Ý kiến của Inrasara về 2 nhận định về lịch sử

Ý kiến của Sara về đoạn kết Có 500 năm như thế của Hồ Trung Tú & về nhận định của Philippe Papin (Giáo sư thuộc Đại học Sorbonne) rằng Chăm “bành trướng” và “hải tặc”.

*

Về Có 500 năm như thế của Hồ Trung Tú, ngoài bài viết của Jaya Bahasa, “Đọc sách Có 500 năm như thế của Hồ Trung Tú” đăng ở Inrasara.com, ngày 13-12-2010, tôi có 2 bài viết: “Khởi động cho hóa giải lịch sử và hòa giải “dân tộc” – Lời giới thiệu Có 500 năm như thế của Hồ Trung Tú, Inrasara.com, 11-2-2011; và “Xung quanh tác phẩm Có 500 năm như thế của Hồ Trung Tú”, Inrasara.com, 4-3-2011. Ngoài ra tôi còn có 2 bài trả lời phỏng vấn: “Nhà nghiên cứu Inrasara đọc Có 500 năm như thế: “Những gợi ý từ ngoại vi lịch sử”, Nguyễn Vinh thực hiện, báo Sài Gòn tiếp thị, 16-2-2011; và “Về tác phẩm Có 500 năm như thế của Hồ Trung Tú”, BBC, 18-2-2011.

 

Tất cả bài viết và bài phỏng vấn trên đều đăng lại trên Inrasara.com. Chúng đã tạo dư luận khá sôi nổi trong bộ phận độc giả website này, với hơn 40 “phản hồi” từ nhiều giới và địa phương khác nhau. Khen hay chê, sai hoặc đúng, tất cả với tinh thần lành mạnh và xây dựng. Riêng các lời lẽ phản hồi về câu kết của Có 500 năm như thế:

“Mỹ Sơn chính là di sản của tổ tiên ta để lại, chứ không phải là của Vương quốc Chămpa đã bị diệt vong. Đó là di sản văn hóa của người Việt chứ không phải của một nền văn minh bị biến mất…”

Có vẻ gay gắt hơn, nên tôi đã tạm cho “ẩn” đi.

Tôi nghĩ hãy để dành ở một diễn đàn khác, tác giả trực tiếp với bạn đọc để có thể giải tỏa. Buổi ra mắt sách Hàng mã kí ức của Inrasara kèm với tác phẩm Có 500 năm như thế của Hồ Trung Tú do Cty TNHH Sách Phương Nam tổ chức như dự kiến, sẽ là dịp tốt. Nhưng vì nhiều lí do khác nhau, buổi giao lưu giữa Hồ Trung Tú với các độc giả quan tâm đã không thành.

Cũng có vài ý kiến hỏi Inrasara: Tại sao một cuốn sách có quan điểm [ở phần kết luận] sai lạc như thế mà nhà thơ Inrasara đi viết giới thiệu? Về câu hỏi này, tôi xin trả lời một lần cho trót:

Viết lời giới thiệu cho tác phẩm nào đó không phải là một bảo lãnh cho giá trị của tác phẩm đó. Tôi đã viết tựa và bạt cho khoảng mươi tác phẩm. Hầu hết không phải là hay và xuất sắc. Viết, khi tác phẩm đó “đáng đọc”, do nó gợi vấn đề để nói, để bàn. Thiển nghĩ, Có 500 năm như thế là tác phẩm rất đáng đọc và đáng bàn. Như dự đoán, sự thực đã xảy ra như thế: nhiều độc giả bàn về nó. Riêng tôi, sau khi nó ra đời, tôi viết thêm một bài, 2 bài trả lời phỏng vấn về cuốn sách, chỉ ra cái được và mặt hạn chế của tác phẩm. Còn tác phẩm kia có đứng vững hay không là bởi giá trị đích thực của nó, chứ không ở lời giới thiệu của ai đó, hay do báo chí lăng xê nó.

Khi nhận bản thảo do Hồ Trung Tú gửi, đọc – với tư cách cá nhân – tôi có góp ý về “đoạn kết” kia. Anh hứa sẽ xem lại, để tránh hiểu lầm từ phía độc giả. Lời giới thiệu được viết vào tháng 6-2009, tác phẩm in vào quý I-2011, nghĩa là hơn một năm rưỡi sau. Khi tác phẩm xuất bản, đoạn kết vẫn được giữ nguyên. Đó là chuyện riêng của tác giả, đúng sai người viết chịu trách nhiệm với độc giả. Còn lời giới thiệu thì không được in đầy đủ, mà chỉ trích đoạn in ở bìa 4, như là cách PR cho tác phẩm. Chính vì ngại sự thể “bất khả kháng” như trên mà tôi rất ít khi viết giới thiệu – dù nhận được nhiều lời mời -, mà chỉ viết [phê bình hay điểm sách gì đó] khi tác phẩm đã được in ra. Không ít nhà văn nghĩ tôi “chảnh”, chỉ bởi nguyên do tế nhị đó!

Nữa: tôi cũng có thể không đăng lời giới thiệu kia trên Inrasara.com, nếu thấy nó “bất lợi” cho tôi. Nhưng không. Nó cần thiết có mặt, để gây sự chú ý của Chăm về vấn đề liên quan đến lịch sử và văn hóa cộng đồng. Một công trình “khoa học” luôn bất toàn, có sai có đúng, có nghiêm cẩn có hớ hênh, chỉ khi nào chúng ta ngoảnh về nó đủ đầy, vấn đề sẽ được soi chiếu từ nhiều góc nhìn khác nhau. Từ đó, giúp thúc đẩy sự tiến bộ cho nghiên cứu cũng như lợi ích cho sinh hoạt cộng đồng. Không nhất nhất tác giả nào đó viết ra chữ, in thành sách là đã nghiễm nhiên là chân lí như vôi quệt tường được.

Riêng quan niệm của cá nhân tôi về đoạn kết trên: không vấn đề gì cả. Đó chỉ là nhận định cá nhân. – Chẳng thể thay đổi “sự thật lịch sử”!

Đọc lại câu cuối cùng của Inrasara ở bài phỏng vấn trên BBC: “Giá trị gợi mở còn hơn là giá trị thực của tác phẩm“. Vấn đề sẽ sáng rỡ…

 

Chú thích quan trọng:

+ Hãy đọc lại đoạn kết của Có 500 năm như thế của Hồ Trung Tú:

Mỹ Sơn chính là di sản của tổ tiên ta để lại, chứ không phải là của Vương quốc Chămpa đã bị diệt vong. Đó là di sản văn hóa của người Việt chứ không phải của một nền văn minh bị biến mất…”

 

Và đọc qua nhận định của Philippe Papin trong VIETNAM Parcours d’une Nation (NXB La Documentation Francaise, Paris, 1999 – Nguyễn Khánh Long dịch: VIỆT NAM Hành trình một dân tộc, NXB Thời mới, Toronto, Canada, 2001, tr. 21-22):

Do thực tế [địa lý] đó, vương quốc Chămpa đã phải vận dụng một chính sách đối ngoại phức tạp dựa trên những liên minh tạm bợ và những lật ngược bất ngờ, khi thì lên phương Bắc xung đột với dân Việt, khi thì xuống phương Nam tranh chấp với người Khmer…

Bành trướng không được, địa hình lại không thuận lợi cho thống nhất cũng như cho nông nghiệp, người Chăm mau chóng quay ra biển và trở thành những hải tặc đáng gờm cũng như trở thành những thương nhân khôn khéo từng làm chủ những giao thương giữa Trung Hoa và Ấn Độ“.

 

Chú ý:

1. Philippe Papin là nhà sử học Pháp từng là thành viên Viện Viễn Đông Bác cổ (EFEO), hiện đang là Giáo sư trường Cao học Thực hành thuộc Đại học Sorbonne.

Chúng ta đặt câu hỏi:

– địa hình Champa không thuận lợi cho thống nhất, ai lại nói vậy chớ! Đó là một phần của miền Trung Việt Nam hiện nay, thế Việt Nam hiện tại gồm cả bắc trung nam không thống nhất à?

– lại bảo Chăm không thuận lợi cho nông nghiệp, thế lúa Chiêm thì sao? Và bao nhiêu hệ thống dẫn thủy nhập điền của Champa xưa nữa?

Chưa thấm vào đâu, hai câu hỏi sau còn nghiêm trọng hơn:

– người Chăm có thật từng bành trướng như ông sử gia Tây này nhận định không? Theo hiểu biết của tôi, Champa có đánh, nhưng đánh rồi trở về, chứ chưa có ý định thực dân hay chiếm đóng luôn miền đất nào cả.

– bành trướng không được, Chăm có trở thành hải tặc không? Thiển nghĩ, nếu có là hải tặc thì chỉ bộ phận Chăm nào đó trong giai đoạn nhất định nào đó thôi, chứ một triều đình mà chủ trương làm hải tặc thì còn gì là làm ăn với tồn tại!

Từ hai câu hỏi trên, tôi có thể khẳng định lại mệnh đề tôi đã từng khẳng đinh: Đâu phải hễ Pháp nói cái gì cũng đúng, và ta tin ngay!!!

 

2. Theo tôi, đó chỉ là một nhận định mang tính cá nhân, – cũng như nhận định trên của Hồ Trung Tú -, hoàn toàn không đáng kể. Điều quan yếu là thái độ người đọc tiếp nhận nó: tiếp nhận có phản biện qua tư duy độc lập (xem Inrasara: “Tinh thần triết học và vấn đề xã hội Chăm”, Tagalau 10). Chỉ như vậy thôi ta mới có thể “học” được điều gì đó bổ ích từ các công trình nghiên cứu. Học mà không phải bạo động hay bị lôi cuốn vào cuộc tranh cãi vô ích.

Sài Gòn, 26-5-2011

 

8 thoughts on “Ý kiến của Inrasara về 2 nhận định về lịch sử

  1. Inra ý kiến mà chẳng thấy ý kiến gì cả.
    Người ta nhận định sai về dân tộc mình, hay người ta phát biểu xuyên tạc cá nhân mình cũng vậy. “Không vấn đề gì cả”.
    Thế mới… kì!
    Thế mới… chì!!!
    he he…

  2. Bác Sara dẫn ông Tây xịn này ra dzui quá đi.
    Ông không thù không oán gì Chăm mà nói thế thì quá cha.
    Ông là dân văn minh có học hành đàng hoàng nữa, trường là trường hàng nhứt nhì thế giới, giáo sư hẳn hoi, vậy mà nói bừa vậy nhỉ. Vậy đâu phải hễ tiến sĩ giáo sư Pháp nói là ta tin liền liền. Tây xịn đó chớ có chơi đâu. Sorbonne nữa. Buồn cho ông Tây này quá!

  3. Chương trình trước cho biết là có giao lưu với Hồ Trung Tú, sao lại trục trặc, nhà thơ Inrasara có thể cho biết lý do được không ạ? Hay ông Tú ngại các câu hỏi của các em sinh viên Chăm, và độc giả người Việt?

  4. Theo như thông tin của các nhà sử học hay các nhà nghiên cứu cũng vậy cũng có thông tin đúng, thông tin sai. Có nhận định sai lầm có nhận định chính xác. Trước kia người Chăm chúng ta tuy cũng mạnh nhưng cũng gặp bất trắc trước khi đi chinh chiến Đại Việt, ai cũng biết trước kia nước mạnh sẽ đem quân đi chinh chiến nước yếu để mở mang lãnh thổ, khi chiến tranh thực dân Pháp cũng lấy một mớ tài liệu của người Chăm chúng ta, một số thì thất lạc và bị đốt cháy nên sử sách của Chăm chúng ta không nhiều để chứng minh sử về tộc mình như thế nào? Ai sống thời nào thì khen hay chê điều đó mà thôi, tộc người nào cũng nói tốt về mình, đối với thời hiện đại, mình nên học và làm việc có khoa học chút ít, cái gì nên tin thì tin còn cái không cần thiết đừng bàn. Nhiều ý kiến trái ngược nhau… Nhân bài này mong độc giả hay nhà nghiên cứu cần tập trung nghiên cứu sâu hơn.

  5. Ông Sara sức đọc cao như núi, còn sức nghĩ sâu như biển.
    Ông đọc nhiều, ông đọc những điều lâu nay chưa ai biết, hay ông đọc mấy bài mới nhất rồi ông giới thiệu đến mọi người đọc. Để làm gì?
    Ông Hồ Trung Tú đang viết ngon lành và hay, tưởng sẽ kết cũng ngon lành như vậy ai ngờ rồi cuối cùng chém một câu… nhớ đời!
    Nay ông Sara lại giới thiệu thêm cái ông giáo sư Tây này nữa ta mới biết có giáo sư Tây nghĩ thế. Không thì ta cứ nghĩ mấy ông Tây nghĩ tốt về ta lắm. Mẹ thằng Đậu chớ ảo tưởng!
    Cám ơn ông đã giới thiệu cho biết…

  6. Có lẽ lịch sử chỉ đáng tin ở phần ghi chép sự kiện. Còn tất cả mọi nhận định đều sai, bởi chúng đều mang tính chủ quan và phiến diện.

    Đoạn kết Có 500 năm như thế của Hồ Trung Tú & nhận định của Philippe Papin (Giáo sư Đại học Sorbonne) về Chăm không nằm ngoài quy luật này.

    Tuy nhiên theo cảm nhận của mình, Hồ Trung Tú có ý tốt nhưng cách diễn đạt câu văn về Mỹ Sơn đã không nói hết ý của anh, từ đó dễ gây ra ngộ nhận với các bạn Chăm.

    Mình thử viết lại một câu:
    “Mỹ Sơn là di sản của tiền nhân Champa để lại từ lịch sử, chúng ta kế thừa di sản Mỹ Sơn với lòng ngưỡng mộ và biết ơn vì chính văn hóa Chăm đã góp phần phong phú vào bản sắc đa văn hóa của nước Việt hôm nay”

  7. Ng Chăm ta cần phải học tập tinh thần công bằng. Ta cố gắng công bằng với mọi người, thì mọi người công bằng với ta.
    Đó là tinh thần soi sáng được chân lý. Inra đưa ra ví dụ rất thuyết phục và công tâm. Anh tạo cơ hội cho chúng ta học tập và thảo luận.

    – Anh giới thiệu các nhận định khác nhau về Múa Apxara trên Tagalao, để có điều kiện cho mọi người bàn, từ đó hiểu nhau. Nếu nghệ sĩ nhân dân Đặng Hùng thấy sai thì sửa, người Chăm thấy hay thì phát huy.

    – Irra giới thiệu bài viết giới thiệu về tác phẩm anh Văn Món, Inra đăng trên web của anh. Mà nghe nói tác phẩm trên có phê bình Inra ko đúng, vậy mà Inra vẫn đăng mà không một lời bình luận. Đây là một tinh thần công bằng hiếm hoi. Ít ai làm được như vậy.

    – Inra giới thiệu và trích văn giới thiệu cho mọi người đọc Hồ Trung Tú và P- Papin. Đó là điều tốt. Nhờ anh giới thiệu ông Tú, mà nhiều ng Chăm mới tìm đọc và bình luận. Tôi nghĩ ông Tú sẽ sửa. Còn ông Papin, nếu Inra ko giới thiệu Papin thì tôi cá ko có ng Chăm nào biết đến tác phẩm và đọc ông. Nhờ vậy chúng ta mới bàn, và nếu ông Pháp có đọc được thấy bà con Chăm phản ứng và thấy sai, ông mới có cơ hội sửa. Còn ko ông ta an tâm nghĩ mình đúng, tai hại vô cùng.

    Tôi muốn nói cảm ơn Inra.

  8. Tại sao các bạn Chăm có thắc mắc này mà không ai nói tôi biết một cách chính thức ? Ngay trang này của anh Inra Sara tôi cũng tình cờ vào mà đọc thấy chứ không thì có lẽ cái tội “thực dân văn hóa” tôi chịu mà không hay không biết 🙂

    Trong những ngày chuẩn bị cho buổi giới thiệu sách của Phương Nam, tôi có nhận được mail của anh Sara gợi ý chuẩn bị trả lời cho một số câu hỏi, trong đó có “câu kết” trên. Nhưng do công việc, đường sá xa xôi, tôi không vào được , và sau đó được anh Sara thông báo là phần giới thiệu sách của tôi đã được hoãn lại. Thực lòng tôi không muồn làm ồn về tập sách của mình, vì tôi biết nó chạm đến khá nhiều vấn đề tế nhị; không nói chuyện học thuật vốn dễ gây tranh cãi, ngay cả người Việt bình thường cũng không hề vui chút nào khi bảo họ là Chăm; và nay là một ví dụ khác ngược lại.

    Thực lòng, khi nghe anh Inrasara nhắc về câu kết này tôi có đọc lại và vẫn không nhận ra vấn đề gì, nên đã không sửa, và nay cũng vậy, tôi vẫn giữ nguyên ý này của mình. Tôi thực sự không hiểu các bạn cảm thấy tôi là “thực dân văn hóa” ở cái chỗ nào. Các bạn hãy đọc kỹ lại xem. Câu tôi nhấn mạnh trong tập sách là câu này: “Mỹ Sơn chính là di sản của tổ tiên ta để lại”. Có thể là trong vị trí xã hội khá nhạy cảm các bạn đã không “chịu” nhận ra rằng cái khái niệm “Tổ tiên” đó , trước đó, trong toàn bộ tập sách, đã được định nghĩa là có một phần Chămpa, trong một số trường hợp là 100% Chămpa, rồi. Khi bảo tổ tiên ta là người Chăm sao tôi lại không được nói câu đó ?

    Cách diễn đạt này có thể gây ngộ nhận cho các bạn Chăm nhưng có thể gây “sốc” cho các bạn Việt. Phần lớn người Việt xa lạ với các tháp Chăm, với Mỹ Sơn, với văn hóa Chăm; thậm chí họ sợ hãi với bất cứ thứ gì gắn với Chăm. Đau xót là trong một số trường hợp tôi biết đó là một làng Chăm nguyên vẹn đã quên gốc gác. Đó là môt câu lay tỉnh chứ hoàn toàn không phải là một câu của một tay thực dân văn hóa như anh Inrasara so sánh với Philippe Papin, đi vơ quàng di sản của người Chăm.

    Tôi đã viết cái phản hồi này khá dài, chừng gần 2 trang A4, nhưng rồi đã rút ngắn lại thế này. Hy vọng là cũng đủ để các bạn hiểu.

    P/S: Trong mail gởi mời vào SG dự buổi giới thiệu tập sách anh Inra Sara có gợi ý 4 câu hỏi, câu nào cũng hóc và khá thực tế, trong đó có câu này. Nhưng do ở đây chỉ bàn câu này nên xin dừng ở đó thôi, nếu có người hỏi và anh Inra Sara cho phép tôi sẽ trả lời.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *