Bài học Minh Tuệ-12. SƯ PHƯỚC ĐÔNG & CHAM

Tôi là đạo sĩ, kẻ đi trên đường. Tuổi 20, tôi từng cạo đầu tu Phật, say sưa trong thế giới “rừng già kinh Phật” [chữ tôi dùng]. Tôi đã dịch Kinh Thánh, nhiều lần đọc Kinh Coran… riêng tôn giáo Ahiêr Awal [Bà-la-môn và Bà-ni Cham], tôi là người nhập cuộc đúng nghĩa, như một Luận sư.

Lượt qua thế để biết, tôi rất dễ thấu cảm và đón nhận với sự yêu quý đặc biệt, từ đạo sĩ Minh Tuệ đến sư Phước Đông, vân vân. Về sư Phước Đông, xin có vài giải minh sau:

[1] Không so sánh

Tu hành với làm thơ không khác. Dẫu sạch nước cản [qua hết 13 hạnh] cũng không thể cào bằng, khác nhau là ở cái tầm. Cũng không nên lấy thâm niên ra so đọ, rằng tôi làm thơ trước ông.

Thế nên, không nên so sánh Phước Đông với Minh Tuệ. Bởi ngoài 13 hạnh, sau đó bạn thể hiện nó ra sao giữa trần gian muôn màu, người đời nhìn vào đó mà cảm nhận, đánh giá.

[2] Tại sao Cham không đón nhận sư Phước Đông?

Với người Việt, Phật giáo gần như là “quốc giáo”, Minh Tuệ xuất hiện rơi đúng tầm đón đợi [horizon of expectation] tâm linh Việt, thế nên có sự vồ vập thì không lạ. Cham xem người tu Phật như thể sinh thể lạ. Nhớ thuở ấy, lần đầu nhìn thấy cái đầu trọc lóc của tôi, mẹ khóc!

May, thời gian qua, qua hiện tượng Minh Tuệ, Cham thấy hình ảnh ấy quen quen mới bớt dị ứng, không thì “hiện tượng” Phước Đông còn bị nặng hơn nữa. Ở đây, trách bà con Cham kì thị sư Phước Đông là sai.

[3] Xưa, Bà-la-môn là quốc giáo Ấn Độ, Đức Phật được các tu sĩ Bà-la-môn giỏi nhất đào tạo, nghĩa là ngài thâm hiểu triết lí Bà-la-môn. Đắc đạo, ngài mới nổi lên lật đổ Bà-la-môn. Tạm nêu 3 điểm chính: Phá bỏ chế độ phân biệt tập cấp, phi sát sanh, và lập thuyết Vô ngã phản bác cái TA của triết học Bà-la-môn.

Đấy là cuộc đại cách mạng, từ đó Ngài thu phục được vô số người đi theo. Tuy nhiên Bà-la-môn đâu chịu thua! Bà-la-môn tự cải cách thành Ấn Độ giáo, đẩy Phật giáo ra khỏi đất nước nơi Đức Phật ra đời.

[4] Khác với Đức Phật – hiểu Bà-la-môn để chống Bà-la-môn, sư Phước Đông chưa hiểu tôn giáo Cham, lại đưa lời phê bình, sư tạo dị ứng thì không lạ.

Tạm nêu 3 điểm chính:

– Tu 13 Hạnh Đầu đà là buông bỏ, tự giải thoát, ở Cham không có khái niệm ấy. Bổn phận của chức sắc Cham là đọc kinh hành lễ làm trung gian giữa tín đồ và Pô Yang.    

[Là đạo sĩ Bà-la-môn, thế nên ở giai đoạn-3 của đời mình, tôi đã hành hạnh “buông bỏ” kiểu tôi: “buông” nỗi mình, và dấn thân vào cuộc “người”].

– Các vị chức sắc Cham tụng kinh mà KHÔNG CẦN phải hiểu kinh. Kinh càng bí hiểm càng tốt [đọc thêm triết gia Kim Định], thế nên trách các vị không hiểu kinh, là sai.

– Sát sanh, là một trong 3 điểm chính Đức Phật công phá Bà-la-môn. Vấn đề này Minh Tuệ nhẹ nhàng hơn, khuyến khích ăn chay mà không phê phán ăn mặn. Cham cũng khá rành mạch, trong nhiều lễ có món chay ‘kaya yôn’ [giản đơn] bên cạnh món mặn ‘kaya klam’, tùy. Còn việc tế trâu hay tiệc tùng rềnh rang là từ quần chúng, chứ tập tục Cham không đòi hỏi.

P.S.

Đạo sĩ tu để cầu giải thoát, tín đồ đại chúng thì khác: cầu phước. Phật giáo hay tôn giáo Ahiêr Awal Cham cũng hệt. Tôi lên tháp, quỳ gối trước cửa tháp, chấp hai tay trước trán, để hồn rỗng rang giao cảm với thần linh, chứ không cầu gì cả.

Để tiếp cận với Pô Yang, lễ vật của Cham giản đơn không thể tưởng, cứ xem ảnh là thấy. Rườm rà, rềnh rang là từ đại chúng mà ra.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *