INRASARA
LẦN THỨ HAI NHẬN GIẢI THƯỞNG HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM
Sinh năm 1957 tại Caklaing, Ninh Thuận. 1969: học sinh trường Trung học Pô-Klong. 1977: sinh viên Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh. 1978: thôi học, làm nông dân, đọc nhiều, sáng tác. Có thời gian nghiên cứu ở Ban biên soạn sách chữ Chăm – Ninh Thuận rồi ở Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh nhưng không liên tục. Từ năm 1998 đến nay hoàn toàn sống tự do và sáng tác.
Đã xuất bản các tập thơ: Tháp nắng (1996, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam); Sinh nhật cây xương rồng (1997); Hành hương em (1999); Lễ tẩy trần tháng Tư (2002). Inrasara còn là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu đặc sắc về ngôn ngữ và văn hóa Chăm: Văn học Chăm, Từ điển Chăm – Việt, Từ điển Việt – Chăm (viết chung), Văn hóa – xã hội Chăm: nghiên cứu & đối thoại…
Inrasara in tập thơ đầu Tháp nắng năm 1996, khi anh đã gần 40 tuổi và đã nổi tiếng như một nhà nghiên cứu văn hóa Chăm, với nhiều tác phẩm quan trọng. Tập thơ lập tức có tiếng vang, được nhiều nhà thơ, nhà báo giới thiệu (Trúc Thông, Hà Văn Thùy, Vũ Quần Phương, Ngô Thị Kim Cúc, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Nguyễn Thị Minh Thái…), rồi được tặng Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1997. Sự vồ vập của dư luận gợi nhớ đến Điêu tàn (1937), tập thơ có phụ đề “Thơ Chàm thơ ma” của một thi sĩ Việt mang một cái tên Chăm (đã Việt hóa) – Chế Lan Viên (Phan Ngọc Hoan), khi ấy mới 17 tuổi. Phải chăng “lạ” là một ưu thế của Inrasara, cũng như của Chế Lan Viên gần 60 năm trước?
Thật ra theo tôi, Tháp nắng báo hiệu một khả năng thơ nhiều hơn là một thi phẩm ưu tú. Ngay trường ca “Quê hương”, phần chủ yếu của Tháp nắng được Trúc Thông biểu dương hết lời “một cái nhìn sáng suốt trí thức, một trái tim nghệ sĩ dằn vặt, một cảm xúc luôn luôn đòi sôi trào lại luôn luôn đòi kìm nén. Đây là một trong số trường ca hay nhất của thơ Việt hiện đại” nhưng cũng chỉ mới ở dạng khả năng. Những trích đoạn thơ mà Trúc Thông đưa ra để minh họa, chưa thuyết phục. Chẳng hạn:
Châu thổ nặng hai đầu đòn gánh Miền Trung
Bốn ngàn năm mẹ còng lưng không nghỉ….
chưa có gì mới. Những triết lí kiểu như:
Ôi! Phải chăng chỉ những kẻ bỏ xa quê hương, quê hương mới ban cho nỗi nhớ
Nỗi nhớ quê hương…
cũng quá ư là tầm thường. Theo tôi trường ca này khả thủ là ở giọng điệu. Inrasara đã mạnh dạn vứt bỏ những nhịp điệu mòn cũ, những ngôn từ đèm đẹp rải rác trong nhiều bài thơ ngắn đầu tập. Chẳng hạn:
Đã xa và đã qua
Những mảnh trời tuổi nhỏ
Những lạc lầm nứt vữa
Đã qua và đã xa…
Hoặc:
Rồi người đi và xa
Tôi về miền khuôn phép
Trái tim không chịu khép
Mặc tình cho gió mưa.
Rồi: “Gót sương gầy dễ vỡ…” Đến trường ca “Quê hương”, Inrasara trở nên bề thế, phóng túng hơn tuy chưa mạnh dạn bỏ hẳn vần nhưng anh không còn bị vần ràng buộc. Câu thơ dài ngắn theo cảm xúc và hình tượng đòi hỏi. Những ôi, những a đưa đẩy cho những tụng ca chung chung về quê hương không gây ấn tượng bằng những câu thơ sinh động, cụ thể về cảnh và người ở một vùng, một thời:
Ai đang đi kia?
Băng cánh đồng khô chân trần hối hả
Đội giành gốm to đi giữa trưa nắng hạ
Có kịp bữa cơm, đám con đói lao nhao?
Ai đang bước kia?
Quẩy lúa bó ướt nhèm đang vượt lội
Bờ vùng thì trơn mà sân hợp tác thì xa…
(Inrasara từng là nông dân thời tập thể hóa ồ ạt, anh thấm thía nỗi khổ của cảnh mất mùa). Đáng chú ý nhất là thái độ dám chấp nhận hiện tại, sáng suốt và hợp thời của một trí thức Chăm:
Ta không thể đi vào tương lai bằng giấc mê quá khứ
Đi vào ngày mai bằng niềm tiếc Ngày qua
Không thể bay cao khi hồn ta còn trì nặng sâu mọt căm thù
Không thể đi xa khi chân còn kéo lê sợi tơ kiêu hãnh hão…
Nhưng từ Tháp nắng đến tập thơ thứ hai Sinh nhật cây xương rồng (1997) thì thơ Inrasara đã nhanh chóng vượt lên và định hình. Hình tượng thơ mang đậm dấu ấn Inrasara, cũng có nghĩa là dấu ấn riêng của quê hương anh:
Cây xương rồng như nhà sư khất thực theo vết chân gió trái mùa lang thang
Lạc bước qua triền đồi quê tôi để chịu bị cầm từ trong cát.
Công khai nhận mình tiếp thu ảnh hưởng của văn học cổ điển Chăm, Inrasara đôi khi có được giọng của các bậc hiền triết (gợi nhớ đến Ra-xun Gam-da-tốp):
Con lừa đi tìm gánh nặng
Nhà văn đi tìm tiếng tăm
Thầy tu đi tìm Thượng đế
Riêng con đến gặp cuộc đời
Nhà thơ nói về con mình, vừa nhũn nhặn vừa kiêu hãnh lạ lùng:
Tầm thường như một ngọn cỏ
Phù du như một đóa hoa
Là con – vĩnh cửu và lớn lao như một cuộc đời.
Với cái nghiệp thơ mình đang mang chở, Inrasara cũng có cái nhũn nhặn mà kiêu hãnh như vậy:
Hãy hình dung trăm ý tưởng tài hoa chịu làm vô danh cho tháp Chàm có mặt
Hãy hình dung thêm vạn bàn tay sần chai vì nó, đã ẩn mình
Thì sá chi thơ anh cõi còm chiều ngày tất bật
Hãy thả cho gió bạt chúng về mấy cõi hư vinh.
Không vỗ ngực, không tranh hơn
Không trốn chạy trước phận đời thất bát
Những câu thơ buồn
Luôn có mặt nơi khổ đau có mặt.
Tôi nhấn mạnh hai câu thơ cuối, vì ít có nhà thơ nào nói về thiên chức của thi ca giản dị mà hay đến thế. Tập thơ mới nhất Lễ tẩy trần tháng Tư (2002) thực sự là một bước tiến của Inrasara. Với tập thơ này, anh xứng đáng là một trong những giọng thơ cách tân nhất hiện nay. Có nhiều bài hay (“Tam tấu ở ngưỡng thế kỉ XXI”, “Bất ngờ nhiều cái nghĩ tối nay”, “Những dấu chân ơn nghĩa”,…). Nhưng tôi đặc biệt chú ý bài thơ dài làm thành tên của tập: Lễ tẩy trần tháng Tư, nhất là đoạn thơ thứ 10, cũng là đoạn kết thúc. Đến trường ca này, Inrasara hoàn toàn không cần dựa vào vần, những hình tượng thơ độc đáo, chắt lọc và cảm xúc của tác giả đủ sức lôi cuốn người đọc. Đây là hình tượng nhập đồng của người pháp sư trong ngày lễ:
Không còn từ để gọi. Ông thét lên. Các từ xếp cánh và lủi mất
chỉ có tiếng thét Ông tràn vào khoảng trống trần gian
A… U… M
Ông thét lên
tiếng thét dội đến bầy trâu gặm cỏ đồi xa dỏng tai nghe
oan hồn bị lãng qưên ngàn năm đội tro than ngồi dậy
cánh chim giật mình bay ra vội vã quay lại
như sợ bị tranh mất nguồn vui tẩy trần
AUM… AUM… AUM….
Dường như trong đoạn thơ này, Inrasara có vận dụng những thủ pháp của sân khấu hoặc điện ảnh?
Có thể thấy ảnh hưởng của Chế Lan Viên trong giọng thơ thiên về suy tư của Inrasara. Chẳng hạn đoạn thơ này: “Chớ mơ giấc mơ thay con cháu anh / Năm mươi năm, một trăm năm sau khi không còn anh nữa / Mớ thành tích anh nâng niu hôm nay họ làm xa lạ / Những con đường, vòm trời khác mở ra / Dẫu còn mồ hôi, nước mắt tiếp mồ hôi, nước mắt hôm qua / Cái bắt tay, mây trời, ngữ ngôn tất cả / Khi đã qua tâm hồn cháu con khúc xạ / chúng hóa tiếng khóc câu cười không còn là câu cười tiếng khóc anh mơ”. Người ta thấy bóng “Ông Chế” trong cái cách “viết lấy được” và con chữ “chớ” mệnh lệnh thức đầu câu! May thay thơ kiểu này chỉ gặp ở ít bài trong tập Hành hương em.
Inrasara trong Lễ tẩy trần tháng Tư thực sự đã có giọng thơ riêng của mình, trở thành đại diện đầu tiên, rất xứng đáng của cộng đồng Chăm trên thi đàn hiện đại Việt Nam.
*
Báo Tiền phong chủ nhật, số 01.2003;
Sách: Inrasara – Thơ, Nxb.Kim Đồng, H., 2003.