“Văn chương nào phải là đơn thuốc
Chớ có khuyên xằng chết bỏ bu”
Bác Tú Xương nhà ta cánh giác đó, chớ có đùa!
Dân chữ nghĩa Việt Nam lạ lắm, nặng mang thứ mặc cảm thừa ơi là thừa. Nguyễn Tiến Văn la, nhà văn lo sáng tác đi lại mày mò dịch, chỉ để tỏ ra ta đây biết ngoại ngữ. Tiến sĩ hay quan lớn về hưu thì làm thơ, nhằm tô sang bộ mặt. Còn kẻ sáng tạo lại thích đi… dạy thiên hạ viết văn.
Có thể không? W. Saroyan vừa nổi tiếng, được vài nơi mời, ảnh cũng đi – dại gì từ chối. Cũng kê đơn hoàn tán, muốn viết văn hay phải thế này thế nọ. Để rồi sau tuần mãn khóa, anh nói: toàn thứ nhảm thôi, quên nó đi.
Vậy mà nghe nói có nhà văn Việt Nam mở lớp dạy… viết văn có thu học phí! Hư bọn trẻ thì có.
Tôi làm hư “thế hệ trẻ non dại” kiểu khác.
Dịch giả Nguyễn Thành Nhân viết về phê bình của tôi, rằng “có cảm giác Inrasara đã đi quá xa khi muốn trở thành một chủ soái văn nghệ và lái thế hệ trẻ non dại theo hướng nghĩ của anh”.
Chuẩn luôn! Tôi đã lái thế nào? Không phải “dạy”, mà bày cách cắt đuôi và PHÁ.
Tôi cho phê bình không chỉ đi sau, mà còn song hành, thậm chí đi trước sáng tác. Tôi đã làm như thế như thế, loài phê bình khả tính “dẫn đạo” sáng tác, là cách truyền lửa chứ không cầm tay chỉ việc.
Ở trường, về căn bản “bọn trẻ” đã được học những gì cần học. Trường học đào tạo con người tiêu chuẩn, ra đời kẻ tiêu chuẩn kia luôn bị đánh bại bởi tay phá chuẩn. Trong chốn văn chương chữ nghĩa lại càng.
Danh họa Paul Klee lúc ngồi lớp, đã học ra học; rồi thì vào bảo tàng ngồi sao tranh của những bậc thầy đầy khiêm cung. Sau đó: QUÊN & PHÁ.
Ở Hội Văn học – nghệ thuật Tuyên Quang, một buổi về “Làm thế nào có bút kí hay?”, tôi đi xa đề. Ra ngoài có bạn hỏi hà cớ, tôi đùa:
– Sara cũng có kê đơn mà, 7 phương thuốc cả thảy, rồi thôi. Còn ai muốn viết bút kí hay, cứ đọc báo Văn nghệ, ở đây tôi gợi mở về bút kí khác lạ, và lớn.
Như Alexievich qua: Lời cầu nguyện từ Chernobyl, Chiến tranh không mang khuôn mặt một người phụ nữ động cập đến vấn đề nóng nhất của thế giới hôm nay, bằng cách nhìn khác, từ đó nhận định và thể hiện khác, điều chưa nhà nào trước đó làm.
Gần hơn, Ngô Thế Vinh bằng Cửu Long cạn dòng, Biển Đông dậy sóng mang tính đánh động, dự báo nhiều năm trước khi sự kiện Biển Đông nổ ra. Ông không gọi tác phẩm của mình là fiction, mà là “faction” – thứ tiểu thuyết sự kiện. Là bút kí “trá hình”!
Hay Inrasara, với Đối thoại Fukushima, kí từ Chakleng quê tôi đến Nhật Bản qua Úc đến tận đảo nhỏ ở Đài Loan. Trong đó có kể và tả, có đối thoại và thơ, sự thực và mộng tưởng. Tôi gọi đó là bút kí hậu hiện đại.
Tất cả đều dành cả đời để sống với, qua, bằng và thở hơi thở của NÓ, sau đó nhảy ra và… viết. Họ không cần thầy chỉ bảo, nói chi là dạy.