[1] XIN THƯƠNG CON CHÁU CHÚNG TA!
Vnexpress cho biết, “Bình Thuận sắp phá khu rừng tự nhiên hơn 600ha ở huyện Hàm Thuận Nam để làm hồ chứa nước…”.
Đất của dự án xây dựng hồ thủy lợi Ka Pét là 693,31ha, trong đó có 162,55ha rừng đặc dụng. Nơi này, Khanh Pham cho biết 10ha thuộc khu Thánh tích Pô Cei Khar Mưh Bingu và Pô Hanim Par.
Hồ xong, khu rừng thiêng với bao di tích lịch sử cùng kí ức cộng đồng nơi bà con Cham và Raglai hành hương sẽ chìm nghỉm dưới lòng hồ.
Việt Nam rừng vàng biển bạc, nay còn lại gì? – Ít, rất ít!
S.A. Earle nói đại ý: “Phần còn lại của thế giới tự nhiên vẫn tồn tại mà không có chúng ta, thế nhưng chúng ta không thể tồn tại mà không cần đến phần còn lại ít oi đó”. Và con cháu chúng ta, thế hệ đi tới, chúng không có tội gì cả phải gánh chịu hệ quả.
Ở đây còn hơn thế, khu rừng được bao thế hệ Cham, Raglai bảo vệ tuyệt đối để rừng còn nguyên sinh đến hôm nay, là đất thiêng. Xin thương lấy con cháu chúng ta, thế hệ sẽ mất thần linh, khi nó bị nhấn chìm. Vĩnh viễn!
[2] Thơ. 3 ĐOẢN THI CHO KAPÉT
[thơ cũ & đáp án buồn]
1.
Sông Lu với cánh đồng quê tôi
như thần Shiva với thế giới
Shiva sáng tạo và hủy phá
sông Lu làm lũ lụt và bồi phù sa
khi sông Lu được vạch dòng quy hoạch
nó hết làm lũ lụt
cũng lúc thôi bồi phù sa.
2.
Đồi nắng cũ trống huơ – tiếng mõ trâu thôi gõ
rừng còn đâu cho trâu đi hoang?
xưa đeo mõ trâu làm nhăn nhó
nay đường trắng trơn
nhớ tiếng mõ
trâu buồn.
3.
Bằng lăng nở tím đồi tuổi thơ
rừng đi mất rồi
đồi hoang trọc
có lẽ cho riêng tôi trong chiều cô độc
bằng lăng trụi nhánh tàn
vẫn gượng nở hoa.
+
Ông Lê Thanh Sơn. Phó GĐ Sở NN-PTNT Bình Thuận giải thích (Tiền Phong, 7-9-2023):
[1] Về dự án
“Đây là việc đã tính toán hết rồi, đã được các nhà khoa học, chuyên gia tính toán phân tích kỹ lưỡng và được báo cáo qua rất nhiều kỳ họp, báo cáo Hội đồng thẩm định cấp Nhà nước; qua rất nhiều đoàn kiểm tra của cơ quan Trung ương… Việc thực hiện dự án hồ này rất cần thiết và được cơ quan Quốc hội thống nhất thông qua”.
[2] Rừng vẫn là rừng tự nhiên
“Chúng ta chỉ làm cái hồ ở diện tích đã chọn và không làm công trình nào khác. Khu vực rừng xung quanh vẫn được bảo tồn, phát triển tự nhiên”.
[3] Về trồng rừng thay thế
“Trồng rừng mới, theo quy định pháp luật thì khi chuyển 1ha rừng tự nhiên thì phải trồng lại 3 ha rừng trồng. Với hồ chứa nước Ka Pét này thì chúng ta phải thực hiện trồng hơn 1.844 ha rừng.”
P.S.
Rừng trồng mới khác hẳn rừng tự nhiên, rừng nguyên sinh, đó là chưa kể ta có trồng THẬT không.
“Đáp án” không nhắc đến SINH LINH: thú vật, sinh vật và con người; càng không nhắc đến THẦN LINH.
[3]
KAPET, THỬ NGHĨ THEO HƯỚNG KHÁC
Thánh địa Mỹ Sơn đã là di sản thế giới
Tháp Dương Long đang là di sản quốc gia
Không khéo chúng ta hôm nay sắp thành di sản của nhân loại
(Inrasara, “Phác thảo ở biển Vũng Tàu”, Tienve, 2002)
1. Sau hai status về Kapet, qua trao đổi, nhiều comment thể hiện cái nhìn khá tiêu tực về Dự án. Trục lợi – có, ý đồ chính trị này nọ cũng có luôn. Ở đó các bình luận nặng lời, tôi xóa hay cho ẩn.
Tôi nghĩ khác: Chính quyền luôn “lo cho dân”, và Dự án là cách “giúp dân thoát nghèo” – chữ dùng của lãnh đạo Tỉnh. Cả phía Quốc hội, đại diện tiếng nói của dân cũng vậy, phát ngôn đầy thiện ý(*)
Qua đó, ta thấy gì?
PHẢI LÀ hồ nước, sau phá rừng làm hồ thì trồng rừng thay thế, ở đó cần giảm thiệt hại tối đa – Đúng! Phải là hồ nước, nhằm “giúp dân THOÁT NGHÈO” – Tốt.
Thế nhưng nếu là người Do Thái, họ nhìn theo chiều HƯỚNG KHÁC: Giữ rừng, và giúp dân GIÀU LÊN, như… Thụy Sĩ.
2. Vụ Dự án thép Cà Ná năm 2016, tôi có bài “Việt Nam, giàu, đẹp và… tanh bành”, tạm tóm:
Đẹp thì rõ rồi. Hiếm đất nước nào có địa thế, địa hình, và hệ sinh thái ngon như ta. Bắc bộ khác với miền Trung, Tây nguyên khác duyên hải Trung bộ, miền Tây càng khác hơn nữa.
Ngoài khí hậu nhiệt đới, ôn đới ta có Sapa, Đà Lạt, và cả bán sa mạc như Ninh Thuận, và một phần Bình Thuận. Riêng rừng [bạc] và biển [vàng] Việt Nam thì miễn chê.
Chuyển sang kể giàu. Việt Nam hình thành từ hai nền văn minh: Đại Việt và Champa, cùng vài nền văn minh “nhỏ” khác không phải là không oách: Óc Eo, Cát Tiên, Thủy Chân Lạp.
Việt Nam có 54 dân tộc với nền văn hóa bản địa và ngôn ngữ khác nhau. Giàu quá đi chứ!
Dự án thép Cà Ná ngưng, kết thúc bài viết, tôi nhấn “Ninh Thuận thực sự cần gì? – Nước, Văn hóa Cham và Du lịch bán sa mạc”. Làm tốt ba chuyện đó, giàu và đẹp là cái chắc.
Với Bình Thuận, nó còn hơn thế.
(*)
Sáng 6-9, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Thị Lệ Thủy trao đổi với Tuổi Trẻ Online:
“Mỗi cái đều có lợi hại, ưu nhược điểm nhưng việc chọn phải cân nhắc rất kỹ và đưa ra nhiều phương án. Trong đó, cần chọn phương án nào tối ưu nhất, hạn chế thấp nhất mất diện tích rừng hay sử dụng rừng tốt, nguyên sinh.
Với dự án này, Chính phủ chọn phương án tối ưu và yêu cầu trồng rừng thay thế, gấp 3 lần diện tích rừng sử dụng (hơn 1.800ha).
Như vậy, khi lựa chọn được cây trồng phù hợp sẽ đảm bảo giảm thiệt hại tối thiểu rừng nguyên sinh. Đồng thời, vẫn đảm bảo mật độ che phủ rừng của tỉnh và có thể tăng lên. Do đó, có thể tạm chấp nhận nếu thực sự đúng như số liệu Chính phủ trình Quốc hội”.
P.S. Hãy xem liệt kê rất đáng tham khảo của Tuệ Không, 2020:
Nếu người dân ở đây biết trân trọng núi, rừng, biển. Biết tôn kính Rồng thì việc mời Song Long thức dậy chẳng khó. Tôi ví dụ 1 số điểm rất lợi mà Bình Thuận đang sở hữu:
1. Năng lượng điện, gió vô tận.
2. Bờ biển dài hơn 140km
3. Có rừng vàng bạt ngàn.
4. Là nơi có thể du lịch quanh năm, vừa đi rừng, vừa đi biển trong vòng 1 ngày.
5. Có cảng hàng không đủ đón 2 triệu lượt khách 1 năm.
6. Có 2 cảng biển lớn: 10.000 tấn và 2.000 tấn.
7. Nằm cạnh đường hàng hải quốc tế.
8. Có tuyến đường sắt huyết mạch Bắc – Nam chạy qua.
9. Diện tích đất trống còn quá nhiều, những cồn cát có thể phủ xanh biến thành đô thị sầm uất.
10. Cách các trung tâm lớn như : Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng không quá xa.
11. Là thiên đường nghỉ dưỡng, nơi có nhiều resort đẹp nhất VN.
12. Cực kỳ hiếm khi Bình Thuận bị bão đi vào.
… Còn nhiều nữa tôi chưa kể hết. Hãy nhớ: LONG MẠCH KHÔNG ĐƯỢC PHÁ.