Chuyện văn chuyện đời-07. ĐỐI THỦ LỚN

Tút “Chuyện văn chuyện đời-06. Nỗi cũ nhai lại…”, bạn Nguyen Trinh nghĩ tôi “dỗi à, dỗi với ai, với HT?” Không dỗi đâu, mà ngán. Cũng không phải ngán nữa, mà… làm việc khác, ý nghĩa hơn.

Như vầy, anh Hữu Thỉnh với tư cách Chủ tịch Hội Nhà văn đã không thích Bàn tròn Văn chương, là chuyện xưa rồi, từ 2007-08 cơ, nếu có dỗi là từ ấy. Từ ấy, Sara còn hăng, lì nữa là khác. Mà ngán. Tại sao?

Tôi lỡ sinh ở Việt Nam, làm Cham nên… khộ, nói đùa thế. Ngay từ bé, tôi khác xung quanh. Ăn cơm, Cham khoái cà dòn mắm nêm, tôi thấy hai món là né; điểm tâm, đám bạn: phở, bún bò giò heo, tôi: bánh mì, bơ với cà-phê là đỉnh – như Tây. Sinh hoạt, Cham không bỏ nề nếp đi giúp đám lễ, tôi “sapa”. Bạn học thời Trung học đọc Tự lực Văn đoàn, tôi mê triết, toàn thứ dữ: Heidegger, Kant…

HTX Văn chương Việt, đa phần ưa nói tránh, luôn khiếm danh, tôi: thẳng và thật, nêu tên tuổi và địa chỉ cụ thể.

Bài “Điểm danh 10 căn bệnh phê bình văn học hôm nay” đăng báo Văn nghệ Trẻ, báo bỏ hết chú thích. Gửi nó cho Talawas, bị một nhà phê bình hạch, tôi phải xin lỗi và bao biện là, bài in trong Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo-2006 có đủ đầy, do bản báo cắt thôi.

Tôi hiếm khi phê bình [ai trước], mà chỉ phê bình phê bình. Phê bình thì cần có địa chỉ rõ ràng chứ không theo kiểu “như một nhà văn đã nói”, hay “một giáo sư Mĩ viết trên tờ báo rằng…”.

Nhà phê bình NH phê Lê Anh Hoài, do mơ hồ mà anh em ở Hội DTTS nghĩ là phê tôi, hỏi “sao anh Sara không trả lời”. Khi ông này phê tôi không nêu tên, tôi mới kêu “cần có địa chỉ và tên tuổi rõ ràng, cụ thể”, thì ông bảo vì… tôn trọng tôi. Tôn trọng kiểu gì kia chứ! 

Dân chữ nghĩa nước mình lạ thế. Tôi chơi khác, từ đó gây mất lòng bộn. Mà toàn mấy anh có vai vế, mới ớn. Ước gì ở đó tôi có được đối thủ lớn [hay lơn lớn], để có thể chiến sòng phẳng và sạch sẽ. Nhưng không.

Mất lòng còn đỡ, đằng này, bị méc. Méc cũng chả sao, tội là nó ảnh hưởng. Tang chứng: Vừa lên “chức” Chủ tịch Hội đồng Thơ, tôi bị công phá tứ bề. Không hề gì, nếu chỉ là lời nói gió bay. Lạ, từ đó không ít bạn tôi ở Đại học hay các tổ chức cho tôi hay, Bạn tổ chức cứ sợ gium lo trước: Cũng muốn mời, nhưng phiền lắm, “Sara là nhân vật có vấn đề”.

Cụ thể, “Đứa con của Đất” với “Tặng phẩm của dòng sông” được chọn vào chương trình mới sách đọc thêm cấp III từ mấy năm trước, năm nay “Đứa con của Đất” bị ách lại, nguyên do bị méc: “Inrasara ở trong Văn đoàn Độc lập”. Nói sai mà nói mãi cũng có người nghe.

Và còn nhiều nữa…

Viết hay thuyết mà không ra “vấn đề” thì chữ nghĩa để làm gì cơ chứ!? Tôi lại là kẻ ưa khai phá, mê cái mới, yêu điều chưa biết. Luôn là [một trong vài] kẻ khởi đầu.

Chung có: Nhà văn Việt di cư ngôn ngữ, Nhà văn ma, Văn chương mạng, Phê bình Lập biên bản, Văn học ngoại vi Việt Nam, Hậu hiện đại và thơ hậu hiện đại Việt, Về đâu Tân hình thức Việt?…

Cham là: Minh triết Cham, Hải sử & văn hóa biển Cham, Cham đóng góp gì vào văn hóa đa dân tộc Việt Nam? Chế độ Mẫu Cham và 3 không, Tại sao Cham không xâm lấn đất người khác?…  

Từ đó, hết minh định đến giải minh, đính chính. Mọi mọi ấy không là “vấn đề” mới lạ! Có vấn đề thì có chuyện. Nietzsche: Kẻ đi tiên phong bao giờ cũng bị hi sinh. Thôi thì, làm Bùi Giáng cho sướng đời:

Giã từ cõi mộng điêu linh

Anh về buôn bán với mình phôi pha

Thuk siam!

+

Anh dỗi à, dỗi với ai. Ông HT nghỉ rồi, giờ là ông Thiều. Mà HT nói vậy nhưng k0 phải vậy, lèo lái hội cũng mấy nhiệm kỳ. Anh làm là làm cho dân cho nước, chứ k0 phải cho cá nhân ai cả. Theo em thì anh bỏ mấy cái chữ nho, mấy cái án hương ra khỏi tháp Chàm là thành công rồi.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *