Thu Thủy thực hiện
Đài Truyền hình Bình Định, 01.07.2007.
Thưa quí vị và các bạn! Những ngày giữa tháng Sáu này, nhà Chăm học số một của Việt Nam*, và cũng là nhà thơ rất nổi tiếng hiện nay – Inrasara – hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, người đoạt Giải thưởng Văn học Đông Nam Á 2005, đã có chuyến công tác về trường Đại học Qui Nhơn theo lời mời của bộ Giáo dục và Đào tạo. Chuyến đi này, nhà thơ đã có nhiều buổi nói chuyện với mọi người và sinh viên về tình hình văn hóa-văn học Chăm và thơ ca hiện đại. Trong một khoảng thời gian sít sao của chuyến công tác, nhà thơ Inrasara đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi.
Xin cảm ơn anh.
Pv: 40 tuổi mới in tập thơ đầu tay, nhưng chỉ sau gần 10 năm anh đã giành hai giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, sau đó là Giải thưởng Văn học ASEAN 2005. Thành công của anh đến từ đâu vậy? Năm 1996 thơ anh mới in tập và đăng báo, sự xuất hiện muộn này báo hiệu sự thăng hoa của tài năng?
Inrasara: Tôi gọi đó là giú mình trong bóng tối vô danh. Tôi đã phải chiến đấu để vượt thắng nỗi ham nổi tiếng của tuổi trẻ, hằng ngày. Đó cũng là cách tôi luyện bản lĩnh thơ. Viết và xóa bỏ và viết. Cứ thế! Cả trăm bài, vài trăm bài, vứt đi để còn chừa lại rất ít. Thơ tiếng Chăm lẫn tiếng Việt. Cả trường ca nữa. Có bài thơ như “Kẻ canh đêm” (trong Sinh nhật cây xương rồng) tôi đã giú suốt 15 năm! In tập thơ đầu, tôi cũng chưa vội đưa nó vào. Qua năm tháng, tôi nghiệm rằng, một bài thơ vứt đi không hẳn là mất vĩnh viễn. Chúng vẫn còn đó, trôi dật dờ trong mênh mông không gian và trong sâu thẳm hồn ta. Sau khi Tháp nắng được cho chào đời, các năng lượng thơ dồn nén trong tôi bấy lâu như bùng vỡ ra. Tôi viết tới, liên tục. Nhưng không phải vì thế mà mỗi tác phẩm không cần đến những nỗ lực mới, khác.
Pv: Anh bắt đầu đến với văn chương từ khi nào, anh có cho rằng đó là định mệnh?
Inrasara: Từ rất sớm. 8-9 tuổi tôi đã đam mê ngôn từ. Tập tò ráp vần cũng từ đó. Nhưng phải đợi đến 14-15 tuổi, tôi mới ý thức sáng tác. Định mệnh – có lẽ vậy. Nó cứ bám riết lấy tôi. Suốt ngày tôi sống trong/qua/bằng ngôn từ. Tôi thở những từ, lảm nhảm, nhìn ngắm và vuốt ve những từ. Tôi học tập từ các lí thuyết ngôn ngữ học đủ loại cho đến lối sử dụng ngôn ngữ của các bà các chị nhà quê. Cả bây giờ tôi vẫn còn giữ thói quen đó.
Pv: Là nhà thơ dân tộc thiểu số đầu tiên của Việt Nam đoạt Giải thưởng Văn học Đông Nam Á, cũng là nhà văn đầu tiên của Chăm thành danh; nhưng bên cạnh thơ thì anh còn viết tiểu luận, nghiên cứu văn hóa Chăm, song mọi người luôn gọi anh là nhà thơ, anh nghĩ sao khi thơ đem lại định danh này cho anh?
Inrasara: Đấy là người ta gọi thế, ai lại đi góp ý kia chứ. Dù tôi xuất hiện đầu tiên với tư cách là người nghiên cứu văn học-ngôn ngữ Chăm trước cả đưa thơ đăng trên các báo. Tác phẩm đầu tay cũng là về nghiên cứu, in năm 1994. Là cuốn sách tôi đầu tư công sức gần 20 năm: Văn học Chăm – khái luận. Nó cũng cho tôi vinh dự đầu tiên nữa: Giải thưởng của Trung tâm Lịch sử và Văn hóa Đông Dương, thuộc Đại học Sorbonne. Nhưng người thiên hạ cứ gọi tôi là nhà thơ Inrasara. Trong lúc tôi giành Giải thưởng về nghiên cứu đâu thua kém gì bên sáng tác. Thế mới lạ chứ!
Nhưng dù gì thì gì, tôi vẫn thích mọi người gọi tôi bằng cái tên thân mật: Sara!
Độc giả biết đến Inrasara qua tập thơ Tháp nắng xuất bản năm 1996 và ngya sau đó đoạt Giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn Việt Nam. Từ đó đến nay, riêng lĩnh vực thơ, Inrasara đã xuất bản thêm 3 tác phẩm nữa gồm: Sinh nhật cây xương rồng – 1997; Hành hương em – 1999; Lễ tẩy trần tháng Tư – 2002, đây cũng là tập thơ được trao Giải thưởng Văn học Đông Nam Á 2005. Gần đây nhất – những tháng cuối của năm 2006, anh trình làng tiếp tập thơ Chuyện 40 năm mới kể và 18 bài thơ tân hình thức do Nxb.Hội Nhà văn ấn hành gây được ấn tượng lớn trong văn giới. Hầu hết các tác phẩm thơ của Inrasara đều nhận được các giải thưởng văn học trong và ngoài nước. Chính điều đó đã làm nên tên tuổi nhà thơ Inrasara và anh đã trở thành một hiện tượng trong giới sáng tác trong thời gian gần đây.
*
Pv: Tính hiện đại và triết luận đặc sắc là điều mà người cùng giới văn chương nhận xét về các tác phẩm của anh, anh nghĩ gì về lời khen này?
Inrasara: Tôi chưa hề nhận xét về thơ mình. Càng không nhận xét về các lời nhận định. Trên các diễn đàn, tôi đọc thơ người khác là chính. Các bài thơ trong năm của bạn trẻ mà tôi cho là hay. Tôi nói cái hay đó cho mọi người. Còn của mình ư? Khó ăn nói lắm. Mỗi tác phẩm ra đời, hãy để cho nó lăn lóc giữa cõi người. Khá tệ hại, nếu tác giả đứng lên bảo vệ đứa con tinh thần của mình khi nó bị công kích hay chê bai. Hướng độc giả nên hiểu tác phẩm mình thế này thế kia thì càng nhảm nhí hơn. Tôi say mê triết học từ khá sớm, và cũng theo dõi sát sao hành trình của thơ ca đương đại (trong nước và một vài khuynh hướng ở Anh, Pháp, Mĩ); có lẽ thế chăng mà chúng để lại dấu ấn trong thơ tôi?
Pv: Thơ Tân hình thức và Hậu hiện đại là loại thơ đang thịnh hành trong dòng chảy văn chương thế giới, nhưng với Việt Nam thì chúng hãy còn rất xa lạ; anh đang đi trên con đường này, có những cản trở gì từ chính mình mà anh phải vượt qua để đến với nó?
Inrasara: Đó là hai trong những dòng chảy. Hậu hiện đại thì mạnh hơn và, đa dạng hơn. Một kẻ làm thơ hôm nay mà chưa biết qua Hậu hiện đại thì sẽ rất …lạc thời. Riêng tôi, mỗi tập thơ là mỗi phiêu lưu. Phiêu lưu vào cái chưa biết, khai phá phong cách mới, lạ. Mỗi đề tài đòi hỏi một lối tiếp cận mới, một thể hiện khác. Còn việc thành công hay không và thành công tới đâu thì còn tùy… trời. Và tùy [tầm mong đợi của] người nữa chứ. Trở lực ư? Mỗi phiêu lưu khai phá luôn bị đặt trước mỗi chướng ngại mới, va đụng những thách thức mới. Không trở lực thì không nỗ lực, không nỗ lực thì sẽ chẳng bao giờ có thành tựu. Trong sáng tạo, mọi kinh nghiệm viết trước đó rất ít giá trị.
Pv: Anh nghĩ sao khi thơ của anh đọc rất khó thuộc, câu ý mông lung, kỹ thuật vắt dòng, trật tự ngôn từ bị phá vỡ làm thành những mảnh rời ..v.v. Đó có phải là một trong những thuộc tính của thơ hậu hiện đại?
Inrasara: Rất khó thuộc lòng như bạn nói thì, đúng. Vì thơ của văn hóa chữ viết hay văn hóa mạng đã thoát khỏi thứ thơ ca của văn hóa truyền khẩu vần vè dễ thuộc, dễ nhớ. Nó đáp ứng sự nhìn và lướt hơn là đọc-nghe. Nhưng nó không mông lung đâu. “Thơ ở đâu xa”, tên tập thơ cuối cùng của Thanh Tâm Tuyền đấy. Nó chỉ quanh quẩn đâu đây thôi, trong khoảng cách của những chữ, giữa những con chữ. Nó đòi hỏi người đọc chắp nối các vạch đứt giữa các tứ và từ để đồng sáng tạo, cùng mở rộng các tầng nghĩa của bài thơ. Vậy thôi.
Pv: Là nhà thơ nổi tiếng nhưng cũng là nhà Chăm học, có rất nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa Chăm, anh cũng là diễn giả, thường được mời đi nói chuyện ở nhiều nơi, trong những chuyến đi ấy, anh chuẩn bị gì nhiều trong hành trang chữ của mình? Một kho tàng văn hóa Chăm hay là túi thơ?
Inrasara: Tôi chuẩn bị đủ thứ. Và có thể nói, tôi khá thập cẩm: thơ, ngôn ngữ, phê bình, nghiên cứu văn hóa-xã hội Chăm, hoạt động xã hội,…Về thơ, tôi mang theo mình thơ của bạn bè hơn là thơ tôi. Còn phê bình văn chương hay nghiên cứu văn hóa Chăm, có cuộc hội thảo hay nói chuyện tôi dắt lưng tới 3 tham luận, nhưng rồi cuối cùng tôi cất hết. Và ứng khẩu ngay tại chỗ. Tôi thích vậy hơn. Làm thế có thể sai hay thiếu, nhưng nó trực tiếp với người nghe. Linh hoạt, hấp dẫn và thú vị. Nhất là tôi có thể nẩy ra ý tưởng mới bất chợt ngay trên bục nói chuyện. Tôi chọn cho mình cái thế chông chênh đó.
Pv: Có người bạn đã nói với tôi rằng sự xuất hiện của nhà Chăm học Inrasara là sự xuất hiện kịp thời để phục dựng lại nền văn hóa-văn học Chăm, đây là một công việc rất công phu và tốn kém nữa, vì sao vậy? (Trong 7 năm qua Inrasara đã làm 8 tuyển tập Tagalau, đặc san về sáng tác-sưu tầm-nghiên cứu Chăm; rồi sưu tầm, phục dựng gần 5000 trang sách in về văn học Chăm…)
Inrasara: Trước tôi, đã có vài người nghiên cứu về Chăm và văn hóa Chăm. Nhưng ngoài các công trình của học giả Pháp, còn lại khá rời rạc. Bằng tiếng Việt cũng đã có vài tác phẩm về ngôn ngữ, lịch sử, văn hóa. Riêng văn học thì chưa có gì đáng kể. Tôi đã âm thầm làm việc trong bóng tối vô danh, chắt chiu ki cóp như anh nông dân cày xới trên một cánh đồng đạm bạc. Điều tôi biết chắc là dưới đám ruộng kia chứa bao nhiêu là kho tàng trân bảo. Công sức đó đã được đền bù xứng đáng. Nhưng như vậy vẫn còn chưa đủ. Đâu là kho tàng âm nhạc Chăm? Nền y học cổ truyền dân tộc, kĩ thuật đóng tàu viễn dương, lịch pháp hay triết lí?… Chúng đang nằm ở đâu trong đêm tối tối mò kia của lịch sử? Cần nhiều bàn tay, đầu óc và trái tim thiện chí nữa. Rất nhiều…
Pv: Bên cạnh nghiên cứu, làm thơ, anh còn viết tiểu thuyết. Với tác phẩm Chân dung cát, anh có tính đi xa hơn ở lĩnh vực này sau tác phẩm này không?
Inrasara: Có. Bộ tiểu thuyết sử thi ngàn trang được viết từ năm 1990 vẫn còn nằm ở dạng bản thảo thô. Và bao nhiêu đề tài mới/cũ khác nữa mà thơ ca không với tới hay không thể thể hiện hết tầng nghĩa của nó, tôi phải cầu cứu đến thể loại tiểu thuyết.
Pv: Tên Inrasara thực ra chỉ là bút danh của anh, tại sao lại chọn bút danh này, nó có liên quan gì đến tuyên ngôn sáng tạo của anh không?
Inrasara: Câu này bị hỏi và được đáp ứng nhiều lần rồi. Lặp lại e thừa. Chỉ biết Sara nghĩa là muối. Đó là chất muối của dòng họ Inra, bắt chước Thánh Kinh nói liều thế.
Pv: Về Qui Nhơn lần này, anh có những quan tâm gì về nền văn hóa và các di tích Chăm chẳng hạn? Anh có nhận xét gì về sáng tác của các nhà thơ đất Qui Nhơn-Bình Định?
Inrasara: Bình Định đang trùng tu tới tấp các khu di tích tháp Chàm. Đó là điều đáng mừng, dù hơi muộn. Bình Định còn có vài chương trình dài lâu với tham vọng to lớn hơn. Tôi thật sự cảm kích trước tín hiệu đó. Hơn nữa, Qui Nhơn đẹp cảnh và hiền người. Tôi có nhiều người bạn ở đây, cũ lẫn mới. Bạn văn Qui Nhơn-Bình Định đã gây cho tôi nhiều ấn tượng đẹp.
Nhận xét gì về sáng tác của các nhà thơ đất Qui Nhơn-Bình Định ư? To gan không đây!? Tôi chưa đọc họ nhiều nên chưa có ý kiến cụ thể. Chỉ biết rằng chính nơi này, trong cuộc cách mạng thơ Việt đầu tiên của thế kỉ XX, các thế hệ thơ đi trước đã có công hiến oanh liệt. Tôi muốn nói đến Trường Thơ loạn với những tên tuổi: Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê,…Hôm qua, Câu lạc bộ Thơ Xuân Diệu vừa tổ chức kỉ niệm 17 năm, là chuyện đâu phải vùng đất nào cũng làm được!
Bạn đồng ý chứ!?
Pv: Xin cảm ơn anh về buổi trò chuyện hôm nay, chúc anh sức khỏe và mong rằng anh sẽ thành công với những gì mà mình đang theo đuổi.
_______________________
* Tôi hay bị gán cho nhãn hiệu như thế: “nhà Chăm học số một”, “nhà thơ cách tân lớn nhất”,…là điều tôi chẳng hề muốn nhận tí nào cả. Tôi nhắc phóng viên nên bỏ nó đi, hoặc cùng lắm là “một trong những” thôi. Họ hứa, nhưng vẫn cứ giữ lại. Tôn trọng ý kiến của người đối thoại, tôi ghi đầy đủ nhưng, thêm chú thích cần thiết này.