Sinh nhật cây xương rồng

Inrasara

Sinh nhật cây xương rồng, Nxb. VHDT, H.,1997.
Tập thơ song ngữ Việt – Chăm.
Gồm 22 bài thơ tiếng Việt và 15 bài thơ tiếng Chăm.
80 trang, khổ 14,5 X 20,5cm – giá bìa: 10.000đồng.

Nông Quốc Chấn
INRASARA – CÓ TÊN TRONG ĐỘI NGŨ NHÀ THƠ DÂN TỘC THIỂU SỐ
Lời bạt.

Tôi muốn nói điều tôi vui mừng nhất là đội ngũ nhà thơ, nhà văn các dân tộc Việt Nam có thêm nhà thơ dân tộc Chăm Inrasara – Phú Trạm.
Inrasara tâm sự: “Dân tộc Chăm có truyền thống văn học lâu đời… nhưng đến nay chưa có một sáng tác của người Chăm nào được công bố cả… Thơ tôi, cả tiếng Chăm lẫn tiếng Việt, được anh em truyền tay nhau đọc từ nhiều năm nay. Anh em khuyên tôi nên đưa xuất bản, mọi người sẽ ủng hộ cả tinh thần lẫn vật chất…”
Người sáng tác được người đọc cổ vũ từ khi tác phẩm còn là bản thảo, thật sung sướng biết bao!

Những năm qua, tác giả chưa vội công bố những bài thơ của mình. Có lẽ anh dành thời giờ ưu tiên cho công việc nghiên cứu văn hóa dân tộc Chăm. Đọc danh mục các công trình của Phú Trạm xuất bản từ năm1994, chúng ta thấy anh rất coi trọng di sản dân tộc.
Bộ óc của mỗi người có thể tư duy về nhiều lĩnh vực học thuật. Có lĩnh vực gần nhau, bổ sung cho nhau. Ví dụ: kết quả của các công trình nghiên cứu để giúp ích cho việc sáng tác. Có lĩnh vực xa nhau, thường gây trở ngại cho nhau.Ví dụ: một nhà lý luận cũng có thể là một nhà thơ nhưng khi chuyển tư duy, tác giả thường xác định tính đặc thù của mỗi thể loại để tránh sự lẫn lộn trong ngôn từ. Nhà thơ Xuân Diệu khi còn sống, đã từng trao đổi ý kiến với bạn trẻ về sự tỉnh táo của một người viết một lúc vừa lý luận phê bình, vừa làm thơ. Ngòi bút dễ sa đà về một phía, hoặc khi viết lý luận, nhà thơ lại thiên về miêu tả niềm vui, nỗi buồn.

Đọc Inrasara, tôi thấy tác giả thể hiện tâm hồn thi sĩ hơn là tư duy của nhà lý luận. Anh vạch đường biên và cố gắng không “vượt biên”.
Về đây rừng núi bao dong
Tháp trong nét cổ, em trong dáng hiền
Nắng chiều đổ bóng em nghiêng
Quàng vai với bóng ánh lên đỉnh đồi
.
Quê hương, hai từ này được tác giả tập trung tình cảm suy nghĩ trên nhiều bài, nhiều vần thơ hay nhiều ý nghĩa trong ngôn từ.
Quê hương có mẹ, có cha, có hàng xóm, bạn bè….
Và:
Hôm nay trở về, em vui lên với niềm vui thầm kín…
Tiếng nói câu cười quen thuộc quá
.
Quê hương gắn liền với anh và em. Vì vậy:
Và, thơ tôi ơi!
Đã hai mười năm rồi thơ yêu tôi.
Thơ đong cho tôi nghìn giọt mật

Con đường – cũng là một trong các đề tài mà tác giả rất tâm đắc.
Con đường vẫn trầm vọng gọi băng qua những tầng dày mò lịch sử dưới lớp sóng phế hưng của vạn ngàn triều đại đã qua và vạn ngàn triều đại sắp tới…
Và con đường vẫn mãi trầm vọng gọi

Trong những năm sáu mươi, nhân dân các dân tộc Việt Nam kháng chiến đã giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Nhà thơ Nga Eptusenko đến thăm đất nước ta, ông đã viết một bài nổi tiếng về Con đường số Một.
Trên đất nước ta, có nhiều con đường, nhưng đường xuyên suốt từ Bắc xuống Nam là đường số Một.
Trên đất nước ta, có nhiều dòng suối, nhiều dòng sông, nhưng nước suối, sông đều dồn về biển cả.
Trên đất nước ta có nhiều xóm, làng, bản, chòm, plây, buôn, sroc, phum… Mỗi vùng mang một bản sắc văn hóa riêng đều gắn hài hòa trong một bức tranh hoành tráng: ruộng đồng, thành phố, núi rừng, suối sông, biển cả với những con người cùng làm chủ trên bán đảo hình chữ S này.

*
Phan Quốc Anh
INRASARA – ĐỨA CON ĐẤT THÁP
Báo Văn hóa, 15.12.1999.

Tôi – đứa con của ngọn gió lang thang cánh đồng miền Trung nhỏ hẹp
Đứa con của nắng lửa bốn mùa cát trắng hanh hao

(Thơ Inrasara)

Tôi đến thăm làng Mỹ Nghiệp quê anh vào một chiều nắng cháy. Cũng như bao làng Chăm khác, Mỹ Nghiệp cũng có hàng cây xương rồng bao quanh và những mái nhà thấp lè tè. Người Chăm kiêng không trồng cây cao, chỉ có những hàng rào bằng cây keo khô tua tủa gai ken sít vào nhau nên xứ nắng như càng nắng hơn. Hình như nước da ngăm ngăm của người Chăm chỉ thích hợp với nắng. Từ làng Chăm Mỹ Nghiệp có thể nhìn thấy cả hai cụm Tháp Chàm nổi tiếng Ppo Klaung Girai và Ppo Rome, hai đền tháp thờ hai vị vua – thần của người Chăm Bàlamôn. Vì vậy, mảnh đất này được gọi là “đất Tháp”.

Nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Inrasara sinh ra và lớn lên ở đó. Anh tiếp chúng tôi ở phòng khách, cũng chính là phòng trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm dệt thổ cẩm. Anh dẫn chúng tôi tham quan xưởng dệt có đến gần trăm cô gái Chăm đang miệt mài dệt trên khung cửi. Vợ anh – chị Thuận Thị Trụ – Giám đốc xưởng dệt giới thiệu qui trình công nghệ dệt và cho chúng tôi xem những sản phẩm tuyệt đẹp được may từ thổ cẩm Chăm như áo, mũ, các loại túi xách, hộp nữ trang, váy, ga, nệm v.v… Xưởng dệt và sản phẩm thổ cẩm Chăm của chị đã trở nên nổi tiếng trong phong trào phát triển làng nghề truyền thống của cả nước.

Năm 1976, Inrasara học Đại học Sư phạm và sau đó về công tác tại Ban biên soạn sách chữ Chăm ở Phan Rang. Hơn bốn năm công tác ở đây, anh đã tích lũy được rất nhiều vốn kiến thức về văn hóa Chăm. Năm 1992, Trung tâm nghiên cứu Việt Nam – Đông Nam Á (Đại học tổng hợp Tp.HCM) mời anh về làm việc. Từ đó, các công trình về văn hóa Chăm liên tục được anh cho xuất bản.
Từ năm 1996, giới văn học bắt đầu chú ý đến những bài thơ của Inrasara in trên các báo, táp chí. Tập thơ Tháp nắng gồm 22 bài thơ và một trường ca đã trở thành “hiện tượng thơ ca” và đoạt giải nhì năm 1997 (không có giải nhất) của Hội Nhà văn Việt Nam. Tập thơ Sinh nhật cây xương rồng của anh đã đoạt giải nhì của Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số VN năm 1998. Ngoài ra anh đang tiếp tục hoàn thành những công trình khoa học và hoàn chỉnh bản thảo các tập thơ để tiếp tục công bố.
Inrasara tâm sự: “Nền văn hóa Chăm rất phong phú và đậm đà màu sắc, nhưng đội ngũ sáng tác văn học Chăm chưa nhiều. Cần đẩy mạnh sáng tạo văn học cho các dân tộc ít người, trong đó có dân tộc Chăm”. Tạm biệt anh, tạm biệt làng Chăm Mỹ Nghiệp, xa xa, nắng đổ vàng lên ngọn tháp cổ, tôi chợt nhớ mấy câu của anh đã được phổ nhạc:
Biết mấy trăm năm rồi tháp đứng
Biển bên kia và cát bên này
Biết mấy vạn đời rồi tháp nắng
Trên đồi hoang
như dấu lặng
phơi bày

4 thoughts on “Sinh nhật cây xương rồng

  1. Hôm nay 16/9/2012. Tôi vừa biết và được đọc nhiều bài của Inrasara trên trang web của anh.
    Tôi ở Cam Ranh- láng giềng của anh đấy. Tôi xin được tặng anh một bài thơ nhỏ gọi là chút duyên tri ngộ:
    Khô lạnh như ngọn giáo
    Tháp Chàm đâm lên trời
    Hồn Chàm vương đá sỏi
    Hoa xương rồng nở tươi.
    (Anh có thể cho tôi biết địa chỉ chính xác để có thể gởi tặng anh tập thơ đầu của tôi. Kính cám ơn!)

  2. Dạ. Cháu chào bác! Thưa bác cháu có làm đề tài khóa luận về thơ của bác. Cháu tìm mấy tập thơ của bác mà không ra. Bác có thể cho cháu mấy tập thơ : “Sinh nhật cây xương rồng, Tháp nắng, Lễ tẩy trần tháng tư” được không ạ. Cháu cảm ơn bác nhiểu ạ

  3. Các tập thơ của Inrasara đã hết từ lâu rồi, bạn à.
    Mình đang Sài Gòn, nếu muốn, bạn có thể qua nhà để mượn photocopy nhé.
    Mến
    Inrasara

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *