Serie này, tôi đăng loạt bài Minh-triết-Cham, nhằm giúp Cham hôm nay tiếp nhận tinh thần minh triết của ông bà, qua đó: Sống nhân văn, hòa bình và sáng tạo.
+
Đại biến động ở đầu thế kỉ XIX, cả dân tộc chạy tìm thoát thân. Tràn lên núi cao, băng sông qua Cambodia, Thái Lan, hay vượt biển sang Malaysia. Từ miền Trung thiên di vào nam, đến miền đất cuối thì dừng lại, dựng chòi tạm và… chờ tàu. Các chuyến tàu đến và đi, và… Cham chờ đợi. Ariya Glang Anak:
Bbôh ra điik janưưk patih tabiak mưrai
Radang di lamngư Pajai…
Thấy người lên thuyền ngự trở về
Đậu ở cửa biển…
Nhưng rồi tàu đi, đi mãi… Họ bị bỏ lại, trở về lập làng, dựng ‘ghur’, ‘kut’ và sống. Bumi và Mưli thuộc xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân tỉnh Bình Thuận hôm nay, chính là những sinh linh mắc kẹt kia. Mắc kẹt và ở lại.
Ariya Glang Anak cũng đã đi, hướng biển, như ta biết. Nửa chừng, ông dừng lại. Đến giữa biển cả cát bồi, ông đứng đó – suy tư về thân phận ông, về sinh phận dân tộc. Đột ngột ông có cái quyết định chết người: quay về.
Dook tha drei tha nưgar di krưh hanrai
Di krưh tathiik cwah hajai…
Ngồi một mình một vùng giữa cồn xa
Giữa biển cả cát bồi…
Phải bản lĩnh ghê gớm, bản lĩnh vượt bỏ mọi nỗi sợ, mọi rào cản cái tôi nhỏ bé, mới có thể đi đến quyết tính phi thường ấy. Không trách người đã bỏ xứ ra đi, bởi không thể trách. Glang Anak như một đại Bồ-tát đã đi qua bờ bên kia, và trở lại, phổ độ chúng sinh. Chính giây phút ông đưa ra quyết định ấy đã cứu sinh mệnh chính trị ông, qua đó – cứu chuộc cả một dân tộc. Giữa bóng tối đen mò của lịch sử, một sinh lộ vừa hé mở cho con dân Cham.
Tôi, ở tuổi 20 ở mỗi “bài thơ” hay kí bút danh: Bodhisatta-artist Inra Hanrang. Ghê vậy đó, tuổi trẻ mà! Bồ-tát nghệ sĩ hiểu theo nghĩa Ariya Glang Anak.
Ở tiểu thuyết sử thi Con đường vô tận-1991, tôi tưởng tượng ra cảnh ông trở về: ‘Ưn’ nhẫn nhục tối đa với kẻ thù, ‘ppalai tung tian’ mở lòng với đồng tộc, và bắt đầu lại từ cái nhỏ nhất [đoạn cuối của trường ca], để có hi vọng nhỏ bé mới. Riêng mình: cô đơn.
Ở công trình Văn học Cham khái luận-1994, tôi viết về Ariya Glang Anak: “Chỉ có tu sĩ Bà-la-môn thường xuyên nội quán mới giáp mặt được với cái cô đơn này trong sát-na hoát ngộ khi chạm phải tận đáy nỗi đau khổ của con người”.
Hơn thế, ông đã qua bờ bên kia “đáo bỉ ngạn”, và tự nguyện trở lại bờ này với sinh phận con dân Cham. Ông là BỒ-TÁT CHAM đích thực,
Thuộc lòng Ariya Glang Anak từ năm lên bốn, sau đó lớn lên, tôi đắc đạo Cham và “sống dưới dấu hiệu Glang Anak”…