Loạt tút về “cải cách phong tục tập quán” Cham, đa phần biểu đồng tình cạnh đó lác đác vài ý kiến khác, riêng ý kiến của 1 bạn sáng nay rất lạ, cần đến một giải minh sớm, không khéo để lâu cứt trâu hóa bùn. 3 ý chính:
[1] “bọn dốt quá nhiều”
Bạn viết: “cải tiến phong tục lúc này là tự chuốc lấy cái chết bởi vì bạn đang chiến đấu với bọn dốt, khổ nỗi hiện nay bọn dốt có quá nhiều”.
Tôi chưa hề phê bình hay chê bai bất kì chức sắc nào, dù họ có sai tới đâu. Tại sao như thế, tôi đã giải thích vài lần, nay tóm:
Yếu tố lịch sử, văn bản bị thất lạc, tam sao thất bổn từ đó việc hành đạo bị lệch hướng. Trong gia đình dòng dõi, các đứa con ưu tú nhất học làm bác sĩ, kĩ sư, ít ai muốn làm chức sắc. Sinh hoạt tôn giáo hôm nay khá chểnh mảng, ngày xưa vào giờ rỗi các vị ngồi lại ‘pacoh xakarai’, nay họ làm nhiều việc ngoài lề.
Tôi đã giúp giải quyết vấn đề thế nào? – San định kinh sách Cham cổ [đã xong 3 bộ], để các vị làm chuẩn và thống nhất hơn. Khi có vấn đề tôi đến gặp các vị để bàn bạc cho ra lẽ, chứ không nói sau lưng.
[2] “đừng bận tâm gì đến tôn giáo hay tập tục gì cả”
Sai! Cộng đồng nào bất kì đều cần đến tôn giáo, từ xa xưa cho đến tận thế. Không tôn giáo này cũng tín ngưỡng nọ. Về Tôn giáo Ahiêr Awal tôi nhiều lần chỉ ra đó là tôn giáo Dân tộc, Hòa bình và Nhân vân.
Xã hội Cham bao nhiêu năm qua xoay quanh tôn giáo và phong tục tập quán, dù bạn không chấp nhận cũng không thể tránh. Càng né tránh nó càng tác động tiêu cực đến bạn. Không phải gia đình bạn cũng anh chị em, bà con dòng họ bạn, tất cả. Bạn sống trong môi trường đó, không thể không chịu bị ảnh hưởng bởi nó.
[3] “Giúp đỡ thế hệ trẻ học tốt… để tiêu diệt tôn giáo”!
Bạn viết nguyên văn: “cách hay nhất là đầu tư giúp đỡ thế trẻ học tập có chất lượng. Đó chính là cách để tiêu diệt tôn giáo với phong tục lạc hậu hiện nay”.
Đây là ý kiến hơi bị… pro!
– Thời hiện đại, thế hệ “trí thức” Cham thứ nhất là thời chú Dương Tấn Thi, thầy Nguyễn Văn Tỷ, thầy Lưu Quang Sang… [trường Tây chớ chẳng đùa] không ai không ưu tư đến việc cải cách phong tục tập quán Cham.
– Bước sang thế hệ thứ hai lúc này tuổi đã lên hàng ông bà, Trường Pô-Klong với quý thầy Thành Phú Bá, Lưu Quang Sang, Nguyễn Văn Tỷ, Từ Công Phú… “đào tạo” rất bài bản cả một giàn trí thức ngon lành. Các anh chị cũng ước mơ thay đổi phần lạc hậu của tập tục Cham.
– Hai thập niên qua, trí thức Cham [nhà văn, Tiến sĩ, nhà nghiên cứu…] cùng các vị chức sắc đã làm được rất nhiều. Bên Awal, việc xây toilet trong khuôn viên Sang Mưgik là một cách mạng nhận thức. Bên Ahiêr còn nhiều hơn nữa, tôi đã kể.
Tóm, ba thế hệ này phần nào đã giải quyết được phần “lạc hậu, lỗi thời” của phong tục tập quán Cham, giúp cộng đồng Cham tiến bộ. Chú ý, họ là những người hiểu biết, đầy trách nhiệm, họ cải cách từ từ, chớ tuyệt không một ai muốn “tiêu diệt tôn giáo” dân tộc cả!
Nữa, bởi bạn kêu “bọn dốt quá nhiều”, thế nên tôi mới hỏi: Bạn là ai, đã làm được gì [trong tiến trình cải cách đó] cho Cham chưa, mà chê người ta tệ thế? Nếu giỏi, bạn hãy đưa ra biện pháp nào hay đi cho bà con học tập, sao lại muốn “tiêu diệt tôn giáo” dân tộc!
Và, có thể tiêu diệt được không?