Tôi dạy con-19. TỪ CHAM ĐẾN VIỆT NAM QUA THẾ GIỚI

[ý kiến của Sara về vụ mới nhất ở Cham]

Hai ngày Sài Gòn về, mở laptop thấy tin nhắn của bạn thế hệ mới, nguyên văn: “Qua vụ Brian wu với Ts Món, hình như rối ren nhất định, cháu mới đọc hai hôm, thực hư thế nào, cei cho ý kiến.”

Xin nói ngay: Tôi có nghe vụ này, nhưng tuyệt chưa đọc và không đọc, vì không quan tâm.

Ngay khi bước vào thế giới chữ nghĩa Cham, tôi đã nói ngay [ở phần kết Văn học Cham khái luận, 1994] rằng tôi không là nhà nghiên cứu, càng không ý định “làm khoa học”, mà từ lòng đời sống và văn hóa Cham – tôi kể câu chuyện Cham đến thế giới.

Sau đó tôi vài lần nhấn mạnh: “làm một nhà nghiên cứu là một tai nạn”. Và từ tuổi 60, tôi tuyên không còn dính dáng đến “nghiên cứu” nữa. Thế nên ngay người thân gần gũi hỏi đến nghiên cứu, tôi phớt lờ.

Tại sao?

MỚI BIẾT CÓ TA. Thiếu văn hóa tranh luận – ta lo bảo vệ ý của mình, đó là chưa nói đến việc dùng từ mạnh, gắt và thừa, lắm khi công phá vào cả đời tư, là điều tối kị.

Tranh luận cần đến bên thứ ba để phân định đúng sai. Ngôn ngữ học và cổ tự học, ở đây là ‘Akhar thrah’ và chữ Cham bi kí thuộc chuyên môn hẹp, mà Cham chưa ai có tầm sắm vai đó. Từ đó tranh luận dễ thành phe phái.

Ví dụ vụ Từ điển Cham Việt, bản thảo bị nhiều Cham [bên thứ 2] la là “thằng Trạm làm sai hết”, mãi đến Hội nghị Góp ý có bên thứ 3 là các chuyên gia trước trăm con mắt chứng kiến của nhân sĩ Cham mới thấy ai đúng ai sai.

Phần mình, về ‘Akhar thrah’ và chữ văn bia dù có biết, tôi từ chối làm chuyên gia.

CẦN BIẾT TA LÀ CHAM – những sinh linh sống sót từ “cái rây lịch sử”. Ta thiếu đủ thứ, từ sách vở, kiến thức đến điều kiện làm việc, thiếu cả diễn đàn lành mạnh.

Hiểu Cham, tôi dứt khoát từ chối tham gia “Chiến trường ‘Akhar thrah’”, với chữ Cham trên bi kí, tôi càng tránh xa.

Hiểu thì càng yêu hơn. Yêu, ta vẫn có thể dự cuộc tranh luận.

TRANH LUẬN THẾ NÀO?

“Đi tìm Sinh lộ cho Cham Ahier Awal”-2017, tôi đã bàn, nay tóm. Triết học Ấn Độ trường phái Nyaya phân tranh luận làm 3 loại: [1] Đưa ra quan điểm khác vượt trội để đánh bại quan điểm của đối thủ, [2] Tranh luận là tranh thắng bằng lí luận, và [3] Cãi bướng khi đã đuối lí.

Ai xứng đáng tranh luận? Ở cộng đồng Cham, để xem bạn có xứng đáng không, hãy đặt ra cho mình 3 câu hỏi (The Laws of Manu, II.179):

[1] Bạn có lao vào cuộc tranh cãi vô bổ không? [2] Bạn có đưa bằng chứng dối trá, lập luận giả ngụy hòng đánh bại đối phương không? [3] Nhất là, bạn có làm tổn thương đối phương bằng cách tấn công vào đời tư họ không?

TINH THẦN CÔNG CHÍNH

Đây là thứ tinh thần tôi nhiều lần đề cập và có đưa dẫn chứng cụ thể từ cộng đồng Cham. Trích phần đầu: “Tôi dạy con-4. Cham bênh Cham! hay Thế nào là tinh thần công chính?”

Khi cha bị công phá, dẫu oan tới đâu, con có nên nhảy vào bênh vực không? – Tuyệt đối không! Tôi không muốn và không khuyến khích mấy đứa làm chuyện đó. Thành phe cánh rồi còn gì…

Năm ngoái, một bạn Cham thế hệ mới giữa đám đông, nói tỉnh bơ, còn cho đó là hay nữa, rằng dù không ưa nhau, nhưng khi đụng chuyện, anh em Cham chúng tôi vẫn bênh vực nhau.

Lạ! Lẽ nào Cham sai bậy ta cũng bênh. Nếu thế, thì đâu là tinh thần công chính.

Thiếu tinh thần này, ta mãi mãi tự đóng khung trong thế giới nhỏ bé Cham, chớ mơ hội nhập Việt Nam, nói chi thế giới.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *