Nguyễn Văn Tỷ: Tìm hiểu giao lưu…

TÌM HIỂU SỰ GIAO LƯU VĂN HÓA GIỮA DÂN TỘC CHĂM VÀ VIỆT

Qua quá trình biến chuyển của lịch sử, dân tộc Chiêm (tức Chăm) và Việt (hay Kinh) đã dần dần trở thành những cư dân sống rất gần gũi nhau, cộng canh cộng cư với nhau. Ở nhiều vùng nông thôn, người Chăm và người Việt sống dựa lưng vào nhau trong mọi sinh hoạt để hỗ trợ cho nhau một cách thiết thực và thân tình.
Nếu người Chăm chuyên sống về nghề ruộng rẫy, nghĩa là chỉ làm thuần nông thì người Kinh lại thạo những nghề trồng rau và buôn bán. Trong các vùng Chăm, chính người Kinh làm nhiệm vụ cung cấp rau sống và các hàng hóa, nhu yếu phẩm cho người Chăm, vì trước đây 50 năm người Chăm không bao giờ buôn bán và cũng không trồng rau. Hôm nay có sự đổi thay, người Chăm đã biết buôn bán (tuy chưa nhiều), hoặc vài gia đình biết trồng rau muống để kiếm sống. Ngay trong việc làm ruộng, có những việc trước đây người Chăm không bao giờ làm như gặt hái chẳng hạn, chỉ do người Kinh đảm đương. Chính sự phân công tự nhiên như vậy trong sinh hoạt hàng ngày đã khiến cho cư dân Chăm-Kinh xích lại gần nhau hơn, như một bổ sung tự nhiên trong cuộc sống.
Một cuộc sống có sự tương hỗ hài hòa như thế sẽ tạo nên những luồng giao lưu và tiếp biến văn hóa về mọi mặt giữa hai dân tộc, từ văn hóa ăn uống, may mặc, kinh tế, âm nhạc, phong tục-tín ngưỡng đến giao lưu nhân chủng, tên họ, địa danh, và đặc biệt nhất là giao lưu ngôn ngữ. Một số yếu tố văn hóa ấy đã từng tiếp biến một cách nhuần nhuyễn, trở thành yếu tố văn hóa truyền thống, đến nỗi ta cứ tưởng vài nếp phong tục như là của chính ông cha ta để lại. Chỉ có nhà nghiên cứu mới tách bóc từng lớp văn hóa trong văn hóa của một dân tộc.¬ (1)
Trong khuôn khổ của một bài báo, tôi chỉ xin đơn cử một vài ví dụ để minh chứng cho các vấn đề giao lưu nói trên.

1. Giao lưu ăn uống
Trước đây người Chăm có nhiều món ăn rất lạ và sang trọng theo thực đơn của vua chúa, nhưng nay đã thất truyền. Không nên chê trách hiện tượng đó, vì trong cuộc sống kham khổ, không ai còn đủ thời gian và hứng thú để tìm hiểu và nấu nướng theo các thực đơn quí phái ấy. Nhưng thật đáng tiếc, nếu như người Chăm không bảo tồn được các món ăn rất đơn giản nhưng lại đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Tôi muốn nói đến các món canh rất đặc trưng của người Chăm như: canh măng non nấu với thịt gà, canh rau môn nấu với thịt trâu tơ, canh rau rừng nấu với loại ốc leo (abaw lingik), canh rau đắng nấu với thịt thỏ rừng, canh bầu cá trê… Những món ăn ngon lành đặc sắc như thế mà xem ra hôm nay ít gia đình còn lưu giữ được, như vậy con cháu chúng ta làm sao biết mà thưởng thức các món ăn truyền thống này?
Ngày nay người Chăm có khuynh hướng nấu ăn theo kiểu người Kinh: thường nấu ngọt (trước đây chỉ biết và thích nấu chua), dùng món xào, chiên, và nước mắm (trước đây chỉ biết mắm nêm). Tuy nhiên, người Chăm vẫn còn lưu giữ được cái “gu” riêng: thịt nướng, thịt rừng, các món canh rau rừng nấu đặc sệt với chất bột gạo, và đặc biệt là cách nấu canh chua với gạo rang, loại ia mưnut
Trong giao lưu ẩm thực, chúng ta nhận thấy người Kinh, đặc biệt ở vùng biển và vùng nông thôn, thích ăn mắm nêm với cà dòn hay cà sống (thay vì mắm nước với cà muối chua), các món canh rau rừng nấu đặc theo kiểu Chăm (nhất là ở vùng Huế và Quảng Bình, Quảng Trị), ưa món cá nước ngọt kho tộ (đây là món ăn đặc trưng Chăm dùng cho các bà đẻ), các món lẩu cũng là loại món nấu canh chua đặc trưng của người Chăm). Người Kinh cũng thích dùng bánh tráng với cà sống mắm nêm (theo các vị Chăm hiểu biết, bánh tráng có xuất xứ từ địa phương Chăm (đặc biệt là Ninh Thuận). Hôm nay các nhà hàng hay chiều khách món thịt nướng là món ăn theo Đặng Nghiêm Vạn không thuộc truyền thống Việt, vì trên mâm cỗ ngày giỗ “vắng bóng thịt sống, nướng, tái” (1)

2. Giao lưu may mặc
Trước đây phụ nữ Chăm ăn mặc theo truyền thống: áo dài may thẳng (không eo) như kiểu áo phụ nữ Mã Lai, mang váy (khăn) trắng, đội khăn “hluh” (hoặc khăn truyền thống). Thông thường áo dài chỉ vừa dưới đầu gối, bộ áo lao động thì có áo ngắn (kiểu áo dài Chăm cắt ngắn như áo bà ba), bịt khăn với đội nón (nón là yếu tố văn hoá chung), mang chăn (váy) đen. Nay, người phụ nữ Chăm đã cải biến cách ăn mặc của mình theo khuynh hướng của người Kinh:
– Áo dài nắn eo rất sát theo đúng áo dài người Kinh (có người lưu ý rằng sự kiện này chỉ mới xảy ra vào thời Ngô Đình Diệm, khoảng năm 1957-58, khi chế độ độc tài này quyết đồng hóa dân tộc Chăm, nên cố ép phụ nữ phải bỏ y phục cổ truyền để mang y phục phụ nữ Kinh lúc dự lễ và một phụ nữ Chăm may áo dài giống kiểu người Kinh để đối phó). Cổ áo thì may kiểu “cổ thuyền” hay “cổ trái tim” chứ không theo truyền thống Chăm, độ dài thì chấm gót.
– Lắm lúc áo dài lại mặc “com lê” (nguyên bộ), áo dài và chăn cùng màu chứ không mang chăn trắng.
– Phụ nữ trẻ thì thích đội mũ, thay vì đội nón.
– Hiện nay thiếu nữ Chăm có khuynh hướng mặc quần Tây “đóng thùng” (bỏ áo vào quần), và bình thường thì mang áo bộ (áo và quần cùng màu) chứ không mang áo màu hay áo trắng mặc váy đen như lúc sinh hoạt ở gia đình như xưa kia.
Trong giao lưu ăn mặc, chúng ta nhận thấy áo dài phụ nữ Chăm và Kinh có nhiều nét tương đồng, chỉ khác nhau ở chỗ là áo dài Kinh có xẻ tà với nút bấm để mặc hay cởi được dễ dàng chứ không phải chui đầu như áo dài Chăm. Chính ở đặc điểm này mà người Chăm cho rằng áo dài Kinh, tuy giống áo dài Chăm nhưng lại có điều chỉnh nâng cao về mỹ thuật và tiện lợi (có eo, xẻ tà trông mỹ thuật và thi vị hơn, lúc mặc vào cởi ra lại thuận tiện hơn). Như vậy áo dài phụ nữ Kinh chắc có xuất xứ từ áo dài phụ nữ Chăm, sau đó được nâng cao về mặt thẩm mỹ và tính thực dụng.
Tôi thấy sự nhận xét này không những có lý mà còn phù hợp với nhận xét của Đặng Nghiêm Vạn: “… lạ nhất, bộ y phục phụ nữ Kinh gồm có chiếc áo dài xẻ nách, chiếc quần trắng, dép đều là những yếu tố văn hóa ngoại nhập. Xưa các bà, các cô mặc áo dài tứ thân, yếm đào, váy đen. Duy chỉ chiếc nón là yếu tố văn hóa chung. Ấy vậy mà nay bộ y phục trên lại tượng trưng cho bản sắc Việt Nam”.(1)

3. Giao lưu phong tục – tín ngưỡng
Phong tục-tín ngưỡng là yếu tố văn hóa ăn sâu vào lòng dân tộc, thế mà với thời gian yếu tố ấy cũng có thể phai mờ và chịu ảnh hưởng của yếu tố văn hóa ngoại nhập.
Về phía dân tộc Chăm, người ta nhận thấy ảnh hưởng này ghi đậm dấu ấn vào phong tục tập quán của người Chăm:
– Trong đám cưới, mặc dầu theo phong tục Chăm (nhất là người Chăm theo tôn giáo Bàni) rất khắc khe, một khi cô dâu đã chịu các lễ nghi tôn giáo rồi thì không được khoác áo khác ngay sau đó, nhưng trong thực tế, đa số cô dâu Chăm vẫn thích mua sắm (hoặc thuê) các áo cưới tạm thời để ra mắt bạn bè và tiếp khách trong tiệc mặn!
– Sau ngày cưới, hiện nay có nhiều cặp vợ chồng trẻ muốn tách ra ăn ở riêng, cũng là hình thức để thoát khỏi ảnh hưởng của chế độ mẫu hệ Chăm và mong muốn giảm quyền hạn phụ nữ trong gia đình.
– Về nhà ở, trước đây người Chăm chỉ biết xây cất nhà theo kiểu truyền thống, cửa ra vào luôn hướng về phía Tây (hay Nam: Sang halam), không bao giờ được quay mặt về hướng Đông (trừ Sang tong là nhà khách của gia đình quyền quí). Nhưng hầu hết các nhà Chăm hiện nay đều xây theo phong cách hiện đại, quay mặt về hướng Đông cả! Đúng là tiện nghi lấn át tập quán cổ truyền!
– Sự biến đổi cả những yếu tố ăn mặc của phụ nữ Chăm như đã nói trên đây cũng là một minh chứng cho sự giao lưu phong tục tập quán.
Về phía người Kinh, những yếu tố văn hóa sau đây đã được biến đổi:
– Hiện nay, các cặp vợ chồng trẻ Chăm-Kinh (vợ Chăm chồng Kinh hay ngược lại) ngày càng đông trong việc chấp nhận làm đám cưới theo lễ nghi tôn giáo Chăm (nhất là Chăm Bàni).
– Người Kinh theo chế độ phụ hệ và chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa Trung Quốc (trọng nam khinh nữ), nhưng người Kinh ở miền Trung lại có xu hướng trọng nữ. Câu tục ngữ “Nam đầu nữ Út” thể hiện rõ ràng yếu tố văn hóa Chăm là khi cha mẹ về già phải ở với con gái út để được chăm sóc chu đáo hơn và tận tình hơn, vì thế mà nhiều gia đình miền Trung có chế độ gởi rể.
– Về tín ngưỡng, chúng ta nhận thấy là việc đồng bóng cũng như việc thờ cúng đa thần của một số gia đình người Kinh cũng do ảnh hưởng từ văn hóa Chăm.

4. Giao lưu về nhân chủng:
Qua quá trình di dân của người Chăm trước đây, cũng như người Kinh xuôi về phương Nam sinh sống, chắc chắn là có một số làng mạc Chăm không di cư vì nhiều lý do (trong đó phải kể đến lý do sinh kế) nên cứ sống đến đâu hay đến đấy. Như thế, trong quá trình sinh hoạt, hai cư dân Chăm-Việt chắc chắn có hiện tượng giao lưu nhân chủng qua việc cưới hỏi giữa hai dân tộc và một số người Kinh ở miền Trung chắc chắn có dòng máu của dân tộc Chăm. Trần Văn Tích nhận định rằng:
“ Cuối đời Trần, ở cổ thành phủ Triệu Phong có thành Thuận Châu, tương đương với đất châu Ô của Chiêm Thành nhường cho nhà Trần. Như thế đồng hương Quảng Trị đã ra đời và lớn lên trên đất cũ người Chàm; chắc chăn không nhiều thì ít đều có mang những gien của Chế Mân, Chế Củ, Chế Bồng Nga….” (2)

5. Giao lưu âm nhạc
Giao lưu âm nhạc là một trong những giao lưu văn hóa được nhiều người chú ý đến. Trong quá trình lịch sử, chúng ta được biết là có nhiều nghệ nhân, vũ nữ và nhạc sĩ Chăm được người Đại Việt đưa đến Thăng Long, chẳng hạn vào năm 1044, với vua Lý Thái Tông, và năm 1202 với vua Lý Cao Tông. Theo Dương Quảng Hàm thì “vua Lý Cao Tông có sai người soạn ra nhạc khúc mới gọi là Chiêm Thành âm, tiếng sầu oán, thương xót nghe đến phải khóc”. Học giả này cũng đưa ra giả thuyết là “nhiều người cho rằng các lối ca Huế là do ta phỏng theo các ca khúc của người Chiêm Thành mà đặt ra” (3). Đào Duy Anh thì ghi “Ở miền Nam, kể từ khi chúa Nguyễn khai thác bờ cõi vào đất của Chiêm Thành, âm nhạc ở Bắc truyền vào đã chịu ngay ảnh hưởng của Chiêm Thành mà thành những khúc nhạc cung Nam mà người hay đem đối lại với các ca khúc cung Bắc. Những cung Nam như Nam ai, Nam bình, Nam xuân có vẻ trầm bi, oán vọng, hợp với tâm thuật của một dân tộc điêu tàn là dân tộc Chiêm Thành, cùng với cảnh non nước dịu dàng ở xung quanh kinh đô”.(4)

6. Giao lưu văn học-nghệ thuật
Trong quá trình sống cộng canh cộng cư với nhau, chắc chắn phải diễn ra nhiều giao lưu văn học-nghệ thuật giữa hai dân tộc. Tiếc rằng đề tài này ít nhà nghiên cứu để ý đến. Sau đây tôi xin đơn cử một vài ví dụ làm bằng cứ:
– Về chuyện kể dân gian, chuyện kể “Ai mua hành tôi” (giống chuyện Vua Bếp của dân tộc Chăm), chuyện “Sự tích đá Vọng phu” (không khác mấy so với chuyện Nai Carau Caw Bhauw/đọc là Nai Charao Cao Phò của Chăm), “ Sự tích thành Lồi, Sự tích tháp Nhạn”…. có nguồn gốc từ những chuyện kể Chăm(5). Chuyện kể “Tấm Cám” cũng rất giống chuyện “Kam Mưlơk” của dân tộc Chăm. Ngược lại một số chuyện kể Chăm cũng bắt nguồn từ chuyện kể của người Kinh.
– Về sử thi Chăm Pram Dit Pram Lak là một sử thi có xuất xứ từ sử thi Ramayana của Ấn Độ. Có một điều lạ là dị bản Pram Dit Pram Lak lại được tìm thấy trong sách Hán Nôm “Lĩnh Nam chích quái” (Lượm lặt chuyện lạ nước Nam) với tên gọi là Dạ Thoa vương về chuyện Chiêm Thành.(4)
– Về nghệ thuật múa, từ xa xưa vũ nữ Chăm vẫn được ca tụng như những nghệ nhân múa điêu luyện. Cứ nhìn các hình tượng của các vũ nữ được khắc chạm trên các đền tháp còn lưu lại đến ngày hôm nay, chúng ta cũng có thể đánh giá nghệ thuật này đã phát triển đến mức nào! Triều đại nhà Lý, có hàng trăm vũ nữ và nghệ nhân Chăm được đưa về Thăng Long và được sử dụng trong cung đình nhà vua lúc bấy giờ. Ngày nay, các điệu múa quạt được vài đạo diễn triển khai trên sân khấu hiện đại đều bắt nguồn từ điệu múa Chăm, nếu ta đánh giá trên phong cách của nghệ thuật này.
– Về nghệ thuật xây dựng, sử sách có đề cập đến bàn tay nghệ thuật của các kĩ sư Chăm trong việc xây dựng và tô điểm các chùa chiền cổ ở Thăng Long.

7. Giao lưu về kinh tế
Trong việc làm ăn hàng ngày, dĩ nhiên phải có những ảnh hưởng qua lại giữa hai dân tộc Chăm-Kinh. Tôi xin đơn cử :
Về phía người Chăm:
– Đã nhận ảnh hưởng từ người Kinh trong việc buôn bán.
– Bây giờ đã có một số gia đình Chăm tập trồng rau muống và một số rau của bản xứ (cà, dưa leo, quế…) cũng do ảnh hưởng phần nào của nông dân Kinh. Riêng các loại rau leo như: mồng tơi, bầu bí, mướp… người Chăm từ lâu rất thích trồng theo mùa mưa tại ruộng rẫy hay trong khuôn viên nhà ở.
– Trước kia, người Chăm chỉ biết dùng “xe trâu” làm phương tiện chuyên chở, chỉ từ thập niên 50 trở đi, người Chăm mới chuyển sang dùng “xe bò” do sự tiện lợi của nó.
Về phía người Kinh:
– Bằng dụng cụ tinh xảo của mình, kĩ thuật làm đất (ruộng hay rẫy) của người Chăm đã đạt mức độ rất cao. Một số cụ nông dân Chăm cho rằng lưỡi cày và bắp cày của người Kinh là tiếp nhận của Chăm.
– Kĩ thuật xây đập và dẫn thủy nhập điền của người Kinh phần nào chịu ảnh hưởng của Chăm (đặc biệt là ở xứ Ninh Thuận, Bình Thuận).
– Có nhiều cụ già cho rằng có lẽ xe bò đang được người Chăm và Kinh sử dụng hiện nay bắt nguồn từ chiếc xe trâu của người Chăm.
– Theo nhiều nhà nghiên cứu, từ rất sớm – thế kỉ thứ IX – người Chăm đã biết lai giống lúa (loại lúa ngắn ngày – 3 tháng – và chịu hạn tốt như: Bà rên, Cây ối, lúa Chiêm, Ba trăng). Vì vậy Lúa Chiêm và lúa Ba Trăng (nghĩa là lúa ba tháng) mà miền Bắc đang làm là có xuất xứ từ dân tộc Chăm. Còn lúa Bà Rên, Cây Ối là loại lúa chịu hạn tốt cũng đang được một số người miền núi sử dụng.

8. Giao lưu về họ tên
Nếu chúng ta nhìn nhận có giao lưu về họ, tên thì đây là sự giao lưu một chiều: Người Chăm chịu ảnh hưởng rất nặng về họ và tên của người Kinh.
– Về HỌ, như tác giả đã có dịp trình bày ở Tagalau4 là trước đây những người Chăm bình thường không có họ, chỉ có Hoàng tộc mới mang các họ chính thống: Ôn, Trà, Ma, Chế. Các họ mà người Chăm mang hôm nay như: Thành, Tài, Báo, Bá, Phú, Lộ, Thuận, Thông, Quách… và kể cả họ “Nguyễn” đều là những họ do vua Minh Mạng ban phát.
– Về TÊN, trước đây người Chăm chỉ lấy những tên đặc trưng Chăm như: Mưng Thang Ôn, Mưng Thang Wa, Mưng Thang Muk (cho nữ), va Ja Thar Chay, Ja Thar Muk, Ja Plôi… (cho nam). Nay người Chăm thường lấy tên giống người Việt, có lẽ để con em mình được thuận lợi hơn khi đến trường (?), hay không phải bị mặc cảm tự ti dân tộc (?) hoặc còn có nhiều lý do khác nữa…

9. Giao lưu về địa danh
Tác giả đã có dịp lược qua một số địa danh ở các tỉnh miền Trung, đặc biệt là địa danh ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận để nhấn mạnh sự giao lưu văn hóa về nơi cư trú. (Xin xem thêm tuyển tập Tagalau các số 4, 5, 6)

10. Giao lưu về ngôn ngữ:
Nói đến văn hóa của một dân tộc, trước hết phải nói đến ngôn ngữ-chữ viết của dân tộc đó, vì lời nói và chữ viết là linh hồn của một dân tộc. Một dân tộc có thể không có nhạc cụ riêng, không có phong cách nhà đặc trưng, không có trang phục đặc biệt, điều đó không quan trọng lắm; nhưng người ta không thể tượng tượng nổi một dân tộc không có ngôn ngữ đặc trưng của mình!
Xét về giao lưu ngôn ngữ giữa hai dân tộc Chăm-Kinh, chúng ta nhận thấy trước đây – lúc tiếp xúc ban đầu với dân tộc Chăm – người Kinh có chịu ảnh hưởng một số ngôn từ, có thể là do giao lưu nhân chủng hay một vài lý do khác. Nhưng, ở thời cận đại và hiện đại, người Chăm chịu ảnh hưởng tiếng Việt là chính, ngày càng sâu đậm. Chúng ta thử xem xét mấy giao lưu sau đây thì rõ:
a. Các từ Việt có nguồn gốc Chăm.
– Ở vùng Thừa Thiên-Huế và Quảng Bình, Quảng Trị, đa số người địa phương sử dụng các từ: ni, mô, tê, ôn, mụ là những từ có xuất xứ từ ngôn ngữ Chăm. Ngày nay người Chăm vẫn dùng từ “ni” để nói là “đây”, “tê” để chỉ cái “kia”, “moh” để diễn giải ở “đâu” và “ôn mụ” để nói là “ông bà”.
– Còn ở những vùng cộng canh cộng cư với dân tộc Chăm, người Kinh mượn hẳn từ ngữ Chăm để diễn giải các dụng cụ đặc trưng Chăm mà người Kinh không có hoặc có nhưng không cùng đặc điểm đó. Ví dụ: từ cà rá (gốc Chăm: karah) để chỉ chiếc “nhẫn” có tra hột đen đặc biệt của người Chăm, từ cà tăng (gốc Chăm: ratơng) để chỉ một loại tấm đan tre để chắn lúa. Từ chà bang (gốc Chăm: cabbang) để chỉ vật bị tẻ ra làm đôi; từ chống tó’ (Gốc Chăm: patauk) để nói là “cây chống”; từ chà tay (gốc Chăm: catei) để chỉ dụng cụ thợ mộc dùng để “gò” cho miếng gỗ được đều đặn, vân vân….
b. Các từ ngữ Chăm vay mượn tiếng Việt:
+ Những từ vay mượn đã được đồng hóa hẳn:
– Ruw ri/đọc là rău ri: gốc Việt là rầu rĩ.
– Bat nhơn bat ngai: gốc Việt là bất nhơn bất nghĩa
+ Những từ vì lười sử dụng mà về sau mất gốc hẳn:
– Lồng đèn (Chăm: gok mưnhưk).
– Chùm ruột (Chăm: caramai).
– Măng cụt (Chăm: mưkhut).
– Khế (Chăm: hamia) vân vân và v.v…
+ Những từ ngữ đang có nghĩa nhưng lại dùng tiếng Việt thay thế :
– Cụm từ “ đi họp’’ (Chăm: nau nhaum) người Chăm vẫn hay dùng cụm từ “nao họp”.
– Cụm từ “mười giờ” (Chăm: sa pluh tuk).
– Cụm từ “cỏ voi” (Chăm: harơk limưn).
– Từ “mực” (Chăm là: ia gawic).
– Các danh từ rất thông dụng như: thứ hai, thứ ba, thứ tư… Một sinh viên nước ngoài đến nghiên cứu khảo sát tại Ninh Thuận kết luận rằng hầu hết người Chăm dưới 50 tuổi chỉ quen sử dụng từ Việt chứ không hiểu nghĩa Chăm: Som, Angar, But, Jip
+ Một số từ tương đồng:
Ví dụ: trái mít (Chăm: bauh mit), trái ổi (bauh wix), trái lựu (bauh dalim), áo (aw), ruồi (rwai)…
Hai câu hỏi được đặt ra ở đây là:
Một: các từ giống nhau như vậy có cùng nguồn gốc không?
Hai: nếu cùng nguồn gốc thì dân tộc nào chịu ảnh hưởng của dân tộc nào?
Có bộ phận không nhỏ người Chăm có thói quen không tốt là lười động não trong việc sử dụng tiếng mẹ đẻ, ta thích nương theo xu hướng tự nhiên là hay dùng rất nhiều từ phổ thông trong các cuộc nói chuyện hoặc họp hè, đặc biệt là khi nói ở loa phát thanh. Tôi đã không ít ngạc nhiên khi một người quen ở Hựu An (Phan Rí) nói với tôi câu này: “Mời thầy mư nhà nhum ia dừa giải khát”!!
Nói về giao lưu ngôn ngữ, tôi có một thắc mắc mong muốn trao đổi với những người đồng tộc:
– Đảng và Nhà nước có ra Nghị quyết 5, với nội dung là “bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc”, liệu người Chăm có thực hiện Nghị quyết quan trọng này không?
– Người Chăm có suy nghĩ gì trong khi vừa không thực hiện được Nghị quyết quan trọng của Đảng, vừa không làm tròn trách nhiệm của mình đối với ngôn ngữ dân tộc?
Kết luận:
Hai dân tộc sống gần gũi nhau, việc giao lưu và tìm hiểu bản sắc văn hóa là việc đương nhiên. Có giao lưu văn hóa mới có sự học hỏi kinh nghiệm quá khứ của nhau hầu phát triển và tiến bộ. Nhưng vấn đề được đặt ra ở đây là chúng ta phải thấy trong sự giao lưu này dòng chảy của chánh lưu lúc nào cũng mạnh mẽ hơn dòng chảy của phụ lưu, nghĩa là trên thực tế hơn một thế kỉ qua, sự giao lưu có xu hướng diễn ra một chiều: văn hóa của dân tộc mạnh hơn sẽ cuốn hút văn hóa của dân tộc yếu hơn. Như vậy, muốn phát triển và tiến bộ, dân tộc nhỏ cần phải sáng suốt trong sự lựa chọn cái nào cần phải tiếp nhận như là sự bổ sung cho văn hóa dân tộc mình một cách hài hòa. Thông thường cái xấu dễ tiếp nhận hơn cái tốt, bởi vẻ ngoài của chúng có sức hấp dẫn hơn, lứa trẻ “dễ” học hơn.
Hôm nay dường như rất ít thanh thiếu niên Chăm học được cái tốt của thanh thiếu niên Kinh, có lẽ vì khó học sao ấy (như học thật giỏi, lấy nhiều bằng cấp, có đạo đức tốt), nhưng khá dễ lây nhiễm thói hư tật xấu (như bê tha, chây lười, bỏ học, phá phách, rượu chè…). Đó là hai mặt tích cực và tiêu cực của vấn đề giao lưu văn hóa mà trong thực tế hôm nay, vấn đề này đã, đang và sẽ xảy ra. Vậy trách nhiệm của chúng ta trong việc bảo tồn văn hóa phải như thế nào mới là đúng mức?

_________________________
Chú thích:
(1) Đăng Nghiêm Vạn, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật ăn uống, số 101, tr. 3.
(2)Trần Văn Tích, Quê cũ sách xưa (Tạp chí Làng văn, số 150, tr. 40, dẫn lại theo Dohamide và Dorohiêm, Tìm về cội nguồn dân tộc, tr 240.
(3) Dương Quảng Hàm, Việt nam văn học sử yếu, 1968, tr. 162.
(4) Đào Duy Anh, Việt Nam văn hóa sử cương, tr. 290.
(5) Nguyễn Đổng Chi, Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, t.1, tr. 321.
(6) Phan Đăng Nhật, “Sưu tầm sử thi Chăm”, Tagalau 5, tr.94.

*
Tagalau 6.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *