[lời bàn chỉ giới hạn trong phạm vị trí thức Cham]
“Tôi nghĩ các cán bộ là người dân tộc thiểu số hay người Việt đang công tác ở vùng đồng bào dân tộc, cần nắm vững chính sách dân tộc của Chính phủ. Nắm vững và dũng cảm thực hiện mà không ngại bất kì thế lực nào, miễn mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng. Như thế, nếu không sợ những điều không đáng sợ, trí thức Cham vẫn có thể làm nên nhiều chuyện.”
(Tạp chí Văn hóa Dân tộc, số 1-2006)
Ở tút “Thế nào là một Cham”, tôi có nhấn về việc làm sao tiếng nói một trí thức Cham được: Chức sắc, quần chúng, chính quyền và trí thức ngoài Cham tin tưởng và chờ đợi.
Muốn như thế, không phải ngày một ngày hai mà có được. Bạn cần có ý thức TU & LUYỆN dài ngày, và luôn kiểm thảo lại mình. Sau đây là vài yêu cầu:
– Vị thế chuyên môn, như nhà báo, nhà văn, nhà nghiên cứu, giảng viên chẳng hạn. Hoạt động ở lĩnh vực “trí thức”, tiếng nói bạn sẽ có sức nặng hơn.
– Thành thật, không thật lòng, bạn đưa các thông tin thiếu trung thực thì chớ mong ai đó tin bạn.
– Không hèn, làm cán bộ bạn càng không hèn. Tôi biết không ít cán bộ là Cham luôn thoái thác vấn đề bằng lối nói “các anh ở ngoài nói dễ hơn”. Lạ lắm! Bạn ở “trong”, bạn hiểu, bạn ở “gần mặt trời” bạn nói với trên dễ hơn anh chị em ở xa, ở ngoài chứ!
– Lánh xa tiền, bởi món này dễ bị tạo sự nghi ngờ nhiều nhất.
Từ các yếu tố trên, việc làm của bạn mới có hiệu quả, bạn truyền năng lượng tích cực đến xung quanh, cuối cùng tiếng nói của bạn càng được tin tưởng hơn.
Lên tiếng phản biện không đồng nghĩa với chống đối, mà là biết làm tròn TRÁCH NHIỆM CÔNG DÂN. Bạn thấy sai, bạn nói. Bạn giải minh nguyên do dẫn đến cái sai đó. Bạn đưa ra hướng giải quyết khả dĩ nhất có thể.
Qua tiếng nói của bạn, chính quyền nghiên cứu tìm kế sách thích hợp, từ đó dẫn đến đất nước ổn định, xã hội tiến bộ, văn minh.