Anh đi, 21g tối 29 Tết (8-2-2024) ở palei Thôn quê vợ Hậu Sanh, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận, thọ 74 tuổi. Dù còn khá khỏe, anh đã vội đi…
Về tình nghĩa tôi với anh Huỳnh Ngọc Trăng, xin trích tiểu thuyết Hàng mã kí ức-2011:
Tháng 4-1975.
Nghỉ học nguyên một năm để chờ học lớp cuối Trung học niên khóa mới, tôi với anh Trăng, Tiến có những ngày thật thơ mộng ở quê nhà. Ngày mùa, chúng tôi vác bó cạm, xoong chảo ra đồng bẫy chuột và ăn ngủ luôn ngoài đồng. Mỗi người một thế giới riêng tưởng tượng và giao cảm.
Anh Trăng chuyên nói tếu, cái tếu rất Cham nghĩa là cực kì tục. Tiến đọc thơ và thao thao về thiên tiểu thuyết dự án. Còn tôi mơ mộng về chữ nghĩa đang nằm rũ dưới lớp bụi năm tháng.
Ciêt sách của thân sinh anh Trăng có cả trăm tác phẩm văn chương. Chữ viết của cụ vừa chân phương vừa hoa mỹ, thế nên kẻ mới nhập làng chữ như tôi rất khoái.
Viết bộ Văn học Cham, tôi nhận ơn nhiều nhất từ ciêt sách cụ Huỳnh Phụng.
[…]
Anh Huỳnh Ngọc Trăng là thần tượng của cả thế hệ học sinh Pô-Klong.
Lực sĩ toàn năng. Cự li ngắn và trung bình, nhảy xa, nhảy cao hay ném tạ, bóng chuyền lẫn bóng đá. Trên sân, mỗi lần anh mở cú rút là coi như đối thủ có mà ngửi… địt.
Năm 1977, anh bị tù do liên lụy ông anh lãnh tụ Ikan Krwak, hai lần cắt gân tay tự tử. Oan cho anh. Thằng Trăng mà làm chính trị mẹ gì, – bạn học Duy Tân người Việt cả quyết thế. Nghe tin anh hết muốn sống, tôi chắt chiu tiền, quà gửi vào trại cho anh. Là chuyện cả gan thuở ấy. Tôi biết một tâm hồn đẹp như anh không thể chịu nổi trò chơi gian dối của đời sống nhem nhuốc đầy cạm bẫy này.
[…]
Tài xế cho xe ngược qua tháp Pô Rômê. Lễ và người thân thiện, gần gũi và rất người. Không diễn văn khai mạc, không cả máy ảnh hay camera. Tháp, người và lễ hòa làm một với đất trời. Làm một, như khi chúng tôi bất ngờ ghé nhà anh Trăng giữa trưa ấy. Anh là siêu sao thể thao, thuở đó, sắp trẻ chúng tôi cứ vỗ ngực xưng hùng: “Tao, Trăng đây” mỗi khi đi được một đường bóng ngon lành!
Anh lên palei Thôn theo vợ, mười năm không gặp. Một cái bàn gỗ tròn, thấp kê sơ sài dưới bóng cây cang. Thiếu “ghế”, thằng cháu xuống lũng ôm lên vài cục đá sần sùi. Nhà thơ Inrasara và các khách văn Nguyễn Hiệp, Thu Nguyệt, Hoàng Yến cùng an tọa. Gà luộc xé chấm muối ớt. Thế mà hay. Mà đậm tình.
Nay anh đã về với ông bà. Xin chia buồn cùng gia đình, và…
Thap xwan Xa-ai nao truh Thôr Riga!