THƯ GỬI CON ĐANG HỌC Ở NƯỚC NGOÀI
(bức thư thứ 2: Tuổi trẻ hôm nay)
Phan Rang ngày…
Con yêu quý!
Hôm nay, Ba viết bức thư này cho con để thông tin một vài việc của gia đình và tình hình của xóm làng Chăm.
Vừa rồi, gia đình rất vui vẻ vì đã trúng được mùa rẫy, dù giá cả còn hơi bấp bênh (lúc nào cũng bị bọn gian thương chèn ép như vậy cả). Còn về thằng Út thì năm nay đã lên được lớp 12, không hiểu cuối năm học này nó có vượt qua nổi ngưỡng tú tài để bước vào Đại học không. Nhiều nỗi truân chuyên lắm! Phần anh Hai và chị Ba con, công việc làm ăn cũng phát triển đều đặn. Mấy đứa cháu đã vào học, cũng đều ngoan ngoãn và mạnh khỏe cả. Ba lo nhứt là thằng Út, phải nói là Ba khiếp sợ các bạn bè của nó, lúc nào cũng sẵn sàng lôi cuốn nó vào con đường “tử”. Ba hình dung lũ trẻ hư hỏng này như một bầy quạ đen đang chờ chực con mồi suy yếu để mà vồ vập!
Chắc con cũng hiểu là xã hội này là xã hội đang phát triển và vừa hội nhập WTO, luôn luôn âu lo cho tuổi trẻ thành đạt, cũng như cha mẹ rất trông mong cho các con nên người. Người ta thường nói gia đình là tế bào của xã hội, nghĩa là gia đình có lành mạnh, khỏe khoắn thì xã hội mới phát triển và vươn lên được. Tục ngữ Chăm có câu: Amaik si mưda maung di anưk, po si mưda, maung di halun. (Cha mẹ làm giàu được là nhờ con cái, chủ có giàu được là trông cậy nơi kẻ ăn người ở). Ba nghiệm lại thật không sai tí nào! Con cái hư hỏng, hoang phí lúc nào cũng chờ chực sơ hở của cha mẹ để mà chôm chỉa thì làm sao mà gia đình phất lên nổi! Tuổi trẻ hôm nay đang đi vào khúc quanh đáng buồn nếu không nói là thê thảm. Dĩ nhiên Ba muốn đề cập đến một số tuổi trẻ dân tộc Chăm nói riêng, trong bối cảnh chung của đất nước hôm nay, và muốn nhấn mạnh đến số phần tử hư hỏng đấy thôi chứ không vơ đũa cả nắm.
Tuổi trẻ là rường cột của nước nhà. Nói cụ thể hơn, trong gia đình nếu con cái làm tròn bổn phận của mình thì cha mẹ sẽ vô cùng sung sướng được các con giúp đỡ trong những việc lặt vặt như coi giữ các em, chăm sóc súc vật trong nhà hay dọn dẹp nhà cửa; ở trường thì cố gắng học tập cho đàng hoàng nghĩa là không bỏ dở một bài học nào, không lơ là một bài làm nào và luôn luôn ngoan ngoãn với thầy cô và chú bác, anh chị xung quanh mình. Lúc nào cũng phấn đấu học tập tốt hơn đúng theo yêu cầu của phương châm: “Hôm nay phải làm tốt hơn hôm qua, và ngày mai phải làm tốt hơn ngày hôm nay”. Trong xã hội, nếu tuổi trẻ ý thức được trách nhiệm của mình thì trước hết cần góp phần ổn định an ninh trật tự công cộng, góp phần vào việc xây dựng xã hội tùy theo khả năng của mình như: Công tác làm sạch xóm làng, quyên góp để giúp đỡ các nạn nhân bị thiên tai hay các gia đình nghèo khó, xung phong vào đoàn thanh niên làm công tác xã hội v.v… nhưng luôn luôn ghi nhớ là bổn phận chính của con là HỌC, là phải đạt được mục tiêu đã ấn định. Nếu thanh thiếu niên làm được như thế thì xã hội hôm nay sẽ tiến nhanh và tiến xa. Xã hội Chăm sẽ là một xã hội tiến bộ, có cơ hội thoát khỏi sự nghèo nàn lạc hậu.
Nhưng thực trạng tuổi trẻ Chăm hôm nay như thế nào? Ba lấy làm buồn phiền và muốn trao đổi với con để con cùng chia sẻ nỗi ưu tư của Ba và cũng để con rút kinh nghiệm. Hiện có một căn bệnh lạ đang xuất hiện trong vùng Chăm gây nhức nhối cho xẫ hội, và nếu không chữa trị kịp thời thì tương lai sẽ bị ung thối đưa đến hủy hoại. Trước hết, Ba chỉ được nghe (chứ chưa bao giờ thấy) là học sinh ở các thành phố lớn hư thân mất nết, bỏ học, gạt gẫm cha mẹ lấy tiền ăn chơi, chặn đường quấy nhiễu kẻ qua lại để đòi tiền mãi lộ, lúc nào cũng rượu chè be bét. Nay, Ba chứng kiến tệ nạn này còn ghê tởm hơn những “chuyện kể” trước đây, gần như thôn nào cũng đầy dẫy các học sinh đầu cấp III bỏ học, rủ rê nhau phá phách xóm làng. Ban ngày thì chặn đường mấy học sinh trong xóm để vòi tiền, nếu không được thì hành hung và cấm không cho đến trường. Trong giờ tan học, họ tụ tập tập trước cổng trường để lôi kéo các “chiến hữu” cùng đi chơi và nhậu nhẹt. Ban đêm thì tập trung ở các nhà mà cha mẹ phải đi vắng lâu ngày (vì làm ăn xa) để lên kế hoạch trộm cắp. Con có thể tưởng tượng được không là ngay ở làng ta, hằng đêm cứ khoảng 9 giờ tối là “giới nghiêm” (dân làng tự đặt ra luật như thế) vì đàn bà con gái không dám ra khỏi nhà sợ bị cướp giựt hay làm nhục. Có lúc giữa thanh thiên bạch nhật mà một côn đồ trong làng dám cầm dao gí vào cổ một dân làng để đòi tiền mãi lộ. Dân làng rất than phiền về sự những nhiễu này, gây mất ổn định cho thôn xóm: Trước đây, khi dê cừu có giá, nạn mất cắp dê cừu là thường xuyên; nay đến lượt gà vịt nuôi trong nhà khó bảo vệ được. Còn dây điện thì, cả câu chuyện cười ra nước mắt. Chắc con biết bà CH ở cạnh nhà ta nghèo xơ xác như thế mà bọn chúng không tha khiến cả năm nay gia đình bà ta phải chịu cảnh không đèn đuốc, vì không thể tìm ra tiền để mua hằng trăm thước dây điện mới. Dĩ nhiên gia đình ta không là ngoại lệ.
Ba đang nói về bọn học sinh trung học hư hỏng; còn các sinh viên Chăm cũng không hoàn toàn tránh khỏi tệ nạn thời đại này như: say mê cờ bạc, hàng ngày lang thang các quán cà phê, rồi chơi bời trụy lạc, rượu chè be bét… Ba nghe được một câu chuyện khá kỳ lạ này: Một sinh viên chơi bời lêu lỏng mà phải bỏ học, trong lúc cha mẹ hàng tháng gởi tiền tiêu không thiếu món gì: tiền nhà, tiền cơm tháng, tiền trường, tiền học vi tính, tiền học ngoại ngữ, tiền đi dã ngoại, đi thực tập… Nhưng khi cha mẹ nghe được sự thật thì đương sự bỏ nhà luôn (đến 2-3 năm sau mới lộ tẩy). Ôi! Khốn khổ cho cha mẹ Chăm! Hằng ngày kiếm tiền vất vả để gởi cho con ăn học: giũ rơm, lượm phân bò, nhổ cỏ, chăn bò thuê để kiếm được đồng tiền chua chát. Thế mà… Nguyện cầu cho thành phần hư hỏng như thế này không nhiều, và ngày càng giảm xuống, giảm xuống tối đa,
Ba rất thắc mắc (vì không giải thích được) là chứng hư hỏng này trước kia chỉ là bệnh của các con nhà giàu, từng sống trên nhung lụa mới đua đòi các thói hư tật xấu, đó là bệnh của các thành thị lớn chứ có bao giờ là của nông thôn, vùng dân tộc thiểu số, vùng rẻo cao nghèo nàn mạt kiếp!!!
Như thế đó, con hãy suy nghĩ và tưởng tượng, nếu bệnh này cứ lây lan, như kiểu dịch hạch thì tương lai xã hội sẽ ra sao? Nghĩa là mọi người cùng lo và cùng đấu tranh chống các tệ nạn này mới xong. Nói một cách cụ thể hơn là ba bộ phận: gia đình, nhà trường và xã hội phải phối hợp nhịp nhàng để cùng giải quyết đến nơi đến chốn. Song, Ba thấy có nhiều chuyện không bình thường làm cho Ba cứ mãi suy nghĩ: Về phía gia đình, nay đã tỏ ra bất lực, cũng dễ thông cảm. Nhưng cái khó hiểu là tại sao khi lực lượng an ninh vào cuộc để bách bức bọn này thì cha mẹ lại đứng về phía con mình (bọn hư hỏng, phách phá) để chống đối, hoặc chạy chọt cho trắng tội? Về phía nhà trường, tại sao học sinh vô kỷ luật vào lớp, ra lớp tự do, chèn ép các học sinh khác thoải mái, phá phách vô tư mà các thầy cô giáo và Ban giám hiệu lại làm ngơ được? Phải chăng muốn được yên thân để khỏi phải bị hành hung? Về phía xã hội – trong đó Ba muốn nhấn mạnh đến chính quyền – tại sao không tích cực chặn đứng tệ nạn này trong lúc có đầy đủ phương tiện và điều kiện trong tay để tránh đại họa cho đất nước trong tương lai? Tại sao thế? Ba rất thắc mắc trước sự thiếu trách nhiệm của bộ ba này.
Song, phần con, con không nên than phiền điều gì và qui tội cho ai cả mà tự nhận là mình phải chịu một phần trách nhiệm. Trước hết, con chớ bao giờ đòi hỏi là xã hội này, đất nước này phải làm gì cho con, mà hãy hỏi: con đã làm gì cho xã hội này, đất nước này? Phần Ba, Ba cũng lấy làm an ủi và khích lệ có một bộ phận học sinh, sinh viên Chăm tìm mọi cách để vượt khó, chẳng ngại gia đình thiếu thốn, cha mẹ khó khăn thật sự, mà chỉ biết nhìn thẳng phía trước mà tiến, lúc nào cũng ngẩng cao đầu. Khó quá thì tìm cách làm thêm để kiếm tiền hay cố gắng xoay sở nơi họ hàng, chú bác để qua năm học. Chắc con còn nhớ T.Đ.A, con của ông Phú Th ở sau Trường tiểu học là một gương vượt khó đáng trân trọng. Nó chiếm nhiều giải thưởng của Tỉnh và cấp Trung ương, nay đã được nhận vào Đại học Kỹ thuật Tp.HCM mà không phải qua kỳ thi tuyển! Còn anh D.T.Q ở H.L, tuy không có cha, mẹ nghèo xơ xác, nhưng đã tự lực cánh sinh, vượt qua 4 năm Đại học một cách hiên ngang, nay đã tốt nghiệp vào loại khá!
Ba hy vọng là những thành phần tích cực này trong giới học sinh và sinh viên Chăm sẽ càng ngày càng đông, không những sẽ bù đắp lại những mất mát do các phần tử hư hỏng, tiêu cực gây nên, mà còn lôi cuốn được các phần tử này dần đi vào con đường ngay thẳng, chính đại. Dĩ nhiên, con cũng phải phấn đấu để trở thành tấm gương thật tốt, làm rạng danh dòng họ nhà ta. Thế là Ba toại nguyện.
*
Tagalau 8.