: bàn thảo để XÂY DỰNG. Ai bảo “Chàm mình” hết tinh thần xây dựng mà chỉ biết cãi lộn nhau.
    Cứ để cho bọn ưa phê phán đả phá sống trong địa ngục tâm hồn họ.
    Ta hãy tin tưởng đi.
    Năm mới nhiều niềm tin và hy vọng.
    Thuk siam!

  17. @sang luu:
    – Hiển nhiên và dĩ nhiên là chỉ mượn tiếng ngoài đối với những từ mà tiếng Chăm không có (khía cạnh này là chắc chắn và ko bàn tới nữa)
    Ý mình muốn đề cập ở đây là theo bạn nếu theo chiều hướng này (đưa tiếng Việt theo âm Chăm vào) là “có lợi cho tất cả người Chăm của các Vùng Miền”? có thật là chỉ cần cố gắng 1 chút là đươc? mình xin chia sẻ 1 vài quan điểm nhé.

    – Thứ nhất: cộng đồng Chăm lớn nhất thế giới không dùng tiếng Việt như ngôn ngữ thứ hai, mà là tiếng Khmer (người Chăm ở Campuchia nhiều gấp đôi số lượng Chăm ở Việt Nam)
    – Thứ hai: tiếng Melayu modern (Melayu hiện đại có pha vào các ngôn ngữ ngoại, đặc biệt là tiếng Anh)… có tầm ảnh hưởng rộng đến cộng đồng Chăm. Dẫn chứng cụ thể như người Chăm Tây ở Việt Nam, Campuchia, Thái Lan và cả ở Lào. Hiện nay nó còn có tầm ảnh hưởng đến tộc người U Chang ở đảo Hải Nam, Trung Quốc (vốn được xem là 1 nhóm tộc người Champa di cư sang) thông qua việc tài trợ những suất học bổng du học ở Malaysia cho các thanh thiếu niên trong tộc người này.
    Quay trở lại vấn đề “cần cố gắng 1 chút” của @sang luu nhé. Cứ đặt vấn đề người Chăm Tây ở Việt Nam chịu theo cách này (đưa tiếng việt với âm Chăm vào những từ vựng ko có trong tiếng Chăm)… rất dễ, vì họ biết tiếng Việt mà, chỉ cần học nguyên tắc chuyển âm là được. Nhưng sẽ như thế nào đối với người Chăm Campuchia, Malaysia, Thailand, Lào, Hainam….???
    Điều đó thất sự có lợi cho người Chăm ở Các vùng miền?? Nếu người Chăm ở các quốc gia khác nhau, áp dụng theo cách này để bổ sung từ thiếu. Thì chắc không lâu trên thế giới sẽ xuất hiện các nhóm Cam-Yuon, Cam-Laow, Cam-Kur, Cam-Lao, Cam-USA…và khi giao tiếp nói chuyện hoàn toàn ko hiểu nhau…
    Thuk siam abih!

  18. Putrachampa có vài ý hay và rất nhiệt tình, nhưng có lẽ anh còn trẻ nên quá lý tưởng thành ra ảo tưởng mất! Người Chăm ở VN cả Chăm Panduranga lẫn Chăm Tây đều đang nói độn tiếng Việt quá trời. Nhà thơ Inra chỉ bàn về chuyện cứu bà con ta thoát khỏi tình trạng đó thôi. Đừng nên đề cập đến chuyện to lớn là “thống nhất” vùng miền (như sangluu38 viết) hay chuyện xa vời hơn nữa như Cham Lo, Cham Kur, Cham Thailand. Cứu lấy tiếng Chăm ở VN trước thôi.
    Chuyện rất thực tế. Nhà thơ Inra cũng rất thực tế rất đáng hoan nghênh và ủng hộ. Nhà thơ Inra hãy bắt tay làm đi.

    Tôi xin bổ sung vào ý Jalo Jalai như sau:

    1. cảm ơn – đwa karun – đoa karun, đoa ơn – đoa k’un

    nghĩa là ta có dấu gạch ngang (-) để phân biệt” tiếng Việt – chuyển tự – tiếng Chăm Đông – tiếng Chăm Tây

    2. Chỉ làm 1 cuốn cho Chăm ở VN thôi, cả Chăm Đ lẫn Chăm T. Còn cộng đồng Chăm khác xin dành cho nhà nghiên cứu làm sau.

  19. @lưu trung:
    – Ko hiểu bạn căn cứ vào tài liệu nào mà nói rằng Chăm Tây nói độn tiếng Việt “quá trời”???bạn có nghe, tiếp xúc, nói chuyện với họ?…có từng nghe những bài giảng kinh ở Thánh đường?? có từng tham gia thính giảng ở Madarasah trong những giờ học tiếng Chăm??
    – Nếu cứ cho đó là ảo tưởng, và ko chịu góp từng viên gạch để xây tháp thì khi nào mới có tháp?
    -Theo tư tưởng của bạn thì Chuyện trước mắt dòng Chăm -Yuen sẽ ra đời, sớm thôi. còn Cam-Kur, Cam-Thailand …thì có vẻ xa vời thật, vì họ ko phát triển theo hướng lấy tiếng nước họ đang ở để lấp khoảng trống tiếng Chăm.
    -còn phần bạn góp ý, mình cũng xin có chút ý kiến:
    + Chuyển tự – tiếng Chăm Đông – tiếng Chăm Tây
    (Đwa karun) (đoa karun) (Đua k’un)
    về cách ghi : đwa karun, đoa karun : ko dám lạm bàn
    nhưng xin đính chính : đoa k’un : đây không phải tiếng Tây Chăm…chưa từng nghe ai nói như thế

  20. @luu trung : mình đặc biệt rất chú ý đến câu này của bạn ” Người Chăm ở VN cả Chăm Panduranga lẫn Chăm Tây đều đang nói độn tiếng Việt quá trời. Nhà thơ Inra chỉ bàn về chuyện cứu bà con ta thoát khỏi tình trạng đó thôi”
    – Cho bạn 1 ví dụ nhỏ nhé :
    + buôn bán túy là phạm pháp cấm hoạt động ở Việt nam, pháp luật sẽ cưỡng chế. ví dụ 1 chế độ nào đó họ bất chấp nguy hại, muốn công khai buôn bán ma túy…làm sao đây?…sẽ chuyển đổi…ví dụ chuyển Ma túy thành những dạng viên ( chuyển hóa hình hài)…và cho là nó như 1 thứ thuốc y học bình thường có thể mua ở bất cứ đâu….Thật chất Ma túy đã được thay đổi hình dạng, nhưng bản chất nguy hại của nó thì vẫn thế. Chỉ có đều người ta đã ngụy trang nó để hợp pháp hóa.
    + Quay trở lại với vấn đề tiếng Việt âm Chăm. Thật ra chuyển sang âm Chăm chỉ là 1 hình thức nhầm hợp thức hóa mà thôi, tiếng Việt là tiếng Việt…độn vẫn là độn…vòng lẫn quẩn vẫn cứ thế tiếp diễn. ví dụ từ Trấn thủ biến âm thành ” klơn thu” có ai dám tuyên bố từ “klơn thu” là tiếng Chăm ko…hay là 1 từ độn trá hình???

  21. Có lẽ Putra còn trẻ nên bạn này có vẻ duy ý chí.
    1- Tôi có sống ở vùng Chăm Tây, bà con ta nói độn tiếng Việt thế nào thì tôi biết (dĩ nhiên ít hơn Chăm Đông). Còn Putra bảo không thì tôi chịu. Tôi không đề cập chuyện giảng kinh trong thánh đường. Còn chữ “đoa k’un” tôi có đọc web này thấy anh YC người Chăm Tây bảo ông bà anh trước có nói như vậy. Nhưng cho tôi xin miễn bàn về khoản này. Cứ cho là bạn Putra đúng.

    2- Tôi có sống một năm ở vùng Chăm Campuchia, họ nói độn tiếng Miên thế nào tôi cũng biết. Từ điển ông Aymonier có ít nhất 60 chữ thuộc dạng này.

    3- Putra cho rằng Klăn Thu, Chơng, Klơng… là lai căng à? Sai to lắm. Ariya Klơn Thu, Ariya Po Cơng, Ariya Po Parơng,… (klơn thu = trấn thủ), parơng = France, cơng = chưởng)… toàn sáng tác của ông bà ta hơn 100 năm đó. CHƯỞNG, người Chăm mượn bỏ Ư, bỏ dấu HỎI thành ra CHƠNG.
    Cũng trong tác phẩm nổi tiếng (theo nghiên cứu của Inrasara) Ariya Cam – Bini có mười chữ tiếng Việt được đưa vào thơ: lang xaum (làng xóm), đang (xứng đáng),…
    Trong Từ điển Aymonier tôi có thấy gần 100 từ thuộc típ này. Ông đưa vào từ điển hẳn hoi đó.
    Trong tiếng Việt, chữ cà phê, cúp, tít, đúp,… đều mượn tiếng Pháp thành ra tiếng Việt cả. Người ta thống kê gần nửa ngàn từ. Đó là chưa kể từ khoa học. Mới kể các từ thông dụng mà đó người Việt đã có, người ta mượn để làm giàu thêm. ĐÓ LÀ CHUYỆN TIẾP BIẾN VĂN HÓA, TIẾP BIẾN NGÔN NGỮ – xảy ra thường xuyên trong lịch sử nhân loại.
    Nói như một ai đó: mặc cảm là sai, quay lại chiều lịch sử thì càng sai nốt.

    Bạn Putra nghĩ lại. Cuối cùng nhà thơ Inrasara cho phép tôi không bàn về chuyện này nữa.

  22. Tôi không phải người Chăm xịn mà là “Canh Cụ” nhưng xin bàn vào một thể.
    Bạn Putra viết “từ Trấn thủ biến âm thành ” klơn thu” có ai dám tuyên bố từ “klơn thu” là tiếng Chăm ko… hay là 1 từ độn trá hình???” tôi nghe hơi bị lẩm cẩm đó. Đây là nguyên lý căn bản của ngôn ngữ học. Có thể nói là rất sơ đẳng, bạn à.

    Tiếng Pháp, tiếng Anh MỸ với tiếng Việt không cùng hệ nhưng khi người ta vay mượn và đi vào ng ngữ và văn học (mô típ, xăng đan, Luân Đôn,…) thì đã thành tiếng dân tộc đó.
    Tiếng Chăm và tiếng Việt cũng khác hệ nhưng khi mượn của nhau thì thành tiếng dân tộc mình.
    – Ví dụ người Việt vay của người Chăm: Panrang thành Phan Rang; patok = chống tó, lúa cà đung = kađung,… còn nhiều lắm. Tất cả đều là tiếng Việt cả.
    – Phần ngược lại, tôi xin chép lại ví dụ của Lưu Trung: “Klơn Thu, Ariya Po Cơng, Ariya Po Parơng,… (klơn thu = thấn thủ), parơng = France, cơng = chưởng)” Cả 3 chữ klơn thu, cơng, parơng đều là tiếng Chăm cả.

    Tôi xin nhắc lại: đây là kiến thức ng ngữ học cơ bản.
    Kết luận, nếu người Chăm hay người Việt mà từ chối vốn từ vựng này thì có lẽ 2 dân tộc này chưa có tới 1.000 vốn từ vựng để mà nói!!!!!!

  23. @lUU TRUNG mến!
    Bạn đã nói ko bàn luận về vấn đề này nữa, nhưng tôi chỉ xin trả lời bạn và ko dám mở rộng thêm vấn đề.
    1. Mình ko nói rằng khi nói Chăm Tây ko độn tiếng Việt, chỉ xin nhắc lại ý bạn nói “độn quá trời”… thật sự Chăm Tây độn tiếng Viết ít hơn Chăm Đông rất nhiều hiển nhiên là không “độn quá trời” như bạn nói, vả lại khi nói thì “Lang likuk” ko bị rụng. Còn mình ví dụ cách giảng kinh trong thánh đường là ý nói, khi phát biểu hay là văn bản họ hoàn toàn ko độn. Mình có đi xem cũng kha khá các chương trình ca nhạc của người Chăm Đông, thật sự khi phát biểu này nọ họ vẫn độn tiếng Việt mặc dù những lời nói đó họ có thời gian chuẩn bị và lên chương trình từ trước.
    2. Khi bạn nói Chăm Campuchia độn tiếng Khmer, đúng thật là vậy, Chăm Châu Đốc, Tây Ninh cũng độn những tiếng Khmer tương tự, đây là 1 điều đáng buồn do sự chung đụng nới sinh sống khi họ di cư qua. Nhưng tình hình hiện nay họ đang thay thế dần tiếng Melayu vào những từ đó thông qua việc dạy chữ cho lớp trẻ… chứ họ ko lấy đó làm nền và tiếp tục xây tháp lên phía trên.
    3.Đồng ý với bạn trong những ariya, hikayat Chăm từ mấy trăm năm trở lại đây có độn một số từ gốc Việt (như bạn có niêu), nói một cách mỹ miều thì đó là sự giao thoa, thẩm thấu ngôn ngữ. Nói khó nghe 1 chút đó là dấu tích sơ khai của thời kì đồng hóa ngôn ngữ Chăm. Bạn thích dùng từ “Lang xaum” để chỉ xóm làng thì cứ tự nhiên, vì lí do rất mạnh mẽ là cha ông ta từ trăm năm qua có dùng. Riêng tôi vẫn thích dùng plei, bhum, puk, desa, kampong… vì cha ông tôi đã dùng những từ này cả ngàn năm nay.
    4. Cuối cùng mình xin thắc mắc, sao bạn cứ nói mình còn trẻ (nhiều lần) và tiếp sau đó là 1 vế nói với ý nghĩa tiêu cực liên thông với từ “còn trẻ” ở vế trước?… 1 thằng nhóc?… chẳng lẽ ko được nói lên quan điểm của mình?… hay người nghe có vẻ hơi tự phụ vì số tuổi mình đang có mà quên cân, đo, đong, đếm lại kinh nghiệm mà mình đang tích cóp được?

  24. @Nguyen Anh thi :
    Tôi cũng từng học tiếng Việt, hiển nhiên những thứ sơ đẳng đó tôi có hiều chút ít. Xin hỏi bạn, nếu theo cách phát âm theo Việt ngữ thì thành tiếng Việt?… tại sao còn phân ra từ thuần Việt, với từ không thuần Việt?
    Hiển nhiên những từ như bạn liệt kê khi nói thì chỉ người Việt hiểu, và nó mang sắc thái Việt. Nhưng khi công bố nó là Thuần Việt thì có được ko?… hay phải phân ra là tiếng Việt loại 2, loại 3…???
    Hình như cuộc thảo luận hơi đi xa chủ đề khi nghe bạn nói “Kết luận, nếu người Chăm hay người Việt mà từ chối vốn từ vựng này thì có lẽ 2 dân tộc này chưa có tới 1.000 vốn từ vựng để mà nói!!!!!!” xin nhắc lại tôi luôn hoan nghênh dung nạp từ vựng mà tiếng Chăm còn thiếu để bổ sung. Nhưng ko tán đồng việc đưa tiếng Việt vào, vì bản thân tiếng Việt thuộc ngữ hê Nam Á, vả lại còn lai 80% tiếng Tàu thuộc ngữ Hệ Hán -Tạng. Thế nên tiếng Chăm sẽ thành thập cẩm. Vả lại người Chăm ở các vùng miền khác đều dùng tiếng Melayu thay vào thế nên sẽ làm cách xa ngôn ngữ (như đã nói ở những lần comment trước). Ý mình là vậy thôi! thuk siam)

  25. @luu trung:
    À quên nói với bạn, từ cám ơn Chăm Tây (Vietnam, Campuchia, Malay…) nói là UEN SA-GUN/UEN DI GUN/JAZAKALLAH. còn cha ông YC chắc là 1 nhóm Chăm mới vừa phát hiên? mình ko biết.

  26. Putra có lối nghĩ rất lạ!
    Một ngôn ngữ bằng: tiếng gốc + tiếng gốc biến thái + tiếp nhận trực tiếp + tiếp nhận gián tiếp. Xảy ra liên tục như thế suốt chiều dài lịch sử.

    Ví dụ tiếng Việt = tiếng Việt cổ (krua, blời) + tiếng Việt biến thái (rùa, trời) + vay mượn gần (Hán) + vay mượn xa (Pháp, Mỹ)

    Còn tiếng Chăm = gốc Mã Lai Đa đảo (Hikayat) + biến thái (Akayet) + vay mượn xa (Sanskrit, Ả Rập) + vay mượn gần (người Chăm Đông vay mượn tiếng Việt)

    Hễ vay mượn là có chọn lọc, bất cứ ngôn ngữ nào của dân tộc nào cũng vậy thôi.
    – Có chữ vay mượn và tiếp tục được dùng (parơng = France)
    – Có chữ vay mượn nhưng về sau không thích hợp nữa thì bỏ. lang xaum = làng xóm – bây giờ người Chăm Đông viết và đọc palei pala, loại bỏ chữ lang xaum, dù nó có trong tác phẩm cổ.

    Về lịch sử Việt Nam, các cụ Đồ Nho cũng rất kì thị tiếng Tây, nhưng lịch sử chứng minh ngược lại. Cho nên, nếu bạn Putra có kì thị tiếng Việt đến đâu rồi cũng phải chấp nhận một số từ tiếng Việt trong vốn từ tiếng Chăm (Aymonier đã chấp nhận, người Chăm cũng đã chấp nhận trong đời sống…).
    Xin lỗi hôm nay tôi lại giảng bài sơ cấp ngôn ngữ học cho bạn.

    (Tôi xin nói thêm: ông YS nói là từ “đoa k’un” là ông nghe thời ông bà Chăm ở thế hệ cũ, có lẽ bạn còn TRẺ nên không nghe được. Không nghe không phải nó không có. Cũng chữ này, thế hệ Chăm Đông sinh năm 40 cũng quên, có người nhắc, từ đó bà con mới nói lại và dùng lại (theo Tagalau 12). Theo tôi bạn đừng mỉa mai là “chắc một Nhóm Chăm mới phát hiện” Rất không phải với người lớn tuổi. Ông Lưu Trung nói bạn TRẺ ý là vậy. Chớ trẻ thì rất tốt).

    Thân

  27. Ý tôi nghĩ thế này không biết có đúng không? Là Putra muốn nhắc anh Inra nếu có soạn cuốn này thì cố gắng bớt “vay mượn” tiếng Việt, đừng để bị “quần chúng” lung lạc. Khi nào thật cần và từ nào đã qua thử thách của thời gian mới vay mượn. Còn nói về “trẻ”, trẻ mà có ưu tư về tiếng dân tộc như Putra thì không đáng hoan nghênh sao.
    Anh Inra có ý soạn cuốn này thì hay quá.

  28. Chuyện giản đơn vậy sao các bạn Chăm lại không thống nhất với nhau được nhỉ? Lật từ điển tiếng Mã lai ra chúng ta thấy cả ngàn từ có nguồn gốc tiếng Anh, mà tiếng Mã với tiếng Anh có cùng NGỮ HỆ đâu. Tiếp xúc văn hóa thì 2 bên vay mượn của nhau, bên nào vốn từ ít hơn thì vay bên vốn từ nhiều hơn. Rât đơn giản.

  29. @Nguyen anh Thy :
    Thật sự đây là diễn đàn của người Chăm Đông, tôi ko biết người Chăm Đông yêu TIẾNG VIỆT đến như vậy. Nên xin lỗi đã lạm bàn về vấn đề này. Mỗi nhóm Chăm sẽ có 1 hướng riêng để phát triển ngôn ngữ của mình và cứ thế tiếp diễn.
    -Thứ hai: là mình muốn chia sẻ từ “đoa k’un”. Thật sự mình chưa nghe ai nói, và khi nghe bạn nói như vậy thì chắc là người xưa có nói chăng?… mon men đi hỏi ông tôi (77 tuổi) ông nói thời ông ko nghe ai nói từ đó. Rồi sang nhà bên cạnh hỏi thêm 1 cụ già 80 tuổi cũng được trả lời tương tự. Lật lại những bài Syair (Ariya) xa xưa (ko biết có từ tháng năm nào nhưng chí ít cũng sau tk 19). Chỉ thấy sử dụng từ “Uen di gun” “ndua di gun” hay “ndua gun srai” cho những phần muốn diễn đạt ý nghĩa “cảm ơn”… vì thế ko biết từ “đoa k’un” này ở đâu ra nữa.
    Về chuyện yêu tiếng VIỆT, mình xin kết thúc ở đây và ko bàn tới nữa

  30. Theo dõi trao đổi về vấn đề này, tôi thấy có vài điều cần nói:
    – Việc vay mượn tiếng Việt thì có nhiều, và đã xảy ra từ lâu. Không thể chối cãi được. Dù có yêu hay có ghét cũng vậy. Về biến âm như TR thành KL, dù ngày xưa ông bà ta có dùng nhưng bây giờ không dùng nữa. Có ai bây giờ nói “Trưởng cơ quan” là “Klơng cơ quan” đâu!

    – Vay mượn tiếng Việt là chuyện rất rất đương nhiên, tôi xin nhắc lại – cả thế giới đều vậy cả, không riêng gì Chăm, nhưng phải hạn chế tối đa cái có thể được.

    – Bạn Putrachampa viết “thật sự đây là diễn đàn của người Chăm Đông” là chưa đúng. Diễn đàn này có nhiều Chăm và Kinh các nơi cộng tác và phản hồi, cả trong nước lẫn ngoài nước. Tôi không biết bạn Putrachampa ở đâu, nhưng điều này chứng tỏ bạn không ở Chăm Đông.

    – Bạn viết tiếp: “tôi ko biết người Chăm Đông yêu TIẾNG VIỆT đến như vậy”.
    Tôi thấy bạn có vẻ tự ái mà đi hơi quá rồi đó. Nguyen Anh Thy, Lưu Trung hay Sangluu38 hay ai ai nữa không phải đại biểu cho tất cả người Chăm Đông. Tôi thấy các bạn này cũng bàn về chuyện vay mượn chứ có ai yêu tiếng Việt đâu. Người Chăm Đông đang nói độn tiếng Việt 50-60% (chú Sara còn thống kê đến 70% nữa). Họ đang bàn cách hạn chế hiện tượng nói độn này.
    Sẽ nói thêm…

  31. – Cuối cùng về chữ “đoa k’un”. Tôi xin kể lại chuyện chú Sara kể trong bài nào đó mà tôi quên.
    Vào năm 1982 chú Sara lúc đó 25 tuổi được mời vào Ban Biên soạn Thuận Hải. Quý bác từ nhiều vùng khác nhau Phan Rang, Phan Rí, Ma Lâm… trong đó có người đã 70 tuổi> Các bác dùng chữ ĐOA UYAMƯN để chỉ tiếng “cảm ơn” của người Việt, có viết sách giáo khoa hẳn hoi. TRong cuộc thảo luận, ông Quảng Đại Hồng (60 tuổi) nói: – Hồi nhỏ tôi nghe ông tôi nói chữ “đoa karun” đó.
    Cả 18 người được xem là giỏi nhất của Chăm Paduranga lúc đó không ai nghe từ đó cả! (lưu ý lúc đó là năm 1982). Trong các Ariya Chăm xưa cũng không thấy!
    Lúc đó chú Sara mới vào làm ở Ban, chú nói:
    – Tôi thấy chữ đó có trong Từ điển Aymonier. “Karun” nghĩa là “Faveur” ân huệ, ơn,…
    Từ đó Ban Biên soạn mới sửa lại thành ĐWA KARUN.

    Tạm kết luận: Một chữ nào đó mà mình không biết, hay nhiều người đang sống hiện nay không biết, không phải là nó chưa từng có mặt. Có thể liên hệ: Mắt bạn không nhìn thấy ngôi sao nào đó, nhiều nhà khoa học Việt Nam không nhìn thấy ngôi sao nào đó, như thế không phải ngôi sao đó không có – bởi nhà khoa học Mỹ qua kính viễn vọng tối tân nhất, ĐÃ nhìn thấy nó: NÓ CÓ MẶT từ lâu lắm.

    Bạn Putrachampa xem lại nhé. Đừng vội tự ái. Đọc các comment của bạn tôi rất thích bạn. Ai cũng phải học cả.

  32. @vinh
    Xin lỗi bạn, đáng lẽ ra mình ko muốn comment nữa. Nhưng chỉ xin ghi vài dòng về chữ Đoa k’kun.
    1. Tôi biết trong ngữ vựng Đông Chăm có từ Ndua karun để chỉ nghĩa “cám ơn”. Tôi thấy các bạn sinh viên Chăm ở Sài Gòn cũng dùng, và tôi cũng dùng khi cần cám ơn họ.
    2. Ở đây đang nói về ngữ vựng Tây Chăm, vì có người nói rằng “đoa k’kun” là từ chỉ cám ơn mà người Tây Chăm dùng. Có ý kiến còn cho rằng trước kia người tây Chăm có dùng (tổ tiên của bạn YC). Về điểm này tôi ko đồng ý (Hình như bạn đang hiểu lầm mình nói rằng “đoa k’kun” gì đó ko có trong từ vựng Chăm?… nhưng thật sự mình chỉ muốn nói nó ko có trong ngữ vựng Chăm tây, vì có người liệt kê hẳn hoi nó nằm trong ngữ vựng Chăm Tây, xin xem lại những comment của những người trước). Nên những cái chứng minh của bạn ở phía trên thật thừa quá.
    3. Về việc bạn cho rằng mình tự ái?… thật ko hiểu ý này vì mình chẳng có gì để tự ái cả, tất cả chỉ là đóng góp cho sự phát triển của tiếng mẹ đẻ. Và hiển nhiên sẽ có những ý kiến bất đồng. Cái quan trọng là giữ vững lập trường và bảo vệ cái mình cho rằng là đúng. Có lẽ theo hướng này các bạn cho rằng là đúng là phù hợp. Nhưng đối với mình, với cộng đồng mình thì chắc sẽ ko ủng hộ. Thân!

  33. – Tôi nói bạn tự ái vì 2 câu nói của bạn (bạn nói hơi TO): “thật sự đây là diễn đàn của người Chăm Đông” (sai!) và “tôi ko biết người Chăm Đông yêu TIẾNG VIỆT đến như vậy” (sai nốt).
    – Sai – vì 3, 4 người không ĐẠI DIỆN cho ai cả.
    – Câu này mới viết bạn cũng mang tính đại diện nữa: “cộng đồng mình thì chắc sẽ ko ủng hộ”. Bạn hãy nói cho cá nhân bạn thôi.
    – Về chữ đoa k’un, tôi nghe ông YS viết vậy, tôi không chắc gì cả. Chỉ nhắc nhở bạn CẨN THẬN. Chữ đwa karun năm 1982, không ai ở Panduranga nói nó có cả, cuối cùng là nó CÓ.
    – Giữ lập trường thì hay đấy, nhưng nếu cứ lập trường sai thì thành CỐ CHẤP.

    + Đề nghị chú Sara đưa ra chương trình cụ thể đi, ta bàn tiếp, tôi sẽ đóng góp một tay vào.

    Mong bạn trẻ vui. Mến.

  34. @vinh
    1.Xin mời bạn vào cộng đồng Tây Chăm kiểm chứng xem, ai chịu mang tiếng Yuen âm Chăm vào làm tiếng mẹ đẻ ko? Tôi ko nói cho cá nhân, xin khẳng định với bạn, đó cũng là tư tưởng của cha ông tôi và cả lớp trẻ sau này trong cộng đồng tôi. Sẽ ko ai (Tây Chăm) chấp nhận dùng “biơk = vở” thay chữ “sifau” hay “biok = võ” thay chữ “gun”, “Klai = Trại” thay cho chữ “hadai” (từ “Klai” âm phát ra rất khiếm nhã)..vv… nếu bạn có thời gian mời bạn đến viếng thăm và thăm dò xem có phải ý kiến chủ quan của 1 mình tôi hay ko.

    2. Tại sao mình nói đây là diễn đàn Chăm Đông?… vì ít có Chăm Tây lọt vô để ra ý kiến, thế thôi. Có lẽ khi nói Chăm Đông yêu tiếng Việt là sai. Tôi xin sửa lại là “nhóm Chăm Đông commnet trong topic này rất yêu tiếng Việt”.

    3. Theo quan niệm của người Chăm Pandurangga, luôn cho rằng tiếng Chăm ở vùng Pandurangga là Chăm chuẩn, như @sang luu đã từng đề nghị lấy Âm tiếng Chăm Pandurangga làm chuẩn để bắt các vùng khác phát âm theo. Điều này hơi thiển cận. Bởi Pandurangga chỉ là 1 tiểu bang phương nam của Liêng bang Champa xưa, hiển nhiên sẽ có những cái khác so với các tiểu bang phương bắc còn lại, và trong đó có ngữ vựng ngôn từ. Người Chăm di cư (Chăm tây, và các dòng Chăm khác…) vốn cũng từ các tiểu bang phương bắc (số đông, và có lịch sử di cư trước năm 1832 hàng thế kỉ) di cư qua các vùng đất khác, và khi đi, hiển nhiên họ cũng mang theo ngữ vựng và ngữ điệu của các vùng phía bắc Champa đó, dù rằng có biến đổi qua thời gian (Chăm Panduranga cũng biến đổi mà). Thế nên khi nhìn nhận ngữ vựng của từng miền Chăm và phán rằng, ngữ vựng, ngữ âm Chăm Panduranga là chuẩn, và các ngữ vựng Chăm ở các vùng khác là NHÓM ĐỊA PHƯƠNG rồi áp đặt phát âm theo giọng chuẩn (ví dụ từ Karun hay K’kun mới đề cập) là hơi quá chủ quan và thiếu tính khái quát. Nếu nói Chuẩn và phát âm sát theo akhar thrah, tôi hoan nghênh và đồng ý cả hai tay (một ví dụ nhỏ: “Par” đọc uốn lưỡi lên thay vì thành “Pan”)

  35. May quá tôi vẫn còn online.
    Putrachampa sai mà còn cố cãi!!!

    – Sangluu38 đề nghị chọn phát âm Chăm Đông làm chuẩn, đó là đề nghị cá nhân, ông không NÓI THAY cộng đồng Chăm Đông. Tôi nói bạn cũng không nên “nói thay” Chăm Tây, là vậy. Rất dễ hiểu. Chăm Tây đâu có mỗi bạn!!!
    Vậy mà bạn lại viết tiếp ở còm mới nhất: Theo quan niệm của người Chăm Pandurangga, luôn cho rằng tiếng Chăm ở vùng Pandurangga là Chăm chuẩn.
    Rất ít người Chăm Đông nghĩ vậy. Bài “Tiếng Chăm của bạn” mới nhất, chú Sara cũng không nghĩ vậy.

    – Chính bạn nói to: “thật sự đây là diễn đàn của người Chăm Đông”.
    Khi tôi nói đó là rất sai, bạn lại bào chữa
    “ít có Chăm Tây lọt vô để ra ý kiến”.
    Chúa Phật ơi! Có ai cấm bất kì ai lọt vô không? Chú Sara giải thích giùm cháu đi, chú có cấm bà con Chăm Tây LỌT VÔ để nêu ý kiến trên diễn đàn này không?
    Tôi thấy cả người Kinh, người Mỹ vào đây viết còm mà.

    – Trời đất ơi! Bạn lại đi giảng lịch sử cho tôi nữa!

    – Cuối cùng, các ĐỀ NGHỊ của chú Sara chỉ dựa trên dư luận còn mơ hồ của quần chúng mà THỬ dò dẫm. Chứ cả 3 Từ điển đã in tôi chưa thấy chú Sara viết BIỞ, hay BIỎ cả. Đó chỉ là DỌ ý, xem phản ứng rồi mới quyết định.

    Cuối cùng, tôi xin CHỊU THUA Putrachampa ở đây.

  36. Xin trích nguyên văn cho rõ. Chú Sara viết:

    Về nguyên âm chính có âm đệm U hay W, trong ngôn ngữ nói hiện nay ở nhiều làng Chăm ở Pandurangga đã được đọc lướt qua và biến thành âm chính khác:

    tuai / khách đọc là tôi; tuei / theo đọc là tui; luơn / nuốt đọc là lôn

    Chủ trương của Ban Biên soạn sách chữ Chăm là chuyển tất cả sang lối phát âm sau. Tuy thế ở vài vùng vẫn còn giữ nguyên lối nói có âm đệm U hay W. Cần lưu ý, khi gặp trường hợp như thế, chớ vội cho rằng các địa phương này phát âm sai, bởi trong Từ điển Aymonier ghi 3-4 kiểu khác nhau.

    Xin hết ở đây.

  37. @vinh
    Ý sao nói vậy. Sao bạn có thể chủ quan cho rằng người khác sai?. tối chỉ nói ít có Chăm Tây lọt vô bình luận. Bạn lại SUY LUẬN thành từ “CẤM”…???…và đưa ra hoàng loạt ví dụ làm bằng chứng QUỐC TẾ HÓA ???
    Thật bó cả tay lẫn chân. Mình cũng xin ko comment vô chủ đề này nữa.

  38. @Vinh
    à về việc lấy âm Chăm Panduranga làm chuẩn là mình căn cứ vào BBSSCC, vì mình nghĩ đơn vị này đại diện cho Chăm Đông, vì mình thấy họ sửa hẳn, jôy, babuy, ngak..vv…rồi mang in thành sách dạy, hẳn nhiên cũng cho rằng đó là âm chuẩn tiếng Chăm nên mới làm vậy.

  39. Nhà văn Inrasara nên cho ngưng thảo luận ở đây đi. Tôi nhận thấy lối nghĩ của Putrachampa hơi trục trặc. Anh biết tới đâu nói tới đó mà không chịu suy nghĩ cho tới. Cuộc thảo luận không ích lợi gì cả.

    Ban Biên soạn không bao giờ có ý chuẩn tiếng Chăm cho tất cả vùng Chăm. Nói như Putra “hẳn nhiên cũng cho rằng đó là âm chuẩn tiếng Chăm nên mới làm vậy”, là rất trật! Đoán mò “hẳn nhiên” mà cũng nói. Nếu Ban này có cho là mình chuẩn thì chuẩn dành cho Chăm Đông thôi. Sách của Ban này chỉ dạy ở Chăm Đông.

    Mới chỉ có 2 độc giả tại web này đề nghị lấy tiếng Chăm Đông làm chuẩn, vậy mà Putra dám kết luận là “Theo quan niệm của người Chăm Pandurangga, luôn cho rằng tiếng Chăm ở vùng Pandurangga là Chăm chuẩn”. Bạn Vinh không dùng từ “nói bậy” là nhẹ đó.

    Nhà văn Inrasara cũng chưa bàn tới tiếng Chăm vùng Chăm Tây. Có độc giả nêu ví dụ “đoa k’un” in nghiêng để thử đưa ra cách làm, chứ không nói từ này đúng hay sai. Chắc chắn nhà văn sẽ mời người Chăm Tây làm, nếu có thể làm chung 1 cuốn. Chứ tôi biết nhà văn này không dại gì mà dám đụng đến tiếng Chăm Tây.

  40. @jalo jalai
    có vẻ bức xúc và thiếu tỉnh táo.

    *
    BBT: Tạm dừng trao đổi về bài này tại đây. Xin các bạn thông cảm!

  41. Tôi hoàn toàn đồng ý với các ý kiến của Putrachampa!
    Từ nào Cham có thì xài, ko có thì vay Melayu. Vay tiếng Việt chỉ tiện cho Cham ở Việt Nam mà nhóm này chỉ là 1 thiểu số. Lập ra cái cả ngàn từ vựng ko sớm thì chiều cũng sẽ tác động vào thói quen của người dùng, mai mốt các thế hệ sau (nếu vùng nào cũng làm theo hướng cứu tiếng Cham theo kiểu mượn ngôn ngữ phổ thông của nước đó) nếu nói chuyện với nhau sẽ là “à í ơi người nào nói người nào hiểu hỡi người”

    Lịch sử từ bao giờ để lại, Cham luôn có những mối liên hệ với thế giới Mã-Lai (ko nên hiểu nhầm từ này là đất nước Malaysia bây giờ) có lúc âm thầm có lúc mãnh liệt trong nhiều lĩnh vực. Ko tính đến các cộng đồng Cham Tây (Vietnam) + Kur + Lao + Siam + Hainan (Laow) +… vì họ luôn có, chỉ tính riêng khu vực Panrang thì Ram và Pamblap đã có sự liên lạc với Mã-Lai và Malaysia bây giờ, chí ít nhưng quan trọng là Tôn giáo.

    (Bản sắc Văn hóa của một dân tộc luôn có hình dáng Tôn giáo bên trong)

    @JaloJalai: “Ban Biên soạn không bao giờ có ý chuẩn tiếng Chăm cho tất cả vùng Chăm. Nói như Putra “hẳn nhiên cũng cho rằng đó là âm chuẩn tiếng Chăm nên mới làm vậy”, là rất trật! Đoán mò “hẳn nhiên” mà cũng nói. Nếu Ban này có cho là mình chuẩn thì chuẩn dành cho Chăm Đông thôi. Sách của Ban này chỉ dạy ở Chăm Đông”
    BBS “có ý” chuẩn tiếng Chăm hay ko thì chả biết được, nhưng việc soạn các sách để dạy học mà mang tên “tiếng Chăm” thì mình cũng tự hiểu được là ý như thế nào.

    Thêm. Các vốn từ quen thuộc như “vở”, “sách”, “trại”… mà mượn luôn tiếng Việt rồi biến sang cho hợp với âm Cham thì quả là tai hại. Chúng ta có sẵn mà ko chịu xài lại thích chơi hàng ngoại [lai], vậy ai xài lại đồ của ta?
    Các từ vựng mới nếu xài theo cách biến âm trên, tôi nghĩ, người Cham (Vietnam) khi mới đọc cũng cũng chưa chắc đã hiểu, phải giải thích. Hơn nữa, nếu các từ này được chuyển thể qua mẫu tự A.Thrah thì sẽ thế nào? Ví dụ: “Võ” biến âm -> “Biõ” chuyển tự qua A.Thrah -> “Biaow” mất đi dấu ngã. Bạn đọc thử sẽ hiểu. Tương tự với từ “Vở” -> “Biở”/”biẻ” -> “Biơ”/”Bie” nghe ngòng ngọng làm sao ấy.

    Có bạn nào ấy ở trên nói rằng “Lật từ điển tiếng Mã lai ra chúng ta thấy cả ngàn từ có nguồn gốc tiếng Anh, mà tiếng Mã với tiếng Anh có cùng NGỮ HỆ đâu. Tiếp xúc văn hóa thì 2 bên vay mượn của nhau, bên nào vốn từ ít hơn thì vay bên vốn từ nhiều hơn. Rât đơn giản.”
    Tôi ko biết là bạn có nói rành rọt tiếng Melayu hiện đại hay ko và khả năng am hiểu vốn từ Melayu của bạn là như thế nào? Họ đã vay mượn đối với những từ nào, với các từ thiếu hay đã có nhưng ko diễn đạt được hết các ý nghĩa của nó trong thế giới hiện đại, hay vay và biến âm luôn các từ cùng nghĩa mà tiếng Melayu đã có?

    Về từ “đoa k’un” mà các bạn đã tranh luận mạnh mẽ nhưng lại dễ gây hiểu lầm cho nhau. Chỉ dựa vào cách viết của YC là “đoa k’un” mà chúng ta đã vội bảo có hay ko nó đã có. Trước mắt phải hỏi hay phải hiểu rằng YC viết “đoa k’un” là theo cách đọc của anh ấy về 1 từ nào đấy (có thể là “ndua sa-gun” hay “ndua karun”) mang nghĩa “cảm ơn” và anh ấy có phải viết theo dạng phiên âm theo kiểu riêng của YC hay không? Tôi thì tôi nghĩ đơn giản là YC đã viết theo lối phiên âm của riêng anh ấy mà thôi.

    ___
    Tóm lại, tôi ủng hộ vô cùng việc làm rất có ý nghĩa thiết thực này của Nhà thơ Inrasara. Ủng hộ sử dụng các vốn từ tiếng Cham sẵn có, vay mượn tiếng Melayu với những từ ko có.
    (Với những từ Melayu ko có họ đã vay tiếng Anh và biến 1 số âm cho phù hợp với họ (Malaysia vs Indonesia đã chứng minh điều đó). Ta với họ cùng chung 1 ngữ hệ, rất dễ dàng thừa hưởng những kết quả của họ đã đạt được trước, mất công chi phải mượn lại tiếng Việt mà lại sẽ gây khó khăn nếu trao đổi giữa Cham Vietnam với các Cham trong các quốc gia khác vốn có sự trao đổi dồi dào với thế giới Mã-Lai?)

    ___
    (Việc các bạn chê bai nhau lẫn “giảng bài” cho nhau vô hình chung các bạn lại chỉ ra rằng chính các bạn cũng đang bị hạn chế cái tính thảo luận muốn thống nhất 1 vấn đề)
    _____
    Siam makrâ di abih ka urang Cam!

  42. Xin anh Inrasara cho nói thêm:
    Bạn I.D.Ram bảo “hoàn toàn đồng ý” với Putrachampa thì dễ bị cho là phe phái. Chỉ nên nói đồng ý vài điểm nào đó rồi bàn thêm thôi. Vì Putra nói rất nhiều ý trong đó có vài chi tiết sai thấy rõ.
    Các bác ở BBS đều là bậc trí thức uy tín vào thời đó, đa số đã quá cố, các bạn trẻ nói về họ nên cẩn ngôn. Các bạn chưa biết họ có ý định gì, đoán mò, rồi đưa lời phê bình là không nên.
    Ý này của I.D.Ram hay: nếu BIỞ chuyển qua akhar thrah thì như thế nào, anh Inrasara không nên tiếp nhận ý kiến đề nghị đó, theo tôi.

  43. @Janhohka:
    Chúng ta đang thảo luận về chủ đề “5.000 Từ vựng Việt – Chăm: Thử bàn về cách chọn từ” nên việc tôi “hoàn toàn đồng ý” là hoàn toàn đối với các ý kiến chọn từ. Các vấn đề ngoài lề khác tôi không nói đến, ví như “diễn đàn Cham đông”…

    Theo bạn, tại sao việc các từ ngữ vay mượn từ t.Việt nếu chuyển qua A.Thrah thì sẽ thành như thế nào lại ko nên tiếp nhận? Bạn có thể giải thích rõ hơn?

    _____
    Siam makrâ di abih ka urang Cam!

  44. Tôi hoàn toàn đồng ý với anh Putra.Mượn tiếng Việt chỉ phương pháp hợp thức hóa tiếng độn mà ngiều người Chăm đang sử dụng hiện nay thôi.Kể cả chữ của BBS cũng không được đưa vào từ điển vì những từ đó không đúng.Nên sử dụng tiếng malayu hoặc tiếng anh để thay thế những từ mà tiếng Cam không có,vì tiếng người Cam không chỉ ở mỗi Việt Nam với lại tiếng malayu có ngiều nét tương đồng với tiếng Cam.Còn những từ Việt mà được tổ tiên Cam hóa thì cứ để nguyên.

    Tathuw ayuh bih adei saai Cam drei siam mâkrâ

  45. Tôi thấy các bạn chủ yếu dùng chữ Việt để bình luận, mà sao có vẻ bài xích tiếng Việt vậy?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *