Sống Triết lí Cham-2. VIẾT TRIẾT LÍ CHAM THẾ NÀO?

[1] Cham có từ ‘xakarai’ “triết lí”. Quý ông Cham nói ‘pacoh/ pacôh xakarai’. ‘Pacôh xakarai’: bàn luận nhuyễn triết học, ‘pacoh xakarai’: đấu, tranh luận triết học. Chứng tỏ Cham có triết lí, hệ quả từ sự ra đời sớm của chữ viết Cham ở thế kỉ IV.   

Nhưng rồi từ sau 1975, truyền thống ‘pacoh/ pacôh xakarai’ ấy không còn nữa. Trong đời thường và cả trong lễ lạt các loại.

Công trình Minh triết Cham [Nhà xuất bản Tri thức in lần 4 năm 2024], tôi xem minh triết như là những mảnh “trí khôn sáng dân gian” được cóp nhặt và trình bày đơn lẻ. Hôm nay, tôi kết nối chúng lại thành hệ thống, để làm nên Triết lí/ triết học Cham.

Thể hiện thế nào, khi Cham đã đứt mạch triết lí?

[2] Lịch sử triết học phương Tây có bề dày và liên tục, viết theo kiểu cổ điển như Hegel hay Kant, ai theo dõi hành trình triết học đều có thể nắm bắt dễ dàng. Từ thuật ngữ, đến cách trình bày.

Qua thế kỉ XIX, Kierkegaard làm khác, viết triết lí như một nhà văn; còn Nietzsche, như một thi sĩ. Sartre trở lại lối trình bày hệ thống, dù văn triết của tay tổ Hiện sinh này khá cuốn hút, vẫn khó lôi kéo độc giả không chuyên ở lại đến trang cuối.

Thú thật, đến hôm nay tôi vẫn chưa đọc xong L’Être et le Néant. Thuở sinh viên, không đủ tiền mua bản chữ to, đành cầm về loại “Livre de Poche” chữ nhỏ, đến 3 lần cày vẫn không xong.

Ainsi parlait Zarathoustra của Nietzsche thì khác, có thể lật bất kì chương hay trang nào cũng hấp dẫn.  

[3] Triết lí Cham, cần viết thế nào? – Như một kẻ kể chuyện!

Văn bản luân lạc, thất tán khắp nơi, thế nên qua quan sát sinh hoạt Cham và chỉ từ mảnh chuyện thực ở đời thường, ta mới có thể suy diễn/ luận để làm bật lên một mệnh đề triết học. 3 ví dụ:

– Tên một bài kinh Agal: “Baic Bramdhwa”, Cham đọc nhưng không ai hiểu nghĩa, tôi đối chiếu, suy luận ngôn ngữ học = Brahma+dhwa: Con đường đến Brahma Thiên giới.

– Bà mẹ Cham kêu: ‘Lingik tathik lơy’ “Trời biển ơi”, ít ai chú ý, riêng tôi suy nghiệm để phát kiến chủ đề lớn: Hải sử & văn hóa biển Cham.  

– Một câu trong Bài Doh Pamrơ trong Đám tang Cham: ‘Bhumi ô papleh hu di Jơk’ các vị tụng nhưng chả ai chú ý, tôi: Phát hiện một thâm ý rất cao sâu của người đi trước.

Vân vân. Tất cả chúng là câu chuyện kể, trong đó không thiếu nhân vật TÔI.

Không lạ khi người đọc thấy TÔI có mặt ở khắp mọi trang viết. Tôi kể câu chuyện tôi trải và suy nghiệm, chuyện người thân quen qua cách phản ứng của họ trước vấn đề, kết nối với các mảnh vụn văn bản sót lại từ “mốc bụi dĩ vãng”. Chuyện, cần THẬT, phải được kể ngay sinh thời của nhân vật, để dễ đối sánh hay bổ sung, sửa sai.

[4] Ví dụ, đoạn kết của tút hôm qua “Sống Triết lí Cham-1”, sau KỂ, tôi viết:

“Trong gia đình, tôi cho Hani toàn quyền “quyết” nhiều món nữa, rốt cục, Hani “thua” toàn tập! Riêng cuộc chiến xã hội là mảnh đất tôi tung hoành, nàng không [thể/ được quyền] nhúng tay vào – và tôi thênh thênh”.

Không phải phê bình – ai dám phê bà xã cơ chứ, chê không giải quyết được gì cả – mà là chuyện thật. Kể thật nhằm đặt ra một vấn đề lớn trong sinh hoạt xã hội Cham lâu nay bị quý ông Cham than phiền, rằng:

Chế độ gia đình Mẫu hệ Cham có còn hợp thời?

Người nữ có làm nên chuyện không, khi “chất trụ” giao toàn quyền cho nàng cai quản, như Sara đã?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *