Khó có người nào hay việc gì đó khiến tôi buồn, trong khi mỗi bận đọc Ariya Glang Anak là mỗi lần tôi rơi vào buồn sâu, dù không biết bao lần đọc thi phẩm mỏng này. Đã thuộc nó từ 4 tuổi, tôi vẫn cứ đọc lại.
Không lạ, Nguyễn Du tự nhận đã đọc Kinh Kim Cương cả ngàn lần. Cũng không ngoa, khi Mộng Liên Đường chủ nhân cho Tố Như là người “có con mắt nhìn xuyên sáu cõi, có tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời”.
Tác giả Ariya Glơng Anak cũng hệt: nhìn thấu suốt quá khứ tương lai Cham.
Mươi ngày, tôi mời một vị Gru urang về nhà, đóng cửa làm một hơi Kinh sách thuộc hệ này. Công đoạn đầu, coi như ổn. Ba lần như vậy, sau đó tôi dành một tháng duyệt lại lần cuối – là xong.
Thường thì sau mỗi thành quả, năng lượng tôi tăng dzọt, nay hơi khác. Dạng Kinh này chủ yếu đưa vào đời sống, cho một sinh linh Cham từ mở mắt chào đời cho đến về với ông bà.
Nhìn lại, tôi suy tư về nó, về người tiếp nhận nó, rồi đọc lại Ariya Glang Anak. Và rơi vào buồn sâu. Sâu thăm thẳm. Trường ca vỏn vẹn 116 cặp ariya [lục bát Cham] mà đựng chứa cả một trời nỗi đời và cuộc người. Ông Glang Anak nói gì?
1. Nhận thức sâu thẳm hiện thực Cham;
2. Về đời người, rằng sống luôn là một thách thức;
3. Với người, cần giải sân hận, mở lòng bao dung, và yêu thương;
4. Với văn hóa dân tộc, Cham tìm về nguồn cội;
5. Sứ mệnh trí thức: biết lan tỏa nỗi Cham ra thế giới bên ngoài;
6. Bắt đầu lại từ điều nhỏ bé nhất, để sống và hi vọng;
7. Bản thân thi nhân: Nhẫn và nhịn, thành tâm và khiêm cung. Và cô đơn, cô đơn mà dũng cảm vô song…
Là 7 thông điệp cần thiết và cấp thiết với Cham, ở hôm nay và ngày mai. Đâu là phản hồi khả dĩ nhất?
Đọc Ariya Glang Anak, không thể không buồn.
THI CA VÀ THI SĨ, Hành hương Em-1999
Không là gì – không vì đâu
một giọng nói mỏng manh dễ đổ
vãi gieo vô hình trên cánh đồng ngữ ngôn chưa vỡ
cứ hi vọng mùa sau
Không gầy nửa khoảng không làm đất đứng
đi – như nỗi trầm tư
không là gì – không vì đâu
một hơi gió xâu dài thế kỉ
Mãi vũng áo cơm – mãi đỉnh cô đơn
khiêm cung giữa bạt ngàn đau khổ
thắp nắng dăm ba số phận mọn hèn
Không là gì – không vì đâu
đi – như là ở lại.