Đã đăng Tagalau 11.
* Thế hệ trẻ Chăm tại Hoa Kì 2010 – Photo Chế Mỹ Lan.
Nhân dịp du lịch tại California (Hoa Kỳ) vào tháng 10-2009 vừa qua, tôi rất hân hạnh được tham dự lễ hội Katê của dân tộc Chăm tại hai thành phố: Sacramento do Hội Văn hóa Truyền thống tổ chức ngày 17-10-09 và San Jose do Hội Bảo tồn tổ chức ngày 24-10-2009. Tại hai buổi lễ này, tôi lấy làm vinh dự được mời phát biểu cảm tưởng như một vị khách quí đến từ Việt Nam.
Sau khi phát biểu cảm tưởng tốt đẹp của mình về lễ hội truyền thống tổ chức tại hải ngoại, tôi có nhận định về đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng Chăm tại đây như sau:
“Khi nghiên cứu về vấn đề giáo dục, tôi nhận thấy Liên hiệp quốc rất quan tâm đến sự giáo dục của con người nói riêng và của cộng đồng các dân tộc nói chung.
Vì thế, UNESCO đã có quan niệm rất rộng rãi và thiết thực khi nói rằng bốn nhiệm vụ trụ cột của giáo dục là: Học để biết, học để làm, học để sống với nhau, học để tồn tại. Hai vế đầu thì dễ hiểu, nhưng hai vế sau “học để sống với nhau, học để tồn tại” làm cho tôi hơi bất ngờ vì mới nghe thóang qua thì nhiều người hiểu là “để sống với nhau” và “để tồn tại” thì cần gì phải học? Nhưng suy nghĩ kỹ thì việc này là vô cùng quan trọng, trên nguyên tắc giao tiếp giữa con người với con người và giữa con người với cộng đồng phải như thế nào, đạo đức và nhân cách cần thiết ra sao… Còn “học để tồn tại” cũng chứa đựng một ý nghĩa rất đặc bieejt, vì nếu “tồn tại” trong đói nghèo, trong bần cùng, chìm đắm dưới đáy sâu của cuộc đời thì cuộc sống như thế không khác gì đã chết mà chưa chôn…
Ý nghĩa của hai vế sau cùng này, theo quan niệm của UNESCO, đã thôi thúc tôi suy nghĩ đến hoàn cảnh và số phận của cộng đồng dân tộc thiểu số Chăm ở quốc nội cũng như ở hải ngoại. Cụ thể, muốn sống với nhau tốt, muốn tồn tại tốt thì dân tộc Chăm phải thể hiện được ba yếu tố quan trọng này, yếu tố được gói ghém trong sáu chữ vàng: ĐOÀN KẾT – BẢO TỒN – PHÁT TRIỂN.
ĐOÀN KẾT: Đó là mục tiêu tinh thần mà mọi người, mọi cộng đồng, mọi dân tộc cũng như mọi nhà nước trên thế giới luôn luôn ước mơ và cương quyết vươn tới. Đối với người Chăm, đoàn kết được thì sẽ được tất cả và không đoàn kết thì sẽ mất tất cả, nghĩa là sau khi bị vong quốc nay lại sẽ phải vong thân!!
BẢO TỒN: Một dân tộc tự phân biệt mình với các dân tộc khác chỉ qua những đặc thù cụ thể, nghĩa là phải biết bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc mình, nếu không, trong sự hòa nhập với các dân tộc khác, mình sẽ bị “hòa tan”. Nếu con em Chăm tại Hiệp chủng quốc Mỹ này chỉ biết nói tiếng Mỹ mà không nói được tiếng mẹ đẻ thì người Chăm chỉ còn thân xác Chăm nhưng tâm hồn sẽ là người Mỹ, Anh… Việc cần thiết hôm nay là chúng ta phải có giải pháp bảo tồn Ngôn ngữ và chữ viết dân tộc, vì “tiếng Chăm còn thì người Chăm còn, tiếng Chăm mất thì người Chăm mất!”. Mọi người Chăm đều nghĩ như thế.
PHÁT TRIỂN: Nếu tồn tại mà không phát triển được thì chỉ tồn tại như một dân tộc bần cùng, vùi dập trong cuộc sống lạc hậu, tăm tối. Dĩ nhiên không một người Chăm nào muốn như thế. Sống có nghĩa là phát triển và tiến bộ, để xứng đáng làm người văn minh ở thế kỉ XXI này.
Để kết luận, tôi xin nhấn mạnh rằng sức mạnh của một dân tộc nằm trong “tiềm lực”của dân tộc đó và nhất quyết phải thể hiện qua ba yếu tố Đoàn kết – Bảo tồn – Phát triển, mới vươn cao và tiến xa được.”
Đó là bài phát biểu của tôi, khá vắn tắt, tại lễ hội Kate năm 2009 ở Califonia (Hoa Kỳ).
Nay, tôi xin bổ sung thêm để cụ thể hóa vấn đề như sau:
1. Về vấn đề ĐOÀN KẾT:
Tôi xin miễn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của nó vì lịch sử các dân tộc trên thế giới đã nhắc đi nhắc lại hàng trăm lần rồi, vì thế tôi chỉ xin đưa ra đề nghị về phương cách đoàn kết theo hoàn cảnh Chăm như sau:
– Một là: Không bao giờ nói nặng lời với nhau đến mức độ không thể nhìn lại mặt nhau được. Nếu có việc gì bức xúc, bực bội cần phải “phản biện”, thì ta cứ thực hiện một cách thẳng thắn, sòng phẳng chứ không phải do dự áy náy, những lời lẽ phải theo nề nếp văn minh, nghĩa là “vừa đủ cho mọi người hiểu” là tốt. Nói “nặng và nhiều” chỉ gây phản cảm nơi người nghe và sẽ dắt nhau xuống sâu vào hố chia rẽ mà thôi! Ai đó đã nói: “Làm một việc gì cho cụ thể đoàn kết thì hơi khó, nhưng ĐỪNG làm những việc gì (từ hành động đến lời nói) để mất đoàn kết thì không khó tí nào, chỉ cần ý thức một tí và có một ít lương tri là được”. Tôi rất đồng tình!
– Hai là: Phải ý thức hai yếu tố “tôn trọng và sòng phẳng”. Việc này cũng dễ hiểu: Mình tôn trọng người khác thì người khác mới tôn trọng mình! Cuộc sống cũng như tấm gương soi: Ta nhìn vào gương mà mỉm cười thì hình ảnh phản chiếu sẽ mỉm cười lại; ta nghiến răng, trợn mắt giận dữ thì hình ảnh ấy lại trở thành dữ tợn và khi ta đưa tay đấm vào mặt anh ta thì tức khắc ta cũng sẽ nhận được quả đấm y hệt như thế! Điều đó không khó hiểu tí nào trong cuộc sống! Còn sự sòng phẳng là một nguyên tắc khoa học: Khi có cuộc vui hay đám đình, ta mời bạn dự, bạn vui vẻ đến với ta, nhưng khi bạn mời lại thì ta không bao giờ đến là có sòng phẳng không?? Tục ngữ Việt Nam có câu: “Có đi có lại mới toại lòng nhau” mà! Điều khác, ở đời có những công việc đòi hỏi phải có giấy tờ sòng phẳng để chứng minh (khi cần thiết và cho vững chắc) nhưng có người lại lấy làm phật lòng vì suy nghĩ bạn không tin mình mới đòi phải có giấy tờ, thế là không đúng với nguyên tắc sòng phẳng rồi! Mượn thì phải trả, hứa thì phải thực hiện, thế mới sòng phẳng. Thiếu sòng phẳng thì không bao giờ có sự đoàn kết được!
– Ba là: Phải cố gắng làm những điều tốt, dù là nhỏ nhất, cho những người xung quanh mình, và cố tránh những việc gì làm phật lòng người khác qua lời nói hay hành động. Làm được như thế là đã tích lũy được những yếu tố rất tích cực góp phần cho sự đoàn kết lâu dài và ngày càng nở rộ. Cái khó ở đây là phải có cái “TÂM” nhân ái và cao thượng!!
– Bốn là: Phải ý thức thật rõ ràng và rộng rãi về vấn đề tôn giáo. Nên tránh tuyên truyền về tôn giáo mình một cách thiếu tế nhị, thường gây phản cảm (có khi là phản ứng ngược) nơi người nghe, vì đây là vấn đề rất nhạy cảm… Dù muốn hay không, chúng ta cũng phải chấp nhận sự tự do tín ngưỡng, vì không có cách nào khác cho bài toán tôn giáo. Vì thế, khi muốn “truyền đạo”, ta phải thận trọng thăm dò đối tượng và hết sức khéo léo. Mặt khác, chúng ta phải tự hiểu với nhau là chỉ lấy DÂN TỘC làm mẫu số chung và xem dân tộc là trên hết thì mới có lối thóat để đi đến với đoàn kết, ngược lại chỉ là con đường dẫn đến bế tắc và tự hủy diệt. Rõ ràng chỉ có các trí thức mới hiểu được vấn đề tế nhị này và phải nhận lấy phần trách nhiệm của mình phổ biến, tuyên truyền, vận động cho bà con rõ…
Nếu chúng ta thực hiện được bốn điều nói trên, tôi tin chắc là vấn đề ĐOÀN KẾT sẽ tìm ra lối thóat một cách khả quan…
2. Về vấn đề BẢO TỒN:
Một Việt Kiều tại Mỹ nói với tôi rằng: “Sống xa quê hương không có gì đáng đau buồn và tủi nhục hơn nạn mất gốc!! Có người tự cho mình là Mỹ (vì đã được nhập quốc tịch Mỹ chính thức), nhưng trong thực tế người Mỹ cũng chẳng xem mình là người Mỹ thật sự, và nếu mình tự công nhận mình là người Việt Nam thì mình cũng chẳng “giống ai”, vì không nói được tiếng Việt và rất xa lạ đối với văn hóa Việt Nam!” tâm sự ấy rất thực tế. Vì vậy, người dân tộc Chăm muốn không “mất gốc” thì tối thiểu phải hiểu được mấy điều cốt yếu này:
– Một là: Phải nói được tiếng mẹ đẻ một cách rành rọt
– Hai là: Hiểu được bản sắc văn hóa của dân tộc mình (biết phong tục tập quán, biết lịch sử, biết văn học- nghệ thuật, biết nếp sống, v.v…)
– Ba là: Trong hôn nhân, nếu không thể thực hiện được hôn nhân với người cùng dân tộc thì cũng phải cố gắng làm sao cho con cháu không bỏ gốc gác mình mà đi, kiểu “mất cả chì lẫn chài”.
Về vấn đề bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, tôi thấy người Tàu thật tuyệt vời, đáng cho các dân tộc trên thế giới suy ngẫm…
3. Về vấn đề PHÁT TRIỂN:
Sống có nghĩa là hướng về tương lai để cố gắng xây dựng một cuộc đời ấm no hạnh phúc. Sống chỉ có ý nghĩa khi phục vụ được cho bản thân (trước tiên) những nhu cầu vật chất (ăn, mặc, cư trú, làm việc, sinh hoạt…) tương đối đầy đủ và những điều kiện về hoạt động tinh thần (học tập, nghiên cứu, giải trí, du lịch,…) tương đối thoải mái. Dân tộc Chăm cần phát triển về mọi mặt: Giáo dục, văn hóa, xã hội, nghề nghiệp đặc biệt là kinh tế. Một gia đình nghèo khổ trước hết phải tìm mọi cách để phát triển kinh tế. Khi đủ ăn, đủ mặc mới nghĩ đến giáo dục cao được. Chính giáo dục sẽ thúc đẩy kinh tế đi lên, và kinh tế phát triển sẽ là đòn bẩy cho giáo dục tiến bộ, nghĩa là hai yếu tố kinh tế – giáo dục sẽ hỗ trợ nhau một cách nhuần nhuyễn giúp cho dân tộc tồn tại và phát triển tốt đẹp, bền vững…
Trong cuộc sống, chúng ta nhận thấy là muốn thành công cần phải có nhiều yếu tố: Nỗ lực lao động, thay đổi cách suy nghĩ (tư duy), rèn luyện nhân cách, nâng cao kiến thức. Trong các yếu tố ấy, rõ ràng việc phải học để không ngừng nâng cao kiến thức là việc quan trọng hơn cả, vì kiến thức là nền tảng của sự phát triển và tiến bộ, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân.
Tóm lại, một khi đã tích lũy được một vốn kiến thức nhất định, nếu muốn đổi đời thì nhất định phải thay đổi tư duy, và muốn có tư duy tốt thì phải có căn bản về giáo dục.
Kết luận:
Hiện nay nhân loại đã đi vào cuộc sống hiện đại đầy văn minh và tiến bộ. Cộng đồng Chăm ở nước ngoài có nhiều cơ hội tốt để đổi đời, nếu ta biết hội nhập và biết thay đổi tư duy một cách đúng mức. Chỉ có vấn đề sinh họat tinh thần là cần lưu ý. Vấn đề này hoàn toàn tùy thuộc vào ý thức của các bạn trẻ và các trí thức chân chính.
Cộng đồng Chăm trong nước, tuy đã hội nhập khá tốt với xã hội chung, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn về vật chất. Tuy nhiên có nhiều mặt đáng phấn khởi vì đã phát triển tương đối khả quan như: Giáo dục, y tế, vệ sinh, nghề nghiệp, v.v…Trong môi trường sống đầy trắc trở và thử thách như hiện nay, nếu người Chăm biết bắt chước những cái tốt và tránh xa những cái xấu đặc biệt là biết phấn đấu để vươn lên thì tương lai sẽ có nhiều hứa hẹn hơn.