Chuyện tươi Katê-13. 13 TỪ KHÓA CHO NGƯỜI KHỞI NGHIỆP LÀM ĂN

Sáng, sau hội thảo ở Nha Trang, Thu Thủy qua đèo tôi ghé quán Cà-phê nhỏ, xinh gặp cô chủ nhỏ nhắn, xinh xắn đang khởi nghiệp bằng nghề nhỏ, xinh không kém. Sau cà-phê, hai bạn còn đãi tôi bữa cơm chay thật ngọt lành nữa.

Qua câu chuyện không đầu đuôi, cô chủ chú tâm đến mấy “từ khóa”, các từ khóa có thể mở cửa thành tựu, lĩnh vực nào đó. Ừ, thì qua làm thật trong đời thực của tôi, tạm nêu 13 TỪ như là quà tặng người bạn mới: Hải Ly.   

[1] Thói đời cho rằng không biết nói dối không buôn bán được, tôi: Buôn bán, bạn không được quyền nói dối.

– Là châm ngôn đầu tiên, khi tôi mở quán Tạp hóa ở quê 1991.

[2] Thổ cẩm là hàng mỹ nghệ, chỉ bán cho người giàu ta mới giàu, người càng giàu càng tốt.

– Chân lí rút ra sau thất bại te tua từ miền Tây về-1990.

[3] Khi không còn cải cách nữa, ta ngưng. Trong sản xuất kinh doanh, không tiến ắt lùi.

– Kinh  nghiệm khi tôi rời bỏ Cty TNHH Thổ cẩm Cham 2005, Cty không sáng tạo thêm cái mới nào nữa.

[4] Giám đốc là không được quyền làm. Mỗi tuần mẹ nó cứ vào Quận 1 ngồi cà-phê sang nhất cho anh. Không để làm gì cả, chỉ ngồi thôi.

– Lời khuyên khi Hani mãi cắm cúi ngồi “làm thổ cẩm” với thợ. Nàng nghe lời vài lần rồi thôi, tiếp tục… làm.

[5] Bán tạp hóa ở quê hay làm thơ cũng phải nghiên cứu.

– Khi thấy quá nhiều sinh linh khởi nghiệp ngó dữ dằn mà lại bỏ qua điều kiện tiên quyết này.

[6] Làm giàu dễ, nghiên cứu khó, phê bình khó hơn, làm thơ khó nhất; vậy mà khối bạn trẻ đổ xô làm thơ.

– Phát ngôn lặp lại nhiều lần, khi thấy nhiều quán ở quê mở rồi đóng. Còn chốn chữ nghĩa, nhiều bạn rượu vào là thơ ra, lại là thơ… dở.

[7] Đến lúc này các bạn trẻ Cham vẫn chưa học được Triết lí tiền lẻ của Ông Malâm trong Chân dung Cát-2006.

[8] Làm và vui, làm là vui – đó chính là chơi ở cấp độ thượng thừa. Chàm, hãy làm thiệt như Inrasara, và chơi thiệt như Chế Linh.

– Nghịch câu thơ Trà Vigia: “Chàm tôi làm là làm chơi, chơi thì chơi thiệt”, đọc thi nghe hay hay, nhưng sai.

[9] Muốn thành công không gì khác là, bạn cần tập thói quen thành công.

[10] Hãy “Hết mình & tới cùng”, là cụm từ tôi vận dụng vào nhiều lĩnh vực khác.

[11] “Quán em không có”, là câu trả lời tỉnh bơ của cô gái nơi tôi và nhà thơ Phan Trung Thành ghé lai rai chia tay về quê ăn Tết. Bánh mì không, khoai tây chiên không…

Tôi bảo, em vào kêu bà chủ ra cho anh nhờ. Bà chủ qua, tôi nói: Tết, tặng bà chủ bí quyết này nhé: Không được phép nói từ KHÔNG CÓ. Vậy thôi, bà chủ cảm ơn hai thi sĩ bằng 4 chai Sài Gòn.

– Hồi mở quán Tạp hóa ở quê, 11g khuya, hai khách lai rai hết đá, tôi phải đạp xe lên Phú Quý mua 2.000 đồng về, phục vụ… Thượng đế!

[12] YÊU cái mình đang làm, yêu nó thôi mà không quan tâm thứ gì từ hay ngoài nó: tiếng tăm, phần thưởng…

– Tôi trả lời bà con Cham, hà cớ hai “thế hệ” cầm gậy giao ban lại để cho đặc san Tagalau chết, không nguyên do nào khác ngoài 1 từ duy nhất: không YÊU.

[13] Cuối cùng là YÊU CON SỐ.

– Bạn ở làng Hamu Tanran mở quán vài bận thất bại, mới mời tôi qua bày vẽ – khi ấy Tạp hóa tôi ở Chakleng thuộc hàng đầu. Tôi hỏi Sổ kết toán cuối tháng, bạn ôm ra cả mớ, có thứ cần nhất là Sổ kết toán, thì không. Tôi nói: Bạn chết bởi nỗi ấy!

Ở Sài Gòn, Cty Hani sau khi tôi rời bỏ cũng hệt. Đủ thứ giấy tờ, mỗi Sổ kết toán cuối tháng thiếu. Để nhắc nhớ, tôi cầm bút lông viết chữ to đùng lên tường SỔ CUỐI THÁNG, nhưng không vẫn cứ là không. Không chết mới lạ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *