Sáng ngày 30.11.2007, lên máy bay ra Hà Nội, tôi quyết làm chuyến đi dài qua các tỉnh phía Bắc.
Trời Bắc lạnh dễ chịu sau áp thấp nhiệt đới kéo dài.
Hai ngày Quảng Ninh, quê hương của bạt ngàn mỏ than với vịnh Hạ Long vang tiếng, nhưng tôi chưa lần ghé qua. Tôi từng hẹn với người bạn họa sĩ người Tày Nông Quốc Hiệp từ hơn năm trước, nhưng mãi lần lữa. Chúng tôi lên kế hoạch các địa điểm tham quan. Khu di tích lịch sử là ưu tiên hàng đầu: nơi diễn ra trận đánh Bạch Đằng, miếu Vua Bà, Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh – điểm ưa chuộng của máy bay B52 Mỹ, đồi núi với chằng chịt hầm trốn bom… Ngày hôm sau, hai chúng tôi làm cuộc chinh phục đỉnh núi Yên Tử, vùng núi hiểm nơi vua Trần Nhân Tông dựng lên dòng Thiền Trúc Lâm vào cuối thế kỉ XIII, sau khi nhường ngôi vua cho Anh Tông.
Yên Tử thuộc xã Thượng Yên Công, thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Là một quần thể chùa, am, tháp, tượng, rừng cây cổ thụ và cảnh vật thiên nhiên nằm rải rác từ dốc Đỏ theo chiều cao dần đến đỉnh núi. Cảnh hoang sơ hùng vĩ với bao vách núi dựng đứng đến mấy trăm thước. Càng lên cao càng dốc, con người dưới kia càng bé nhỏ. Li ti di động trong nỗi hoạt sinh muôn đời của họ. Khốn khổ và chật vật với suy nghĩ vụn vặt, tính toán vụn vặt, đấu đá cho những lo lắng vụn vặt. Mong manh, rất mong manh và tội nghiệp. Chùa Đồng ở độ cao 1.068m so với mặt nước biển. Đứng trên đỉnh cao ngất này, chỉ còn ta với mênh mông vũ trụ. Không có một bóng cây to, chỉ có đá và hang đá với các loại dây leo. Nó thách thức tâm tinh tấn của con người thời xưa. Vừa lôi cuốn bí ẩn đồng lúc gây khiếp hãi. Nó đẩy phận người giáp mặt với bao la trời đất. Trời hôm ấy lành lạnh, đủ lạnh để làm khô mồ hôi kẻ hành hương, dừng chân nhìn khắp xung quanh một lượt, để rồi làm cuộc đi tiếp.
Tay họa sĩ này là chỗ quen thân của các vị sư lẫn nhân viên chùa, còn tôi ít nhiều biết Phật pháp, nên việc tiếp xúc với kẻ tu hành [và không tu hành] khá dễ dàng. Người, cảnh và tâm cảm như quấn quyện làm một, tạo sự thăng hoa thoát tục. Không hiểu bảy trăm năm trước, Trần Nhân Tông khi đối mặt với Không, đã nghĩ gì về các hành vi ông, thân phận con gái ông trên đoạn đường gập ghềnh vào Nam? Những biến thiên lịch sử? Và cả vạn sinh linh đang vãng cảnh hôm nay, trong đó có tôi, một thi sĩ Chăm từ đất nắng xa xôi?
Tôi đứng chìm trong mù mây. Cô độc và sảng khoái. Và chẳng lấy gì làm hào hứng với cuộc nói chuyện văn thơ dự định vào ngày hôm sau mà bạn mình gợi ý. Tâm trạng này theo tôi đến mãi Hà Nội ồn ào, bụi bặm nhưng đầy thơ mộng.
*
Ngủ lại thủ đô một đêm, tôi cùng bạn văn Phạm Lưu Vũ lên chiếc xe con về thăm quê anh. Tôi muốn đốt nén nhang cho ông già bạn vừa mất. Làng Kinh Thanh của bạn thuộc Nam Định, ngôi làng có cống Kênh Ma, nơi hàng ngàn xác quân Minh bị giết ném xuống sông trôi giạt vào đó, nên dân gian dùng sự kiện này đặt tên cho cống.
Vũ cùng tuổi Đinh Dậu với tôi, cùng làm Tuyển cho Vanchuongviet.org. Anh phụ trách văn xuôi, tôi: thơ. Người thân nhất của mỗi chúng tôi mất cách nhau hai ngày; cùng thời gian đó, ông chủ trang Web bị ngộ độc suýt chết. Vài bạn nói đùa: Website ông Nguyễn Hòa gặp tháng hạn! Xe chúng tôi đi qua ba tỉnh, dừng lại mươi địa điểm cần thiết, qua mấy làng của các văn nhân nổi tiếng lẫy lừng mà tuổi trẻ tôi chỉ biết qua sách vở: Nguyễn Khuyến, Nguyễn Bính,…
Chúng tôi về Hà Nội ngay trong đêm hôm đó. Mệt phờ người.
Bao nhiêu bạn văn thơ sẵn sàng rôm rả chuyện thơ phú, bia bọt. Trần Anh Thái, Văn Giá, Lê Anh Hoài, Trần Ngọc Vương, Tuyết Nga, Đăng Bẩy, Tạ Thành Vinh,… Rồi anh chị em ở Hội Nhà văn, Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Văn học,… Để cuối cùng dừng lại tại Đại hội Hội Văn học – Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam khóa IV: 9-10.12.2007 tại Nhà Hát lớn thành phố Hà Nội.
Gần 500 văn nghệ sĩ tinh tuyển các nơi về dự. Ninh Thuận tỉnh nhà cũng đóng góp 22 đại biểu.
Biết thế nào rồi cũng phải ngồi ghế Chủ tịch đoàn, nên tôi đã thủ sẵn complet cravat từ Sài Gòn! Là cực hình với tôi. Bạn văn nói đùa: ngồi trên đó ông hí hoáy làm thơ hay ghi ý tưởng gì đó chớ, ông mà nghe thiên hạ hội với nghị! Nhưng không sao, tôi đã chịu đựng được một lần thì lần hai hay lần ba, bốn chẳng hề gì. Tôi vẫn có thể vừa theo dõi sát sao Đại hội vừa cho trí tưởng mơ mộng xa tít tắp.
Nhưng khi hay mình có tên trong dự kiến ứng viên Ban chấp hành, tôi mới hoảng lên. Tôi thử phone cho vài vị đề nghị xin rút tên. Nhưng không! Sara được phiếu tín nhiệm giới thiệu từ các đại biểu trước đó nhiều tháng, nếu muốn rút thì anh chỉ có thể nói ý kiến mình trước toàn thể Đại hội.
Khác với không khí sinh hoạt của Hội Nhà văn, nhất là trong các cuộc hội nghị, khá đông đại biểu đứng hành lang hội trường lao xao chuyện ngoài lề, còn tham luận thì ít ai nghe ai. Hội Dân tộc ngược lại: yên lành, đoàn kết và ấm áp. Nhưng bắt đầu từ kì Đại hội trước, nó hết còn như thế, nay càng không. Đã có vài dấu hiệu nóng, có đấu đá, có cả vụ thư nặc danh cáo giác nhau! Là điều tôi ớn tận đáy óc.
Tôi quyết từ chối. – Vì ta không tranh với thế gian nên thế gian không tranh nổi với ta, Lão Tử! Tôi hiếm khi để cho người nào đó cử mình vào chiếc ghế nào đó. Cả giải thưởng cũng vậy: bạn bè hay Nhà xuất bản hoặc cơ quan gửi tác phẩm giới thiệu dự giải, chứ tôi thì chưa.
Ngay trước thời điểm bầu cử, tôi đưa lá đơn viết sắn cho anh Vi Hồng Nhân đang đứng trước bục diễn đàn, và kéo cái micro về phía mình, nói vài câu xin rút. Nhưng không thể: Chủ tịch đoàn làm ngơ. Các đại biểu cũng im lặng đồng tình. Trong khi với vài người khác thì họ dễ dàng nhất trí cho qua. Thế là tôi dính vào hàng thứ ba, sau nhạc sĩ Nông Quốc Bình và nhà thơ Mai Liễu.
Vậy đó, nên thông tin rằng:
Inrasara là Ủy viên Ban chấp hành
Hội Văn học – Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam khóa IV: 2008-2012.
Cuộc lang thang vô định trở thành cuộc đi mang chứa sự định. Nhiều bạn văn nghe tin, phone, gửi tin nhắn chúc mừng và động viên tôi: hãy gắng gượng cho anh chị em văn nghệ nhờ! Tôi hiểu mình sẽ mang thêm một trách nhiệm khác, thứ gánh nặng tôi chưa từng bị mang trong nửa hành trình của cuộc đời bèo bọt thơ mộng. Như là kẻ được bầu. Lâu nay, mỗi trách nhiệm là tôi tự đẻ ra và tự mang lấy – triệt để. Nay thì nó hơi hướng yếu tố khách quan.
Tôi quyết hôm sau cho phép mình hoàn toàn thả lỏng.
Nên khi anh bạn tiến sĩ Nguyễn Đăng Điệp hẹn dẫn nghiên cứu sinh đến gặp trao đổi để làm luận án thạc sĩ về thơ tôi, tôi đồng ý không chút chần chừ. Và trả lời thoải mái mọi câu hỏi của cô nghiên cứu sinh Võ Thị Hạnh Thủy. Với mỗi điều kiện – tôi đùa rằng – luận án xong nhớ tặng Sara một bản! – Chuyện đương nhiên mà, Thủy nói. – Đã có hơn mươi luận văn về thơ Sara rồi, nhưng các cô cậu cử không ai [dám] tặng tôi cả, nói chi đến chuyện mời tôi tham dự buổi bảo vệ. Lạ vậy đó! Mới tháng trước thôi, một cô sinh viên chuyên văn viết về Tính hậu hiện đại trong thơ Inrasara, cũng không [dám] đưa tôi đọc nữa, mặc dầu tôi vài lần nhã ý cho xem qua.
Cuộc nói hào hứng kéo dài bốn tiếng đồng hồ. Chúng tôi quên cả trận bán kết Việt Nam – Miama, cả thưởng thức góc phố rất đẹp của Hà Nội về chiều, nhìn từ gác quán cà phê.
Trưa ngày 12.12.2007, tôi bay vào Sài Gòn, để hưởng không khí ấm áp Sinh nhật Jaka lần thứ 24.
Sài Gòn, 13.12.2007.
Sara ơi, làng tớ là Kinh Thanh, chứ không phải Kinh Thành.
Cái cống ấy(không phải cầu)là cống Kênh Ma chứ không phải cầu Ma. Cống ấy ngày xưa tắc nghẽn xác quân Minh (chứ không phải quân Nguyên).
Thân
PLV
Cam on ban. Da sua lai.
Sara
Chay “In” lơi ! Đã từ lâu, cháu luôn thầm tự hào, kính phục và cảm ơn chay rất rất nhiều vì đã cống hiến và có công làm rạng rỡ thêm cho Urang Chăm drei trong cái thế giới ngày càng rộng (gốc độ con người) này. Thế nên, việc chay là Ủy viên BCH Hội Văn học – Nghệ thuật CDTTS là điều không chỉ riêng cháu mà chắc chắn còn nhiều urang Chăm drei hãnh diện vô cùng, mong chay cố gắng “triệt để” như chay đã nói. Xin chúc mừng chay !
Tuy nhiên, việc chay ngỏ lời xin rút (theo cháu là thật tình) nhưng được thuật tỉ mỉ như trên, không khéo dễ gây hiểu lầm lắm đấy. Cháu cũng xin góp ý thật tình vậy thôi.
Tâm sự thêm với chay là, cháu vừa đọc được “Đính chính về Champaka” của chay, nên cháu cũng rất buồn. Chỉ thầm buồn cho “Bó đũa” của Chăm drei mà thôi chứ chuyện của người lớn cháu không dám bàn. Trước cháu có nghe phong phanh thôi, nay mới hiểu chút ít. Mong chay đừng buồn và xem đó như một khúc sông trong đời người mà chay phải vượt qua…
Xin chúc chay sức khỏe và thành công.
(Đừng cười và nhắc lại lối nói “Kinh cựu” của cháu nhé !)
Kính chào chay
Ja Lo