Giải trí cuối tuần. HAY TÔI ĐÃ QUA BỜ BÊN KIA RỒI MÀ KHÔNG HAY!

[Sống tôn giáo-33]

Phật thuyết nhẫn tức phi nhẫn thị danh nhẫn Ba-la-mật.

Ariya Glơng Anak: ‘Dơh tanan ưn ka…’

Ông anh ở Mỹ kêu, Sara chịu đựng giỏi nhất Cham luôn. Năm 2018, cà-phê cóc ở Phan Rang, ông anh khác cũng hệt: Công nhận Sara chịu đựng giỏi thiệt, bị công phá dữ thế, mà thằng em cứ là tỉnh bơ. Cảm ơn ông anh đã khen, dù khen hơi bị… sai – tôi đùa.

Thì kể 3 tang chứng này giải trí.

[1] Ông anh ở tận trời Mã xa xôi không biết trời biển xui khiến sao lâu lâu nổi hứng thách Sara lên đài… đấu. Tôi nói: Dạ, em xin thua từ lâu rồi mà. Thế là ông anh làm om sòm lên, rằng Inrasara-trí-thức-hèn. Hỏi có kì hôn? Và có buồn không? Buồn lắm chớ.

Rồi niềm buồn kia qua mau. Sáng mở mắt, tôi bỗng thấy mình ngồi tận bờ bên kia rồi, quay ngó lại “không thấy bóng anh đâu”.

[2] Còn ông anh ca sĩ bị một trang mạng Cham hải ngoại tố cáo, một rằng “đầu hàng chế độ”, hai rằng về hát “ca ngợi Đảng và Nhà nước”, để sau đó một blogger Việt nổi tiếng xỏ xiên. Xỏ xiên anh, nhân tiện xỏ xiên lây lan sang cả Cham.

Năm 2017 từ Cambodia về, bạn trẻ cho hay, tôi mới vặn hỏi blogger ấy, rằng cô có kiểm chứng thông tin chưa? Rằng danh ca này hát bài gì, hát ca ngợi Đảng với Nhà nước ở đâu?

Nói là nói cho, nói giúp: Bênh anh một, minh giải cho Cham ba. Cho người ngoài biết rằng Chàm không đến nỗi tệ thế. Vậy mà ông anh mình nghĩ Sara đang chê! Hỏi có chán hôn? Chán lắm chứ.

Những rồi rồi nỗi chán qua nhanh. Tôi đã sang bờ bên kia lúc nào không hay nữa! (Vụ này các bạn trẻ còm: Bác sai rồi, cei nói giúp bác đó mà).

[3] Vụ nữa, tôi viết ở BBC:

“Sau này 1975, 5 vạn người Cham chạy trốn cuộc thảm sát của Pôn Pốt qua Mã Lai sinh sống, và không có ý quay lại Campuchia” (G. Moussay).

Ông anh ở tít hải ngoại phản bác:

“Sau năm 1975 có rất nhiều người Chăm Campuchia chạy sang Mã Lai lánh nạn, nhưng người ta không biết số lượng là bao nhiêu. Thêm vào đó, G. Moussay không bao giờ viết bài về người Chăm chạy sang Mã Lai. Tại sao Inrasara lại GÁN CHO Moussay về TỘI này, có thể làm cho Moussay ĐAU LÒNG DƯỚI ĐẤY (síc) MỒ hoang vắng ở nghĩa địa.”

Đấy, đấy! Giá tôi có sai là SAI về học thuật, chớ làm gì mà gào lên rằng: “gán tôi cho”, rồi “đau lòng nơi chín suối”!

Mà tôi có sai đâu mô. Xem nè, nguyên văn Moussay (Grammaire de la Langue Cam, MEP, Les Indes Savantes, Paris, 2006):

“Một nhóm khá đông người Chăm Campuchia (khoảng năm chục ngàn người) đã rời bỏ xứ sở vào năm 1975 sau khi quân Khmer đỏ chiếm chính quyền; nhóm này hiện đang tị nạn tại tiểu vương quốc Kelantan, Mã Lai”.

Chính các anh ấy in tác phẩm ấy có đoạn văn ấy nằm ngay “Phần dẫn nhập” ấy mà các anh quên béng đi. Nếu trí nhớ có suy tàn thì hỏi, rằng thằng em moi ở đâu ra thông tin ấy, để người ta nhắc vở cho, đằng này…

Hỏi có ớn không? Ớn chớ bộ!

Ớn, và tôi lên đò đáo bỉ ngạn sang tít bờ bên kia.

Thế nên để đáp lại, tôi chỉ “đính chính”, “minh giải” nhẹ nhàng, dịu dàng. Dịu dàng quá dịu dàng không chịu nổi.

Bà con cô bác thấy đố, chả thấy nhịn hay NHẪN ở đâu cả. Cả kiếp nhân sinh còn nhẹ hều, thì nhằm nhò gì mấy nỗi…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *