Diễn từ đọc tại Lễ trao Giải thưởng Phan Châu Trinh, Hà Nội, 24-3-2010.
Kính thưa Hội đồng Giải thưởng
Kính thưa quý vị
Tôi đến từ miền đất quen mà lạ, ở đó đang tồn tại một nền văn hóa khá khác lạ. Nền văn hóa khác lạ của dân tộc có một lịch sử bi thương. Dân tộc đó ngày nay đang sống khiêm cung tại các tỉnh Miền Trung của đất nước Việt Nam. Sau hai trăm năm bị bỏ quên, nền văn hóa văn minh của dân tộc ấy tưởng đã bị thời gian vùi lấp hay bị chìm khuất dưới đêm mờ lịch sử, nhưng không – nó vẫn còn đó. Nó có mặt, và đợi những bước chân thiện chí đến đánh thức. Đã có nhiều bàn chân như thế dọ dẫm bước tới, hơn thế kỉ qua. Để nền văn hóa kia ngày càng lộ hiện dần khuôn mặt khác lạ độc đáo của nó.
Chính các khác lạ như thế làm nên sự phong phú đa dạng của nền văn hóa.
Đây là phần thưởng dành cho sự đóng góp khác lạ ấy, chắc chắn thế. Hôm nay, tôi xin nói lời tri ân sâu xa nhất đến các vị trong Hội đồng Giải thưởng, những người quan tâm vấn đề tôi quan tâm, biết đến và ghi nhận vài thành tích chập chững đầu tiên của tôi trong những bước khai phá.
Kính thưa quý vị!
Bản sắc cùng với truyền thống có lẽ là khái niệm được sử dụng nhiều hơn cả, khi nhắc tới văn hóa, thời gian qua. Nhưng thế nào là bản sắc? Bản sắc là cái KHÁC của nền văn hóa/ dân tộc này so với nền văn hóa/ dân tộc kia.
Cái khác biệt rõ nhất giữa Chăm và Việt là ngôn ngữ. Cùng với bốn dân tộc anh em là Churu, Êđê, Giarai và Raglai, tiếng Chăm thuộc ngữ hệ Nam đảo, còn Kinh thuộc nhóm Việt – Mường. Tiếng Chăm góp vào kho tàng ngôn ngữ Việt Nam xưa và nay không phải là ít. Nhưng cái cốt tủy làm nên sự khác biệt lớn chính là văn minh. Ngay từ những năm đầu thế kỉ đầu tiên sau Công nguyên, trong khi Chăm tiếp nhận nền văn minh Ấn Độ thì Đại Việt nhận ảnh hưởng từ Trung Hoa. Trong quá trình lịch sử, qua xung đột, tiếp xúc và tiếp biến văn hóa giữa Champa và Đại Việt, người Chăm đã để lại bao nhiêu dấu tích khắp đồng bằng Bắc bộ và suốt dải đất miền Trung.
Dòng máu nhân Chăm lưu lại ở Yên Sở, Đắc Sở đến nay vẫn chưa mất dấu. Mai Hắc Đế có cha là người Chăm, mẹ Việt. Rồi từ Thanh Hóa trải suốt tận Khánh Hòa, ai biết được bao nhiêu thế hệ người Việt mang dòng máu Chăm?
Trong triều đình nhà Lí, không ít vua quan Việt say mê điệu “Chiêm Thành âm”. Điệu Nam Ai Nam Bình ở Huế, hay Hát Bội ở Bình Định hoặc đi vào trong, ca vọng cổ ở miền Tây Nam bộ,… ít nhiều đều mang âm hưởng Chăm.
Lúa Chiêm từ Champa nhập vào Việt Nam từ thế kỉ thứ mười, là chuyện rõ rồi. Người Chăm còn du nhập và thuần hóa các loại cây trồng như khoai, mía, bông; đã hình thành và truyền lưu các vùng đặc sản như khoai Trà Đoá, mía Quảng Ngãi, bông Điện Bàn,…
Tháp Bảo Thiên ở Hồ Hoàn Kiếm là do tù binh Chăm xây dựng. Tượng Garuda ở chùa Châu Lâm, quận Ba Đình; Chùa Mía ở xã Đường Lâm, huyện Ba Vì hay Chùa Đinh Xá ở xã Đinh Xá, huyện Kim Bảng hoặc tượng bà chúa Liễu thấp thoáng hình bóng thần Thiên Y trong ngôi đền ở Thanh Hoá hay dấu tích ở vùng Thạch Thất, Hoài Đức phía tây Thăng Long và vùng Bắc Ninh, Bắc Giang của Bà Chúa Lẫm. Cùng bao nhiêu dấu tích khác còn chưa được khảo cổ học nhớ tới!
Chúng đã được người Việt thâu thái tạo nên những biến thể độc đáo. Hòa quyện nhưng vẫn giữ được nét khác biệt.
Hôm nay, nhắc đến Chăm, đa số nhắc đến một nền kiến trúc kì vĩ, một nền điêu khắc đặc sắc, hoặc truyền thống ca-múa-nhạc dân tộc, các lễ hội dân gian, dệt thổ cẩm hay chế tác gốm,… Và, không gì khác. Nhưng, dân tộc có bia chữ Phạn, có chữ viết bản địa sớm như Chăm, lẽ nào họ không là gì cả trong văn chương? Lướt qua mấy công trình văn học sử Việt Nam, đâu là mảnh đất dành cho văn học Chăm? – Không chương nào, thậm chí không dòng nào. Đó là sự lạ. Vậy thì còn đâu tính toàn vẹn của văn học Việt Nam?
Văn chương không chủ ở số lượng. Nếu người viết Chăm hiện thời sáng tác thêm một sử thi Akayet Dewa Mưno hay một trường ca Ariya Glơng Anak mới, thì văn chương Chăm chẳng vì thế mà lớn hơn. Ngược lại với Chăm, nếu dân tộc này góp thêm một Truyện Kiều hay một Hồ Xuân Hương mới, nó chẳng có tác động tích cực nào đến phát triển văn học Việt Nam cả!
Vấn đề là cái KHÁC. Vậy Chăm có cái gì khác?
Không kể truyện cổ hay truyền thuyết, ca dao hay tục ngữ; cũng chưa kể tới các trường ca triết lí như Ariya nau ikak (Thơ đi buôn) hay các trường ca thế sự như Ariya Ppo Parơng, riêng về hình thức, thể ariya Chăm như lục bát Việt, linh hoạt trong cấu trúc, nên khả năng sáng tạo rất lớn. Đừng nói ai có trước hay ai vay mượn ai, trong khoảng mù mờ của lịch sử. Do cấu trúc ngôn ngữ khác nhau (đa hay đơn âm tiết là một trong những), nên lối phát triển hai dòng thơ đã có khác biệt nhất định; từ đó nó làm đa dạng thơ ca tiếng Chăm lẫn tiếng Việt.
Về nội dung đề tài: 250 minh văn Champa được sáng tác từ thế kỉ thứ ba đến thế kỉ thứ mười lăm bằng cả tiếng Phạn lẫn tiếng Chăm cổ là cái được kể đầu tiên. Ba Sử thi – Akayet Chăm có xuất xứ từ/ mang âm hưởng Mã Lai/ Ấn Độ được viết vào thế kỉ XVI – XVIII, là sáng tác thành văn đặc trưng Chăm, một hiện tượng không có trong văn học sử Việt Nam. Nữa, khác với các dân tộc anh em ở Tây nguyên như Êđê hay Bana,… sử thi Chăm được văn bản hóa từ thế kỉ mười sáu. Các Trường ca – Ariya trữ tình nổi tiếng mà nội dung mang chở sự đối kháng quyết liệt giữa Hồi giáo – Bà-la-môn giáo dẫn đến đổ vỡ và cái chết, cũng là một dị biệt khác.
Như vậy, bên cạnh kiến trúc và điêu khắc, phong tục tập quán cùng ca-múa-nhạc,… văn chương và ngôn ngữ ít nhiều đã được biết đến. Còn bao nhiêu mảnh vụn khác nữa của nền văn hóa văn minh phong nhiêu kia đang bị lãng quên?!
Kính thưa quý vị!
Một chàng trai nhà quê khởi đầu cuộc đi vào lòng văn hóa dân tộc “từ bàn chân trần trắng, từ con số không, từ con số âm – có lẽ”. Không miếng tư liệu, không mảnh bằng, túi rỗng không, còn mục tiêu thì xa hun hút. Hơn nửa đời hư, chàng trai ấy hôm nay đứng ở diễn đàn này để nhận phần thưởng cao quý từ quý vị. Tôi nghĩ phần thưởng không chỉ dành cho cá nhân tôi với vài thành tích khiêm tốn đạt được mà hơn thế, nó còn là tiếng nói khích lệ các thế hệ sắp tới. Bằng tri thức mới, nhiệt tâm và nỗ lực mới, họ sẽ đi những bước đi mới, không kém trắc trở và gian nan, với hi vọng làm sống dậy nền văn hóa văn minh kia, như là một cách bảo tồn bản sắc dân tộc, góp phần vào đa dạng hóa nền văn hóa Việt Nam, rộng hơn – văn hóa nhân loại.
Xin cảm ơn và kính chào quý vị.
Bài diễn từ đúng phong cách Sara, (nói thật) rất xúc động.
Nhờ công khai phá và hệ thống văn học Chăm của Sara một cách khoa học, chắc chắn rằng- văn học Chăm sẽ khẳng định vị thế độc đáo của mình một cách rạng rỡ.
Cái Đẹp Khác Lạ của văn học Chăm là điều không ai có thể phủ nhận, Và chuyện đưa vào văn học sử chỉ là vấn đề thời gian.
Mình không muốn khen bạn lúc này, nhưng vẫn phải nói: “Sara ơi, bạn thật kì vĩ!”
Lkau slam saong tdhuw on Cei!
Caong ka Cei haleilei jang kheng kjap pieh ngap wek biak rlo grukhit ka Cam drei!
Xin kính chào anh Sara và anh Trần Can và chúc một tuần mới nhiều niềm vui.
Trước hết Thịnh Hoa xin đươc nói lời cám ơn chân thành nhất với anh Trần can đã gửi bài diễn từ của anh Sara vào địa chỉ email của TH.
Anh Sara ơi! Bài diễn từ của anh thật sâu sắc và gây cho mọi người một sự xúc động khôn tả. TH vô cùng trân trọng tài năng và phẩm chất cao quí của anh.
Lại thêm niềm cảm phục và tôn kính nhiều hơn khi xem những tâp phim “Đôi cánh diều Chăm” giới thiệu về gia đình anh, đúng là một gia đình hoàn hảo và đáng nể trọng. Thịnh Hoa rất ngưỡng mộ những gì anh chị đã góp phần không nhỏ trong viêc bảo tồn di sản văn hoá đã có từ bao đời,làm cho nền văn hoá dân tộc Việt Nam ngày càng giàu đẹp để hãnh diện với bè bạn khắp năm châu…
Xin kính chúc anh chị hạnh phúc, dồi dào sức khoẻ vạn sự an bình. Hy vọng sẽ có dịp được đến thăm quê hương của anh chị.
Kính mến.
Chú Quang ui, cháu là FAN hâm mộ chú Sara đây. Khi ai chê chú Sara cháu hổng bít làm gì thì cháu khóc thui.
Cám ơn chú Quang
Đoạn kết Diễn từ khiêm tốn với cá nhân Inrasara nhưng đầy niềm tự hào cho cộng đồng và văn hóa Chăm:
“Tôi nghĩ phần thưởng không chỉ dành cho cá nhân tôi với vài thành tích khiêm tốn đạt được mà hơn thế, nó còn là tiếng nói khích lệ các thế hệ sắp tới. Bằng tri thức mới, nhiệt tâm và nỗ lực mới, họ sẽ đi những bước đi mới, không kém trắc trở và gian nan, với hi vọng làm sống dậy nền văn hóa văn minh kia, như là một cách bảo tồn bản sắc dân tộc, góp phần vào đa dạng hóa nền văn hóa Việt Nam, rộng hơn – văn hóa nhân loại”.
như vậy mới là nhà văn hóa chứ!
Cám ơn anh SARA, anh là người anh em, người bạn mãi mãi của chúng tôi. khi tôi còn sống là tôi còn đọc anh, tôi còn thấy tình người bao la ấm áp lan tỏa trong đất mẹ này, tôi còn thấy ánh sáng của trí tuệ, còn thấy sự chừng mực công tâm, còn thấy cái dịu hiền chất phác của một người dung dị… tôi còn thấy và tôi còn thấy. cám ơn anh nhiều lắm SARA à