Thằng Trạm mát

Xin cáo lỗi: Bài viết “Thằng Trạm mát” vừa được post lên chưa kịp chỉnh sửa thi Web bị trục này. Nay xin chỉnh lại để hầu bà con và bạn đọc.

Chuyện anh em Chăm & Nỗi PCT Hội đồng Thơ

* Mĩ Sơn đường về bão táp, vẫn múa – Photo Inrasara.

2. Đời là nhẹ
Bị đẩy xuống tàu thời cuộc, để mà “gì cũng có ổng”, nên bà con Chăm nghĩ tôi chức quan nào đó ở Trung ương to lắm, đang đưa vai ra gánh mọi trọng trách cộng đồng. Cũng chả lấy gì làm oan, bởi tôi đi đi về về Hà Nội – Sài Gòn, Đà Nẵng, Nha Trang… như mắc đẻ. Thêm mấy chục bận ưỡn ngực trên tivi nữa. Hiểu ra Inrasara chỉ nhà văn, không ghế cũng chả lương, anh chị em vẫn cho đó là danh vị sang cả. Thế nên, chặng đặng đừng, tôi buộc phải thu nhận bao “đổ thừa” ngổn ngang trăm mối tơ vò tin tức lẫn tâm tình mà bà con thương tín kí gởi, phải đáp lại bao hóc búa câu hỏi và cả đòi hỏi tưởng không bao giờ có nếu tôi dân Ca-mơ-run. Trong khi ở tận thẳm sâu, tôi thèm làm một thi sĩ vô danh phong phanh giữa trời đất.
“Tôi sợ phải có một tâm hồn cao thượng” – Một nhân vật Dos đã nói thế.
Tôi sợ phải làm thứ nhân vật quan trọng. Làm thứ anh hùng nào đó với tôi thì càng khiếp. Tôi muôn năm là trẻ con. Sẵn sàng rũ bỏ bao nhiêu gánh nặng để làm nhẹ mình, chối bỏ cả đống cái cũ kĩ để làm mới mình. Mới và nhẹ. Đời sống là nhẹ. Mọi hệ lụy nảy sinh từ đời sống cũng nhẹ nốt. Miễn là ta biết tưởng tượng.

Thử điểm danh qua vài nỗi…
Năm 2001, chuyến hành hương đầu tiên trong đời của hơn ba mươi sinh linh Chăm khởi từ Caklaing về miền đất hứa. Hồi hộp và tâm trạng. Xe gập ghềnh qua tháp Ppo Nưgar, tháp Nhạn, Dương Long… rồi dừng trạm chót là thánh địa Mĩ Sơn. Dân viết lách, họa sĩ, trí thức, thân hào nhân sĩ, nông dân đủ cả. Tội cái, tất cả không được cho vào ngủ đất thánh, “bởi lí do an ninh”. “Ổng chớ ai” – bà con biết. Nhớ là vị này cả chục năm ăn cơm Chăm. Họ quen biết ông và, ông cũng chẳng xa lạ gì họ. Chăm xử sự tình cảm là chính, nguyên tắc đâu mà nguyên tắc ở chốn sơn lâm héo hon này. Không ít người dỗi, đòi bỏ về. Một thất thố trỗi dậy trong hồn khiến họ như sụp đổ. Tôi với Hani từ Sài Gòn lên tàu lửa đến nơi sáng sớm hôm sau. Hiểu tâm trạng bà con với bao nỗi, tôi thử đánh bài trừ:
– Ờ, có lẽ cũng bởi lí do an ninh thật. Còn nếu nó không thật thì ta cứ tạm tưởng nó thế. Cho nó nhẹ, nó khỏe. “Cứ bớt tỉnh đi cho lòng được khỏe”. Thôi thì bà con cứ hồ hởi hân hưởng cho trọn cuộc hành hương đi. Lễ hội lễ nghi chính thống thì hãy để cho các ban bệ liệu, ta thì tìm đâu góc khuất hành lễ riêng ta, không thoải mái hơn sao? Chớ chuyện gì chuyện thì, hạ hồi phân giải. Còn ngại lễ riêng lẻ phá đám gây phân tâm phân hóa khách khứa ư? Thì ta đợi!
Và mấy chục sinh linh Chăm đã đợi thật. Hai giờ chiều, khi bên nớ vừa kết thúc, các đứa con của Đất tìm bóng cây cao, vắng, bày bánh trái ew Yang cúng Thần. Chục người đi lẻ và cả nhóm nghệ sĩ trong Đoàn Văn nghệ Chăm tỉnh Ninh Thuận vừa hát hò trả nợ cơm áo xong, cũng tách đoàn, nhập cuộc. Múa, hát, cầu nguyện. Đơn giản, tín thành. Rốt cùng, chuyến đi tưởng nặng trịch đã trở thành nhẹ nhõm và khoái hoạt hơn bao giờ(10).


* … vẫn cầu nguyện, tín thành và đầy xúc động.

Chuyện lịch Xakawi thì to.
Thiên Sanh Cảnh sinh thời có mỗi ước mơ: Thống nhất lịch Chăm bốn vùng. Khổ nỗi là ông nói đâu dẫn chứng rành mạch đó. Vâng, bác nói phải thì tụi em nghe. Cũng đãi cơm, cũng gật gù. Bác đi rồi, tụi em cứ nếp cũ mà hành sự. Thế là mạnh ai nấy làm. Mùa hè 1990, tôi ngắt nhỏ ông Mỗ, Hội trưởng Hội Bảo thọ Caklaing, “dễ ợt chú à”.
– Ừ, Trạm làm đi, phía sau có chú ủng hộ. – Ông nói.
Thế là tôi đạp xe qua chục làng mời [miệng] các chức sắc Cam Ahier khắp khu vực Ninh Phước về Caklaing, “hội nghị”. Câu đầu tiên tôi phát biểu khai mạc: “Tôi mù về Xakawi, bà con à. Ông Mỗ thì biết chút chút. Hôm nay mời các chú các bác về là…”. Chớ dại mà la lối om xòm lên ‘tôi biết tôi biết’, KO như bỡn. Thế là tại đó, giới chức sắc lẫn nhân sĩ hả lòng hả dạ, chỉ qua hơn giờ đồng hồ tâm tình. “Tâm tình” chứ không bàn cãi, thảo luận đầy tính khoa học gì ráo. Sau cuộc nhất trí đó, nhóm chuyên môn nhận sứ mệnh biên soạn lịch để đi vào miền trong thương thuyết theo tinh thần “tình cảm là chính”. Không phải em trúng hay bác trật đâu. Cánh Ma Lâm bác ăn Katê tháng 11, bên Tuy Phong tháng 9, thôi thì ta dồn về tháng 10 đi, ba bề bốn bên chịu xê qua xích lại xíu là manh chiếu bé tới đâu cũng đủ ấm. Mỗi thao tác giản đơn đó thôi, Xakawi từng là nỗi ám ảnh trí thức trăm năm qua ăn không vô cơm hwak o nau lisei, đã trùng khớp ngon lành.
Sự thể có nghiêm trọng tới đâu, ta nhìn nó nhẹ thì nó chợt nhẹ bổng.

Thêm phim bộ nhiều tập về Từ điển Chăm…
Sau Tết 1994, Từ điển Chăm – Việt đang diễn ra ngon trớn tại Trung tâm nghiên cứu Việt Nam – Đông Nam Á thuộc Đại học Tổng hợp TPHCM thì giám đốc Trung tâm kêu ngưng. Đồn rằng trình độ tiếng Chăm của tất tần tật Chăm chỉ mới lớp Ba, làm gì soạn nổi Từ điển. Dịch Aymonier, là đủ! Chân lí kia phát ra, khối người nghe và phục lăn. Tôi thì không. Phone hỏi Trà Vigia thì được yut cho hay yut suýt soát trình độ Tú tài, mà lại Tú tài lưu bang. Nói lưu bang bởi chả có trường nào cấp bằng. Thầy Lịch cả lo, không lo mới lạ. Bởi khắp phố gần quê xa, người người kẻ kẻ đều “chỉ trình độ lớp Ba”, không ai chối, thì sao mà mần ăn(11). Nội bộ Ban biên tập Từ điển thì sáu người bảy ý. Nghiêm trọng rồi!
– Dạ, chẳng có gì to chuyện đâu, thầy ạ. – Tôi nói.
Trung tâm cấp kì mở phiên họp. Với hai ông Kinh và bốn ông Chăm túm tụm trong căn phòng nhỏ gắn máy lạnh. Ở đó, tôi tập đặt câu với cụm từ bởi vì… cho nên…: Bởi vì chưa nắm vững tiếng Chăm cho nên vài thành viên bị ý kiến ngoài lề lung lạc. Không khí đột ngột trầm xuống như sắp có giặc chòm. Sáu cặp mắt nhìn nhau mà chẳng nói [Tình đôi ta vời vợi/ Có nói cũng không cùng]. Cuối cùng tiến sĩ Thành Phần chùn giọng: – Ngôn ngữ không phải chuyên môn của tôi. Tôi chỉ là ‘xâu đầu mối’ thôi.
[Thế rồi một buổi chiều], sau mười lăm phút đồng hồ nghe tôi thuyết pháp, phiên họp quyết: – Tiếp tục!
Vẫn chưa xong. Từ điển không thể ra lò nếu nó chưa qua nỗi giơ tay biểu quyết của nhân dân tiến bộ Chàm. Thế là non hai trăm trí thức cùng chức sắc Chăm có mặt ở Hội nghị góp ý Từ điển tại Phan Rang. Câu hỏi bay đến tới tấp vào buổi sáng khiến hội trường như vỡ tung. Cả Dharma ở đó với câu hỏi đinh đóng: “Tôi muốn hỏi Phú Trạm dựa vào tiêu chuẩn nào để xác minh chính tả tiếng Chăm”. “Thằng Trạm kì này ngoẻo rồi”. – Tin hành lang sau buổi cơm trưa là vậy. Vài người ghét “thằng Trạm mát” mặt tươi rói như bắt được vàng. Thầy Thế cả lo, không lo mới lạ. Sau khi đánh giấc trưa ngon lành, tôi như kẻ từ đất nẻ chui lên, vẫn bổn cũ soạn lại: “Không vấn đề gì lớn đâu, các bác các thầy ạ”. Mà không lớn thiệt. Chiều, mọi thắc mắc của bà con được tôi mở gút chỉ sau hơn tiếng đồng hồ thêm lẻ. Tháng sau, bộ Từ điển trẻ trung oe oe cất tiếng khóc chào đời. Hân hoan phơi phới.
Hãy học nhìn sự việc với đôi cánh của loài chim, – Ai đã nói thế?

Chuyện Tagalau 3 mới ác liệt.
Sau sự cố “Mĩ Sơn đường về”, biết là nhà thơ Nông Quốc Chấn và Hội VHNT các DTTS Việt Nam không đứng bảo lãnh theo diện “châm chế sắc tộc” nữa, cánh cửa nhiều nhà xuất bản đồng loạt ngán cái bản mặt vị khách không mời mà đến có tên Tagalau. He hé mở để rồi, “rồng đến nhà tôm, bác làm được như vậy là quý lắm, nhưng…”. Thế là bản thảo Tagalau 3 lưu lạc qua mấy nhà từ tháng 6-2002 hết Kate qua Tết Nguyên Đán sang Rija Nưgar rồi Kate 2003. Mãi sau tôi mới được chị trưởng Ban biên tập nhà nọ ghé tai cho hay có chỉ đạo [miệng] ngầm. Ừ, thì là chuyện hậu trường, thực hư ai mà mò được. Tôi chỉ biết bà con đang mỏi cổ chờ. Thiếu tiền ư? – Mạnh thường quân cho nè. Đồng Mỹ, đồng Việt Nam, đồng châu Âu. Lại hứa. Không ai hiểu tại sao. Tôi chạy qua Tantu mư-ung cầu cứu: – Chắc phải lặn lội ra Hà Nội quá, anh ơi. Tôi sẽ cầm theo bản thảo Tagalau 3 với thẻ Hội Nhà văn gặp riêng Hữu Thỉnh, đặt lên bàn ông chủ tịch lá bài “hoặc anh in Tagaglau, hoặc tôi trả lại anh cái thẻ”.
Cũng anh hùng chớ bộ! Có lẽ bản mặt tôi lúc đó méo chả kém khỉ bóc phải cứt gà, mắc cười hết biết, nên anh nhạc sĩ này mới chộp ngay cơ hội mà lên lớp: – Hehe… lần đầu tiên trong đời ông anh được thưởng thức sắc mặt thảm thương của thằng em. Nhưng huỡn đã. Này nhé, bỏ túi thẻ hội viên đã khó, có được vị thế như Trạm bây giờ càng khó hơn. Anh thấy Trạm thừa trình độ “mát” để giải bài toán này mà… Công án âm âm u u vậy mà làm tôi đốn ngộ.
Không ai có thể hát thay chúng ta
nơi đây và lúc này
cả hôm sau có lẽ
.
Không bay đi đâu gặp ai cả, tôi trụ Sài Gòn và chơi bài liều: Tăng trang, in màu cả bốn bìa và chung chi cho đầu nậu… chạy! Ông bà trời vẫn chưa chịu thôi chơi khăm. Đùng cái hơn mười triệu đồng quỹ Tagalau cất trong chiếc simsonine theo tay tài xế Taxi tham lam bay mất sau chuyến tháp tùng bà xã ra Đà Nẵng. Không ai có thể chạy thay tôi, tôi lại phải… chạy. Đã hết đâu. Nhà xuất bản kêu thay tên đổi họ Tagalau. Mỗi đứa con cần khai sinh tên riêng, chớ đứa nào đứa nấy đánh số như đường sá bên Mỹ vậy ngó hổng đẹp. – Dạ vâng. Vẫn chưa xong. Sách xuất lò mừng hết cỡ vội vội vàng vàng chuyển ra Phan Rang cho kịp phục vụ đồng bào đồng chí và các bạn, thì anh đầu nậu giữa trưa nắng hớt hải chạy qua nhà tôi kêu: “Thu lại, thu lại hết, anh ơi”. Phải có Inrasara chủ biên! Thế là chở về, nhập kho, xé và dán… mới thành ra Katê mới (Tagalau 3) – Chủ biên: Inrasara.
Hú vía! Tôi cười lên một tiếng rõ to rồi phóng xe qua quán A Sồi tự thưởng một chầu bia hơi cô độc. Đối thoại ngắn với một bạn thân ở Sài Gòn:

– Mầy chớ tưởng mình ngon, Tagalau chẳng có gì là ghê gớm lắm đâu.
– Không có gì ghê gớm còn đỡ, mình thấy nó chả là gì cả.
– Chả gì cả à? Mầy nghĩ thế thật à?
– Ừ… thì mình có nghĩ hay nói giả bao giờ đâu!
– Tao không hiểu quái mầy cả! Chả là gì sao mầy bỏ công sức hay tiền bạc ra làm?
– Đấy, mâu thuẫn và phi lí vậy đó. Cứ sống trọn vẹn với sự phi lí ấy đi, thì sẽ hiểu!

Thêm một chuyện nhí này nữa rồi… nghỉ.
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa nhận đơn thư phản biện Ban Biên soạn sách chữ Chăm dịch sai chữ nưgar. Sai cái gì thì còn sapa chứ sai ngữ này thì phiền to. “Người Chăm hiểu nưgar là “đất nước”, “quốc gia”. BBS dịch “miền núi” là nưgar cơk”. Dịch kiểu “phản động” vậy có mà về nhà nắm đuôi cày, nếu không muốn nói đứt bóng như chơi. Báo ra mấy kì rồi. Khắp buôn làng bản quán khỉ hú cú gào đã đọc nó rồi. Phone cho tôi sáng hôm đó, anh bạn đang chức to ở Bộ rất là tâm trạng. Tôi nói: – Ồ, chả vấn đề gì lớn lối đâu, anh à. Chả với không chả. Vẫn chưa thôi lo sau cú giật gót phản hồi ấy, nên khi xin tôi cái hẹn, anh vẫn còn giữ giọng trầm: – Tôi sẽ bay vào thành phố chiều nay, tối mình gặp nhau ở đâu cà phê đi. Ngồi quán cà phê sang trọng bờ Hồ Con Rùa chưa đầy mươi phút nghe tôi lập ngôn với đủ đầy tang chứng vật chứng, anh mới chịu bật lên một câu gọn lỏn: – À, thì ra thế.

Chẳng có gì trầm trọng cả! Cũng chả có gì ghê gớm để phải căng thẳng hay hầm hè nhau.
Rilke: “Dù làm gì đi nữa, vẫn luôn luôn giữ phong thái của kẻ sắp lên đường. Như chúng ta sống mà vẫn luôn luôn từ biệt”. Hay nói một cách chịu chơi như ông bà Chăm xưa:
Kuw nau sang kuw min juk phik
Klauh thun ikak, sang thei thei wơk
Ta về cố quận tình ơi
Chuyến buôn đã mãn, nhà ai nấy về
.
Vợ chồng đầu gối tay ấp mà đã thế, huống chi. Chuyến buôn mãn lúc nào không ai biết được. Về, anh hết còn Hani hay Jaka, Jaya, Jakha ở đó. Không còn Đạt Chữ với Đạt Ma, Trà Vigia hay Trượng Ngạt. Chế Đạt, Thành Phần với Quang Cẩn không còn… Hết còn Caklaing hay Pabblap, nói chi Ariya Glơng Anak hay Pauh Catwai để mà cãi vã nhau chí chóe tui đúng mi sai. Hết còn Tháp nắng quỷ khốc hay Lễ Tẩy trần tháng Tư thần sầu, bộ Văn học Chăm nặng trịch hay Chân dung Cát khoái hoạt không còn, ở đó. Về, có thể anh hết còn là Chăm, thậm chí – không còn làm người.

Tôi đang làm gì là gì
nhà thơ nhà nghiên cứu nhà kinh
doanh hay miếng giẻ rách. Kiếp trước
chắc chắn tôi là chim kiếp sau
làm loài ếch có lẽ kêu ồm
ộp ngoài mưa

… Tôi đang ở đâu có gì
lang bạt chiều Hội An Hà Nội
lạnh run đêm Kumamoto
chết đói đường phố Kandahar
tôi bay sương mù Đà Lạt

1957 tôi đẻ ở Phan Rang
năm 1257 tôi sinh tại Mĩ
Sơn ngày 20 tháng 9 đúng
bảy thế kỉ sau tôi ra đời
trong làng vô danh tận Brasil

Tôi không bay nữa tôi không
còn phải kêu ồm ộp nữa. Tôi
bước đi.

Có ai ở đó còn đòi nghiêm trọng nữa không?


* Có gì mà nghiêm trọng thế! (Tại Ban Biên soạn sách chữ Chăm) – Phan Rang 1984.

3. Đủ thứ chuyện trên đời
Tôi ít/ không mặn mà tham gia sinh hoạt đồng hương hay lễ hội Kate Chăm Sài Gòn (hai chục năm đúng ba bận ghé), không hiếm người cho tôi bất đồng với, hay thậm chí – chống ai đó. Mèng! Năm nào mà tôi chẳng ra sách? Niên khóa mới nào tôi chẳng có quà cho sinh viên? Năm 1996, tôi còn bỏ tiền túi ra mua Từ điển Việt – Chăm tặng nữa là. Kate đến hẹn là tôi thúc mấy đứa con dự cuộc. Rồi xeh tôi, các cháu họ ngoại họ nội tôi… Trời đất quỷ thần. Mà có ai để tôi chống cơ chứ?! Đối thoại ngắn:

– Hỏi thật có phải bất đồng với ai đó mà Sara không tham gia đồng hương Chăm…?
– Bồ muốn mình mỗi Kate là mỗi chạy đi ôm hôn thắm thiết anh Tơ, thầy Phần hay tiến sĩ Hẳn mới gọi là không bất đồng ư?
– Mình hỏi nghiêm túc mà…
– Thì mình cũng đang cực kì nghiêm chỉnh đây!
– Nhưng…
– Không nhưng không mà gì hết. Nè nhé: Tài, Cẩn, Đảo, Ngạt có phải yut Sara không?
– Ai cãi ông vụ đó đâu.
– Mình không dạy chữ Chăm cho anh chị em Sài Gòn, không nửa lần ghé thăm lớp học. Thế là mình bất đồng với các bạn thân mình chắc
?


* Và cả long trọng nữa (Anh chị em Chăm và Kinh Ninh Thuận tại Đại hội VHNT các DTTS VN) – 2006.

Hội hè, cái tôi hãi không gì cả mà là nỗi… họp hành. Họp hành thì phải có kính thưa.
Năm 2009, Công ty sách Bách Việt nhã ý mời tôi điều hành Giải thưởng Thơ tại Sài Gòn. Qua phone, tôi nhận tức thì chả ngán. Nhưng sau khi đọc văn bản, hiểu rằng ở trỏng tồn tại ít nhất năm bận kính thưa, thế là tôi… xin lỗi! Bởi lỡ hứa, tôi chuyền bóng ngay cho bạn thơ khá nổi tiếng đất Sài Gòn. May, anh hồ hởi nhận. Chiều hôm đó, ngồi dưới hội trường ngó lên, tôi không tưởng tượng nổi bộ mặt mình sẽ ra sao nữa, khi lên sân khấu diễn mấy vở kia.
Kính thưa thì cần xài đến giọng long trọng.
Dự Rija Nưgar Sài Gòn năm 2008, tôi đếm anh TP gióng lên xém chục lần cái kính thưa. Tôi đã phải bấm bụng để khỏi bật cười. Một bận ở Hà Nội, chuẩn bị cho buổi nói chuyện văn chương, tôi dặn tới dặn lui vị phó Giáo sư rằng khoản kính thưa xin miễn cho nhé. Vậy mà vào cuộc, ông bèn “kính thưa nhà thơ Inrasara”, với hai bận lặp lại. Ngồi hàng ghế danh dự, không nhịn được, tôi vỡ cười thành tiếng. Nửa hội trường cười theo. Dù sau đó tôi có tìm xin lỗi, ngài phó Giáo sư kia vẫn giận tôi đến bốn năm sau không chịu dòm mặt.
Ngoảnh lại phê và tự phê, tôi thấy mình cũng hơi… bậy. Dẫu sao họ cũng đáng thương. Đời nên nói lời cám ơn họ. Vì đời cần có họ ở vị trí đó để phát âm mấy từ, làm bao nhiêu cử chỉ và điệu bộ cần thiết. Như thế thì đời mới đa dạng, phong phú. Và vui.

Tôi rất ngại làm ai đó tổn thương. Gắng tránh tối đa môi trường xảy ra sự cố. Nhưng vốn cực ghét thói nịnh bợ, nên tránh thế nào vẫn bị tai nạn. Hôm anh em Chăm Sài Gòn lai rai với nhau, có vị quan hơi to mỗi lần gặp là mỗi lần khoe tiền. Nào là đôla gởi ngân hàng nước này nọ, nào là vừa đi chơi mát Thái Lan về… Ba bốn bận như vậy. Thế là tôi nổi “mát” lên, đại thể: – Thôi ngài vặn bớt volume đi cho bà con nhờ. Chớ tiền đâu ra nhiều thế nếu không là tham ô…
Về, buồn không biết đổ vào đâu.
Không phải mới đây mà từ xửa xưa rồi. Cũng không phải riêng với Chăm nữa…
Trích đoạn Chân dung Cát:

Ngài giáo sư Trần Hùng không phải kẻ dễ bị nốc-ao chỉ bằng một đòn, dù là đòn búa tạ. Ngài giành lại phong thái nhanh chóng ngay khi ngồi xuống hàng ghế đầu dành cho cử tọa thuộc lãnh đạo. Phong thái thành cấp số nhân lúc ngài được mời lên dãy bàn chủ tịch đoàn. Tôi tìm cho mình cái ghế ở hàng áp chót nơi cửa lớn để còn tiện ra ngoài gặp người quen tán dóc hay chỉ để thở không khí phi hội nghị, khi cần. Ngài giáo sư khá gay tôi thói đó. Từ trên dãy ghế chủ tịch đoàn liếc thấy tôi, ngài vẫn cố giữ khuôn mặt tỉnh bơ.
Vừa lúc ngài giáo sư lên bục gỗ có gắn ba cái micro đọc tham luận thì Hà Vân từ đâu trờ tới chiếm ngay ghế trống anh bạn cũ ở Phan Rí vừa bỏ lại để lên hàng trên.
– Ngồi cạnh anh nghe ngài mới khoái.
– Kính thưa các vị lãnh đạo, kính thưa Hội nghị… Giọng ngài giáo sư vang lên sang sảng rồi ngưng bặt.
– Giọng trời cho. Hà Vân bình luận.
– Đừng đùa. Chí ít ngài cũng không kính thưa anh Hai, anh Sáu đại cà sa như các vị nhà ta
”.

Tôi ủng bất kì Chăm nào làm và làm được điều gì đó cho cộng đồng. Cộng đồng nhỏ bé Chăm ở thành phố mênh mông này thì càng. Về chuyện đồng hương, từ đời anh Cửu Chi Tơ cho đến Thành Phần, tôi ủng cả vật chất lẫn tinh thần. Với sinh viên, tôi tặng sách. Tôi đã tặng ít nhất sáu ngàn bản sách các loại cho Chăm. Riêng Văn học Chăm – khái luậnAriya Cam – Trường ca Chăm, thì hơn ngàn bản. Còn đòi tôi ngồi họp thì, chịu.
Tôi phục sát những người biết… họp. Tôi rất chịu những người mắt nhìn thẳng cử tọa, phát âm “kính thưa” thật long trọng rồi nhìn xuống giấy rồi ngẩng lên “kính thưa”. Năm lần bảy lượt như thế. Tôi không tưởng tượng mình có thể làm nổi thao tác ngẩng lên – nhìn xuống vĩ đại đó. Tôi nghĩ các anh phải dày công tôi luyện ghê lắm. Từ cha sinh mẹ đẻ tôi đã vậy. Ở quê, tôi không đi daung yang giúp đám các loại. Cha nhắc, tôi mới đi. Đi, để đứng trơ ra đó mà ngó mọi người. Cha lại nhắc vở: – Ra phụ một tay làm kajang với mấy anh đi…
– Nhiều người làm rồi, cei à. Hay cei tìm cái nào không ai làm được để yăng làm đi…
Thế là tôi được miễn. Riết rồi dân Caklaing, người họ hàng Gơp Gađak cũng quen đi. Họ kêu: “thằng Trạm mát”, là thôi. Là xong.


* Không biết tại đây nhà thơ Inrasara có bị kính thưa không? (Tại Nhà Văn hóa Thanh niên – TPHCM) 2002.

Họp, hội nghị mà được xếp ngồi dãy bàn chủ tịch đoàn thì còn tàn canh hơn nữa.
Năm 2006, ông cậu họ lần đầu ra dự Đại hội Hội VHNT các Dân tộc Thiểu số Việt Nam tại Hà Nội, giờ giải lao, đã nói oang oang ở hành lang: – Nhìn lên Đoàn chủ tịch thấy nhà thơ Inrasara, ngó sang dãy ghế Thư kí đoàn là tiến sĩ Phú Văn Hẳn. Thế mới đáng mặt Chăm chứ!
Ôi, Jesus của tôi! Chiều hôm trước họp phiên nội bộ, khi biết mình không thể thoát, tôi đã phải chịu đau đầu ngón tay rút ví hơn nửa triệu Việt Nam đồng chạy ra chợ trời tậu cái vét cho kịp giờ đóng bộ, trong khi ở Sài Gòn tôi còn thừa hai bộ không biết cất vào đâu. Nhà nghiên cứu trẻ NQT liếc xéo tôi, nói nhỏ: – Ngồi trên đó em thấy anh làm thơ chớ gì đầu óc chú ý tí ti vào đại hội. Nói vậy là hơi oan. Tí ti thì có, vài phen thiên hạ thấy tôi hí hoáy viết tưởng nhà ta tập trung dữ dội lắm, chứ thực tình là tôi đang trả lời phỏng vấn [giấy] cho một tờ báo.
– Ừa, chớ chơi dại khai ra trên nghe được dám bị kiểm điểm lắm.

Mùa xuân 2010, lang thang lên Tây Ninh gặp bạn thơ KC. Tôi dặn kĩ: – Chỉ anh em mình và vài bạn thơ nữa thôi, nhé. Hứa hẹn với nhau đủ điều, vậy mà ngay buổi chiều đã phải ngồi Câu lạc bộ Thơ Người cao tuổi. Ừa thì được đi, khi không phải phát biểu cảm tưởng. Kẹt là tối Nguyên tiêu, tôi bị mời lên hàng ghế đầu, kèm cặp hai bên là chủ tịch Hội với quan đầu tỉnh. Trong khi tôi thèm ngồi đâu góc khuất để nhìn toàn cảnh đêm thơ mà nhâm nhi tiếng thơ đất lạ. Chưa hết, anh bạn thơ QV moi đâu ra cái chức để mà hô to: – Hân hạnh với sự có mặt của nhà thơ Inrasara, Ủy viên BCH Hội VHNT các DTTS Việt Nam, Trưởng Ban Lí luận phê bình
Bạn bè yêu nhau thế, là cùng.

Phi nghiêm cẩn với giải trung tâm hậu hiện đại, chữ nghĩa sách vở thì vậy, chứ thật ra nó rất ư đơn giản. Khi bạn không nghiêm trọng hóa là được. Khi bạn không coi ghế kia là cao để vênh mặt, chẳng xem chức nọ là to mà ưỡn bụng, hoặc danh vị này là lớn để vỗ cái ngực lép ta đây với bà con hàng xóm. Là xong. Là đã hậu hiện đại rồi.
Chủ trì Bàn tròn Văn chương, tôi giải trung tâm ngay ở bố trí bàn ghế. Ngoài kì bảy [cũng là một kiểu tai nạn], đố đồng bào nào lạc vào Bàn tròn mà phân biệt đâu là “ngài” chủ trì đâu là các con tốt một chiều ngồi nghe. Chủ trì không thuyết, mà chỉ gợi ý, gợi hứng và khi cần, – cắt. Nên suốt bảy kì, hiếm có anh chị nào bỏ cuộc dở chừng, chưa nói số lượng người dự ngày càng đông vui. Ở đó không ai là chủ chẳng ai là khách, không ai lên giọng chỉ bảo ai…
Szymborska thấm đòn hơn anh chị em ta đây nhiều lắm. Hãy nghe bà tự trào với đùa nghịch cánh đồng nghiệp mình ngay ở phần đầu diễn từ buổi nhận giải thưởng danh giá này:

Nhà thơ thời nay thường bi quan và thậm chí còn nghi ngờ, có thể trước hết là đối với chính bản thân mình. Trước đám đông, người ta không muốn tuyên bố mình là nhà thơ, tựa hồ như hơi ngượng ngùng vì điều đó… Trong những bản điều tra khác nhau hoặc trong những cuộc trò chuyện tình cờ với mọi người, khi nhà thơ buộc phải xác định công việc của mình họ thường nêu một cách chung chung “nhà văn” hoặc kể thêm một thứ việc làm thêm nào đó. Các viên chức, các hành khách trên xe ô tô buýt khi biết mình đang đối mặt với nhà thơ thường tỏ ra nghi ngờ, e ngại. Tôi đồ rằng nhà triết học cũng gây ra một phản ứng tương tự. Nhưng nhà triết học còn ở trong tình thế khả dĩ hơn bởi thường có thêm một hàm vị khoa học. Giáo sư triết học, nghe vậy đã có vẻ quan trọng hơn nhiều”(12).

Lợn cợn thế, có ai còn hứng thú đi kính thưa nhà thơ nữa không? Kính thưa giáo sư, kính thưa tiến sĩ… thì hẳn rồi. Trót lọt. Người ta cũng có thể kính thưa nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, Bộ trưởng Bộ… kính thưa nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội… Nghĩa là phải có cái gì đó kha khá, xinh xinh đính kèm. Chớ kính thưa nhà thơ Inrasara trống không, thì kì chết!
Thế mới có tiết mục: Phó Chủ tịch Hội đồng
Nói nhỏ chứ, nhận tin báo, tâm hồn tôi cũng có cục cựa hiu hiu lên tí xíu. Dù trước đó tôi kém mặn mà, và không ít lần đánh tiếng khắp nơi rằng em chả em chả. Nhưng đã bỏ túi cái thẻ, tôi nghiêm chỉnh chấp hành. Tin nhắn, điện thoại bay tới tấp. Có thể tóm: “Rất hãnh diện, chúc mừng anh!”. “Rất công bằng và xứng đáng”. “Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam còn chưa làm hư nổi Sara, huống hồ phó Chủ tịch Hội đồng Thơ”. “Khổ thế chứ! Xin chia buồn cùng ngài tân phó Chủ tịch”…
Nghĩa là tôi lại phải nghĩ cách đối phó với mấy nỗi kính thưa đầy long trọng hơn ở thì tương lai. Tôi cần luyện tập thêm ngón “ngẩng lên – nhìn xuống” để đáp ứng với tình thế bắt buộc. Bàn tròn Văn chương, chưa có ai phải kính thưa… tôi. Nói chuyện với sinh viên, yêu cầu đầu tiên của tôi là: Miễn kêu Inrasara bằng “thầy”. Lên diễn đàn, tôi “kính thưa quý đại biểu” hay “kính thưa hội nghị, các bạn thân mến” là xong thủ tục. Nghĩa là tôi thiếu kinh nghiệm nghiêm trọng. Còn từ rày trở đi, đường đường là quan thơ, nếu người thiên hạ có “Kính thưa nhà thơ Inrasara, Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam”… Thì tôi hết đàng thoát?
Bà con có bí kíp gì không, mách cho “ngài” Inrasara với.
Xin hậu tạ.
Sài Gòn, 12-11-2010.

*
Chú thích:
(9) Hàng mã kí ức, tiểu thuyết, đang in.
(10) Xem Trà Vigia, “Mĩ Sơn đường về”, Tagalau 2, 2001.
(11) Không cãi, chớ nghĩ Chăm khờ. Chuyện “trình độ tiếng Chăm lớp Ba” thì không cãi là đúng rồi. Bởi người Chăm thập niên 50 trở đi được học chữ mẹ đẻ, năm đực năm cái gì cũng tạm đến lớp Năm. Thế nên, ví thầy có dở hay trò có kém tới đâu, cộng trừ chia đôi cũng được lớp Ba. Riêng ông Nguyễn Thành Thống (xem Inrasara.com, 9-2009) khẳng định Chăm trình độ tiếng Chăm “bình dân học dzụ”, thì Chăm cãi phải biết. Bởi xưa giờ Chăm chưa hề mở lớp dạng này. Còn tầm như Jaya Hamu Tanran hay Thuận Văn Liêm từng đào tạo hơn trăm học viên, viết tiếng Chăm không sai chánh tả, làm non trăm bài thơ từ khá trở lên thì – không dám tự nổ như Trà – ít ra cũng trình độ lớp… Chín!
(12) Các nhà thơ Giải Nobel, “Diễn từ”, Tạ Minh Châu dịch, NXB Lao Động, H., 2007, tr. 911-912.

5 thoughts on “Thằng Trạm mát

  1. Vẫn chưa xong. Từ điển không thể ra lò nếu nó chưa qua nỗi giơ tay biểu quyết của nhân dân tiến bộ Chàm. Thế là non hai trăm trí thức cùng chức sắc Chăm có mặt ở Hội nghị góp ý Từ điển tại Phan Rang. Câu hỏi bay đến tới tấp vào buổi sáng khiến hội trường như vỡ tung. Cả Dharma ở đó với câu hỏi đinh đóng: “Tôi muốn hỏi Phú Trạm dựa vào tiêu chuẩn nào để xác minh chính tả tiếng Chăm”. “Thằng Trạm kì này ngoẻo rồi”. – Tin hành lang sau buổi cơm trưa là vậy. Vài người ghét “thằng Trạm mát” mặt tươi rói như bắt được vàng. Thầy Thế cả lo, không lo mới lạ. Sau khi đánh giấc trưa ngon lành, tôi như kẻ từ đất nẻ chui lên, vẫn bổn cũ soạn lại: “Không vấn đề gì lớn đâu, các bác các thầy ạ”. Mà không lớn thiệt. Chiều, mọi thắc mắc của bà con được tôi mở gút chỉ sau hơn tiếng đồng hồ thêm lẻ. Tháng sau, bộ Từ điển trẻ trung oe oe cất tiếng khóc chào đời. Hân hoan phơi phới.
    Hãy học nhìn sự việc với đôi cánh của loài chim, – Ai đã nói thế?

    Chú Sara kể chiện zui wá!

  2. Nhà thơ Inra có vẻ trào lộng với “nỗi kính thưa” nhỉ!
    Bình thường thôi mà, như anh đã từng nói: “yêu phận và nhận mệnh”, nếu đời sống cho anh thêm những món quá…long trọng thì càng vui chớ sao!
    Phải không, kính thưa nhà thơ Inrasara, PCT.HĐT của tôi?

  3. Tui chúa ghét những người kính thưa mà cứ tưởng mình quan trọng lắm. Đứng ưỡn ngực nhìn quanh xem có ai thấy mình đang kính thưa không? Có lẽ anh Inra nói đùa nghịch về hạng người này. Tội nghiệp hơn nữa, là sau chục lần kính thưa thì hết chuyện: lời lẽ sau đó trống rỗng.

  4. “Đối thoại ngắn:
    – Hỏi thật có phải bất đồng với ai đó mà Sara không tham gia đồng hương Chăm…?
    – Bồ muốn mình mỗi Kate là mỗi chạy đi ôm hôn thắm thiết anh Tơ, thầy Phần hay tiến sĩ Hẳn mới gọi là không bất đồng ư?
    – Mình hỏi nghiêm túc mà…
    – Thì mình cũng đang cực kì nghiêm chỉnh đây!
    – Nhưng…
    – Không nhưng không mà gì hết. Nè nhé: Tài, Cẩn, Đảo, Ngạt có phải yut Sara không?
    – Ai cãi ông vụ đó đâu.
    – Mình không dạy chữ Chăm cho anh chị em Sài Gòn, không nửa lần ghé thăm lớp học. Thế là mình bất đồng với các bạn thân mình chắc?”

    Ní nuận như dzậy thì đố ai mà cãi? Đúng là giọng văn của nhà phê bình Inrasara.

  5. Bài nhà thơ viết hay, hấp dẫn. Tôi đọc một lèo là hết. Hết cả 2 phần.
    Đúng cả. Mọi nhân vật còn sống. Và tôi tin nhà thơ thành thật. Thành thật quá đến thành sai. Sai duy nhất ở chỗ “kính thưa”. Đây là lễ không thể bỏ, dân tộc nào cũng vậy mà. Ông phó GS kia giận là phải. Nếu là tôi tôi phải giận tối mắt. Dĩ nhiên trừ cái ông kính thưa nịnh bợ đến chục lần.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *