Nguyễn Văn Tỷ: Họ của người Chăm

TÌM HIỂU VỀ HỌ CỦA NGƯỜI CHĂM

Có nhiều người Chăm tự đặt câu hỏi: Người Chăm trước đây có HỌ không?
Theo tôi biết thì người Chăm không có họ theo kiểu người Kinh như: Trần, Phạm, Lê, Nguyễn… Người Chăm chỉ có chữ Ja hay chữ Mưng hoặc trước tên mình để phân biệt nam nữ mà thôi. Ví dụ: Ja Plôi, Ja Ka (đối với nam), Mư Aih Wa, Mưng Thang Ong (đối với nữ), giống như từ Văn hay Thị trong cụm từ chỉ họ và tên người Kinh.
Qua nghiên cứu lịch sử Champa, ta chỉ thấy những ông vua hoặc người trong hoàng tộc mới có họ: Ôn, Trà, Ma, Chế. Còn tất cả người khác thì không có HỌ rõ ràng như người Việt. Các quan lại thì thường được gọi bằng chức, như: Po Klơn Thu (ngài Trấn thủ), Po Phauk Thak (ngài Phó “Trấn thủ” tên là Thăk), Đwai Kabait (ông Đội Kabait) …
Nhưng ngày nay tất cả người Chăm đều có họ như: Đàng, Quảng, Báo, Tài, Sử, Thông, Quách, Lượng, Phú…
Thế thì người Chăm mang HỌ mới này từ bao giờ?
Có lẽ là từ thời vua Minh Mạng (lên ngôi 1820, mất 1840). Sau khi xứ Panduranga mất, Minh Mạng lại nghĩ đến vấn đề cai trị và quản lí nhân dân xứ này, và buộc họ phải mang một trong những HỌ mà nhà vua đề nghị. Mục đích của việc làm này là để dễ kiểm tra, kiểm soát về mặt an ninh chính trị.
Còn về họ NGUYỄN mà một số người Chăm đang mang hôm nay (như Nguyễn Văn Tỷ, Nguyễn Hữu Nhậm, Nguyễn Thìn, Nguyễn Thị Điển…) thì có nguồn gốc khá đặc biệt: Những người Chăm xưa kia đã từng phục vụ và có công với triều đình nhà Nguyễn thì nhà vua ban cho ân sủng được mang họ Nguyễn (họ của vua).
Tại làng Chăm Phước Nhơn thuộc huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, đa số những người mang họ Nguyễn đều có gốc gác từ vị quan phụ trách thu mua kỳ nam (cốt lõi của gỗ trầm hương) tại phủ Bình Thuận (tức tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận bây giờ). Người Chăm thường gọi vị quan này là PPO GAHLUW (tức quan Kì Nam), tên thật là TÀI THANH CÂY, người gốc An Nhơn, tổng Lương Tri, huyện An Phước, tỉnh Ninh Thuận sau này, dời cư về làng Phước Nhơn (cùng tổng) vào khoảng năm 1900, là năm mà chính ông ta thành lập ra làng mới này. Do có công hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc với triều đình mới được đổi họ thành NGUYỄN THANH CÂY. Và từ đó, các con cháu của vị quan này đều mang họ Nguyễn. Bà NGUYỄN THỊ THỀM ở Phan Rí cũng có gốc nguồn tương tự như thế.
Còn HỌ thật của người Chăm hiểu theo nghĩa “tộc họ” thì như thế nào? Người Chăm phân biệt rất rõ ràng là HỌ ghi trong giấy khai sinh là họ có tính cách hành chính, còn tộc họ thì theo nhánh bên mẹ (mẫu hệ). Bản thân tôi, với họ tên khai sinh là Nguyễn Văn Tỷ, nhưng không phải thuộc tộc họ Nguyễn như người Kinh mà lại thuộc tộc họ Ppo Dơm nghĩa là tộc họ theo phía mẹ. Tất cả người cùng tộc họ Ppo Dơm dù trải qua hàng chục thế hệ cũng không được lấy nhau – hiểu như họ nội bên người Kinh. Vì thế, khi dựng vợ gả chồng với những người làng xa, người Chăm thường tìm hiểu trước tiên là “bên đó” thuộc họ tộc nào? Những tộc họ này thường mang tên một vị Thần, yang mà người trong tộc họ phải phụng thờ, và họ tin tưởng một cách tuyệt đối là chính vị thần, yang này đích thực cai quản tộc họ và ban phước lành cho tất cả mọi người trong tộc họ.

*
Trong Tagalau 4.

18 thoughts on “Nguyễn Văn Tỷ: Họ của người Chăm

  1. Theo nhận định của cá nhân tôi, quan điểm của ông (xin lỗi vì không biết xưng hô như thế nào !) là hòan tòan chính xác; Có điều nếu tìm hiểu sâu xa thêm thì có một số họ mà hiện nay người chăm đang có nhưng “rất lạ” như ông đã trình bày trên như “Đàng”, “báo”, “tài”, … xuất hiện từ trước hơn thế, có lẽ từ thời hậu Lê; Riêng họ “thông” tôi vẫn còn đang thắc mắc về nguồn gốc, có liên quan gì đến Po saung cen ?;
    Rất mong được ông công bố những bài nghiên cứu quý báo, cám ơn !

    • Ung, Ma, Trà, Chế. Hay Ungg, Ma, Trà , Đậu là người Quảng Nam hay nhắc về người Chăm… Buồn quá!

  2. Tôi không biết những họ này là bắt nguồn từ đâu? Và tôi rất muốn biết hậu duệ của vua chúa Chăm còn tốn tại ko?

  3. Bài viết của Inrasara.
    HỌ của người Chăm

    Đây là đối tượng nghiên cứu của dân tộc học, thế nhưng đến hôm nay vẫn chưa có một nghiên cứu về đề tài này. Bài viết “Tìm hiểu về họ của người Chăm” của Chế Vỷ Tân (Tagalau , 2004, trang 109-110), chỉ như một gợi ý. Ở đây, người viết muốn triển khai thêm đề tài mới này, trong phạm vi hiểu biết hạn hẹp của mình. Nêu các “loại họ” xưa, nay của Chăm như là một cung cấp tư liệu cho độc giả, đồng thời để bà con cùng tham khảo, từ đó có cơ sở chọn lựa, chứ không bình luận.

    1. Họ xưa.
    Họ “xưa” của các vua Champa, gồm có: INDRA: Indravarman, JAYA: Jaya Sinhavarma, ÇRI: Çri Satiavarman, MAHA: Maha Vijaya, RUDRA: Rudravarman, PUDRA: Pudravarman.
    Hôm nay các họ này vẫn còn được một số người sử dụng: INRA: Inra Patra (là biến thái của Indra): nhân vật chính trong Akayet Inra Patra. Jaya Mrang, Jaya Panrang; Inrasara; Pudradang. Các họ này được phiên âm ra tiếng Hán, thành: – CHẾ / (có lẽ do Cri): Chế Mân, Chế Củ. Hôm nay ta có: Chế Quốc Minh, Chế Lan Viên, Chế Linh.

    – ONG (hay Ông): Ông Ích Khiêm (nhân vật trong lịch sử Việt). Hôm nay: Ông Văn Tùng (nhà văn).
    – MA có lẽ phiên âm từ MAHA. Ví dụ như: Ma Văn Kháng (nhà văn người Kinh)
    Người Chăm ngày nay không còn dùng hai họ này đặt tên họ cho mình nữa.
    – TRÀ / (có lẽ do từ Jaya mà ra): Trà Toàn, Trà Hòa Bố Đế.
    Ở Quảng Nam có tộc TRÀ vẫn còn giữ sinh hoạt dòng tộc. Họ luôn nhận mình là Chăm: Trà Công Tân, Trà Toại. Riêng tại Ninh Thuận, người viết Chăm vẫn thích dùng Trà làm “họ” bút danh: Trà Vigia, Trà Ma Hani.
    Theo Nguyễn Văn Luận, bốn họ này: Ông, Ma, Trà, Chế chỉ dành cho vua, dân chúng không được mang (Người Chàm Hồi giáo Miền Tây Nam phần Việt Nam, NXB Giáo dục và Thanh niên, Sài Gòn 1974, tr. 116). Thế nhưng, trong thực tế vẫn có người dùng “họ” này làm khai sinh hay bút hiệu, như trên đã dẫn chứng.

    2. Họ Chăm bình dân.
    Thường thì người Chăm cứ JA (nam) hay MƯ (nữ) trước tên, như VĂN hay THỊ của người Việt vậy. Tất cả, không phân biệt, cho đến khi đối tượng thành người lớn, xây dựng gia đình hay có vai vế trong xã hội, họ mới được gọi theo vai vế hay chức danh ấy. Có lẽ ngày xưa, các thứ dân Chăm đều mang chung HỌ ấy (có lẽ thôi, bởi chúng tôi vẫn chưa có cứ liệu minh chứng cụ thể). Thời gian gần đây người ta ít có khuynh hướng đặt họ mình như thế, bởi nghĩ rằng nó “tầm thường” quá. Thế nhưng, vẫn có người thích lấy nó làm họ cho bút danh mình: Jamưtaharei (nhà nghiên cứu Thiên Sanh Cảnh), Jalau (thi sĩ Trượng Văn Lầu). Vẫn sang trọng đấy chứ!

    3. Họ Chăm theo dòng tộc.
    Ở đây chúng ta đang bàn về “họ” được dùng đặt tên, chứ không phải “họ” theo huyết thống tộc mẹ, như bên Cam Ahier (Kut) hay Cam Awal (Ghur). Thế nhưng ta cũng nên bàn qua để tham khảo.
    Người Chăm có dòng họ được đặt theo tên vua: họ Po Rome, họ Po Gihluw. (Xem Nguyễn Văn Tỷ, bài đã dẫn); hoặc đặt theo tên loài cây trụ trong Kut chính: họ Gađak (họ mẹ của Inrasara ở làng Mĩ Nghiệp, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận), họ Mil Pui (tức Amil Apwei/Cây me lửa) ở Hữu Đức.
    Chú ý: Chăm không dùng họ này đặt HỌ tên riêng.

    4. Họ và tên đặt theo tôn giáo (Islam).
    Người Islam không hề biết đến họ mà chỉ có việc đặt tên mà thôi. Họ căn cứ vào ngày, giờ sinh mà có thể chọn một trong hai mươi lăm vị thánh Islam, bắt đầu từ Adam cho đến cuối cùng là Muhammad.
    Dựa trên căn cứ đó, người ta có thể đặt tên cho con trai và con gái. Ví dụ, sinh ngày Chủ nhật, con trai được đặt tên là: Ibrahim, Isa,…; con gái là: Rabyyah, Halimah,… Việc đặt tên này xảy ra bảy ngày sau khi sinh. Nếu vậy rất dễ xảy ra sự trùng lặp giữa người này và người khác. Người Islam giải quyết sự việc này bằng cách thêm tên cha ngay tiếp đó; nam là Bin, nữ là Binti. Nhưng tên này chỉ gọi ở ngoài đời chứ không hề có trong giấy khai sinh hay căn cước. Ví dụ: Ibrahim Bin Musa, Saliha Binti Issamael.
    Chỉ sau này, bằng Đạo dụ số 52, ngày 29.08.1956, Ngô Đình Diệm buộc mọi công dân Việt Nam có tên họ mang âm “dân tộc thiểu số” phải thay đổi cho hợp với âm tiếng Việt. Ví dụ: Yaba thành ra Trương Sơn Ba, Dohamide thành Đỗ Hải Minh. Và việc vận dụng Đạo dụ này của các viên chức càng thêm rối rắm, mỗi nơi mỗi khác. Tại Châu Đốc, họ thêm Châu vào, còn ở Tây Ninh thì thêm Chăm! Ví dụ Châu Sanh, Châu Du,… hay Chăm Sô, Chăm Lê.

    5. Họ Chăm trong Giấy khai sinh ngày nay.
    Nguyễn Văn Luận: “Vào năm Minh Mạng thứ 14 (1834), triều đình Huế bắt người Chàm phải theo phong tục Việt nam. Họ phải chọn lấy một trong những tên họ đọc theo ngôn ngữ Việt Nam, gồm có: Bá, Đàng, Hứa, Lưu, Lựu, Hán, Lộ, Mã, Châu, Ngụy, Từ, Tạ, Thiên, Ức, Vạn, Ưng, Lâm, Hải, Báo, Cây, Dương, Quảng, Qua, Trượng, Tưởng, Lư.” Đây là họ phổ biến nhất trong Chăm gần hai thế kỉ qua. Nên nhớ rằng đó chỉ là các họ Minh Mạng đặt cho Chăm, chứ không phải “truyền thống”.
    Tóm lại, Chăm có năm loại họ chính như vừa nêu, chúng ta nên chọn hướng nào? Cũng tùy quan niệm hay/dở nữa!

    • Con cảm ơn những thông tin của bác ạ. Con muốn nói thêm về dòng họ Trà ạ. Từ nhỏ con đã được ông bà mình nói về dòng họ của mình là hoàng tộc người Chăm. Trên giấy tờ thì kê khai là người Kinh, nhưng mỗi người trong dòng họ đều biết gốc dân tộc Chăm của mình. Hiện tại dòng họ Trà có rất nhiều chi phái đặc biệt trải dài từ Quảng Nam vào trong miền nam, hằng năm đều có giỗ Tổ theo từng chi phái và giỗ Tổ cả dòng họ như là người Kinh. Theo như ông của con nói là chỉ có 1 gốc duy nhất họ Trà nên trên nước Việt Nam có họ Trà đều là bà con với nhau.

  4. Ở làng tôi rất có nhiều họ “Đạo”, ví dụ Đạo Chớ, Đạo Thanh Thoảng,… chứ không có họ “Đào”. Người Việt hay đọc thành “Đào”, là sai. Hay đọc “Trượng” thành “Trương”, là không đúng.

  5. Vậy thì cho hỏi bây giờ vẫn còn mang họ Ma thì có được xét là người Chăm không vậy?
    Ai có thể nói được thì liên hệ số dt: 01674567143

  6. Theo tôi biết, ng Cham bây giờ không thấy có họ MA, ÔNG nữa. Họ TRÀ thì còn ở Quảng Nam, nhưng họ khai dân tộc Kinh.
    Còn thì đúng như bài viết của nhà thơ Inrasara.
    Kính

    • Họ ông là họ ung đấy bạn, ngày nhỏ nghe bà già nói 4 họ của người chăm là Ung, Ma, Trà, Chế. Còn các họ khác là họ bị bắt theo hoặc họ của người chăm thiểu số.

  7. NG CHĂM CHỈ CÓ HỌ ĐẠO CHỨ K CÓ HỌ ĐÀO NHƯ:ĐẠO BIỂU…CHỨ K PHẢI ĐÀO BIỂU…

  8. The nguoi Cham chung ta lay ho Sầm la sao z? Co phaj nguon goc tu Samacru ko za?
    Ho Ja co the nguon goc tu Jaka lam!
    Ranam anuk Cam yaw kau. Likau salam pjk adei saai!

  9. Cho em hỏi họ “Nại” được lấy từ đâu và bất nguồn từ đâu? Cảm ơn nhiều!

  10. Xin cho hỏi: Từ công Phụng là người Chăm, nhưng sao lại nói giọng Bắc?
    Kính,
    Lê Hưng

  11. Cháu cũng rất thắc mắc về họ thông ạ. Bác có thể cho cháu biết thêm một ít thông tin về lịch sử họ thông không ạ. Cháu cảm ơn ạ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *