Chế Vỹ Tân: Nghĩ về múa Khát vọng

NHỮNG SUY NGHĨ TẢN MẠN VỀ NẾP SỐNG VĂN HÓA CHĂM.

Dưới tựa đề này tôi xin triển khai những vấn đề sau:
I. Người Chăm nghĩ gì về điệu múa Khát vọng?

1. Đây là một vấn đề đã được nói nhiều lần, nhưng tôi cảm thấy cần phải “nói lại cho rõ” vì nó đã gây những bất bình và chống đối trong người Chăm(1).
Sinh hoạt xã hội Chăm là một sinh hoạt đặc trưng của văn hóa dân tộc vì đượm màu tôn giáo-tín ngưỡng. Hiện nay, người ta thống kê được là người Chăm có tất cả 85 lễ hội, 125 vị Thần linh và 76 điệu trống lễ khác nhau dùng trong các lễ hội (như lễ hội Katê, Rija Nưgar, Rija Praung…). Các lễ hội đó gắn liền với các điệu múa và đi kèm với múa là các nhạc cụ truyền thống dân tộc như trống Ginơng, trống Baranưng, kèn Xaranai, đàn Kanhi, Ceng…
Múa Chăm rất phong phú, đa dạng, thông thường chỉ được biểu diễn trong các lễ hội; tùy theo nghi lễ và những thần được cúng tế, người Chăm có các điệu múa tương ứng, với trang phục, nhạc cụ và điệu nhạc – nghiêm trang và bài bản. Trước kia, người Chăm không bao giờ dám sử dụng một điệu múa hay một nhạc cụ truyền thống để “liên hoan văn nghệ” hay vui chơi giải trí, vì như thế là xúc phạm đến các thần linh và phong tục tập quán dân tộc. Trong vài thập niên gần đây, theo trào lưu của cuộc sống mới, các điệu múa và nhạc cụ Chăm được đưa lên sân khấu để phục vụ quần chúng, nghĩa là được sử dụng trong đời thường, nhưng luôn luôn phải tuân thủ những nguyên tắc nghệ thuật múa rất chặt chẽ của dân tộc.
Chính do những nguyên tắc tôn giáo-tín ngưỡng ấy mà người Chăm tỏ ra “rất phản cảm” nếu không nói là “dị ứng” đối với các điệu múa “ngoài luồng” hay “nâng cao” một cách lố bịch và thô thiển… Trong những điệu múa này, ta phải kể đến MÚA KHÁT VỌNG (còn gọi là múa SHIVA) và MÚA BARANƯNG do NSND Đặng Hùng biên đạo vào năm 1985. Hai điệu múa ấy không những vi phạm trầm trọng các nguyên tắc của tôn giáo-tín ngưỡng dân tộc mà còn đụng chạm đến tính cách thiêng liêng của các vị thần linh mà người Chăm đang phụng thờ!
Vậy những nguyên tắc nghệ thuật múa ấy cùng tính cách thiêng liêng của nó ra sao?

2. Những nguyên tắc nghệ thuật ấy có thể tóm lược như sau:
+ Trong lúc múa, cánh tay không bao giờ giơ khỏi đầu, mà chỉ được nâng lên tối đa là ngang vai.
+ Chân không bao giờ đưa lên khỏi mặt đất trong lúc xê dịch mà chỉ được tiến nhè nhẹ theo kiểu “con rắn trườn” (múa nữ)
+ Hai cánh tay và thân hình uyển chuyển, nhịp nhàng, khoan thai hòa điệu với tâm hồn…
+ Cặp mắt luôn nhìn thẳng, không cúi xuống hay ngẩng lên, mà phải tươi vui, sống động theo nhịp múa.
+ Tư thế múa không nhuốm màu trần tục, như: múa nằm, múa ưỡn người, nhào lộn, nhảy nhót, đu bay, leo trèo lên cổ nhau …
– Còn về tính cách thiêng liêng của các điệu múa?
+ Múa Chăm mang tính cách thiêng liêng vì đó là ngôn ngữ giao tiếp với thần linh.
+ Múa Chăm thoát khỏi trần tục, “người trần mắt thịt” không thể nào đưa thần Shiva là vị thần linh tối cao, bất diệt, bất khả xâm phạm của người Chăm để diễn trò múa vui cho đời thường!
+ Tượng thờ thần Shiva gần như lõa thể. Lõa thể mang ý nghĩa lột xác, thoát tục, loại bỏ xấu xa, nhơ nhớp của trần gian để đem lại những gì tốt đẹp nhất cho muôn loài… Vì vậy hình tượng thần Shiva cũng như vũ nữ Apsara “chỉ chấp nhận lõa thể trên bệ thờ, đền tháp, nơi chốn thiêng liêng, chứ không chấp nhận lõa lồ trên sân khấu, đặc biệt trên sân khấu của các nước phương Đông có truyền thống văn hóa phải là kín đáo. Lõa thể hở hang là phi văn hóa” (ý kiến của Ts. Thành Phần người Chăm)(2)
+ PGs Cao Xuân Phổ còn viết: “… Múa Chăm là sự gắn bó với tín ngưỡng-tôn giáo của họ, là phương thức biểu hiện lòng tôn kính ngưỡng mộ đối với thần linh…”
+ Việc đưa biểu tượng Ong Mưdwơn lên sân khấu để mua vui cho người trần tục cũng là việc làm xúc phạm đến tôn giáo-tín ngưỡng của người Chăm. Ong Mưdwơn là vị chức sắc cao quí của dân tộc, thường là chủ lễ ở các lễ hội lớn thì phải có tác phong đạo đức cao, “giờ đây bắt Ong Mưdwơn múa may, đá giò lái như những tên du thủ, du thực. Trống Baranưng thiêng liêng đến vậy mà họ huơ lên giựt xuống như mãi võ Sơn đông, quảng cáo tiếp thị có ai mà chịu được”(3)

3. Bản thân tôi rất dè dặt và do dự trước khi đưa ra vài nhận định trên, vì cứ ngỡ quan điểm nghệ thuật múa “hở hang, lẳng lơ, trần tục” như Múa Khát vọng là một “quan điểm của người Phương Tây”. Nhưng trong Hội nghị về giáo dục vùng dân tộc Chăm do Bộ Giáo dục đào tạo tổ chức trước đây tại Tỉnh Ninh Thuận, Ban tổ chức có sáng kiến cho trình diễn văn nghệ để phục vụ các đại biểu, trong chương trình biểu diễn có tiết mục “Múa Khát vọng của dân tộc Chăm”.
Tiếp xúc giữa các đại biểu, tôi có hỏi nhà ngôn ngữ học người Mỹ (mà tôi quên tên) rằng ông nghĩ thế nào về điệu Múa Khát vọng (Shiva) “của dân tộc Chăm”, thì ông ta tỏ ra “ái ngại” và lảng sang câu chuyện khác. Tôi hỏi lại lần thứ hai thì ông ta có vẻ rất do dự và đăm chiêu… Lát sau, ông hỏi lại: “Những người vũ nữ đó là người như thế nào?” Tôi trả lời: “Đó là các cô gái đứng đắn, đa số là nữ sinh”. Ông ta gật gật và nói: ”Ở Mỹ cũng có điệu múa như thế này nhưng chỉ dành cho các vũ nữ thiếu đứng đắn và thường trình diễn trong hộp đêm night club mà thôi! Một dịp khác vào năm 1996 tôi được xem lại điệu Múa Khát vọng này cùng với ông Harting, giám đốc Viện Viễn đông bác cổ Pháp Hà Nội, tại Trung tâm văn hóa Chăm Ninh Thuận, tôi đặt lại câu hỏi trên để thăm dò. Ông Harting cũng có thái độ dè dặt y hệt như nhà ngôn ngữ học người Mỹ kia, và cuối cùng ông nói: ”Ở Pháp cũng có những điệu múa hở hang như thế này, nhưng chỉ để biểu diễn trong các hộp đêm với các vũ nữ chuyên nghiệp, không đứng đắn”. Tôi hiểu là kiểu “bia ôm” của Việt Nam. Thế là đã sáng tỏ! Tôi suy nghĩ về “nghệ thuật múa dân tộc Chăm” này mà ngao ngán:
– Người Phương Tây không chấp nhận điệu múa này như một điệu múa “bình thường” để đưa lên sân khấu “một cách bình thường” thì văn hóa Phương đông đặc biệt là văn hóa dân tộc Chăm làm sao chấp nhận?
– Nói đến “nghệ thuật” thì phải nói đến “cái đẹp”; nhưng sao nghệ thuật múa này lại gây phản cảm và “dị ứng” nơi người Chăm, là chủ nhân của điệu múa này?
– Một nghệ thuật dân tộc mà đi ngược lại với thuần phong mỹ tục và văn hóa truyền thống của dân tộc đó thì có nên tồn tại không? Tôi cứ trăn trở mãi với suy nghĩ ấy…

4. Sở dĩ Múa Khát vọng và Múa Trống Baranưng nhận được nhiều giải thưởng qua các liên hoan văn nghệ và được một số người tán thưởng là do họ chỉ nhìn ở khía cạnh nghệ thuật thuần túy, nghĩa là “nghệ thuật vì nghệ thuật”. Ở đây trong bối cảnh nghệ thuật của một nền văn hóa truyền thống của một dân tộc thuộc phạm trù tôn giáo-tín ngưỡng thì rõ là có vấn đề cần được xem xét lại một cách nghiêm túc:
– Vấn đề tôn giáo-tín ngưỡng lúc nào cũng là vấn đề phức tạp và nhạy cảm. Nên chăng cố duy trì điệu múa này mặc cho sự bất mãn cứ lan rộng và khoét sâu trong lòng dân tộc Chăm?
– Một nghệ thuật đã gây phản tác dụng nặng nề đối với chính sách ĐẠI ĐOÀN KẾT dân tộc mà Nhà nước ta đang cổ súy và được xem như là một chính sách lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam, có nên tồn tại không?
– Các cấp lãnh đạo của ngành văn hóa-tư tưởng có suy nghĩ như thế nào khi một vài điệu múa vi phạm đến những nguyên tắc sơ đẳng về chung sống hoà bình, bình đẳng giữa các dân tộc trong nước trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau?
– Một điệu múa gây phản cảm đối với dân tộc mà được thường xuyên trình diễn trên các đài truyền hình địa phương và trung ương và được giới thiệu rất trân trọng đầy kiêu hãnh: “Đây! Điệu múa dân tộc Chăm!” thì càng gây mỉa mai và sỉ nhục đối với người Chăm đến dường nào!!
Muốn thay đổi một nếp sống văn hóa này bằng một nếp sống văn hóa khác có khi cần phải đợi sự chuyển biến dần dần từ thế hệ này qua thế hệ khác. Nay, muốn thay đổi một nét văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc bằng một hình thái văn hóa gây phản cảm thì người dân tộc thiểu số bị dị ứng là lẽ đương nhiên.

II. Vai trò của Ppo Dhia, Ppo Gru và các bô lão trong xã hội Chăm

1. Đặc điểm của xã hội Chăm:
Mỗi dân tộc có một văn hóa riêng và thường sinh hoạt theo một nề nếp nhất định do tôn giáo-tín ngưỡng chi phối.
Người Chăm Ninh Thuận và Bình Thuận có hai tôn giáo truyền thống bắt nguồn từ Bàlamôn giáo của Ấn Độ mà người Chăm gọi là Cam Ahier và từ Hồi giáo Mã Lai được gọi là Cam Awal hay Bàni. Còn bộ phận tôn giáo thứ ba có tỉ lệ thấp hơn (khoảng 2% dân số Ninh Bình Thuận) là Hồi giáo chính thống hay Islam, có nếp sống ít chịu ảnh hưởng tôn giáo-tín ngưỡng truyền thống và gần như thuần thục theo nề nếp Hồi giáo quốc tế. Cho đến thế kỷ thứ XVII, các tôn giáo Bàlamôn và Hồi giáo du nhập vào Champa trước kia đã bị bản địa hóa hoàn toàn và trở thành một loại “tôn giáo hòa trộn” với những yếu tố của hai tôn giáo cũ. Chính vì vậy mà các nhà nghiên cứu thường nói là các tôn giáo ấy “tuy hai mà một”, “tuy một mà hai”… Chính sự Chăm hóa này đã tạo cho xã hội hôm nay một nếp sống rất đặc trưng không tìm thấy ở bất cứ nơi nào trên quả đất này; và cũng vì thế mà hai tôn giáo này không có hệ thống tổ chức theo hàng dọc như các tôn giáo khác trên thế giới để hướng dẫn các nghi thức cần thiết và chỉ đạo những nguyên tắc giáo lý của tôn giáo nghĩa là không có lãnh đạo thượng tầng nên rất khó ổn định. Vào thời phong kiến, sở dĩ xã hội Chăm sinh hoạt được ổn định là nhờ dựa lưng vào hệ thống hành chính (theo đơn vị huyện và xã): Huyện và Xã Chăm thường do người Chăm lãnh đạo, ngoài nhiệm vụ hành chính, còn nắm quyền điều hành tôn giáo-tín ngưỡng và chịu trách nhiệm về các vụ xét xử nội bộ theo luật phong tục (bất thành văn).

2. Dân tộc Chăm, cũng như các dân tộc thiểu số khác, rất trọng “già làng”, và tôn sùng các vị lãnh đạo tôn giáo: Các Ppo Dhia (Bàlamôn) và các Ppo Gru (Bàni). Hơn nữa, sinh hoạt xã hội bị tôn giáo-tín ngưỡng chi phối nặng nề. Từ ngày sinh ra đến ngày mất, người Chăm phải trải qua biết bao nhiêu là lễ nghi tôn giáo-tín ngưỡng, các đám đình cũng như các lễ hội truyền thống. Một phần do tôn giáo-tín ngưỡng phức tạp, đa dạng lại không có hệ thống tổ chức hàng dọc và hàng ngang để hỗ trợ các địa phương trong các vụ việc rắc rối hay mâu thuẫn thường nhật, phần khác do không gian sống của Chăm quá hẹp, nên sinh ra cọ xát và đụng chạm nhau thường xuyên là chuyện thường tình. Vấn đề được đưa ra là mỗi khi có xích mích, mẫu thuẫn trong nội bộ thì cách giải quyết phải như thế nào mới là hữu hiệu nhất và ưu việt nhất?
Kinh nghiệm trong quá khứ cho thấy là trong xã hội Chăm thường xảy ra 4 tranh chấp chính sau đây tạo nên mối bất hòa dẫn đến xích mích liên tục rất đáng tiếc cho sự ổn định của cộng đồng:
– Một là các bất đồng linh tinh liên quan đến phong tục tập quán (như việc đối xử thiếu công bằng trong lễ nghi gây khó khăn trong việc thực hiện phong tục tập quán v.v..)
– Hai là bất đồng giữa các chức sắc tôn giáo với nhau trong việc thể hiện thủ tục của đám, lễ, hoặc sự tranh chấp quyền lợi với nhau…
– Ba là sự tranh chấp Sư Cả (Ppo Dhia hay Ppo Gru). Thông thường thì phải luận xét theo luật tục bất thành văn để đề cử Sư Cả, nhưng có vài khía cạnh trở thành phức tạp và rối ren là do nhiều người có thân thế chen vào, gây thành phe nhóm rất cực đoan vì cho đó là một…. quyền lợi của phe nhóm mình!
– Bốn là tranh chấp về lịch Chăm (Xakavi). Vấn đề này thường gây nhiều rối rắm và rất khó giải quyết vì có nhiều cá nhân và phe nhóm dự phần.

3. Vai trò của các vị chức sắc tôn giáo và các vị bô lão
Các vị Ppo Dhia, Ppo Gru là các vị lãnh đạo tinh thần mà cộng đồng tôn giáo rất kính trọng. Nếu các vị biết sử dụng quyền hạn và uy tín của mình một cách đúng mức nghĩa là luôn luôn khách quan, vô tư và lúc nào cũng dựa vào nguyên tắc tôn giáo, phong tục tập quán mà giải quyết các vụ mâu thuẫn và tranh chấp trong nội bộ thì chắc chắn sẽ san bằng được tất cả sự bất đồng hay ít nhứt là làm dịu bớt những gay gắt trong các vụ tranh chấp để đi đến dập tắt hoàn toàn…
Mặt khác các vị bô lão, nhất là các vị trí thức cao tuổi rất được con cháu trong làng tin tưởng và nể nang. Nếu các vị cao tuổi này luôn luôn có quan điểm và lập trường vững vàng là không bao giờ ngã theo phe nhóm nào trong các phe nhóm đang tranh chấp nhau để đứng ra làm trọng tài hòa giải các vụ tranh chấp đó, thì cơ may ổn định tình thế gần như tuyệt đối. Đó là chưa nói các vị cao tuổi còn có trách nhiệm phối hợp với Mặt trận Xã – Thôn cũng như Ban Quảng lí Thôn để làm tốt việc các mâu thuẫn và tranh chấp.
Trong thực tế, thôn ấp nào mà các vị lãnh đạo tinh thần và các vị bô lão thiếu khách quan, hay tạo phe nhóm thì địa phương đó thường xảy ra mâu thuẫn và tranh chấp triền miên rất khó dập tắt. Trong trường hợp ngược lại, thì dân chúng của địa phương đó rất nhiều cơ may hưởng được sự ổn định và đoàn kết bền lâu…

4. Kết luận:
Trong một xã hội rất đặc trưng mà tôn giáo-tín ngưỡng chi phối sâu rộng mọi sinh hoạt của cộng đồng thì vai trò của các vị lãnh đạo tôn giáo và các vị bô lão có một vị trí vô cùng quan trọng, tác động lớn đến mọi lối sống, sinh hoạt và tập quán của cộng đồng. Nếu chúng ta biết phát huy vai trò của các vị ấy để phục vụ cho quyền lợi tinh thần của cộng đồng, thì không những ta có nhiều cơ may ổn định được đời sống trong xã hội Chăm, tránh được nhiều vụ việc tranh chấp phức tạp rất đáng tiếc, mà còn giúp chính quyền một cách tích cực và hữu hiệu trong cuộc vận động xây dựng đời sống mới trong vùng dân tộc Chăm.
______________
Chú thích:
(1) Xem Văn Món, “Đôi điều trăn trở về nghệ thuật múa Chăm”…, và Trà Vigia, “Mỹ Sơn đường về”, trong Tagalau 2 (2001).
(2) Xem Văn Món, Bài đã dẫn, trang 133.
(3) Xem Trà Vigia, Bài đã dẫn, trang 39.

*
Trong Tagalau 7.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *