Giới thiệu: Đời sống Văn hóa – Xã hội người Chăm Việt Nam của Nguyễn Văn Tỷ

Nguyễn Văn Tỷ
Đời sống Văn hóa – Xã hội người Chăm Việt Nam, tiểu luận
Nhà xuất bản Lao Động, H., 2010
Khổ 14,5 X 20,5 cm, số lượng in: 500 bản, 280 trang.
Giá bìa: 40.000 đồng.
Lời giới thiệu của Inrasara.

LỜI GIỚI THIỆU

Có người lập “thuyết” trước sau đó hành động. Ngược lại, có người hành động trước, rồi nhìn ngoảnh lại, tổng hợp và khái quát thành “thuyết”. Nguyễn Văn Tỷ thuộc nhóm thứ hai. Khía cạnh này, ông là người luôn đi đầu trong việc nghiên cứu, phản ánh đời sống – xã hội Chăm: giáo dục, chính trị – xã hội, phong tục – tập quán,… dẫu bị khuôn định trong non năm mươi palei ở hai tỉnh là Ninh Thuận và Bình Thuận, nhưng luôn đa dạng và đầy biến động. Là kẻ nhập cuộc, mức độ nào đó, ông vừa là tác nhân đồng thời vừa chịu tác động của nó.

Sau thời kỳ phong kiến, Nguyễn Văn Tỷ thuộc thế hệ trí thức Tây học đầu tiên, đầu tiên và thuộc loại hàng đầu. Hiệu trưởng Trường Trung học Pô-Klong, Trường Trung học duy nhất dành riêng cho con em dân tộc Chăm tỉnh Ninh Thuận trước năm 1975. Sau khi đất nước thống nhất là Trường dân tộc nội trú tỉnh; Ủy viên Hội đồng Nhân dân tỉnh Ninh Thuận; Trưởng ban Ban Biên soạn sách chữ Chăm tỉnh Ninh Thuận…

Được trang bị kiến thức Tây học rất nền tảng, ông là người vừa trong cuộc vừa như đứng bên ngoài nhìn về cộng đồng mình. Thường thì ưu thế của những con người này là phản biện xã hội. “Thực trạng tôn giáo Chăm Bàni”, “Suy nghĩ tản mạn về nếp sống văn hóa Chăm”, “Phát triển kinh tế vùng Chăm”, các bức “Thư gởi con”, và nhất là tiểu luận “Thực trạng xã hội Chăm, một số giải pháp chính” là những phản biện vừa toàn diện vừa sâu sắc và đầy tính xây dựng của ông. Phản biện đó đã được đón nhận nhiệt tình bên cạnh cũng gặp phải không ít ý kiến đối nghịch. Đó là điều không thể tránh trong một xã hội đang chuyển hướng mạnh mẽ như xã hội Chăm mươi năm qua. Điều quan trọng là ông đã bình tĩnh đón nhận nó với tinh thần cầu thị đáng trân trọng (“Xung quanh ý kiến trao đổi về bài “Thực trạng xã hội Chăm, một số giải pháp chính”, Tagalau 5).

Bên cạnh con người phản biện xã hội, Nguyễn Văn Tỷ còn là người tìm hiểu văn hóa dân tộc. Tìm hiểu như một trí thức chứ không là một nhà chuyên môn thuần túy, nên ông có vốn hiểu biết khá bao quát về văn hóa – xã hội Chăm. Các bài nghiên cứu về các địa danh Việt gốc Chăm, về “họ”của người Chăm, các nét đặc trưng văn hóa Chăm, lịch sử tôn giáo Chăm,… của ông đăng trên Tuyển tập Tagalau là rất cần thiết trong việc phổ cập kiến thức văn hóa dân tộc trong cộng đồng. Đó cũng là một hành động trí thức: góp phần bảo tồn nét đẹp truyền thống của văn hóa dân tộc.

Thể cách nào, Nguyễn Văn Tỷ vẫn là một trí thức chân chính. Một trí thức trong hành trình đi sâu vào văn hóa dân tộc để tìm nguồn cội, đồng thời mang hoài vọng mở hướng đi khả dĩ cho việc phát triển cộng đồng, bằng lời nói, việc làm cho đến trang viết. Các trang viết trong Đời sống Văn hóa – Xã hội người Chăm Việt Nam ghi nhận một góc hành trình đầy ưu tư đó của ông. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu tập sách này đến tay người đọc.
Inrasara

2 thoughts on “Giới thiệu: Đời sống Văn hóa – Xã hội người Chăm Việt Nam của Nguyễn Văn Tỷ

  1. Dạ. con chào chú. mong chú có thể giúp con . thưa chú. chú có thể cho con xin ý kiến, hay tư liệu chú có về vai trò âm nhạc trong nghi lễ vòng đời của người chăm balmon giáo được không chú. mong chú giúp con.con xin cảm ơn chú

  2. Thủy mến!
    Đã có vài cuốn sách về âm nhạc Chăm, cũng như âm nhạc trong nghi lễ Chăm.
    Bạn về Ninh Thuận và ghé Trung tâm Văn hóa Chăm hỏi thăm nhé. Hoặc hỏi nhạc sĩ Amư Nhân, Đoàn Nghệ thuật Chăm Ninh Thuận hay Bình Thuận. Họ biết đó.
    Mến
    Inrasara

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *