Sống Triết lí Cham-8. YÊU NỖI CÔ ĐƠN

“Cô đơn” có mặt từ rất sớm trong thơ tôi, sau đó trở đi trở lại nhiều lần. Năm 1982, ở “Bàn chân, con đường, bóng tối”:

Bao giờ?

trút gánh nặng xuống – lên đường

con đường băng qua buổi chiều những thời đại

gặp gỡ người tình nhân: cô đơn

Năm 1984, là bài thơ “Trên bước chân cô độc”.

Quê hương xa và xa

người bạn bè mất lửa

hôm nay còn mình ta

ôm con đường – đóng cửa

Và…

Sống là tương giao, với con người, với miền đất, với ý tưởng. Tương giao càng nhiều thì đời ta càng được nhân lên, mở rộng ra – phong phú và thú vị – Cendrars nói thế. Tôi thêm: tương giao với cô đơn của ta nữa.

Để ta nhìn sâu vào lòng mình qua đáp ứng với ba [3] nỗi kia, truy vấn và “đọc” lại mình. Chính là sống triết lí.

Như ẩn sĩ cô đơn yêu thương không cần nước mắt

sẵn lòng cho nụ cười khinh bạc của lùm cỏ dại hay cụm mây hoang”.

(“Sinh nhật cây xương rồng”-1997)

Còn hơn là ẩn sĩ cô đơn, ta làm tình nhân của nỗi Cô đơn, mặc bao hồ nghi hay cười nhạo. Nghĩa là sẵn sàng sống ngược đời!

Ngay từ tuổi hiểu biết, tôi là kẻ hoạt động xã hội xông xáo. Dẫu “hết mình & tới cùng” tới đâu, xong vụ, tôi trở lại với quê hương tôi: Cô đơn.

Không còn ai, dù không còn ai

cuộc trần gian – người đời hân hưởng

ta chối từ ta để ta được là ta

cô đơn, cô đơn

trên miền cao tư tưởng”.

Hơn thế, dám cô đơn đầy cá biệt. Vài năm qua nhiều sự kiện lớn ở Chakleng xảy ra, dù cách phòng tôi ở mất nửa phút đi bộ, tôi không hay không biết. Không một cách đáng phiền.

Nguyên do, bởi đó là kì gian tôi ngụ sâu trong miền quê hương CÔ ĐƠN.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *