Văn & người-1. VIẾT, LÀM SAO KHÔNG BẾ TẮC?

[trả lời thư bạn trẻ]

Henry Miller: Why don’t you try to write Tại sao bạn không thử viết đi?

Viết, không phải để kiếm tiền xài, cầu thành nhà thơ hay nổi tiếng… mà VIẾT.

Làm sao cei viết được nhiều như thế? – Tôi có cái để viết, có thời gian viết, và nhất là – viết đều đặn. Viết như công chức làm việc, và còn hơn thế. 

Còn tôi CÓ GÌ để viết? Từ sống phong phú [vùng đất, con người và ý tưởng + cô đơn]. Từ đi, gặp, nghe, hỏi và ghi chép. Nói thì dễ, làm được điều giản đơn này đòi hỏi thật… khiêm tốn. Tạm kê:

[1] Tư liệu văn học dân gian và văn chương cổ Cham, tôi có bạt ngàn, một đời người “khai thác” không hết. Bộ Văn học Cham xong 7 tập làm chứng, và còn nữa.

Câu chuyện Cham, cũng qua đi-nghe-ghi chép, sổ tay tôi chứa cả chục tập vở trăm trang, đủ làm nên mươi tập bút kí dân tộc học.

[2] Thơ. Có một ý tưởng, ngồi bất kì đâu tôi cũng có thể ghi chú tứ, thi ảnh, ngôn từ khi chúng mò đến. Rỗi mươi ngày nửa tháng, tôi đóng cửa làm một hơi. Lễ Tẩy trần tháng Tư tôi làm trong 22 ngày dự Trại sáng tác Vũng Tàu 2002. Về Sài Gòn chỉ có việc xem lại, chính sửa thêm bớt, là xong.

Tiểu thuyết. Tôi viết nhanh, chớ sửa thì chậm.

Chân dung Cát viết trong 34 ngày, vừa qua Thương xá TAX giúp bán thổ cẩm vừa trông thợ xây nhà, vừa… viết. Còn Tcherfunith xong ở Trại Sáng tác Tuy Hòa, tôi đóng cửa cày nguyên 12 chương trong 13 ngày.

Tiểu luận, phê bình văn học. Tết 2009, tôi đóng cửa làm một hơi mỗi ngày một chân dung để thành Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại. Bị va quẹt nằm nhà 19 ngày, mỗi sáng tôi đăng Hồ sơ Biên bản so sánh (in trong Văn chương tan rã).   

[3] Thể loại khác

Dịch: Kinh Thánh, Kinh Agal Ahiêr, thơ Cham hiện đại, các ấn phẩm Nhà nước như Luật đi đường, vân vân.

Giúp giải quyết chuyện Cham và lên tiếng về vấn đề cộng đồng, tôi đều lập hồ sơ chi tiết. Từ đó tôi gạn đục khơi trong thành 2 tập: Tiếng nói Nhà văn.

“Truyện mini”, “Ngụ ngôn hậu hiện đại”, “Giải trí cao cấp”, “Tạp bút” gom lại dễ đến 2 tập dày.

Cuối cùng là: Hàng trăm bài trả lời phỏng vấn, Dư luận báo chí, Luận án, luận văn về tác phẩm Inrasara…

Món nữa không thể không kể đến, đó là tôi viết facebook mỗi ngày, loạt chủ đề làm thành serie vẫn có thể làm nên tác phẩm.

[4] Làm sao không bế tắc?

Tôi viết nhiều thể loại khác nhau, chán hay kẹt món này, thì qua chỗ khác, thưởng thức món khác. Hiếm khi tôi bế tắc… sáng tạo. Sanh sự thì sự sanh. Sự sanh, tôi suy nghĩ về nó, để cho sự kia ám mình, từ đó bật ra ý tưởng, ý tưởng này kéo theo ý tưởng khác sòn sòn ra đời.

Như “Lễ Tẩy trần”, tôi tẩy trần từ làng xóm cho đến cảnh vật, từ tập thể qua cá thể, từ tư tưởng cho chí con chữ, vân vân. Hay “Đi tìm sinh lộ cho Cham ‘Ahiêr-Awal’”, tôi bày ra nó, và để mặc cho nó BÀY tôi trở lại.

Viết nhiều, mà không cẩu thả. Mỗi cái tút ngắn thôi, tôi sửa hơn chúc lần, đăng rồi còn sửa. Văn chương, tôi vứt đi ít nhất 200 bài thơ, 3 tiểu thuyết và cả đống truyện ngắn hay tùy bút. “Nhà văn không thể lớn, nếu không dám vứt đi” – ainsi parlait Inrasara!

P.S.

Sáng 12-7-2024. Morning ông,

Cho cháu hỏi, ngày nào ông cũng viết và viết rất hay. Cháu muốn bắt chước từ ông, vậy cháu nên học và viết như thế nào? Mặc dù cháu thích viết nhưng những ý tưởng nghĩ trong đầu cực hay khi viết lại tệ.

Cháu muốn hỏi là, cháu bắt đầu học như thế nào để có thể về già tiệm cận được 1 chút từ ông😁😁😁😁😁

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *