Sống triết lí Cham-25. BÀ TỔ LÀNG CHAM, SỰ HỌC & TIỀN

Nếu đàn ông Cham học là học về vũ trụ, về siêu hình, về con người [trong gia huấn ca dành cho nam Ariya Patauw Adat Likei], hay học về những gì “không bỏ vào nồi cơm” được [truyện cổ “Đi tìm học bán vợ”], thì người nữ Cham được đào tạo theo hướng khác – rất ư là thực tế.

Lược lại vài điểm chính Muk Thruh Palei dạy người nữ Cham:

Để chuẩn bị vào đời, em cần học sớm, để lớn lên lấy chồng, quản lí gia đình. Học gì?

– Nội trợ, dệt may, buôn bán, vân vân. Cạnh đó còn “học ăn, học nói, học gói, học mở”, học tất.

Khi còn nghèo, em phải làm thật, để thoát nghèo. Thế nào là nghèo?

– Thiếu thốn, cơ cực là nghèo đã đành; cả khi tưởng no đủ mà mới bị hoạn nạn ta rơi ngay vào thiếu thốn, cơ cực cũng là nghèo tiềm năng. Vậy vấn đề tiết kiệm, quản lí – không chỉ việc chi tiêu, mà còn nhiều thứ khác – cần được đặt lên hàng đầu [đã kể ở “Sống triết lí Cham-24”].

Thế mới giàu bền vững.

Giàu, em được gì và làm gì, là câu hỏi tiếp theo.

– Được người đời “đếm tới”, “làm sang mặt chồng”, và có cơ hội giúp người khi họ hoạn nạn. Giàu, chồng em an tâm dự vào những cuộc chiến khốc liệt khác, ở ngoài kia.

P.S.

[1] trích: “Nỗi Cham-9. Triết lý căn bản về tiền & cách kiếm tiền”, Inrasara.com: 9-2024:

Nhiều tiền, để làm gì?

Câu hỏi cần đặt ra trước tiên: Muốn thành, bạn phải bám kế hoạch, chớ không thể tùy hứng. Hỏi chớ làm việc theo kế hoạch có mất tự do? – Có, nhưng đó là thứ tự do bé nhỏ và nhất thời, còn thì bạn đạt TỰ DO lớn, và dài hạn!

Tiền hỗ trợ sức khỏe, khi không bị bệnh tật níu kéo, bạn tự do. Có kế hoạch, không nô lệ vào tính tùy tiện, bạn tự do. Có tiền, không phải lệ thuộc vào ai khác, bạn tự do. Khi có tự do, bạn có NIỀM VUI.

Cuối cùng có tiền, bạn có thời gian làm công trình phục vụ cộng đồng, bạn có điều kiện hỗ trợ đồng nghiệp và xã hội. Có tiền, bạn khỏi làm phiền ai khi về già.

[2] Tôi hay nói đùa, đàn ông Cham được trang bị ‘Akhar’ vũ khí tri thức. Một ngày nào đó, khi vũ khí bạn cùn nhụt không thể xài nữa, bạn chết đi là vừa.

Thế nên, tiền làm được, tôi giao hết cho Hani chỉ chừa một ít để tiêu, mà nhu cần chi tiêu của tôi chả là bao. Khi kết thúc giai đoạn chủ hộ, 55 tuổi, tôi giao hết tài sản cho vợ con, bước vào giai đoạn-3 của đời đạo sĩ Bà-la-môn. Rất đúng bài!

Lời dạy của Muk Thruh Palei, mấy trăm năm qua vẫn còn là thời sự. Dù ở đó có vài miếng hơi lỗi thời, tôi vẫn quyết sống nó. Tôi có sai không, không biết, dẫu sao nếu có sai đó là cái sai cần thiết.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *