ĐÍNH CHÍNH VĂN NGỌC SÁNG TRÊN RFA

Dù đã “ẩn” ở quê, mỗi ngày tôi trả lời ít nhất mươi cuộc: Thư, tin nhắn, điện thoại từ nhiều bộ phận độc giả khác nhau, về nhiều chủ đề khác nhau. Vô phân biệt. Và nếu ai đó tính đưa lên mạng hay báo, tôi yêu cầu dựa vào văn bản tôi kèm theo, và cho tôi xem lại trước. Gần như 100% chấp hành nghiêm chỉnh.

Thế nào rồi cũng có tai nạn, và vụ hôm nay là đầu tiên(*).

[1] Câu chuyện

Lối 1g trưa ngày 12-9-2024, bạn Vũ Quốc Ngữ nhắn tin nhờ tôi một việc, tôi trả lời: được. Thế là phon, như là một “tâm sự” dài dòng. Sau khi anh “tháo băng” gửi lại, tôi mới biết anh tính làm thành bài báo. Tôi mới bảo, nếu thế cần cho tôi duyệt trước, sau đó tôi còn gửi “văn bản” trả lời phỏng vấn ngày 1-6-2021 Xuân Bào và Kiều Maily đã đăng nhiều nơi.

Rồi khi anh chat “câu này bác muốn sửa thế nào?”, tôi trả lời như sau [ảnh]:

“Đạo Bani có dấu vết Hồi giáo, là điều không thể chối cãi. Nhưng sau đó người Cham đã phá và làm thay đổi hết năm trụ cột của Hồi giáo để thành Bà-ni. Năm trụ cột là gì? Đó là Allah là đấng duy nhất, trong khi Bà-ni đa thần, là điều tối kị. Ramadan người Hồi giáo ăn kiêng, còn người Bani biến thành Ramưwan, và chỉ có chức sắc mới chạy tịnh trong tháng chay, còn tín đồ ăn uống bình thường, còn nhậu nhẹt nữa, thế nên dân gian gọi là ăn Tết Bà-ni. Thứ ba là Zakat tức là bố thí, người Bani không hiểu nghĩa chữ bố thí như Hồi giáo, mà làm rất khác, cạnh đó người Bà-la-môn đội bánh trái vào Sang Mưgik để cúng cho chức sắc Bà-ni nữa. Còn sinh hoạt ngày thường, ở Hồi giáo vị thế người phụ nữ khá yếu, trong khi ở Cham người nữ rất nhiều quyền, vì người Bani theo chế độ mẫu hệ.”

[2] Về Văn Ngọc Sáng

Ông “Giáo sư tiến sỹ” (sic) dạy môn gì tôi không quan tâm, khi ông chuyển viết về văn hóa Cham đăng web Kauthara của ông, tôi thấy toàn rác rưởi. Thế nên tôi không đọc ông, và block facebook ông từ lâu. Bởi bài trên RFA có liên quan đến tôi, tôi không thể không nhắc lại. Ngay bài ngắn này thôi, đủ thấy ông rác rưởi thế nào.

[2.1] VNS: “đạo Hồi được du nhập từ thế kỷ thứ 10 và trở thành quốc giáo từ thế kỷ thứ 16.” – Ông moi đâu ra sự kiện này? Cẩu thả!

Pô Rômê thế kỉ 17 được cho là vị vua lớn cuối cùng của Champa, ông mất, được hưởng đám thiêu. Một người Bà-la-môn làm vua trong đất nước mà Hồi giáo là quốc giáo, chuyện đùa!

Một ví dụ này thôi cũng đủ.

[2.2] VNS: “[Khẳng định] chưa bao giờ có đạo Bani, kể cả trong chế độ Việt Nam Cộng hoà trước kia và nước Việt Nam hiện nay”. – Không biết gì mà nói.

Trước 1975: Đạo Bà-ni, sau 1975 CMND: Tôn giáo Bà-ni, Hộ khẩu: Tôn giáo Bà-ni, cho đến tận năm 2016.

Cứ xem ảnh, đủ biết ông Sáng nói bừa thế nào.

[2.3] “Ông nói Bani không phải là một tôn giáo”, ở đây ông Sáng lập lờ đánh lận con đen.

Từ ‘agama’ nghĩa “tôn giáo” ít dùng, chỉ các nhà nghiên cứu mới hiểu nghĩa, còn thì sinh hoạt thường ngày Cham cứ xài tiếng Việt mà gọi: “Đạo” Bà-ni, Đạo Bà-la-môn. Truy nguyên thì chưa chuẩn, tuy nhiên ngôn ngữ dùng nhiều thành quen. Năm 2021, tôi trả lời nguyên văn:  

“Tên gọi các thành phần “tín đồ” Cham được người Cham phân biệt rất rành mạch: ‘Anưk Chăm, Anưk Bini’ và ‘Asulam’.

Từ ‘Asulam’ có trong Sử thi Akayet Um Mưrup (thế kỉ 17) để chỉ người Cham theo Hồi giáo. Riêng từ ‘Chăm-Bini’ và ‘Anưk Chăm-Anưk Bini’ thì có mặt khắp và vô số kể. Từ văn học viết: Trường ca Cam-Bini, cho đến ca dao hay tiếng nói bình dân, như: ‘Xa-ai Chăm adei Bini’: “Anh Chăm em Bà-ni”.

Bani được dùng xuyên suốt, từ thế kỉ 17 đến tận hôm nay, cả trong giới chuyên gia, chức sắc lẫn bình dân.”

Thế nên mới có cụm từ “Đạo Bà-ni” trên mọi văn bản hành chánh trước 2016.

Kết. “Giáo sư tiến sỹ” này nói đâu sai đó, càng nói càng sai mà cứ ham nói.

Lời khuyên: Do thiếu thực tiễn xã hội Cham, kém thao tác khoa học, mà nóng vội nổi tiếng sớm, và gì nữa có Bà Trời biết, thành ra thế. Hãy thành tâm ‘thattiak’ và khiêm cung học, như Ariya Glơng Anak dạy.

+

Nguyên văn RFA: Giáo sư tiến sỹ Văn Ngọc Sáng:

“Ông nói người Chăm không có tôn giáo của riêng mình mà tiếp thu hai tôn giáo khác. Đạo Hindu (Bà-la-môn) du nhập vào nước Chăm Pa từ thế kỷ thứ 2 và trở thành quốc giáo cho đến thế kỷ thứ 15, còn đạo Hồi được du nhập từ thế kỷ thứ 10 và trở thành quốc giáo từ thế kỷ thứ 16.”

Ông nói Bani không phải là một tôn giáo. Ông giải thích:

Thật ra các định nghĩa từ Bani nó tương đương với từ đạo của tiếng Việt, tôn giáo trong tiếng Hán, và religion của tiếng Anh mà thôi chứ không phải tên tôn giáo Bani.”

Chưa bao giờ có đạo Bani, kể cả trong chế độ Việt Nam Cộng hoà trước kia và nước Việt Nam hiện nay, vị giáo sư định cư ở California (Hoa Kỳ) từ năm 2018 khẳng dịnh.

P.S. Tôi trả lời hàng trăm cuộc phỏng vấn, với các báo đăng bài về tôi, khi thấy sai, tôi thư đến Ban Biên tập. Họ hoặc gỡ ngay bài, hoặc đính chính nếu là báo giấy, và xin lỗi. Ở đây tôi đề nghị RFA sửa lại cho đúng với đoạn văn tôi “chat”, và họ đã làm.

Người Chăm cảm thấy bị phân biệt đối xử khi tôn giáo Bani không được công nhận — Tiếng Việt (rfa.org)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *