Vấn đề9. Tên Trường Pô Klong, tại sao phải giữ & Vấn đề trường tư thục của/cho Chăm.
Tôi vào Trường An Phước bằng cống chính trong tư thế kiêu hãnh của tuổi trẻ: đậu thủ khoa để nhận học bổng suốt thời Trung học; đã từng chứng kiến trận pháo kích kinh hoàng của “Việt cộng” vào Khu huấn luyện Nghĩa quân, bom pháo bay lạc vào Kí túc xá, máu bạn bè đã đổ.
Trường dời về thị xã Phan Rang mang tên mới: Pô-Klong, bọn nhóc chúng tôi từng dọn hàng trăm bộ xương khô trên nghĩa trang đầy cát, gió và bụi; chúng tôi phải chờ phiên để xách từng gàu nước tưới cây làm xanh cả khu đất cằn cỗi tưởng không thể xanh. Tôi từng vác “đạn” theo các anh vào tận Khu tam giác dẹp đám quấy phá; chứng kiến cảnh gài bom lối bọn trẻ đi tiểu mỗi ngày; phóng lựu và những trái M19 bắn vào Kí túc xá học sinh vô tội chúng tôi; một trái phá khổng lồ nổ tung khiến nguyên phần lầu khu nữ sinh bị nứt cong vòm không thể dùng được; một người thuộc thế hệ đàn anh bị hư mắt; chú bảo vệ người Raglai Mang Nhái chết oan uổng,…
Tôi từng theo chân làm trật tự đàn anh chị đi Lưu diễn văn nghệ các làng Chăm xin tiền xây trường, tham gia đội bóng đá trường bảo vệ danh hiệu; mối tình đầu thơ dại (nhưng không bao giờ dám hó hé) của tôi cũng nẩy nở ở đây; năm cuối cùng, tôi học sinh xuất sắc nhất Trường đứng trên bục phát biểu cảm tưởng; nhưng cũng chính năm đó, tôi và H. bị đẩy lên chiếc xe jeep thẳng hướng đồn công an vì “bị tình nghi liên can Ikan Krwak”! (sau đúng 3 ngày đêm nhốt xà lim cách li tối mò hai đứa được thả ra). Tôi ngoảnh nhìn ngôi trường thân yêu lần cuối qua lớp kính mờ của chiếc xe an ninh!
Từ đó tôi không một lần trở lại trường trong áo trắng quần xanh nữa…
Tôi đã từng, và bạn bè tôi đã từng…
Thầy Bá, Thầy Sang, Thầy Quạ, Thầy Tỷ, đã từng…
Nhất là Thầy Bá, có mặt từ ngày đầu đến ngày cuối.
Nghĩa là bao nhiêu kỉ niệm thơ mộng, vui và buồn, tiếng cười và nước mắt…Nó là máu thịt. Trường Pô-Klong do mồ hôi công lao Chăm dựng lên, nên khi có tác giả viết rằng nó do tiền Mỹ bỏ ra làm, thì cộng đồng không ngại lên tiếng phản bác.
Không phải không lí do, khi hơn 10 năm trước có người muốn đập hàng chữ TRƯỜNG TRUNG HỌC PÔ-KLONG đi, bị một bạn trẻ dõng mãnh phản đối quyết liệt, đành từ bỏ ý định. Nên bảng hiệu vẫn còn đến nay. Dù trường đã thay bao nhiêu tên, chức năng cũng đã khác. Rất khác.
Hôm nay, cả ba phía đều đã “lên đời”, chỉ khu trung tâm (khu chính ngày trước) là đang xuống cấp. Nó sẽ bị đập bỏ để làm mới một ngày không xa. Mọi người xôn xao, muốn làm sao cái tên đó được lưu giữ lại. Mãi mãi.
Tôi thử hỏi ý kiến vài bạn, câu trả lời là: không thực tế!
Trường Đại học Vạn Hạnh của Phật giáo Việt Nam bị trưng dụng hồi đất nước thống nhất; mấy năm qua, BGH Trường đòi và Nhà nước đang có kế hoạch trả lại. Nhưng đấy là họ có tổ chức, chứ Chăm thì ai là người đứng tên, với đầy đủ tính pháp lí?
Đây là truyện dài nhiều tập, không thuộc phạm vi bài này. Bởi, có mỗi “dar sa với crauh au” thôi mà ta còn tố cáo nhau trước bàn dân thiên hạ cả quốc ngoại lẫn quốc nội, nói chi một bụng một dạ bàn chuyện dân tộc đại sự to cồ! Anh bạn tôi khéo đùa rằng Chăm hôm nay đang rủ nhau đi “Ngap Ikan Kan” – Làm cá trê! (Sara bình: một từ tuyệt cực kì! Trà Vigia có truyện ngắn “Chăm Hri” độc đáo, anh nên triển khai truyện ngắn khác lấy tên là: “Ikan Kan”)
Trà Vigia gợi ý khá hay, và khả thi: Chăm hải ngoại có vốn, có thể cổ đông mở trường tư thục, ý hướng và hoạt động như mô hình trường Pô-Klong cũ. Tại sao không? Lò Pô-Klong đã ươm bao nhiêu tài năng: tài năng đích thực, biết đến văn hóa dân tộc, có ý thức cộng đồng cao, có năng lực tổ chức,…
Các bạn trẻ và quý bà con anh chị em đã nghĩ đến điều đó chưa nhỉ?!
Kết luận chung.
Từ các dẫn luận và phân tích trên, cần:
– Thành lập câu lạc bộ thanh niên ở nông thôn, giáo dục pháp luật; tổ chức thanh niên Chăm/Kinh sinh hoạt giao lưu.
– Giáo dục y tế và sức khỏe cộng đồng: tổ chức các buổi nói chuyện, truyền bá kiến thức cơ bản về sưc khỏe, tổ chức Trạm xá cho mỗi làng.
– Hỗ trợ thành lập công ty, xí nghiệp tại quê nhằm giải quyết công ăn việc làm cho một lượng lao động dư thừa khổng lồ. Nếu có chương trình xuất khẩu lao động, cần có sự phân bổ rất công bằng cho các đối tượng.
– Lập Đội dân quân tự quản do dân góp tiền trả lương bên cạnh Nhà nước hỗ trợ, đảm bảo an ninh địa phương, kịp thời ngăn chặn mọi hành vi xấu và các loại tệ nạn.
– Tổ chức Hội tình thương giúp đỡ người tàn tật, neo đơn.
– Nếu có xung đột, cơ quan Nhà nước cần xử lí kịp thời, công bằng, và thông báo cho dư luận để tránh gây hiểu lầm. Vân vân…
Tôi là kẻ say mê dân tộc của mình. Từ 15 tuổi tôi đã sáng tác thơ tiếng Chăm in báo trường, sau đó lang bạt khắp làng Chăm sưu tầm và chép hàng ngàn trang ariya. 18 tuổi, đã mở lớp dạy tiếng mẹ đẻ cho 60 anh chị em tại làng, sáng tác 4-5 trường ca Chăm để phục vụ khóa học. Nhưng lúc này, khi quê hương đang nguy cơ tan rã (Alan Paton có 2 cuốn sách rất đáng đọc: Quê hương tan rã & Khóc lên đi ôi quê hương yêu dấu), ta cần hành động kiểu khác…Tôi cũng vậy – bớt văn chương, akhar thrah,…cao siêu đi, mà hãy nhìn vào thực tế cuộc sống cộng đồng.
Luận án thạc/tiến sĩ, đâu phải cứ quanh quẩn văn hóa, phong tục tập quán, hay Kăk, Khăk, Găk,…mà còn hơn thế: Xã hội hôm nay, vấn đề của nó và giải pháp cho nó. Tôi luôn khích lệ các bạn trẻ đi theo hướng đó. Ví dụ về khủng hoảng kinh tế nông thôn Chăm chẳng hạn: bạn phải học cách tiếp cận mới, điều nghiên theo cách riêng bạn, xử lí số liệu hoàn toàn mới,…Nhưng đến hôm nay, có ai xông vào lĩnh vực mới lạ nhiều chông gai này chưa? – Chưa! Ngoài vài điều đã nêu, cái bi đát của kinh tế nông thôn Chăm còn thể hiện qua nhiều khía cạnh khác nữa: dịch cúm gà, dịch lở mồm long móng của gia súc,… đến những con người nhiệt tình làm ăn nhất cũng chán nản và cảm thấy bất lực.
Vấn đề Chăm chỉ nêu tóm tắt từ một điều nghiên khái quát về từng vấn đề nên, nó chắc chắn chưa đầy đủ. Tôi chỉ ghi tổng quát mang tính gợi ý. Còn kế hoạch cụ thể trong tương lai, sẽ bàn sau, qua các góp ý thiết thực của bà con. Sara rất vui lòng nhận phản hồi quý báu của bà con anh chị em.
Đến đây, Vấn đề Chăm tạm kết thúc.
Tadhuw Mik wa saung adei xa-ai Chăm di grơp gram nưrah ni kajap karo – thuk siam!
SARA
Sàigòn, ngày 14.02.2007.
__________
Chối bỏ hay quay lưng lại với một hiện tượng xã hội thì không gì dễ hơn là đi vào lòng xã hội để tìm hiểu hiện tượng đó.
Nỗ lực làm ra tác phẩm nghệ thuật thì khó vạn lần hơn phát ngôn chê bai tác phẩm nghệ thuật.
Vạch lá tìm sâu để phê phán công trình khoa học thì không gì dễ hơn bỏ công xây dựng một công trình khoa học.
Và cuối cùng, ném ra trăm tiếng hận thù thì dễ triệu lần hơn nói một lời yêu thương.
Inrasara.
Tiến sĩ Thanh Đài bình:
Chao anh SARA kinh men!
Truoc het, chuc anh suc khoe doi dao va dat nhieu thanh cong hon nua trong su nghiep phuc vu va phat trien van hoc Cham! Thanh Dai da danh gia rat cao cong trinh nghien cuu van hoc Cham mot cach co he thong cua Sara va xin to long cam kinh! Hoi Dong Champa The Gioi quan tam den mot so tac pham ly luan ve tinh trang van hoa va xa hoi Cham tai VN, cu the la Xã hội Chăm hôm nay & Tương lai cộng đồng. Day la tai lieu quan trong va can thiet va qua do cong dong the gioi se nhin nhan va hieu biet thuc trang ve cong dong Cham tai que nha, thiet nghi, anh Sara co the cung cap va goi cho chung toi tai lieu nay bang tieng Anh de chung toi dua vao trang Website Hoi Dong Champa The Gioi nham phuc vu cac doc gia la cac nha lanh dao, cac chinh khach gia tren the gioi. Than ai va mong tin anh!
Kính chào anh SARA kính mếm!
Hôm nay em mới được đọc trang web của anh, Em đã đọc rất kỹ bài viết của anh em thông cảm cho anh vì những trăn trở của anh về dân tộc mình và anh lo cho tương lai của dân tộc mình. Đúng như những gì anh viết. Riêng em, em chỉ cầu chúc cho những suy nghĩ của anh thành hiện thực, dân tộc tự quyết định lấy vận mệnh của mình. Cần có những tiếng nói của anh và đồng bào ở hải ngoại dũng cảm đấu tranh lên anh nhé.