Minh-triết-Cham-32. SÁNG TẠO GIẤC MƠ-01
“Nhà thơ là kẻ sáng tạo giấc mơ cho dân tộc” (“Đối thoại Fukushima”-2021) được chọn làm đề thi Học sinh giỏi cuối cấp II. Bạn thơ tôi nói vui: Ngay em cũng không nghĩ ra nữa, huống hồ học sinh lớp 9, tôi nói:
– Trường ca Ariya Glơng Anak vỏn vẹn 116 cặp ariya Cham, vậy mà được các cụ Cham cho là tác phẩm cổ điển lớn nhất. Lớn nhất, bởi ở đó tác giả đã sáng tạo giấc mơ cho dân tộc Cham.
Sao phải là nhà thơ? Bởi loài này được Bà Trời ban cho sự nhạy cảm khác người. Yếu tố làm nên giấc mơ: Nghĩ và làm khác, mơ giấc mơ lạ thường, và giấc mơ ấy được thể hiện bằng nghệ thuật và ngôn từ siêu hạng.
[1] Nghĩ khác và làm khác.
Đại biến động ở đầu thế kỉ XIX, cả dân tộc chạy tìm thoát thân. Ông Glang Anak cũng đã đi, hướng biển, như ta biết. Nửa chừng, ông dừng lại. Đến giữa biển cả cát bồi, ông đứng đó – suy tư về thân phận ông, về sinh phận dân tộc. Đột ngột ông có cái quyết định chết người: quay về.
Phải bản lĩnh ghê gớm, bản lĩnh vượt bỏ mọi nỗi sợ, mọi rào cản cái tôi nhỏ bé, mới có thể đi đến quyết định ấy. Phi thường!
[2] Qua đó mơ giấc mơ khác thường
Nhìn thấu hiện thực: Dân Cham thưa thớt, lòng người li tán, hận thù có mặt khắp xung quanh, phường giá áo túi cơm bị mua chuộc, trí thức cô đơn.
Làm gì? – Nhẫn, giải sân hận, yêu thương, khiêm cung khởi đầu từ cái nhỏ bé nhất, để có niềm hi vọng mới…
Đâu là giấc mơ khác? Gần cuối thi phẩm, Glang Anak viết:
‘Ngap bal di Mưlithit đa ka ra long
… Hajiơng ra ngap nưm di ngok tara
Pak akiêng takai kara di tưh thek lingal’
Đất nước đã suy vong, nguy cơ mất còn còn miếng nào trong tay. Dựng thủ đô ở bất kì đâu cũng không yên, thế nên hãy nghĩ cách khác: Thủ đô trên không trung, giữa hình Sao Cày. Đó là ngôi sao trẻ con Cham nào cũng có thể nhìn thấy mỗi tối về.
Nhìn thấy và tin, tin để mà hi vọng. Một ngày mai dù xa vời đến đâu, cũng cần thiết. Cho sống, làm việc và sáng tạo.
[3] Nói bằng nghệ thuật siêu đẳng
Trường ca ngắn nhất: 116 cặp lục bát Cham, khó hiểu nhất, lại được nhiều thế hệ trí thức Cham cho là tác phẩm lớn nhất.
Nhiều thủ pháp nghệ thuật được sử dụng đầy tính sáng tạo.
Riêng về ngôn từ, các sáng tạo chưa từng có: ‘kiêm bathei’: ăn ghém sắt, ‘chai drut’: đầy tràn buồn bã, ‘Phun Darang’: trung tâm Pangdurangga, ‘urang bihuh bihah biha bihi’: phường giá áo túi cơm, ‘patao langka’: vua thiên triều…
Thế nên không lạ, Ariya Glơng Anak đi vào lòng người, và ở lại.
P.S.
Sinh linh Cham hôm nay, ai có thể đón nhận thông điệp kia?
Lịch sử văn chương cổ điển Việt, có tác phẩm nào hội đủ 3 yếu tố trọng yếu kia? Còn hiện đại, ta từ văn chương tố cáo & tụng ca đến văn chương ám chỉ, hết văn chương phơi bày hiện thực đến văn chương diễn tả một ý niệm nào đó, tất cả không vượt nổi hàng rào tre làng…
Làm gì, thi sĩ hôm nay?
Minh-triết-Cham-33. SÁNG TẠO GIẤC MƠ-02
[chuẩn bị cho song thoại]
Kết “Minh-triết-Cham-33. Sáng tạo giấc mơ”, tôi đặt câu hỏi:
Lịch sử văn chương cổ điển Việt, có tác phẩm nào hội đủ 3 yếu tố trọng yếu kia? Nghĩ và làm khác, mơ giấc mơ lạ thường, và giấc mơ ấy được thể hiện bằng nghệ thuật và ngôn từ siêu hạng.
Còn hiện đại, ta – từ văn chương tố cáo & tụng ca đến văn chương ám chỉ, hết văn chương phơi bày hiện thực đến văn chương diễn tả một ý niệm cổ hủ nào đó, tất cả không vượt nổi hàng rào tre làng… Làm gì, thi sĩ hôm nay?”
Văn học nghệ thuật Việt Nam hiện đại có, chứ không phải không. Trịnh Công Sơn là một, dù tầm thấp hơn.
Ở Ca khúc Da vàng của anh.
Trịnh nhìn rõ hiện thực những “ngày dài trên quê hương”. Ngày dài và đêm dài, không chỉ một mà 20 năm “nội chiến” nhân cho 365 ngày dài, thật dài.
Anh thấy thân phận người già và em bé, người con gái Việt Nam da vàng, bà mẹ và xác đứa con chết trận. Anh nghe đại bác đêm đêm dội về thành phố, thấy làng xóm tan hoang…
Và anh mơ giấc mơ hòa bình. Huế Sài Gòn Hà Nội hát ca, dân ta dựng lại người dựng lại nhà, xây trường và họp chợ… Giấc mơ ấy người Việt Nam ai cũng mơ, Trịnh mơ xuyên suốt, và thể hiện qua tiếng thơ nhạc tài hoa.
Thế rồi trưa 30-4, giấc mơ đến. Anh lên Đài Phát thanh Sài Gòn hát bài “Nối vòng tay lớn”, và kêu gọi: “Thống nhất và độc lập là những điều chúng ta mơ ước suốt mấy chục năm nay. Tôi xin tất cả các bạn, thân hữu và cũng như những người chưa quen của tôi xin ở lại và kết hợp chặt chẽ với Ủy ban Cách mạng lâm thời để góp tiếng nói xây dựng miền Nam Việt Nam này…“
Để bị quy kết là vết nhơ đời nghệ sĩ anh.
Tôi không nghĩ thế, nhà thơ là kẻ sáng tạo giấc mơ. Còn biến giấc mơ ấy thành hiện thực là việc của cả dân tộc: nhà hoạt động xã hội, nhà giáo dục, và nhất là nhà chánh trị.
Như sau khi đất nước mở cửa, “hòa giải và hòa hợp dân tộc” là giấc mơ, còn nỗi kia được hiện thực ra sao hay bị lợi dụng thế nào, là chuyện khác.
Trở lại với văn học Việt Nam và tôi.
Lan tỏa văn học Cham [“văn học là thể loại biểu hiện đầy đủ nhất tâm hồn một dân tộc”] là một chuẩn bị cho song thoại Cham Việt;
Về văn học ngoại vi [qua 7 dòng] cũng hệt, không gì khác ngoài chuẩn bị cho đối thoại Bắc Nam, dân tộc thiểu số đa số, chính thống phi chính thống, trong ngoài, trung tâm văn hóa lớn tỉnh lẻ….
Tôi vài lần tự nhận sứ giả kết nối Cham và Việt, Việt Nam và Đông Nam Á.
Ở đây, tôi dùng từ CHUẨN BỊ cho song thoại, đối thoại chứ chưa động cập đến phần tiếp sau đó là: “hòa giải và hòa hợp dân tộc” trong văn học.
Chuẩn bị thôi, ta còn chưa. Festival thơ Châu Á-TBD, tôi tham luận: “Vẫn chưa sẵn sàng cho giao lưu”, sau đó đăng ở báo Đà Nẵng, 31-7-2010; tạp chí Tia sáng, 5-8-2010; web Hội Nhà văn, 26-8-2010.
12 năm đi qua, hôm nay ta vẫn còn chưa, tại sao? – TÂM SÂN HẬN.
Xin nhắc lại chuyện cũ phụng sự cho tút. Vừa được bầu vào ghế Chủ tịch Hội đồng Thơ, nhà thơ TMH vu cho tôi do nịnh bợ NQT nên được thế. Nhà thơ ĐH cay hơn: “Đại Việt chưa bao giờ nhục thế/ Dân Hời chủ tịch Thơ nhà ta”. Nhà thơ ĐL tàn canh khói lửa nữa, thư tố tôi lên tận Tổng Bí thư!
Ta với nhau trong không gian nhỏ hẹp là Hội Nhà văn mà còn chưa, huổng hồ “hòa giải và hòa hợp dân tộc” với bộ phận người từng giáp mặt trên chiến địa, hay rộng hơn – với thế giới Đông Nam Á!
Thế nên, hãy biết khiêm cung hơn: CHUẨN BỊ để dọn đường cho song thoại.
Minh-triết-Cham-34. SÁNG TẠO GIẤC MƠ-03
Giàu như chị Hằng: khóc, đẹp như Ngọc Trinh: khóc, quyền lực như Trump, tài năng như Neymar cũng khóc. Bởi nhiều nguyên do khác nhau với các kiểu khóc khác nhau…
Huy Cận:
Nếu Chúa biết bao nhiêu thân hốt hoảng
Trong sầu đen đã gẫy cánh như dơi
Nếu Chúa biết bao nhiêu dòng lệ đắng
Chảy như sông không rửa sạch sầu đời
Vậy, làm gì? Đâu là lối thoát tối hậu? Inrasara-1987:
Đã xa rồi tuổi mười lăm lưu lãng
phong nhiêu, từ vực thẳm cuộc đời
tuổi ba mươi vươn vai khỏe khoắn
trang trọng, ta bước vào cuộc chơi
Không còn ai, dù không còn ai
nỗi trần gian người đời vui hưởng
ta chối từ ta để ta được là ta
cô đơn miền Tư tưởng.
Tôi sinh ra…
Không phải để lớn lên lấy vợ, cưới chồng sinh con đẻ cái như cách truyền giống thế hệ này sang thế hệ kia; không phải lo làm giàu, có tiền muôn bạc vạn, hưởng thụ thế nào tùy thích vô số lạc thú do chúng mang tới; cũng không phải mục đích phát kiến khoa học, sáng tạo nghệ thuật, tạo lập học thuyết triết học để dựng nên sự nghiệp lớn lưu danh hậu thế; càng không phải đấu tranh cho lý tưởng cao cả nào đó, hiến thân cho tổ quốc, cho ý hệ chính trị hay tôn giáo này nọ.
Tôi sống không phải để làm anh hùng dân tộc, tỉ phú, kỉ lục gia, chuyên gia hàng đầu, nghệ sĩ vĩ đại, nhà tu hành hay làm kẻ theo chủ nghĩa khoái lạc các loại.
Chúng ta sở hữu quá nhiều, tên tuổi với công trình, tiền bạc với con cái, cả mấy thành tích thô lậu chốn tình trường. Chúng ta ưỡn ngực với nỗi trẻ con ấy, mà lãng quên cái căn cốt nhất của sống, là TÔI ở đây và lúc này.
Tại sao tôi ở đây, bấp bênh, ngắn ngủi, rồi chết?
Tôi trốn tránh câu hỏi nghiêm trọng kia. Thi thoảng tôi thoáng thấy, rồi sợ hãi, và lẩn trốn. Trốn vào bạt ngàn bổn phận và trách nhiệm ngoài lề. Người chồng, người cha, một công dân, một tín đồ tôn giáo hay thành viên đảng phái nào đó, mà không dám cô đơn đối mặt với chính tôi.
Lúc này, ở đây, rồi chết bất cứ lúc nào không biết được.
Làm sao có thể vượt bỏ thông tục tính của sống, để vươn tới cõi miền Tư tưởng? Bởi dù sao đi nữa, kẻ tư tưởng vẫn có cái thân, sống trong môi trường tự nhiên và văn hóa đặc thù, nghĩa là hắn không thể không hành xử như một con người. Hắn vẫn cư lưu giữa lòng đời trong vòng xoáy tình, tiền và tiếng.
Làm gì?
Hắn phải nhảy, không thể khác. Liên tục làm những cú nhảy, vào vực thẳm của Tư tưởng – là định mệnh hắn. Hiểu mệnh và yêu mệnh, hắn vui vẻ cư lưu đi về giữa “cõi người ta” và “miền tư tưởng”.
Miền tư tưởng không là một mảnh đất khác nằm ngoài Cõi người ta, mà “ở trong nhưng khác”. Ở đó hắn chấp nhận mọi thiếu thốn: tình, tiền và tiếng, thứ mà nhân loại đổ mồ hôi sôi nước mắt giành giựt để chiếm hữu.
Đạm bạc và đơn giản như không thể đơn giản hơn. Không để làm gì khác, ngoài ưu tư về huyền nghĩa của sống.
Chính sự có mặt của loài sinh linh hiếm hoi này biện minh cho sự tồn tại vô nghĩa của con người trên mặt đất.