10.08.2007
tại Mỹ Nghiệp – Phước Dân – Ninh Phước – Ninh Thuận.
Kịch bản
+ Thời gian: sau 8-10 tiết mục Văn nghệ; Thời lượng: 20 phút.
+ Yêu cầu về Giải thưởng: 2 bó hoa, bì thư tiền thưởng, lò bếp trên chiếc xe lăn dành cho Dũng.
+ Yêu cầu sân khấu: tấm bảng Giải thưởng Quỹ INRAHANI lần thứ 2.
+ Dàn nhạc đệm; Chụp ảnh lưu niệm.
MC (một nữ – một nam) đọc:
– Ý nghĩa của Giải thưởng Quỹ INRAHANI.
– Giới thiệu nhân vật1 lên sân khấu; đọc phần giới thiệu nhân vật.
– Giới thiệu Đại diện Hội phụ nữ lên tặng hoa & phát giải.
– Giới thiệu nhân vật2 lên sân khấu; đọc phần giới thiệu nhân vật.
– Giới thiệu bà Hani lên tặng hoa & phát giải.
– Đàng Quốc Dũng thay mặt nhân vật được Giải phát biểu cảm tưởng.
– Bà Hani phát biểu cảm tưởng.
Kết thúc.
1. Ý nghĩa Giải thưởng Quỹ INRAHANI:
Cuộc sống hình thành bằng các mối quan hệ, giữa anh em bè bạn, bà con lối xóm, quê hương dân tộc. Một khi nhân tốt thì sẽ sinh ra quả tốt. Quỹ INRAHANI mong góp phần tạo nên quả đó.
Quỹ INRAHANI xuất phát từ ý hướng tạ ơn. Làng xóm quê hương đã ban ân, nuôi nấng, chấp cánh cho đứa con mình lớn khôn, đạt vài thành tích nho nhỏ; nay đứa con mong chia sẻ niềm vui cho quê hương làng xóm.
Giải thưởng Quỹ INRAHANI vừa hỗ trợ cho tài năng, đức hi sinh đồng thời vừa nâng đỡ mang tính từ thiện. Những tấm gương phấn đấu vượt khó từ hoàn cảnh đặc biệt, con người có quan hệ tốt với xã hội và phần nào có ý hướng lợi ích cộng đồng.
Quỹ INRAHANI được một Ban tư vấn (không cố định) bình chọn vô tư, khách quan, không phân biệt vùng miền, lứa tuổi, nghề nghiệp,…Quỹ được phát vào mùa Hội Văn nghệ – thể thao hè được tổ chức hằng năm, tại làng Mỹ Nghiệp.
Quỹ INRAHANI do Công ty thổ cẩm Inrahani bảo trợ, tiền vốn ban đầu từ các Giải thưởng trong năm 2006 của nhà văn Inrasara. Từ vốn ban đầu ít oi, Quỹ sẽ mở rộng hơn trong thời gian tới.
Hi vọng Quỹ INRAHANI góp phần mang niềm tin vui đến với mọi đứa con Chăm thương yêu sống trên đất nước Việt Nam.
2. Nhân vật1: Đàng Quốc Dũng.
Đàng Quốc Dũng, sinh năm 1972 , tại làng Hamu Crauk-Bàu Trúc, huyện Ninh Phước – Ninh Thuận. Đẹp trai, cao lớn, tinh thần lành mạnh và đầy ý chí. Chẳng may, chàng thanh niên này bị tai nạn nghề nghiệp. Sau khi qua cuộc thập tử nhất sinh, cuối cùng chàng trở thành một kẻ tật nguyền. Bao ước mơ phút chốc sụp đổ, không ít lần chàng muốn tìm đến cái chết.
Nhưng không! Ý chí sống vẫn còn đó. Khi nhìn thấy đứa con thơ là Mỹ Diễn, Dũng thấy mình phải trách nhiệm sống. Chàng quyết làm lại cuộc đời từ con số âm. Trên chiếc xe lăn này, Dũng đã làm đủ nghề để kiếm sống, anh còn sáng chế cả lò nấu từ gốm Bầu Trúc. Từ bàn tay trắng, anh hoàn thành ngôi nhà đang xây dở dang, 10 năm sau làm thêm nhà mới với đủ tiện nghi.
Dũng tàn mà không phế. Một người tật nguyền không trở thành gánh nặng gia đình hay xã hội là đáng quý; riêng Dũng bằng ý chí của mình, đã gây dựng một gia đình ổn định và nề nếp. Phần thưởng này muốn tôn vinh ý chí đó.
Xin giới thiệu: Đàng Quốc Dũng, một ý chí sống và tinh thần vượt khó tiêu biểu!
3. Nhân vật2: Dương Thị Mai.
Đất nước đổi mới, cuộc sống hiện đại đã phát triển và đi lên thấy rõ, nhưng không phải đã hết khó khăn. Tìm nhân vật rơi vào hoàn cảnh khó khăn trong xã hội Chăm ngày nay không phải là hiếm. Nhất là với phụ nữ Chăm. Một phụ nữ nghèo, chồng mất mà vẫn giữ ổn định gia đình, nuôi 6 đứa con học hành bằng chị bằng em mới là hiếm. Càng hiếm hơn nữa, khi người phụ nữ Chăm ấy vượt qua đến 3 lần cái mất mát, đau buồn; đã từ bàn tay trắng làm nên.
Quỹ Inrahani dành phần thưởng thứ hai cho người phụ nữ đó. Xin giới thiệu chị Dương Thị Mai, người con của Chakleng – Ninh Thuận.
Xin chia vui với bà con và quý khán giả: đứa con gái của chị là Thông Thị Kim Anh cũng sắp tốt nghiệp Trường Cao đẳng Xây dựng.
4. Cảm tưởng của bà Hani:
Hôm nay tôi rất vui, khi lần thứ hai được vinh dự mang niềm vui nho nhỏ đến với bà con.
Cổ nhân Chăm trong Ariya Glằng Anăk dạy rằng: Drày tachay vơk ka drày. Nghĩa là khi ta đưa một ngón tay tốt trỏ vào người khác thì có đến 3 ngón tay tốt trỏ trở lại phía ta, và ngược lại. Do vậy, việc tôn vinh người tốt, cái hay trong cộng đồng là điều cần thiết. Hành động đó làm đẹp con người và quê hương. Quỹ Inrahani nhằm tôn vinh điều tốt đẹp ấy.
Hai nhân vật hôm nay, từ những khó khăn tưởng như không thể vượt qua, nhưng họ đã thể hiện trọn vẹn được tinh thần trách nhiệm của mình. Đó là truyền thống hi sinh cao cả của bậc cha mẹ Chăm dành cho con cái trong đời sống đang đổi mới này. Quỹ Inrahani muốn nhấn mạnh phẩm chất ấy.
Quỹ Inrahani không lớn về giá trị vật chất, nhưng đó là tấm lòng dành cho tấm lòng. Quỹ Inrahani cũng là cách tri ân của vợ chồng chúng tôi: Chúng tôi sinh ra và lớn lên ở đây, chúng tôi mong được cống hiến phần mình cho cộng đồng.
Cuộc sống bà con ta hôm nay còn nhiều vất vả, mỗi thành viên đóng góp một ít theo khả năng của mình, xã hội sẽ tốt đẹp hơn, đất nước phát triển thêm.
Rất mong bà con ủng hộ Quỹ Inrahani phát triển. Chúc 2 nhân vật năm 2007 sức khỏe và hạnh phúc.
Kính chúc quý bà con, anh chị em bình an và may mắn trong cuộc sống.
Xin cám ơn tất cả mọi người.
Qua chương trình Tivi tôi biết công ty Inrahani giúp các phụ nữ Chăm phát triển nghề dệt thổ cẩm, mang lợi ích kinh tế cho gia đình họ. Nay đọc thêm các giải thưởng cho người Chăm khuyến khích cộng ̣đồng phát triển. Thật đáng phục , xin chia vui với cộng đồng. Hy vọng trong năm mới nghề dệt thồ cẩm sẽ phát triển và hy vọng người lao động trực tiếp là các chị em người Chăm và các bà mẹ lớn tuổi sẽ được chú ý được có lợi tức tốt và giúp đỡ nhiều mặt trong cuộc sống. Chúc phát triển.