Tút Hani-5. Tôi có ghi chú ở cuối:
“Về kêu gọi giúp cá nhân… Riêng Hani, nàng có nhiều ơn ích với Cham, tạm mạo muội: Các anh chị, bà con, bằng hữu có lòng, đưa cho…”
Ý vài cháu cho là “không cần thiết đâu cei, gia đình lo được mà, khéo người ta nói mình xin”. Các cháu nghĩ vậy là rất tốt, chứng tỏ không tham. Thế nhưng tôi nói ở vị thế khác.
[1] Tôi là Luận sư luôn nhìn toàn cảnh sinh hoạt tinh thần Cham.
Thế nên dù là người trong cuộc, tôi đặt mình ra NGOÀI, nói không phải cho mình, mà cho CHUNG. Tại sao?
Viết về Hani, tôi muốn nhắc mọi người về LÒNG BIẾT ƠN kẻ có công với cộng đồng. Để người đi sau còn hứng thú làm thiện nguyện, không thì sẽ có kẻ nghĩ: Giúp đời mà chi, đến khi mình thất thế, có ai quan tâm đâu!
Tôi đã đụng khối trường hợp kiểu ấy. Còn xin giúp, tôi chưa bao giờ, có chăng – là cho chung.
[2] Tôi là nhà văn kể câu chuyện Cham
Đã viết về 48 nhân vật Cham cận và hiện đại [xem URANG CHAM trên website Inrasara], ca tụng công ơn của họ, dù chỉ là đóng góp nhỏ, nhưng rất đáng kể ra – với Cham. Nhiều tay vỗ nên bộp, tất cả cùng giúp Cham sống sót!
Như Ông Klơng Thân tôi, mọi vấn đề Cham, các cụ thời ấy đều nhờ ông trình với trên. Hành động vô tăm tích đó, ai khác có thể không nhớ, nhà văn thì không được quyền quên.
Hay như anh Đàng Năng Trốn, đã đấu tranh cho Đồng Xoài thuộc về Chakleng, cạnh đó anh là người đầu tiên kéo điện về làng, cho dù một năm sau đó Nhà nước làm tốt hơn. Công anh “thắp sáng” Chakleng cả năm ròng, khi lâm trọng bệnh, hỏi có ai nhớ đến? Riêng tôi: đưa vào “hồ sơ” nhà văn.
[3] Vừa qua đám tang dì Hani, một chú trách “chị Trụ mà biết đến ai”!
Nguyên do đơn giản: Hani không về dự đám, trong khi nàng đang thoi thóp trên giường bệnh tại Sài Gòn! Đa phần con người CHỈ BIẾT CÓ MÌNH, ngoài ra không ai khác. Tôi hỏi:
– Chú nó có biết chị Trụ đã giúp Cham xêm xêm 2 tỉ không? Không nói xa, chú có biết chị Trụ đã giúp mẹ và chị ruột chú cả triệu lúc bà còn sống không?
Thế đó, không biết mà cứ nói, chả cần biết nó có làm tổn thương ai không.
[4] Còn phần tôi ư?
Dễ lắm, dù công lớn với cộng đồng tới đâu, tôi vẫn có cách riêng, không phiền ai bất kì. Tôi rút kinh nghiệm từ loài… chó, qua quan sát ít nhất 3 con.
Loài này khi già yếu hay bệnh hoạn, biết mình sắp lìa đời, nó bỏ nhà đi, chạy thật sâu vào rừng – không ai biết, không ai thấy. Nó nằm chết nơi khuất, xa rất xa, hầu tránh một điều duy nhất: Không cho người đời rủa “đồ chó chết”.
Sinh linh Cham nào muốn ứng dụng bài học này, phải là một Luận sư, giải minh rành rẽ 4 loài Kinh: Kinh lễ, Kinh tụng, Kinh rừng và Kinh triết lí.
Jalau Anưk có thể không?
Không phải giải minh của kẻ đa văn quảng kiến, mà thầm nhuần tinh thần buông xả theo thể điệu “phong phanh giữa trời đất” – giai đoạn cuối của một đạo sĩ Bà-la-môn.
Mai sau xuống ngựa cuồng ca
Phủi tay ném hết ngọc ngà trên yên (Phạm Thiên Thư)