C. SINH HOẠT KINH TẾ:
Cư trú trong đồng bằng chặc hẹp Miền Trung được biển đông bao bọc và tựa lưng vào triền đông dãy Trường Sơn, cư dân Chăm đã sớm biết khai thác thế mạnh của đồng bằng, núi rừng và biển cả. Chính vì vậy mà nghề sinh sống của người Chăm trước đây là ruộng, rẫy, khai thác lâm sản, chăn nuôi và đánh cá. Ngoài ra còn có những nghề thủ công và trao đổi hàng hóa.
1. Trồng trọt và chăn nuôi:
Về trồng trọt, ruộng lúa nước và rẫy là hai loại hình chính trong trồng trọt chăm từ trước tới nay. Chính hai loại nông nghiệp này đã nuôi sống người Chăm ổn định từ đời này sang đời khác tạo nên “văn minh lúa nước”, tồn tại lâu dài. Loại giống lúa thì rất đa dạng, từng địa phương, từng điều kiện đất đai mà người Chăm chọn giống thích hợp, nhưng tập trung hai loại giống dài ngày (6 tháng) và ngắn ngày (3 tháng). Giống ngắn ngày chịu hạn tốt khá đa dạng: bareng, ia pa-oc, ia patuw, ia parak, kuprauk,… tuy năng suất không cao nhưng rất thích hợp với loại đất gò thường xuyên thiếu nước (vì chỉ ăn nước trời). Theo các nhà nghiên cứu của Pháp và được học giả Lê Quý Đôn xác nhận trong Vân đài loại ngữ, các giống lúa trên người Chiêm Thành tự lai giống và sản xuất, và người Trung Hoa du nhập vào nước họ đã làm nên một cuộc cách mạng nông nghiệp. Nhưng hôm nay người Chăm không còn dùng loại giống này nữa do có những giống lúa thần nông ngắn ngày năng suất rất cao thích hợp với ruộng nước ở bất cứ thời tiết nào.
Rẫy người Chăm thường được trồng các loại cây lương thực như: bắp, bo bo, khoai lang, các loại đậu, bầu bí dưa leo, và các loại cây công nghiệp: bông vải, thuốc lá, mía, mè, dưa lấy hạt. Nếu ruộng lúa chỉ cung cấp đủ (hay một phần nào) lương thực thì người Chăm thường được của ăn của để là do trúng mùa rẫy (đặc biệt là đậu xanh và đậu ván). Ngày nay, lúa và các nông sản đã trở thành hàng hóa để trao đổi trên thị trường, đã giúp cho vùng nông thôn chăm ổn định đời sống phần nào.
– Về chăn nuôi, trước đây người Chăm chủ yếu nuôi trâu để cày bên cạnh để cúng tế, ngoài ra họ còn nuôi một ít dê. Nhưng nay, mọi việc đã thay đổi, người Chăm đã biết nuôi bò đàn, dê cừu đàn trong những trang trại nhỏ như là một thế mạnh kinh tế địa phương. Trong những thôn ấp Chăm Bàlamôn, việc nuôi heo cũng đem lại khá nhiều lợi nhuận giúp ổn định phần nào kinh tế gia đình vùng nông thôn.
– Về khai thác lâm sản, người Chăm rất thành thạo: họ biết phân biệt một cách khoa học các loại gỗ, từ loại quý hiếm nhất đến các loại thông dụng và thông thường nhất, đặc biệt là các loại gỗ nào chịu đựng nước cả trăm năm và chịu nắng mưa hàng thế kỉ. Chính vì thế mà các loại gỗ dùng để xây dựng nhà cửa, chùa chiền gây ấn tượng mạnh cho du khách .
– Còn về nghề đánh bắt cá biển xưa rất phát triển thì nay được xem như đã lui vào dĩ vãng từ khi các palei Chăm được di dời lên miền cao, cách xa biển cả.
2. Các nghề thủ công
Xưa kia người Chăm đã làm nhiều nghề thủ công để sinh sống như: làm gốm, dệt vải, đóng xe trâu, thuyền, nghề kim hoàn… Hiện nay đa phần đã thất truyền, nghề đóng xe cũng không được phát triển. Chỉ còn gốm và thổ cẩm là còn truyền bá, phát triển.
Nghề gốm: hiện nay chỉ còn thấy ở Bầu Trúc (Hamu Crauk) – Ninh Thuận và Trì Đức (palei Rigauk) – Bình Thuận. Theo khảo cổ học thì gốm Chăm là tiền thân của gốm Sa Huỳnh, nghĩa là thuộc loại lâu đời nhất ở Đông Nam Á. Sản phẩm làm ra rất đa dạng phục vụ cho việc đun nấu (nồi, trã) hoặc để thực hiện việc đun nấu (lò các loại) và cả đồ đựng (như lu, chậu, thạp, khương). Nguyên liệu làm gốm Chăm là đất sét và cát được pha trộn theo một tỷ lệ thích hợp. Cách nung sản phẩm đã chứng tỏ đặc điểm văn hoá riêng của Chăm. Việc nặn gốm bằng hòn kê (thay cho bàn xoay) là một kỹ thuật chế tác gốm còn ở trình độ thấp.
Việc may mắn cho người làm gốm Chăm hôm nay là sản phẩm này đã trở thành hàng hóa được bán đi nhiều nơi với những chủ thầu hoạt động khá rộn rịp. Mặt khác, có một dấu hiệu khá lạc quan là một số thợ thủ công gốm đã chuyển sang sản xuất các sản phẩm văn hóa rất độc đáo (như các tượng, tháp Chăm và các đồ dùng trang trí, mĩ thuật rất xinh đẹp) để phục vụ cho khách du lịch. Đó là lối mở hứa hẹn nhiều thuận lợi cho việc phát triển nghề này trong tương lai.
Hiện nay, Bầu Trúc là địa điểm du lịch văn hóa dân tộc Chăm của tỉnh Ninh Thuận, đã được Nhà nước đầu tư nhiều tỉ đồng để phát triển to lớn hơn nữa hầu hòa nhập vào các cụm du lịch tỉnh nhà.
Nghề dệt: Nghề trồng bông để kéo sợi dệt vải là một nghề rất lâu đời của người chăm. Lê Quý Đôn viết rằng: “người Mán ở Nhật Nam, dệt bông làm khăn, khăn Bạch Điệp,… rất khéo léo. (…) ở Lâm Ấp có trồng cát bối kéo sợi làm chỉ dệt khăn không khác gì vải gai”(9). Theo Maspéro thì dưới các vương triều Champa, người Chăm đã biết trồng dâu nuôi tằm và dệt lụa(10) có một điều đáng được lưu ý là vào các thời xa xưa của các vua chúa, cũng như thời hiện đạivào giữa thế kỉ 20, người chăm vẫn tự cung cấp các loại vải dệt thủ công phục vụ cho các lễ nghi theo phong tục cũng như may mặc, không những đầy đủ mà còn trao đổi hàng hóa bên ngoài cộng đồng, đặc biệt với các dân tộc thiểu số Tây nguyên. Hôm nay lại mở ra triển vọng xuất khẩu vào Châu Á và Châu Âu. Sản phẩm rất đa dạng có thể phân ra thành 2 nhóm: nhóm vải trên khung dệt abơn” và khung jih dalah. Những công đoạn trong việc dệt vải thổ cẩm này tương đối phức tạp gồm các khâu: kéo sợi, mắc sợi, bắt go, dập .
Từ các loại vải dệt đa dạng như thế, chúng ta cũng có thể hình dung ra được cách phục sức cổ truyền của người Chăm phân biệt thành nhiều đẳng cấp và nhiều giới rất đặc trưng của văn hoá dân tộc (các chức sắc Bàlamôn và Bàni, các lão bà, các lão ông, phụ nữ, thanh niên) và phục vụ cho các lễ hội và lễ phong tục tập quán Chăm.
Còn về địa bàn hoạt động thì trước kia hầu như tất cả các palei Chăm đều thực hiện nghề dệt vải này (nhằm tự cung tự cấp) nhưng sau năm 1975 chỉ thu hẹp lại một số làng như Mĩ Nghiệp, Chung Mĩ, Hữu Đức và Vân Lâm ở Ninh Thuận và Hậu Quách, Minh Mị, và An Bình ở Bình Thuận, nay lại càng thu hẹp hơn nữa (Ninh Thuận chỉ còn Mĩ Nghiệp và Chung Mĩ)(11).
3. Về cộng đồng Chăm Nam bộ:
Chúng ta được biết các ngành nghề quan trọng, ngoài buôn bán, là: nghề đánh cá thủ công trên các sông, rạch; nghề làm ruộng, nghề đan lưới; phụ nữ thì dệt và thêu sàrông, dệt các khăn tắm khăn rằng (kama) phục vụ cho việc ăn mặc và cả trao đổi hàng hóa trong vùng cũng như xuất khẩu. Nhưng hiện nay đa số người Chăm Nam bộ đều biết buôn bán – như kinh tế phụ gia đình hoặc như nghề chính – để có thể trang trải cho việc chi tiêu hàng ngày.
Còn về Chăm Hroi ở Bình Định và Phú Yên, vì cư trú trên vùng cao chỉ ăn nước trời là chính lại là vùng sâu, vùng xa, nên các loại hình kinh tế na ná như loại hình các dân tộc Tây Nguyên, đặc biệt ảnh hưởng sâu đậm đến sinh hoạt ngành nghề của dân tộc Bana mà cộng đồng Chăm Hroi lại có sự quan hệ kinh tế cũng như hôn nhân rất chặt chẽ. Nhìn chung, tốc độ phát triển kinh tế chậm nếu so với cộng đồng chăm ở hai vùng Ninh Thuận và Bình Thuận và Nam bộ.
D. NẾP SỐNG LAO ĐỘNG:
Người Chăm sinh hoạt kinh tế theo đơn vị gia đình. Công việc đồng áng dựa trên tập quán trồng trọt của địa phương (các loại cây nào), căn cứ vào nông lịch, sản xuất theo thời vụ và theo chu kì. Họ tuân thủ đúng theo thời vụ và chu kì sản xuất dựa vào sự tuần hoàn của các ngôi sao: sao Rua, sao Cày, sao Thần Nông,…. Ngoài ruộng rẫy, người Chăm có thu nhập đáng kể từ chăn nuôi (bò, dê, cừu, vịt thả đồng).
Công việc đồng áng thường được phân công rõ ràng cho những lao động trong gia đình tùy lứa tuổi và theo giới. Trẻ con và phụ nữ thường làm việc nhẹ nhàng như phục vụ bếp núc, vớt cỏ, chuyển giống gieo; nam giới thì gánh vác việc nặng nhọc hơn như khâu làm đất (cày, bừa, trục, trang,…) và gieo lúa, cũng như các khâu theo nước và chăm sóc lúa (trừ việc nhổ cỏ dại được giao cho phụ nữ). Trong sinh hoạt nông thôn chính sự phân công theo giới tính đã trở thành một sự phân công xã hội ổn định.
Nhiều địa phương có sinh hoạt thêm những ngành nghề khác như đánh cá, làm gốm, dệt vải, buôn bán, nhưng không tách khỏi nông nghiệp. Vì vậy việc trồng lúa nước và làm rẫy là sinh hoạt chính của vùng nông thôn Chăm, trước đây cũng như bây giờ.
Từ hơn thế kỉ nay, xã hội Chăm thường đóng kín trong thôn xóm, ít khi vượt khỏi lũy tre làng. Nhưng những năm gần đây, theo đà phát triển chung của đất nước, họ biết giao lưu, thi đua trong học tập, gia đình nào cũng cho các con được cắp sách đến trường học và mong muốn con mình trở thành công chức của Nhà nước hay ít nhất là công nhân của các công ty, xí nghiệp ở thành phố. Như thế triển vọng mở rộng giao lưu sẽ ngày càng lạc quan, hi vọng đưa xã hội Chăm đi đến phát triển và tiến bộ chung của đất nước. Thực tế xã hội Chăm cũng đóng góp cán bộ, viên chức cho Nhà nước để phục vụ vùng dân tộc Chăm, đặc biệt là hai ngành giáo dục và y tế.
III. ĐẶC ĐIỂM VỀ VĂN HOÁ PHI VẬT THỂ:
Bản sắc là “những tinh hoa” văn hóa Chăm, góp phần làm phong phú nền văn hóa đa dân tộc Việt Nam. Trong phần này, chúng tôi xin giới thiệu vắn tắt vài đặc điểm về ngôn ngữ – chữ viết, văn học – nghệ thuật, mĩ thuật – điêu khắc, tôn giáo – tín ngưỡng và phong tục – tập quán của dân tộc Chăm.
A. NGÔN NGỮ – CHỮ VIẾT
1. Tiếng Chăm thuộc ngữ hệ Nam đảo, là thứ tiếng hiện nay một số dân tộc thiểu số ở Việt Nam đang dùng: Giarai, Êđê, Churu, Raglai. Riêng Chăm có 3 phương ngữ: Chăm Đông (gồm Chăm Ninh Thuận và Bình Thuận). Chăm Giữa (gồm Chăm Châu Đốc, Tây Ninh và Tp. Hồ Chí Minh), Chăm Tây (Chăm ở Campuchia).
Tiếng Chăm là thứ ngôn ngữ có văn tự xuất hiện sớm nhất ở Đông Nam Á. Ở cuối thế kỉ thứ II, người ta tìm thấy bia Võ Cạnh ghi bằng chữ Phạn. Thế kỉ thứ IV, bia Đông Yên Châu thuộc hệ thống bia Mĩ Sơn, chữ Chăm cổ đã xuất hiện. Sau đó, hai loại chữ này song hành, có mặt trên các bia; mãi đến thế kỉ thứ VIII chữ Phạn mới hết tồn tại. Từ trước thế kỉ thứ VII, Chăm cũng đã biết sử dụng văn tự để ghi chép kinh sách và trao đổi thư từ, bằng chứng là vào năm 609, tướng Lưu Phương của nhà Đường đánh Lâm Ấp, cướp đi 1350 bộ kinh Phật viết bằng chữ Chăm .
2. Về chữ viết, đây là thứ chữ ghi âm đựơc vay mượn từ miền Nam Ấn, qua nhiều biến thể để trở thành chữ Chăm ngày nay.
Có 3 loại chính:
– Akhar hayap: gồm các loại chữ khắc trên bia đá
– Akhar rik: chữ hoa
– Akhar thrah: chữ thông dụng
Akhar thrah có các lối viết khác là: akhar tor (chữ viết tắt) akhar yok (chữ không có dấu) và akhar galimưng (chữ con nhện, chữ viết tháu).
Bộ chữ akhar thrah gồm 2 loại kí hiệu khác nhau về chức năng: chữ cái (inư khar) là hạt nhân và chân chữ (takai akhar hay pauh) là kí hiệu phụ để ghép vào hầu hoàn thành âm tiết. Bộ chữ akhar thrah gồm 41 chữ cái (35 phụ âm, 6 nguyên âm), và 24 chân chữ (12).
Tiếng Chăm là ngôn ngữ đa âm tiết, ít nhất là một âm tiết và nhiều nhất là 4 âm tiết. Ví dụ: ba (mang), tangin (tay), jalikauw (ong mật), mưhexarai (hoàng đạo). Nhưng phần nhiều các từ từ 3 âm tiết trở lên là từ vay mượn.
3. Hiện nay, chữ Chăm akhar thrah (truyền thống) trong thực tế chỉ có người Chăm Ninh thuận và Bình Thuận (khoảng trên 100.000 người) đang sử dụng. Chăm Hroi cũng như Chăm Miền Nam (Chăm Islam) và Chăm Khmer-Islam Campuchia không dùng akhar thrah nữa. Chăm Hroi thì dùng kí hiệu Latinh, còn Chăm Islam thì dùng kí hiệu A Rập.
B. VĂN HỌC – NGHỆ THUẬT
VĂN HỌC CHĂM(13)
Chúng ta phân biệt và tuần tự xem xét các loại văn học sau đây: văn học dân gian, văn bia kí, văn học viết.
1. Văn học dân gian.
a. Thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích. Theo Inrasara thì có khoảng 100 truyện được sưu tầm.
– Thần thoại: Thần thoại suy nguyên: có Sự tích con gà gáy sáng; Thần thoại lịch sử: như Nữ thần Po Inư Nagar.
– Truyền thuyết: Truyền thuyết về các nhân vật lịch sử: Ppo Klaung Girai, Ppo Rome, Ppo Bin Thwơr, Ppo Tang Ahauk….; Truyền thuyết về các di tích lịch sử: về Ba Tháp (Yang Mưkran), Núi Đá Trắng, Hòn Vọng Phu….
– Truyện cổ tích: Truyện cổ tích thần kì: Chàng Lác làm vua, Nàng bàn tay, Kajaung và Halơk…; Truyện cổ tích sinh hoạt: Trạng Xử Kiện, Anh Khờ, Đi học bán vợ, Thầy Kadhar ăn cứt chó…. ; Truyện cổ tích loài vật: Chú thỏ tinh ranh, Hổ và Thỏ, Truyện con gà, Chó và Vịt….
Các môtíp truyện cổ Chăm phong phú và đa dạng, từ kiểu truyện người nghèo hoặc xấu xí nhưng lại có tài (Chàng Rít, chàng Khổ), kiểu truyện người có biệt tài (Bảy chàng trai khoẻ), kiểu truyện người ngốc nghếch (Thằng Khờ) đến kiểu truyện vợ chồng chung thuỷ (Đi học bán vợ), kiểu truyện chú thỏ tinh khôn (Hổ, Thỏ, Rái, Gà) kiểu truyện thụ thai sinh con kì lạ (Cei Dalim)….
Các ghi nhận về truyện cổ Chăm: Truyện cổ Chăm có quan hệ với các truyện Ấn Độ (thần thoại về các thần), quan hệ giao lưu với truyện cổ Việt (nhiều môtíp và kiểu truyện giống nhau) và phản ánh bản sắc, tính cách và tâm hồn Chăm.
b. Tục ngữ, ca dao (Panwơc yaw, Panwơc Pađit)
– Tục ngữ: hơn 1000 câu được sưu tầm, có nội dung về luân lý-đạo đức, hôn nhân – gia đình, về kinh nghiệm sản xuất.
– Ca dao – Đồng dao: Chủ yếu nói về quê hương, tình yêu lứa đôi, lời than thân trách phận. Ca dao thường kết hợp với dân nhạc tạo thành bài dân ca đặc sắc.
c. Các điệu hát khác
– Dauh Mưdwơn: là bài tụng ca được các Ong Mưdwơn (thầy vỗ trống baranưng) hát trong các dịp lễ Rija.
– Dauh Kadhar: là bài tụng ca do Ong Kadhar (thầy kéo đàn kanhi) hát vào các cuộc lễ nhập kut, mở cửa tháp.
Đây là các sáng tác dân gian rất phong phú về giai thoại hay ca ngợi các công đức anh hùng liệt sĩ , người có công tạo dựng đất nước.
– Pwơc jal (hát vãi chài) có 2 dạng: dạng ứng khẩu và dạng có lời sẵn (Pwơc jal ka ikan klơp là dạng có lời sẵn rất nổi tiếng).
2. Văn bia kí:
Văn bia kí được sáng tác từ thế kỉ IV đến thế kỉ XV bằng cả hai thứ ngôn ngữ là văn tự Chăm cổ và Sanskrit, có mặt khắp miền duyên hải trung bộ. Đến nay các học giã Pháp phát hiện, công bố và dịch gần 200 minh văn trong đó có 25 minh văn được Lương Ninh chuyển dịch sang tiếng Việt. Đây là các sáng tác có giá trị sử học, vừa có giá trị văn học cao.
3. Văn học viết: Được phân làm 4 chủng loại:
a) Akayet (tráng ca hay sử thi) :
– Deva Mưno: gồm 480 câu thơ theo thể ariya chăm, xuất hiện ở Champa vào thế kỉ XVI. Câu chuyện này được vay mượn từ Hikayat Deva Mandu của Mã Lai.
– Inra Patra: cốt truyện mượn từ Hikayat Indra Putera của Mã Lai được chuyển thành akayet Chăm vào đầu thế kỉ XVII, gồm 580 câu.
– Um Mưrup: Sử thi dài 240 câu và là một sáng tác trực tiếp của người Chăm, mô tả sự xung đột giữa hoàng tử Um Mưrup và triều đình vua cha, cuộc chiến tranh tương tàn giữa người Chăm Bàlamôn giáo và Hồi giáo.
– Ngoài ra người Chăm còn có hai akayet bằng văn xuôi là Inra Sri Bakan và Pram Dit Pram Lak có nguồn gốc từ sử thi Ấn Độ.
Nhìn chung, tráng ca (akayet) là một trong những dòng văn học viết quan trọng của dân tộc Chăm. Dù đa số các tác phẩm được vay mượn từ ngoài, nhưng người Chăm biết hoán cải chúng phù hợp với thực tế lịch sử-xã hội của mình. Qua các akayet này thể thơ ariya Chăm đã phát triển hoàn chỉnh và tồn tại đến ngày hôm nay.
b) Ariya (trường ca trữ tình)
Ba tác phẩm được được sáng tác vào khoảng thế kỉ XVII – XVIII đã xác lập thế đứng trong văn học Chăm là Ariya Bini – Cam (350 câu), Ariya Cam – Bini (180 câu) và Ariya Xah Pakei (148 câu). Đây là ba chuyện tình bi đát xảy ra vào giai đoạn lịch sử Champa buổi suy tàn trong đó xung đột tôn giáo (Bàlamôn – Hồi giáo) được xem là nguyên nhân chính dẫn đến đổ vỡ (các trường ca này đã được chuyển sang tiếng Việt).
Từ thế kỉ XIX trở đi, nhiều câu chuyện tình được sáng tác thành thơ: Ariya Mưyut , Ariya Kei Oy… nhưng thời điểm này, các thi phẩm ngắn lại và ngòi bút của thi sỉ Chăm cũng kém sắc đi.
c) Thơ thế sự: Đó là những sáng tác mô tả các cuộc nổi dậy của nông dân Chăm chống lại Triều đình nhà Nguyễn, xuất hiện vào khoảng thế kỉ XVIII – XIX gồm: Ariya Twơn Phauw (71 câu), Ariya Kalin Thak Wa (80 câu).
Các tác phẩm về thế thái nhân tình mang tính triết lý và luân lý như: Ariya Glơng Anak (116 câu), Pauh Catwai (132 câu); các tác phẩm du kí: Ariya Ppo Parơng (208 câu) và cả các sáng tác mang tính sấm kí: Dauh Tơy Lơy, Ar Bingu …
Ngoài ba dòng sáng tác nổi tiếng trên, người Chăm còn có ba gia huấn ca: Ariya Patauw Adat kamei (124 câu), Ariya Muk Thruh Palei (115 câu), Ariya Pataw Adat likei (79 câu) cùng một số sáng tác triết lý mô tả nhân sinh quan của mình: Ariya Nau Kak (26 câu), Jadar (120 câu)….
NGHỆ THUẬT và KĨ THUẬT CHĂM
Tôi xin lướt qua các mảng về âm nhạc, hội hoạ, kiến trúc, thuỷ lợi…
– Âm nhạc: Người Chăm rất thích âm nhạc. Xưa kia, trong các lễ hội lớn nhỏ, trong cuộc cúng tế cũng như trong cuộc nhảy múa ở hậu cung, họ đều dùng nhạc hòa theo. Dàn nhạc Chăm hôm nay chỉ gồm trống ginơng, trống baranưng, kèn xaranai, chiêng, lục lạc và đàn kanhi; nhưng trước đây gồm nhiều nhạc cụ có dây, sáo, tù và, chủm chọe bằng đồng và có loại nhạc cụ giống như thụ cầm (harpe). Riêng về cách đánh trống ginơng, người Chăm đã lưu giữ được trên 70 điệu nhạc rất độc đáo và hấp dẫn.
Nhạc sĩ Amư Nhân đã khai thác vốn âm nhạc cổ Champa, viết lên nhiều ca khúc đặc sắc mang âm điệu Chăm, từ đó ông được biết đến. Ông Trần Văn Khê, một nhà nghiên cứu âm nhạc cổ bậc thầy tại viện âm nhạc Paris (Pháp) đã nói với Amư Nhân: “Anh vào làng âm nhạc mới được 4 năm, nhưng anh chớ tự ti mặc cảm, vì anh biết dựa vào vốn âm nhạc cổ dân tộc nên anh đã đứng ngang hàng với chúng tôi dù chúng tôi đã từng nghiên cứu hơn 30 năm về nhạc cổ Đông Nam Á”. Như vậy, nhiều nhà nghiên cứu đánh giá âm nhạc Chăm rất cao.
Về giao lưu văn hóa với Đại Việt, Dương Quảng Hàm viết: “Vua Lý Cao Tông có sai người soạn ra nhạc khúc mới gọi là Chiêm Thành âm, tiếng sầu oán, thương xót nghe đến phát khóc”. Học giả này cũng đưa ra giả thuyết là do ta phỏng theo các ca khúc của người Chiêm Thành mà đặt ra (xem thêm Tagalau 6).
– Hội hoạ: Điêu khắc lúc nào cũng đi đôi với hội họa, và chính hội họa là bước phác thảo, định hướng và gợi cảm hứng cho điêu khắc. Căn cứ vào những mô típ điêu khắc Chăm trên các bệ thờ và các trang trí chân tháp, tường và cửa tháp, chúng ta có thể hình dung được nền hội hoạ của Champa trước đây cũng thuộc mảng nghệ thuật phát triển khá cao. Nhìn vào sự sắc nét và điêu luyện của các phù điêu cũng như các hoa văn trang trí, người ta đánh giá được sự thăng hoa của nền hội hoạ Champa xưa kia. Rất tiếc, tất cả đã thất truyền.
Hôm nay, người Chăm chỉ còn giữ lại được qua những đám đình và lễ nghi tôn giáo, hai mô típ hội hoạ sau: Một là paning, loại màn vẽ tranh trang trí sinh hoạt xã hội hay đồng áng rất sinh động mang nặng nhân sinh quan Chăm. Bức tranh có nhiều sắc và đường nét rất đặc trưng Chăm để sử dụng làm “phông” trong các lễ Rija. Bức Ciim hơng một loại tranh đặc biệt dùng trong đám tang của người Chăm theo Bàlamôn. Ngoài ra chúng ta lấy làm thích thú được chiêm ngưỡng các bức tranh sơn dầu của hoạ sĩ kiêm điêu khắc gia dân tộc Chăm Đàng Năng Thọ đã có dịp trưng bày tại Hà Nội. Qua các mảng màu rực rỡ và mạnh mẽ trên các tác phẩm của anh, người ta nhận ra những dấu ấn rõ nét của hội hoạ Champa xa xưa. Gần đây, nữ họa sĩ Chế Kim Trung cũng có những tác phẩm rất độc đáo mang đậm nét bản sắc dân tộc đoạt vài giải thưởng khu vực.
– Kiến trúc: Qua những di tích đền đài mà người Chăm để lại dọc dãy đất miền trung Việt Nam, các nhà nghiên cứu đánh giá là người Chăm đã đạt tới trình độ cao về nghệ thuật kiến trúc. Vào thế kỉ thứ VII, người Chăm đã biết xây tháp mà hôm nay những nhà khoa học trên thế giới vẫn thán phục và đặt nhiều câu hỏi xung quanh nghệ thuật kiến trúc này. Trước hết là về vật lý: tại sao, vào thời điểm chưa có công thức của Newton mà người Chăm lại xây được tháp khá đồ sộ mà không bị lún hay lệch? Họ đã sử dụng công thức vật lý nào khác? Về hóa học các tháp được xây bằng gạch nung chín nhưng không vữa để làm chất kết dính, như thế thì người Chăm đã dùng chất gì thay thế? Về kỹ thuật, những viên gạch được đúc với kỹ thuật cao: rất trơn láng, rắn chắc, và đặc biệt là chống được sự bào mòn của gió biển (mang chất muối mặn). Đó là một kỹ thuật đặc sắc mà hôm nay chúng ta vẫn chưa tìm ra cách đúc viên gạch chịu đựng được hàng thế kỉ đối với thời tiết khắc nghiệt của duyên hải miền Trung. Về nghệ thuật xây tháp , các tháp Chăm được đánh giá ngang hàng với các di tích Angkor của Campuchia hay các đền tháp khác của Đông Nam Á.
– Thuỷ lợi: Hiện nay tại những cánh đồng Phan Rang, Phan Rí và Phan Thiết hãy còn dấu vết một hệ thống thuỷ lợi rất hoàn chỉnh chứng tỏ người Chăm hiểu biết rất nhiều điều về kỹ thuật thuỷ lợi nói riêng và kỹ thuật nông nghiệp nói chung. Tại Ninh Thuận, người ta vẫn nhắc tới hệ thống thuỷ lợi Mương Đực, Mương Cái Chăm cũng như đập Nha trinh nổi tiếng (Banơk Cakling). Đập Marên và đập Katew vẫn còn phát huy tác dụng. Ở Phú Yên, nơi có đồng lúa nước rộng nhất miền Trung, người xưa đã để lại một hệ thống thuỷ lợi của đập đồng Cam (tức đập đồng Chàm) đồ sộ nhất lúc bấy giờ. Hệ thống thuỷ lợi tại xứ Panduranga cũ là do PpoKlaung Girai (thế kỉ XII) và Ppo Rome (thế kỉ XVII) để lại được các nhà khoa học hôm nay đánh giá rất cao: Trong lúc khoa học thuỷ lợi còn rất lạc hậu, người Chăm vẫn có cách riêng để đo được độ cao – thấp của các loại địa hình hầu đào mương dẫn nước một cách suôn sẻ đáng thán phục!
– Về điêu khắc: Có một trí thức người Kinh nói với tôi rằng: Ai đi tham quan Quảng Nam – Đà Nẵng mà không thăm viện bảo tàng mĩ thuật điêu khắc Chăm và Thánh địa Mĩ Sơn thì xem như chưa đến Quảng Nam – Đà Nẵng”. Tôi tự nhủ rằng: “Ai tự cho mình là người Chăm mà chưa bao giờ thấy Thánh địa Mĩ Sơn thì chưa phải là người Chăm”. Vào đầu thế kỉ XX, Parmentier đã bị lôi cuốn bởi sự huy hoàng và đồ sộ của cụm tháp Mĩ Sơn hoang tàn, đã tự bỏ tiền túi để tập trung các tượng cổ Chăm bị đổ nát và xây dựng một Viện bảo tàng tại thành phố Đà Nẵng (Viện bảo tàng Parmentier), nay mang tên “Viện Bảo tàng mĩ thuật điêu khắc Chăm”. Tham quan Viện Bảo tàng này, các du khách không ngớt thán phục những đường nét điêu khắc thật tinh vi, sắc sảo của hàng trăm bức tượng cổ Champa từ thế kỉ thứ VII đến thế kỉ thứ XIV: Bò Thần Kapil nằm gác cửa Viện như bò thật, tượng vũ nữ Apsara, uyển chuyển, duyên dáng, thần kì khiến người ta liên tưởng đến La Joconde! Vân vân…Các tác phẩm điêu khắc được thể hiện trên đá mà không khô cứng, lạnh lùng, trái lại rất sinh động, mỗi phong cách điêu khắc có một vẻ đẹp khác nhau thể hiện được bản sắc dân tộc và tài năng của người nghệ sĩ. Ông Kazik, kiến trúc sư Balan, trưởng đoàn trùng tu cụm tháp Mĩ Sơn, vì quá say mê kỹ thuật kiến trúc và mĩ thuật điêu khắc Chăm mà không tiếc lời ca ngợi và đánh giá rằng: “Người Champa là bậc thầy về mĩ thuật điêu khắc trên đá”.
– Về nghề kim hoàn: Nghề kim hoàn là một nghề rất phát triển và từ rất sớm ở xứ Champa cổ. Theo sử liệu Trung Quốc, vào giữa thiên niên kỉ thứ nhất, người ta đã phát hiện được xứ Champa là một xứ có rất nhiều vàng bạc và đồ quý lạ, vì trước đó, vào năm 446, Đàn Hoà Chi của Trung Quốc chinh phạt Lâm Ấp, đã thu được một chiến lợi phẩm khổng lồ và vô cùng quý giá, trong đó có rất nhiều vật lạ lùng và hiếm có làm bằng vàng. (Tất cả đã nấu chảy cùng với tượng, tổng cộng 100 tấn vàng nguyên chất). Như vậy, chúng ta đã biết được là vào thế kỉ thứ V nghề kim hoàn của Champa đã phát triển rực rỡ .Qua sử liệu và bia kí, người ta biết thêm là vào những thế kỉ tiếp theo, nghề kim hoàn càng phát triển mạnh và có tầm quan trọng đặc biệt qua chủ trương đối ngoại, đối nội, phục vụ cho vương quyền, thần quyền Champa(14).
G. Maspero cho rằng người Chăm là những thợ thủ công rất giỏi về nghệ thuật đúc tượng và làm đồ dùng bằng kim loại quý. Họ dát vàng và bạc thành những hộp đựng trầu cau, bình đựng vôi, đựng xương, những bình đựng nước, những chuôi kiếm hay dao găm… “họ gõ, dọt rồi chạm gọt những hình trang trí lộng lẫy thể hiện vẩy cá, hoa lá, thú vật kì dị được ít nhiều cách điệu hóa. Họ nạm kim cương, ngọc hồng, ngọc vàng, ngọc lam, ngọc trai, xếp đặt thành mũ miện, vòng cổ, vòng tay, vòng chân, và những vòng trang sức khác mà ta chỉ biết tên mà thôi”.
Theo Vũ Kim Lộc thì người Chăm hiện lưu giữ trong 10 kho tàng khá nhiều bảo vật của các vua chúa Chăm, rất tinh vi và đa dạng (riêng phần sưu tập của chính ông Vũ Kim Lộc gồm 50 hiện vật bằng vàng) như ở kho tàng Tịnh Mĩ (Phan Rí, Bình Thuận) gồm có 22 món bằng vàng, trong đó có 2 mũ vua (1 đã hiến cho Cách mạng) 2 mũ chụp búi tóc của hoàng hậu, 8 món đồ bằng bạc (Nghiêm Thẩm, 1960).
– Về nghề thủ công và dệt:
Từ xa xưa và ngay ở thập kỉ 40 của thế kỉ trước, người Chăm đã quen sống tự túc tự cường nghĩa là tự cung cấp các sản phẩm và vật liệu cho cuộc sống của mình. Trong thời kì kinh tế khó khăn của thời chiến chống Pháp 1945 – 1954, người Chăm tự trồng bông vải để làm ra đủ sợi dệt ra vải hầu phục vụ cho may mặc. Về các vật dụng, người Chăm tỏ ra rất kỹ xảo và khéo léo trong việc bện thừng và dây thuyền, đan chiếu bằng lá dừa. Những vật dụng thông thường như thúng, mủng, gùi, chiết các loại, người Chăm vẫn tự làm, và làm một cách mĩ thuật. G. Maspéro lưu ý: “Phụ nữ dệt vải và lụa, những vải tàng trữ trong kho các vua xưa chứng tỏ họ dệt rất khéo, họ biết dùng sợi vàng xen vào những sợi ngang để dệt một hoa tiết mỗi mặt một kiểu khác, thành ra không phân biệt được mặt phải, mặt trái. Họ thêu những kiểu phức tạp mà vàng, ngọc trai, ngọc thạch, dỉ chí cả trang kim làm cho vải quý giá hơn nhiều”. Cũng cần lưu ý là “xoa Băngcốc” nổi tiếng thế giới xuất phát từ cư dân Chăm ở Thái Lan làm ra.
Hôm nay, chúng ta cũng còn nhận ra những sản phẩm dệt (hàng thổ cẩm) của phụ nữ Chăm palei Caklaing thuộc tỉnh Ninh Thuận gồm đủ loại để phục vụ cho đám đình, phong tục và tiêu dùng như: Khăn, dằn, khăn bàn, jih dalah, vv…. có đủ thứ hoa văn, đan xen đủ màu sắc được giới tiêu thụ trong và ngoài nước đánh giá là có thẩm mĩ cao. Ngoài ra phải ghi nhận những sản phẩm thêu thùa để xuất khẩu của người Chăm Châu Đốc cũng rất mĩ thuật được người nước ngoài rất ưu chuộng.
– Về trang trí nội thất:
Cứ chiếu theo bản kê đồ cúng ghi trong bia kí và những chuyện kể của những du khách thời xưa thì những lâu đài cổ Champa rất huy hoàng và lộng lẫy. Maspéro ghi lại rằng: “Trong hậu cung có nghìn ngọn đèn soi sáng, trên cái bệ hình bồn nước có rảnh để đựng rượu cúng,… có dựng một tượng thần được trang sức bằng tất cả các châu báu: nữ thần Kauthara đẹp lộng lẫy, mình thiếp vàng óng ánh, mặt như hoa sen, châu ngọc sáng lòe má tròn trĩnh dát ngọc; nữ thần Bagavati rất đẹp ở cạnh Kauthara và cạnh bể đã nổi tiếng với vẻ đẹp của mớ tóc vàng long lanh ánh ngọc dát ở trên đầu, của đôi tai đeo ngọc tỏa ra những hào quang rực rỡ”…
D/ TÔN GIÁO – TÍN NGƯỠNG CHĂM NINH BÌNH THUẬN
Vấn đề dân tộc và tôn giáo là một trong những lĩnh vực được nhiều nước quan tâm, vì đó là vấn đề nhạy cảm dễ đưa đến mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo như đã xảy ra trên thế giới. Người Chăm Ninh Thuận và Bình Thuận có ba tôn giáo: Bàlamôn, Bàni và Islam, mang sắc thái rất đặc biệt. Trong quá trình du nhập, đạo Bàlamôn và Bàni đã kết hợp với tín ngưỡng bản địa để trở thành đạo Bàlamôn và đạo Bàni của người Chăm hiện nay. Riêng đạo Islam của người Chăm Ninh Thuận thì mới du nhập vào thập niên 60 của thế kỉ XX qua giao lưu với đồng bào Chăm Nam bộ và sinh hoạt theo nghi thức của Islam chính thống.
1/ Khái quát:
a/ Nguồn gốc:
Ở xứ Champa cũ, tôn giáo Bàlamôn được du nhâp từ Ấn Độ vào đầu công nguyên, và mãi thế kỉ thứ X người Mã Lai mới truyền tôn giáo Islam vào Champa qua con đường buôn bán và ngoại giao. Nhưng đến thế kỉ thứ XVII thì hai tôn giáo này bị Chăm hóa hoàn toàn để trở thành Bàlamôn và Bàni của dân tộc Chăm khác hẳn với tôn giáo gốc trước đây. Về số lượng tín đồ tại Ninh Thuận, trong 73.000 người Chăm, thì có 24.000 tín đồ Bàni (chiếm 1/3 số dân Chăm Ninh Thuận), 47.000 tín đồ Bàlamôn và 2.000 tín đồ Islam. Ở Bình Thuận không có tôn giáo Islam và dân số Chăm vào khoảng 40.000 người, trong đó khoảng 2/3 là tín đồ Bàlamôn.
b/ Quan niệm “lưỡng hợp dung hòa”:
Khi quyền lực của Nhà Nước Champa suy thoái (từ thế kỉ thứ X), sự tranh dành ảnh hưởng của Ấn giáo và Hồi Giáo xuất hiện một cách rõ nét và gây phân hóa trong nội bộ xã hội Chăm lúc bấy giờ. Để giải quyết những mâu thuẫn và đối lập đó, cộng đồng người Chăm đã biết ứng dụng quan niệm “lưỡng hợp dung hòa”: Tôn giáo Bàlamôn còn gọi là Ahier, (tức là dương) và tôn giáo Bàni còn gọi là Awal (tức là âm) được phối hợp với nhau một cách nhuần nhuyễn và có tính toán dựa theo lý thuyết âm – dương để trở thành hai tôn giáo rất độc đáo chỉ còn thấy ở dân tộc Chăm của hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Vì vậy, tôn giáo Bàni vừa phụng thờ Đức Thánh Allah, vừa phụng thờ các thần Yang của Bàlamôn giáo, và ngược lại. Hai tôn giáo này trở thành “tuy hai mà một, tuy một mà hai”, đúng là một tổ chức “nhị phân lưỡng hợp”, trong dương có âm, trong âm có dương. Âm dương kết hợp thống nhất để tồn tại thể hiện qua biểu tượng Haumkar và túi đeo của các chức sắc Ahier và Awal(15)
2/ Tín ngưỡng của người Chăm Ninh Thuận và Bình Thuận
Dân tộc Chăm là một dân tộc thuộc văn minh lúa nước, có tín ngưỡng rất phong phú và đa dạng. Trước hết phải nói đến tín ngưỡng liên quan đến nông nghiệp, kế đó có các tín ngưỡng liên quan đến cá nhân, gia đình, dòng tộc và cả cộng đồng. Tín ngưỡng Chăm tồn tại dưới nhiều hình thức, chủ yếu là thờ cúng ông bà tổ tiên, các vị anh hùng dân tộc và các thần như: thần đất, thần sông, thần núi, thần biển….
Các lễ hội cũng rất đa dạng: Katê (cúng bên cha), Cabbur (cúng bên mẹ), Xwa (cúng món chay), Dayơp (cúng món mặn), Palau paxah (cầu đảo tại cửa sông), Pakap haluw kraung (lễ chặn nguồn ở đầu sông), Rija nưgar (lễ tẩy uế thôn xóm), v.v… Chung qui, các việc cúng kiếng có mục đích cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, dân làng khỏe mạnh, ấm no và hạnh phúc.
Tín ngưỡng Chăm nghiêng về cúng kiếng lễ vật là do người Chăm coi trọng linh hồn và tin tưởng thần linh mầu nhiệm. Họ tin là nếu linh hồn được đối xử tử tế thì sẽ phù hộ, che chở cho người trần gian; ngược lại thì họ sẽ trở về quấy phá thân nhân tộc họ. Cộng đồng người Chăm sống theo chế độ mẩu hệ, rất quý trọng phụ nữ (phụ nữ cưới chồng) lại có quan niệm về cỏi âm hiện hữu như thế nên sự sinh hoạt xã hội mang tính cách rất đặc trưng và lúc nào cũng đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc…..
3/ Tôn giáo của người Chăm Ninh-Bình Thuận
a/ Đạo Bàlamôn: Đạo Bàlamôn du nhập từ Ấn Độ vào Champa vào đầu công nguyên trên cơ sở giao lưu văn hóa. Ban đầu, người Chăm theo đạo Bàlamôn tôn thờ ba vị thần chính là: Thần Brahma (thần sáng tạo), thần Shiva (thần huỷ diệt), thần Vishnu (thần bảo tồn), nhưng khi bị Chăm hóa vào thế kỉ thứ XVII thì lại mang sắc thái hoàn toàn Chăm. Cho đến hôm nay, chúng ta chỉ thấy những tín đồ Bàlamôn Chăm phụng thờ Ppo Inư Nưgar (bà mẹ xứ sở), các vị vua có đức có tài được thần hóa như: Ppo Klaung Girai, Ppo Rome, Ppo Bin Thwơr, Ppo Klaung Mưnai, Ppo Nit… Cũng như các vị tướng và vị quan lại có công với đất nước: Ppo Dam, Ppo Klaung Kasat, Ppo Xah Inư vv… Ngoài ra người Chăm Bàlamôn còn tôn thờ các vị thần như: thần Đất, thần Núi, thần Biển, thần Sông…. Việc đạo Bàlamôn bị bản địa hóa theo quan niệm “lưỡng hợp dung hòa” như đã nói ở phần trên, tạo cho Bàlamôn giáo phải phụng thờ luôn đức thánh Allah của đạo Islam và mang sắc thái rất đặc thù của dân tộc Chăm. Việc đảm nhiệm thực hiện các nghi thức trong các nghi lễ thông qua tầng lớp tu sĩ mà chúng ta có thể phân biệt trong giai cấp này là: Ppo Dhia (cả sư), Tapah, Paxeh, bên cạnh còn có các thầy trợ tế: Ong Camưnei, Ong Kadhar, Muk Pajuw.
b/ Đạo Bàni: Đạo Islam du nhập vào xứ Champa vào thế kỉ thứ 10 nhưng đến thế kỉ thứ 15 mới biểu hiện rõ nét. Từ đó có nhiều mâu thuẫn giữa Bàlamôn và Islam gây xáo trộn trầm trọng trong nội bộ nhân dân Chăm lúc bấy giờ. Triều đình Champa mới đề ra biện pháp giải quyết bằng cách Chăm hóa hai tôn giáo này để trở thành Bàlamôn giáo Chăm và Bàni (Islam được Chăm hóa) như đã nói ở phần trên. Chính vì thế mà đạo Bàni mang tính chất của cả hai tôn giáo: Tính chất Islam có ảnh hưởng đậm nét hơn vì có cả hệ thống Acar (tu sĩ Bàni) thể hiện các nghi thức tôn giáo theo kinh luật của Islam là Kinh Coran (mà người Chăm gọi là Kinh Kura-ưn), dĩ nhiên với những biến thể nhất định. Còn ảnh huởng Bàlamôn là những nghi thức cúng tế các thần Yang dân tộc Chăm, thờ cúng ông bà tổ tiên và thực hiện các lễ hội cũng như tín ngưỡng dân gian của dân tộc: lễ Rija (lễ múa), lễ cầu đảo, lễ chặn nguồn nước vv…
– Riêng Chăm Islam thì mọi sinh hoạt tôn giáo đều theo đúng giáo lý của Hồi giáo quốc tế, không chịu ảnh hưởng gì về tín ngưỡng dân gian dân tộc Chăm.
Qua sự phân tích trên đây, chúng ta thấy là các tôn giáo truyền thống Chăm đã góp phần khá quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển văn hóa, phong tục tập quán, lối sống của đồng bào Chăm.
E/ Phong tục – tập quán
Phong tục tập quán của một dân tộc lúc nào cũng chi phối sâu rộng sự sinh hoạt của xã hội và là yếu tố quan trọng để hiểu đuợc một dân tộc. Một nhà nghiên cứu hay một trí thức muốn tìm hiểu một cộng đồng dân tộc mà không nắm bắt được những yếu tố quan trọng đó thì xem như chưa hiểu được cộng đồng dân tộc đó và không thể nào hội nhập được.
– Phong tục được hình thành từ sinh hoạt tôn giáo- tín ngưỡng và là hệ quả tự nhiên vậy. Ví dụ việc người Chăm Bàni kiêng heo và Chăm Bàlamôn kiêng bò là thuộc phong tục (chứ không phải tập quán).
– Tập quán, ngược lại, chỉ là kết quả của thói quen lâu đời hay thói quen mới được hình thành qua sở thích hoặc tình cảm cá nhân hay cộng đồng. Ví dụ lễ hội Katê trước đây là “lễ” (thời điểm dân chúng đến tháp dâng cúng và cúng quẩy tại gia để thể hiện phong tục) chứ không có “hội” như hiện nay. Nhưng từ thập niên 60 của thế kỉ trước, người Chăm mới sinh hoạt nhộn nhịp và ăn uống linh đình, có ý nghĩa đầy đủ của lễ và hội như hiện nay. Như thế, phần hội chỉ là tập quán.
– Còn một yếu tố khác mà tôi tạm gọi là “tâm lý cộng đồng” thì được hình thành qua một số yếu tố nhất định nào đó thuộc lịch sử, bản chất hay tình cảm cộng đồng. Ví dụ các làng Chăm thường ở xa các trục lộ giao thông là không do phong tục hay tập quán mà là do một yếu tố lịch sử. Người Chăm muốn sống “yên ổn”, không muốn ai quấy rầy nên phải định cư xa đường lộ để không có người qua lại gây khó khăn trở ngại cho việc sinh sống của mình.
Sau đây tôi xin đơn cử một số ví dụ để minh chứng cho các luận cứ nói trên.
* Về phong tục:
– Việc trải chiếu trong sinh hoạt gia đình: trải theo hướng đông-tây chứ không theo hướng bắc-nam, vì hướng bắc-nam là hướng nằm của người chết, (đám ma mới phải trải theo hướng đó).
– Người chết ở ngoài làng (bất cứ lý do nào) không được đưa xác chết vào làng mà phải làm thủ tục chôn cất ở một địa điểm ngoài làng, sau đó mới được tiến hành làm đám ở gia đình.
– Đem của cải cho người chết thì phải là “hàng thật” chứ không được đem hàng mã (dù là để đốt), vì người Chăm tin tưởng cỏi âm có thật và sinh hoạt y hệt như người sống ở cõi dương.
– Cách thức thề “Nhuk ia” (chúi đầu vào lu nước hay ở mương nước) đối với người Chăm là rất linh ứng, vì họ tin là người nào gian dối sẽ được thần linh cho thấy toàn rắn rít trong nước nên sợ sệt mà rút đầu lên!
– Nhà tục Chăm luôn quay về hướng tây là vì hướng đông là hướng của các thánh đường (các hướng khác là hướng không tốt)
– Thái độ “sàm sỡ” đối với phụ nữ là rất kỵ đối với dân tộc Chăm, bắt nguồn từ phong tục của Hồi giáo (theo văn hóa Á Rập)
– Người Chăm Bàni rất kiêng cử “heo vào trong vòng rào” của nhà mình, xuất phát từ sự kiêng heo của Hồi giáo. Việc đem thịt heo vào gia đình cũng rất kiêng kỵ.
– Người Chăm kiêng “chui qua dây phơi áo” hay các đồ dơ uế như chổi, chăn phụ nữ là xuất phát từ tín ngưỡng cho là mỗi con người đều có Thần Yang ngự trị nơi hai vai. Vân vân…
* Về tập quán
– Người Chăm không trồng cây trong khuôn viên nhà của mình vì sợ ma quỷ đến ở cũng như chim cú đến đậu. Khi trong gia đình có người đau ốm, người Chăm thường nghĩ ngay đến việc “cây trồng xúi quẩy” nên thường chặt bỏ đi. Việc này chứng tỏ mê tín chứ không phải là một tín ngưỡng tốt, nhưng hôm nay đã trở thành tập quán (mà giới thanh niên ít quan tâm).
– Tập quán “rawơng ghurrak” (thăm thổ mộ) của người Chăm Bàni hiện đang được thể hiện trong một số thôn ấp Bàni (sau sự chôn cất 3 ngày) là xuất phát từ một nguyên nhân rất cụ thể: Sợ kẻ gian đào bới lên tưởng là có chôn theo của quý, hay sợ các thú vật bới lên vì có mùi. Ngày nay họ đến thăm thổ mộ là để đem lễ vật đến cúng kiếng cho người chết và là dịp… nhậu nhẹt cho người sống. Thế mà nay đã thành “tập quán” rành rọt!
– Trước kia, trong dịp lễ Ramưwan hay Katê, người Chăm không có thói quen đến thăm và chúc nhau như người Kinh (vì đó không phải đầu năm mới). Bây giờ, có lẽ ảnh hưởng người Kinh, người Chăm qua lại thăm, chúc nhau và đã trở thành “tập quán”.
– Trong các lễ Ramưwan cũng như Katê, người Chăm ít quan tâm đến việc mặc áo quần mới (nhất là giới trẻ), nay nhà nhà lại thích sửa soạn cho khang trang, cũng như mua sắm áo quần mới cho trẻ con.v.v…
* Về tâm lý cộng đồng
– Người Chăm thường gọi nhau bằng tên con truởng: “cha Jaka” chẳng hạn. Đó không phải phong tục hay tập quán mà chỉ là tâm lý tôn trọng nhau không muốn gọi tên.
– Trong các đám đình, người Chăm thường “ngồi ăn theo thứ tự tuổi tác” là xuất phát từ tâm lý “trọng người già”.
– Người Chăm thường gọi các làng Chăm bằng tên truyền thống hơn là “tên gọi phổ thông” (palei Cwah Patih, palei Boh Dana…) là do tâm lý truyền thống, vừa gần gũi thân thiết vừa có ý nghĩa thiêng liêng.
– Ở một số palei Chăm Bàni, trước khi cúng quẩy ông bà tổ tiên vào dịp Ramưwan, các con thường mang gà, vịt đến bên ngoại cúng “gỏi” (ngak goy) để tưởng niệm đến người cha quá cố. Đó là do tình cảm (tâm lý cá nhân và gia đình) chứ không phải do tập tục từ xưa để lại.
Ngày nay, một số phong tục tập quán xét ra lỗi thời (không phù hợp với khoa học- như làm nhà hướng về phía tây) được người Chăm từ bỏ, và sẵn sàng làm theo sự thuận tiện của cuộc sống.
Một số phong tục tập quán, tuy xét ra rất phức tạp và phiền toái, nhưng nếu chưa bỏ được thì phải tuân thủ một cách triệt để, vì nó thể hiện ý chí của cộng đồng. Ví dụ: Người chết ở ngoài làng không được đem vào làng. Đây là một trong những tập tục khiến cho cộng đồng người Chăm không bao giờ sống trộn lẫn với cộng đồng các dân tộc khác.
Nếu chính quyền không lưu ý đến một số phong tục tập quán quan trọng của người Chăm (trong việc qui hoạch khu dân cư hỗn hợp chẳng hạn) thì sau này sẽ gặp những mâu thuẫn, đối kháng gay gắt trong dân chúng mà khó có thể giải quyết ổn thoả được.
KẾT LUẬN
Trước thế kỉ XX, dường như không ai biết đến và tìm hiểu văn hóa Chăm cho đến khi các học giả thuộc Viện nghiên cứu Viễn Đông Bác Cổ – Pháp có những công trình nghiên cứu về kiến trúc và mĩ thuật Chăm. Tuy nhiên, nền văn hóa này vẫn chưa được giới thiệu rộng rãi trên các sách báo khoa học đại chúng, vì thế sự hiểu biết của mọi người về nó vẫn còn hạn chế, mặc dầu các di tích Chăm được khám phá tại Mĩ Sơn được đánh gía ngang hàng với các di tích nổi tiếng khác trong vùng Đông Nam Á, như Angkor (Kampuchia), Pagan (Myanmar) Borobudua (Indonésia).
Ngày nay, Nhà nước Việt Nam đã cho trùng tu lại các tháp cổ đang hư nát, và UNESCO cũng đã công nhận thánh địa Mĩ Sơn là di sản văn hóa thế giới; điều này chứng tỏ tổ chức này rất quan tâm đến văn hóa Chăm. Di tích lịch sử Chăm ở Miền Trung Việt Nam đã trở thành những địa điểm du lịch quan trọng, thu hút ngày càng đông những du khách trong và ngoài nước.
Ông Ưng Quả, một nhà văn gốc Huế, đã cảm nhận sâu sắc văn hóa rực rỡ và độc đáo của dân tộc Chăm nên đã thốt ra những lời lẽ thấm đậm tính nhân văn: “Đồng thời ta chinh phục đất Chiêm thì ta lại cảm cái văn hóa của người, tâm hồn ta lại thâm nhiễm cái văn hóa đó”. Khi được nghe giữa đêm khuya hè đầy trăng sao một bài “Vọng Giang Nam” trong khung cảnh đầy trữ tình của làng Vĩ Dạ, nhà văn ấy lại tự hòa mình vào cảnh thơ mộng, chìm đắm trong tiếng nhạc mang “âm hưởng Chiêm Thành” du dương và da diết, mà nói lên rằng: “Tôi biết ơn dân tộc tài tình kia đã dành lại cho ta những cảm giác ấy, mà bấy lâu nay tôi đinh ninh rằng dân tộc ấy là dân tộc Việt Nam. Đến nay tôi được biết rằng âm nhạc đó là công trình kì thuỷ của Chiêm Thành, một dân tộc oanh liệt và tài hoa, đã từng sinh hoạt trên non sông này trải qua một nghìn năm lẻ. Điều đó chẳng làm giảm bớt tấm lòng luyến quốc của ta mà chỉ nhủ ta nên kỉ niệm đời đời cuộc tao phùng của nước Chiêm Thành và Nước Việt”(16)
Chú thích:
(1) Nguyễn Việt Cường, Người Chăm ở Thuận Hải (NCTH), trang 78.
(2) Nguyễn Phạm Hùng, Tagalau 8, trang 101.
(3) Con số ước lượng theo thông tin của người Chăm định cư tại các nước sở tại.
(4) Xem thêm bài “Những nét đặc trưng của bản sắc văn hóa Chăm” (NĐT/VHC), Tagalau 8.
(5) Xem thêm bài “Giao lưu văn hóa giữa dân tộc Chăm và Việt” (GLVH), Tagalau 6.
(6) Đại Nam nhất thống chí tỉnh Quảng Bình mục cổ tích.
(8) Trần Kì Phương: Cham Ruins, NXB Thế giới, 1993.
(9) Lê Quý Đôn, Vân đài loại ngữ, tập II, IX, 1972, trang 181.
(10) Maspéro (RC),trang 35.
(11) Võ Công Nguyện, NCTH, trang 60.
(12) Bộ chữ Chăm cải tiến chỉ có 37 chữ cái (vì 4 chữ: măk, năk, nhăk, ngăk có dấu biến âm takai đăk không được tính vào bộ chữ cái)
(13) Phần văn học Chăm, chúng tôi viết theo Inrasara, Văn học Chăm – khái luận, NXB Văn hóa Dân tộc, H., 1994.
(14) Vũ Kim Lộc, Nghề kim hoàn của Champa.
(15) Thành Phần, “Một vài suy nghĩ về thực trạng tín ngưỡng – tôn giáo của người Chăm hiện nay”.
(16) Ưng Quả: “Những nguồn mĩ cảm của dân tộc Việt Nam gặp gỡ Chiêm Thành”, Ước vọng 1.
*
Tagalau 09.