Chuyện văn chuyện đời-16. NHÀ VĂN LẬP KHÔNG BIẾT LẬP HỒ SƠ-bis…

Nhà văn Việt Nam không biết lập hồ sơ về mình, Nguyễn Hưng Quốc nói thế. Muốn viết cho hết ngọn ngành về một nhà văn Việt, cực khó, nhà phê bình phải làm công tác sưu tầm.

Ngoài kia, nhà văn Tây nó khác, họ luôn có sẵn, cứ vào đó mà khai thác. Như Dostoievski, từ đống thư từ đầy lỗi ngữ pháp của ông, Gide đã viết một tác phẩm để đời.

Nhật kí hay thư từ, từ cái gì họ viết cho đến mấy thứ thiên hạ bàn về họ. Hay và dở, xấu lẫn tốt, vài dòng sơ sài cho chí thư chục trang. Mà nhật kí, họ kể tuốt tuồn tuột, và giữ không chừa thứ gì, cả ở người thân và bằng hữu.

2003

Ta thì không, như thể bất cần đời ấy, trong khi ta rất cần đời. Ứng xử hệt một nhà sư “đắc đạo” nữa, trong lúc lòng ta thèm nổi tiếng quá đỗi! Nếu có lỡ viết, ta hủy đi, còn có giữ lại thì chỉ giữ cái tốt, cái đẹp.

Không nguyên do nào khác, ngoài sự hời hợt tâm hồn.

Hời hợt, ta làm phiền nhà phê bình, người làm sử. Từ đó dẫn đến “phê bình giai thoại”, sử gia huyền thoại có đất sống.

Tôi hơi khác, sẽ kể chuyện mình sau.

Hôm qua 13-6-2023, tôi và Jaka lên tháp Pô Rômê làm video, ghé anh Bá Văn Trinh ở Hamu Tanran hỏi thăm về “Địa dư chí làng”, anh nói chắc không quá trăm trang nổi. Tôi bảo thế đã quý rồi, gợi mở thêm.

Sau loạt bài: “Bạn có hiểu palei bạn không?”, “Bạn có yêu palei bạn không?”, rồi gợi ý cho non mươi người viết về làng mình. 15 năm qua mới có tôi, thêm một nữa! Dễ ơi là dễ, tôi nghĩ thế, nhưng không. Bởi không ai ghi chép về làng mình cả, ngay ghi chép về mình, gia đình mình cũng không.

Vậy ta yêu cái gì nhỉ? Lẽ nào không yêu mình, không yêu gia đình, hay quê nhà mình?

Chuyện làng là vậy, chuyện Kut Nghĩa trang tộc họ cũng hệt. Kut Banơk Patau [Đâp Đá] làng Palao của tộc họ ông ngoại tôi vừa dời về làng mới, muốn viết lai lịch mà chẳng ai biết đâu là đâu. Quý ông tuổi bát thập kí ức suy tàn, nét mực không có, nhớ bập bõm. Thế nên cả năm qua người của Họ cậy đến, tôi vẫn bất lực.

Đâu là nguyên do?

Chiến tranh liên miên, sợ bị phát hiện tung tích, chỉ góp một phần. Nguyên do chính là thiếu thói quen ghi chép, truyền thống cất giữ, cuối cùng là nỗi hời hợt của tư duy.

Làm gì?!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *